Sập cầu Cần Thơ ai chịu trách nhiệm

10 năm trước, sáng sớm 26-9-2007, tại gói thầu số 2 công trình xây dựng cầu Cần Thơ bất ngờ sự cố xảy ra. Hai nhịp dẫn (dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m) giữa ba trụ cầu đang được xây dựng bất ngờ đổ sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư, bảo vệ công trình đang làm việc xuống đất.

Vụ tai nạn khiến 55 người tử vong, 80 người bị thương. Trong tổng số 55 người tử vong có đến 34 người ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long…

“Làng chết chóc” bước qua đau thương

Những ngày giữa tháng 9, sau 10 năm ngày xảy ra thảm nạn, chúng tôi trở lại Mỹ Hòa. Cầu Cần Thơ nằm đó vươn cao vững chắc, là thành quả từ mồ hôi, công sức của các công nhân trong suốt 2.000 ngày lao động và một phần máu thịt của những người đã nằm xuống.

Vòng qua phía dưới cầu, tôi ghé Bồ Đề Cổ Tự. Đây là nơi đặt tấm bia tưởng niệm các nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Tấm bia lớn viền đỏ nền đen khắc tên 55 người đã tử nạn. Đã 10 năm từ khi tai nạn thảm khốc xảy ra, nỗi đau vẫn còn đó nhưng người dân nơi đây đã biến những nỗi đau ấy thành động lực vươn lên.

“Làng chết chóc” năm nào giờ tràn trề sức sống. Chúng tôi ghé nhà bà Lê Thị Dợn (55 tuổi) có chồng là ông Nguyễn Văn Sớt tử vong trong vụ sập cầu. Vừa mới trở về từ bệnh viện vì căn bệnh đau tim, bà Dợn cho biết sự việc xảy ra cách đây 10 năm nhưng mỗi lần nhớ đến là tim bà lại đau nhói. Theo bà Dợn, vì trả nợ tiền xây nhà nên chồng mới đi làm công nhân nhưng mới làm được một tháng thì tai nạn xảy ra.

Thời điểm này đứa con gái Nguyễn Thanh Loan đang học năm nhất ĐH Cần Thơ, còn đứa con gái út Nguyễn Thanh Tiền chỉ mới vào mẫu giáo. Trụ cột gia đình không còn, một mình bà bươn chải nuôi con, dù vất vả thế nào cũng quyết không để con dang dở việc học. “Ổng mất nhưng nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, hai chị em nó có cái sổ tiết kiệm kha khá nên con Loan không phải nghỉ học. Nó ra trường rồi đi làm ở ngân hàng bên Cần Thơ, cũng chồng con rồi. Còn con út thì đang học lớp 11” - bà Dợn chia sẻ.

Sập cầu Cần Thơ ai chịu trách nhiệm

Phạm Thị Ngọc Hân cùng ông bà xúc động khi nhắc lại quá khứ 10 năm trước. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cùng cảnh mất chồng với bà Dợn, một mình gồng gánh tất cả nhưng chị Hà Thị Kiều Vân vẫn cố gắng nuôi dạy con gái Lê Thị Anh Thư ăn học đến nơi đến chốn. Ngày chồng mất Thư chỉ đang học mẫu giáo và giờ cô bé đã là nữ sinh lớp 10 Trường THPT Bình Minh. Nhờ vào số tiền bồi thường và hỗ trợ, chị mua hai công đất trồng bưởi, tích góp dần dần, chị mở thêm cửa hàng mua bán cạnh UBND xã, tạo thu nhập cho hai mẹ con. “Còn số tiền từ sổ tiết kiệm thì chỉ để dùng lo cho con ăn học để không có lỗi với người đã mất và phần nào xoa dịu cảnh mẹ góa con côi” - chị Kiều Vân tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, cho biết: “Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng bưởi. Trước thời điểm vụ tai nạn xảy ra kinh tế chỉ phát triển ở mức trung nhưng vài năm đổ lại đây kinh tế địa phương phát triển cao do giá bưởi tăng. Đời sống người dân được nâng cao hơn nhiều, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của bà con, xã cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, tích cực vận động người dân lo chí thú làm ăn. Một tin mừng là xã Mỹ Hòa giờ đã đạt danh hiệu nông thôn mới”.

Những đứa trẻ lớn lên từ sự cố

Theo ông Huỳnh Minh Thiệt, Chủ tịch UBMTTQ VN xã Mỹ Hòa, xã có khoảng 70 em học sinh có thân nhân là nạn nhân trong vụ tai nạn. Trong đó nhiều em đã vượt qua nỗi đau, cố gắng học tập thành tài, phục vụ quê hương.

Điển hình là trường hợp của Lê Quang Tình (31 tuổi, ngụ xã Thành Lợi, thị xã Bình Minh) đang công tác tại UBND xã Thành Lợi. Tình là con của ông Lê Văn Thạnh, bị tử nạn ngay trong ngày đi làm đầu tiên. Còn Tình khi ấy đang là sinh viên năm thứ hai trường trung cấp. Cha mất, Tình nhận được sổ tiết kiệm hỗ trợ đối với hoàn cảnh có người thân tử nạn. Số tiền không là bao nhưng nó phần nào giúp Tình trang trải việc học tập. Tốt nghiệp ra trường, Tình trở về phục vụ quê hương nơi cha mình đã có công xây dựng. Tại UBND xã Thành Lợi, Tình được phân công làm trưởng ban Nhân dân kiêm bí thư chi bộ của ấp Thành Đức.

Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85 km. Cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, TP Cần Thơ và thị xã Bình Minh, thị xã Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư 295 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Sập cầu Cần Thơ ai chịu trách nhiệm

Cầu Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25-9-2004. Ban đầu cầu Cần Thơ được dự kiến khánh thành vào ngày 14-12-2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26-9-2007 nên cầu Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24-4-2010.

Một trường hợp khác khá thương tâm là hai chị em Phạm Thị Ngọc Hân và Phạm Thị Ngọc Trân - con nạn nhân Phạm Thanh Hùng. Khi cha mất, Hân đang học lớp 7, còn em gái mới học mẫu giáo. Nỗi đau chưa vơi thì mẹ của Hân cũng qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo sau đó. Cùng lúc mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em Hân phải về nương tựa ông bà ngoại.

Như bao đứa trẻ mất cha khác, chị em Hân cũng có sổ tiết kiệm nhưng chẳng thấm vào đâu. Có lúc tưởng con đường học vấn của hai chị em phải dừng lại vì một phần tiền đã dùng để lo trị bệnh cho mẹ trước đó. Nhưng bằng sự ý chí, nghị lực của bản thân, Hân giành được suất học bổng toàn phần của Vinamilk và tiếp tục con đường học vấn của mình.

Vừa trở lại nhà từ Phú Quốc, Hân cho biết hiện mình đang làm việc trong khách sạn Vinpearl, thu nhập ổn định, còn em gái đang học lớp 11. “Bây giờ em có công việc ổn định và đủ khả năng để lo cho em. Số tiền còn trong sổ tiết kiệm em sẽ giữ lại như là kỷ niệm của cha mẹ để hai chị em tiếp tục phấn đấu” - Hân tâm sự. Nhìn hai đứa cháu gái ngoan ngoãn, ăn học thành tài, ông bà ngoại Hân không khỏi tự hào và cảm thấy an ủi trước vong linh con.

Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ

Chiều 23-9, đoàn kỹ sư người Việt Nam đã đến chùa Bồ Đề để thắp hương tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 10 năm trước.

Ông Nguyễn Vũ Long, trưởng đoàn, cho biết từ sau vụ sập cầu đến nay, năm nào các kỹ sư phụ trách tại công trình cầu Cần Thơ đều hẹn nhau đến chùa để thắp hương tưởng niệm.

Trước bia tưởng niệm 55 nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, đoàn kỹ sư bày tỏ lòng tri ân đến các công nhân đã góp một phần công sức, sinh mạng vào việc hoàn thành cây cầu to đẹp như ngày hôm nay, đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL.          

Đã có ý kiến cho rằng, việc thử tải (bắt buộc) hình như không được bên thi công cầu Cần Thơ tiến hành, mục đích là để bớt xén chi phí thử tải. Khi cầu sập, hoài nghi về trách nhiệm chia đều cho cả phía thi công (TKN của Nhật) lẫn phía nhà đầu tư (BQL Dự án cầu Mỹ Thuận của Việt Nam).

>> Sập cầu Cần Thơ: Năng lực quản lý yếu hay thi công cẩu thả

Nén nhang cho những người không trở về

Ngay trong chiều 26/9, ngày xảy ra thảm họa, cùng với một đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ đang có mặt tại hiện trường, chúng tôi đã phát biểu ý kiến cần có một bát nhang để thắp hương cho những người xấu số đã thiệt mạng trong đống đổ nát.

Ý kiến này ngay lập tức đã bị một kỹ sư người Việt gạt phắt. Anh ta cho rằng, “người Nhật rất “kị” việc cúng bái”, rằng “tại công trường, an toàn là trên hết...”.

Chữ “an toàn” được nhắc đến khi đã có tới trên 50 người chết và mất tích, gần cả trăm người khác bị thương trở nên lạc điệu và suýt nữa châm ngòi cho một cuộc cãi vã, xô xát giữa người "lỡ lời" và cánh báo chí.

Rất may, đó chỉ là ý kiến thiếu thận trọng của duy nhất một cá nhân. Dù biết là không bao giờ, không điều gì có thể bù đắp nổi tổn thất quá lớn về nhân mạng, những người còn được sống vẫn mong muốn làm một điều gì đó để vơi bớt những đau đớn, xót xa và an ủi vong linh người đã khuất. 

Không đợi đến lúc thi thể cuối cùng được đưa lên, chiều ngày 30/9, một buổi lễ truy điệu trọng thể được tổ chức ngay tại hiện trường vụ tai nạn. Hàng ngàn người đã đến dự. Có cả những nhà sư và phật tử từ TP HCM xuống. Có cả những vị cao niên và tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo từ Long Xuyên lên. Có rất đông vị lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Sập cầu Cần Thơ ai chịu trách nhiệm
Hàng ngàn người dân tham dự lễ truy điệu.

Không ai cầm được nước mắt. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khóc: “Từ đáy lòng mình tôi xin được gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, đến những người bị nạn và gia quyến. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những kỹ sư, công nhân chẳng may bị nạn. Chúng tôi ghi nhận những đóng góp to lớn của anh em trên công trường xây dựng nối liền hai bờ sông Hậu...”.

Tóc bạc trắng, lưng như còng xuống, ông Chủ tịch HĐQT Liên doanh TKN (Teisei - Kajima - Nippon Stell) Kanji Hayama cúi đầu rất lâu và rất thấp, giọng nghẹn chẳng thành lời: “Tự đáy lòng mình, cho phép tôi được gửi lời xin lỗi tới vong linh của những người đã mất”.

Đứng cạnh bên ông, Đại sứ Nhật Bản, ngài Norio Hattori cũng cúi đầu, tay cầm hương run run và nước mắt nghẹn ngào...

Ngày 1/10, thêm một nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện đã tắt thở, nâng tổng số người chết lên đến con số 50. Dù làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, dù đã huy động tối đa mọi phương tiện, dù những công nhân tìm kiếm cứu hộ đã vắt kiệt sức, vẫn còn lại 3 nạn nhân đang mất tích trong đống đổ nát là Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Hơn, Lê Hoàng Quốc Việt chưa được tìm thấy.

Việc đào bới, tìm kiếm vẫn tiếp tục và chỉ tạm ngừng lại vào 1h sáng ngày 2/10, khi cơn mưa như trút nước bất ngờ đổ xuống và kéo dài hơn 1 giờ.

Mưa vừa thưa hạt, những chiếc máy xúc, máy cẩu lại rầu rĩ cất tiếng, những người công nhân lại hối hả vào việc. Cho dù những hy vọng cuối cùng về việc tìm thấy một điều kỳ diệu nào đó đã không còn nữa, nhịp độ của cuộc kiếm tìm vẫn không hề chùng xuống.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Từ cuộc họp báo công khai chiều 29/9, ông Chủ tịch Tập đoàn liên doanh TKN của Nhật Kanji Hayama đã hơn một lần tuyên bố: phía nhà thầu Nhật Bản sẽ gánh chịu tất cả trách nhiệm đền bù thiệt hại đối với những mất mát của các gia đình nạn nhân.

Ông khẳng định: “Mọi đáp ứng đối với gia đình người tử nạn và bị thương, chúng tôi sẽ làm với tất cả khả năng và thành ý của mình”.

Đại sứ Nhật Bản, sau lời xin lỗi cũng đã hứa rằng, phía Nhật sẽ cố gắng hết sức để không bao giờ tái diễn một thảm họa như vậy nữa.

Sập cầu Cần Thơ ai chịu trách nhiệm
Đại sứ Nhật Bản, quan chức nhà thầu và nhiều cán bộ cao cấp thắp hương tưởng niệm.

Dù cả phía nhà thầu lẫn cả chính phủ nước trợ vốn đã nhận trách nhiệm cũng như đưa ra những cam kết, câu hỏi ai và từ đâu là nguyên nhân dẫn đến tai nạn dường như vẫn là câu hỏi lớn nhất dứt khoát phải được trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, ngày 24/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã có buổi làm việc với BQL Dự án Mỹ Thuận (đơn vị chủ đầu tư) về tiến độ xây dựng cầu Cần Thơ.

Cả hai gói thầu 1 và 3 thi công đường dẫn vào cầu đều được đánh giá là chậm tiến độ so với kế hoạch. Gói số 1 mới hoàn thành 33,6% so với kế hoạch 50,5%. Gói số 3 chỉ đạt hơn 42%, trong khi kế hoạch là 47,9%. Chỉ duy nhất gói thầu số 2 (gói thầu vừa xảy ra tai nạn) lại đạt tới con số 66%, vượt mức kế hoạch.

Những lời nhắc nhở, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chỉ dành cho hai gói thầu 1 và 3, trong khi gói thầu số 2 được xem như đã hoàn toàn đạt “chỉ số hài lòng” trong quan điểm của Bộ GTVT.

Không những thế, trong cuộc họp này, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã “đồng ý về nguyên tắc” việc áp dụng chỉ số riêng biệt để tính trượt giá thép cho gói thầu số 2 (quy định trong hợp đồng là 50% thép nhập từ Nhật Bản, gồm 36 loại) nhằm để đảm bảo chất lượng công trình đồng thời không thay đổi vật liệu xây dựng.

Hai ngày sau, cầu sập, đoạn sập rơi đúng vào gói thầu đã được Bộ GTVT đánh giá "hài lòng".

Rõ ràng khâu giám sát chất lượng công trình cầu Cần Thơ, từ phía Bộ GTVT đã không được thực thi đầy đủ. Ngay cả một thứ trưởng của Bộ cũng không hề biết đến những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự sụp đổ công trình sẽ diễn ra ngay sau đó. Không có một khuyến cáo hay yêu cầu khắt khe nào nhằm bảo đảm an toàn được Bộ GTVT nêu ra đối với gói thầu số 2.

Trong khi đó, từ phía chuyên môn, một lời cảnh báo khẩn thiết đã được đưa ra từ trước. Trong vai trò kỹ sư tư vấn giám sát của Hãng Nippon Koei, kỹ sư Nhật Bản Hiroshi Kudo đã có thư khuyến cáo rằng, kết quả phân tích của phía tư vấn giám sát cho thấy hệ thống đà giáo của gói thầu số 2 chỉ đạt chỉ số rất thấp là 15%.

Theo tiêu chuẩn, ngay cả tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam thì hệ số thử tải này cũng phải đạt từ 1,25 lần trở lên mới được xem là an toàn. Ông Hiroshi Kudo đã khuyến cáo: khả năng sập cầu là rất cao.

Đáng tiếc, những phân tích và cảnh báo này dường như đã bị phớt lờ.

Câu hỏi đặt ra là: liệu cảnh báo của phía tư vấn giám sát đã đến được với phía thi công hay chưa, hay đã đến nhưng vẫn bị nhà thầu bỏ ngoài tai. Tại sao đã có cảnh báo từ trước của bên tư vấn giám sát mà phía nhà thầu vẫn không đình chỉ thi công?

Kết quả điều tra sau này sẽ tìm ra câu trả lời ai là người sai phạm. Song, câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn thì dường như đã hé lộ câu trả lời. Trong trường hợp đã nhận được khuyến cáo nhưng vẫn phớt lờ, nhà đầu tư sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn xây dựng đã cho rằng, khó có khả năng nhà đầu tư liều mạng tới mức phó mặc nguy cơ lớn như vậy để cho nhà thầu (TKN) tự xoay xở.

Đã có ý kiến cho rằng, việc thử tải (bắt buộc) hình như không được bên thi công tiến hành, mục đích là để bớt xén chi phí thử tải. Và cầu sập. Hoài nghi về trách nhiệm chia đều cho cả phía thi công (TNK của Nhật) lẫn phía nhà đầu tư (BQL Dự án cầu Mỹ Thuận của Việt Nam).

Sau thảm họa, ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng từng bày tỏ sự tin tưởng đối với khâu thiết kế, cho đến nay vẫn chưa phát hiện sai sót nào. Quả bóng trách nhiệm - được sút từ nhiều phía - về phía nhà thầu và khâu thi công.

Quả thật, đã hé ra không ít những điều khó hiểu và khó có thể chấp nhận trong cả kế hoạch lẫn quản lý thi công. Trước hết là những dấu hiệu mua bán thầu lòng vòng hình như đã manh nha được phát hiện. Để thi công gói thầu số 2, nhà thầu TKN đã thuê nhà thầu phụ là Hãng VSL, một hãng xây dựng rất có uy tín của Thụy Sĩ đảm trách.

Việc VSL thuê lao động từ những công ty cung ứng lao động trong nước trực tiếp thi công là hoàn toàn hợp luật. Vào thời điểm tai nạn xảy ra, nguồn cung ứng lao động cho VSL, trên danh nghĩa chỉ từ hai nguồn: Công ty Vĩnh Thịnh và Công ty Thăng Long.

Thế nhưng, cùng thời điểm này vẫn có 17 công nhân của Công ty TNHH Thế Thành do ông Nguyễn Văn Thuần làm giám đốc làm việc tại công trường. Họ đã làm việc tại đó từ hơn một năm qua nhưng trên danh nghĩa (và cả với nhãn hiệu in trên quần áo, mũ bảo hộ) là công nhân của Công ty Thăng Long, cho dù hợp đồng của Thăng Long với VSL đã kết thúc hoàn toàn từ trước đó một tháng!

Với đội ngũ lao động được cung cấp bởi Công ty Vĩnh  Thịnh, những người có trách nhiệm đều khẳng định là họ đều được ký hợp đồng, được đóng bảo hiểm đúng luật (đối với những công nhân làm việc trên 3 tháng trở lên).

Nhưng, thông tin mà chúng tôi nhận được từ các nạn nhân ở xóm Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa thì hầu hết những công nhân của xóm này làm việc cho Vĩnh Thịnh đều không có hợp đồng lao động, hoặc “nghe nói là có nhưng chưa bao giờ thấy cái hợp đồng nó như thế nào”.

Lưu Quốc Vương, một thợ hàn đã làm việc trên công trường, kể cả thời gian gián đoạn là trên 2 năm khẳng định: Anh chưa bao giờ ký hợp đồng, chỉ làm việc công nhật và lĩnh lương theo bảng chấm công 60.000đ/ngày.

Ông Lưu Văn Khâm, cha của Vương, hiện đang hôn mê trong bệnh viện cùng hai người em đã thiệt mạng là Lưu Tấn Mãi và Lưu Thanh Điền cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Thậm chí, phải đến khi bỏ mạng, Điền mới được trả về tên thật.

Trước đó, nạn nhân này (17 tuổi) vẫn đi làm bằng tên của anh mình là Lưu Tấn Mãi (có hai thẻ công nhân, cho Điền một cái). Anh Lưu Quốc Vương khẳng định: “Không làm gì có hợp đồng. Thằng Điền mới 17 tuổi, công ty nào lại đi ký hợp đồng với nó”.

Việc hai lao động có cùng một tên tuổi, một hồ sơ, anh em Mãi - Điền không phải là trường hợp duy nhất. Có hai nạn nhân tử vong cùng mang tên Nguyễn Văn Thông. Một trong 2 người thật ra không phải là Nguyễn Văn Thông mà là con trai ông Nguyễn Văn Bạn, trước cũng ngụ cùng xóm với Nguyễn Văn Thông thật ở xã Mỹ Hòa.

Sau khi giải phóng mặt bằng để xây cầu, gia đình ông Bạn đã tái định cư sang xã Đông Bình cùng huyện Bình Minh. Con trai ông đã mượn thẻ của Nguyễn Văn Thông để vào làm cho Công ty Vĩnh Thịnh. Nếu các nguyên tắc tuyển và quản lý lao động được thực hiện nghiêm túc, thì việc hai người chung một lý lịch như trên chắc chắn đã không thể xảy ra.

Ngay cả Giám đốc Công ty Vĩnh Thịnh cũng thừa nhận rằng, họ chỉ mới mua 10 hợp đồng bảo hiểm cho các kỹ sư và một số công nhân, số còn lại đang làm hồ sơ nhưng... chưa kịp mua thì đã xảy ra tai nạn.

Lại thêm một dấu hiệu vi phạm cần được Cơ quan điều tra tìm câu trả lời.

Với cách quản lý lao động như thế thì tay nghề lao động là điều rất đáng hoài nghi.

Theo quy định, những nhân công làm việc dài hạn trên công trường phải có tay nghề từ bậc 3 trở lên. Một số vị trí lao động ngắn hạn khác có thể tuyển lao động phổ thông. Thế nhưng ngay cả thợ hàn chính như Lưu Quốc Vương (có thợ phụ) thì cũng “chưa hề qua một khóa đào tạo nào”, chẳng qua vì “làm chăm chỉ” nên anh đã được đưa vào cầm mỏ hàn.

Về ý nghĩa xã hội, rất có thể là công trình xây dựng cầu Cần Thơ đã tạo thêm một số công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhưng nếu yêu cầu kỹ thuật, an toàn được đặt ra thì e rằng ý nghĩa này đã bị lung lay tận gốc!

Tiếp xúc với rất đông công nhân và kỹ sư trên công trường, chúng tôi tin chắc rằng, có thể loại trừ chuyện bớt xén vật liệu ra khỏi nguyên nhân sập cầu. Toàn bộ vật liệu đều được nhà thầu xuất kho cung ứng, dư phải trả lại kho. Công tác quản lý công trường khá tốt, muốn đưa vật liệu (toàn những loại rất nặng) ra khỏi công trường cũng là điều không thể. Như vậy, nguyên nhân tai nạn chỉ có thể nằm trong kỹ thuật thi công.

Chất lượng thế nào, chỉ nhìn vào khâu quản lý và trình độ, tay nghề lao động cũng có thể tìm được một phần lời đáp. Năng lực nhà thầu phụ kém nhưng vẫn không được kiểm tra nghiêm túc, bên tư vấn thay mặt chủ đầu tư giám sát công trình là người phải chịu trách nhiệm.

Được biết, sáng 2/10, tại Vĩnh Long, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Công an tỉnh Vĩnh Long đã có buổi họp xem xét các yếu tố để chuẩn bị khởi tố điều tra vụ án sập cầu Cần Thơ.

Theo Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra đang xem xét để khởi tố các bị can theo các tội danh: “Cố ý làm trái các quy định về an toàn lao động”, "Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"...

Nguyễn Hồng Lam