Em hay thảo luận sự khác nhau của C Ph Claudơvít và Lênin về bản chất của chiến tranh

CNQP&KT - Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa con người và vũ khí - hai yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Con người, vũ khí và giải quyết mối quan hệ này luôn là vấn đề quan tâm của các quốc gia, dân tộc. Claudơvít, nhà quân sự nước Phổ, đã luận giải vai trò, mối quan hệ giữa nhân tố tinh thần của con người và yếu tố vũ khí trong tác phẩm “Chiến tranh luận”. Theo ông: “Những hiện tượng vật chất chỉ là cái cán bằng gỗ còn những hiện tượng tinh thần mới thực sự là kim khí quý, là lưỡi gươm sáng quắc”1. Ở đây, Claudơvít đã đề cao và tuyệt đối hóa vai trò tinh thần của con người.

Khi bàn về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, C.Mác, Ph.Ăngghen khẳng định đây là hai yếu tố cơ bản nhất trong hoạt động quân sự, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Con người là chủ thể sáng tạo ra vũ khí và sử dụng vũ khí. Vũ khí cần phải có sự điều khiển của con người mới có thể phát huy được sức mạnh và khả năng sẵn có. Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ mối quan hệ trên và khẳng định: “Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết… việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và việc thay đổi chất liệu người lính”2. Cùng quan điểm này, V.I.Lênin viết: “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”3.

Bộ đội huấn luyện trên thao trường. Ảnh: CTV

Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đã đi sâu làm rõ từng yếu tố cơ bản là con người và vũ khí. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”4. Theo V.I.Lênin, nếu có quyết tâm, có tinh thần xung phong thì đã thành công được ba phần tư rồi. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ, cần thiết phải hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân sẽ là yếu tố nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu giành thắng lợi.

“Vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết… việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và việc thay đổi chất liệu người lính”.

   (Ph.Ăngghen)

Trong khi khẳng định vai trò của yếu tố con người, C.Mác, Ph.Ăngghen cũng nhấn mạnh đến vai trò của vũ khí. Trong tác phẩm “Chống Duy-Rinh”, Ph.Ăngghen viết: “Như vậy là súng lục thắng thanh kiếm… trong đó công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng”5. Có thể khẳng định, các nhà kinh điển Mác-Lênin đã không tuyệt đối hóa vai trò của con người mà luôn đặt con người trong mối liên hệ với các yếu tố khác nhất là với vũ khí trang bị.

Lịch sử dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta cũng luôn quan tâm đến những yếu tố cơ bản là con người và vũ khí. Trong đó, những tư tưởng cơ bản về lấy dân làm gốc, chăm lo xây dựng, bồi dưỡng sức dân; giáo dục, vun đắp xây dựng và phát huy truyền thống yêu nước; có con người là có vũ khí đánh giặc, hơn nữa tinh thần, ý chí cũng là vũ khí (lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, gan dạ, sự hy sinh, cảm tử…). Đồng thời, cha ông ta cũng luôn quan tâm đến việc chế tạo vũ khí, nhất là các loại vũ khí mới. Ngay buổi đầu chống giặc, vũ khí được chế tạo từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên, như tre, nứa, gỗ, đá... thành các loại cung nỏ, dao, kiếm, rìu, búa... Về sau, với sự phát triển của kỹ thuật, vũ khí được chế tạo bằng kim loại, hóa chất như đồng, sắt, thuốc nổ...

Em hay thảo luận sự khác nhau của C Ph Claudơvít và Lênin về bản chất của chiến tranh
Bộ đội ra-đa luôn cảnh giác canh giữ bầu trời Tổ quốc.  Ảnh: CTV

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, nhân dân ta luôn phải đương đầu với các thế lực có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh. Song, với ý chí quyết tâm sắt đá, sự thông minh sắc sảo, nhạy bén, cha ông ta đã chế tạo ra nhiều loại vũ khí tiên tiến khiến kẻ thù khiếp sợ. Ngay từ nhà nước Văn Lang, người Việt đã biết chế tạo nhiều thứ vũ khí lợi hại để đánh giặc. Thời Âu Lạc, người Việt đã đắp thành Cổ Loa, chế tạo nỏ Liên Châu để phòng giữ đất nước và nhiều lần đánh lui các cuộc tiến công của quân xâm lược từ phương Bắc. Đây là phát minh lớn nhất về kỹ thuật quân sự của người Việt thời kỳ này. Nhà Lý đã cho chế tạo thang mây (vân thê), máy bắn đá để hạ thành Ung Châu; nhà Trần chế tạo nhiều loại thuyền chiến. Cuối thời nhà Trần đầu thời nhà Hồ, vũ khí quân sự của Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật với việc chế tạo và sử dụng thành công hỏa khí. Nhà Hồ đã sáng chế ra “Thần cơ sang pháo”; đến thời Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn làm ra “hỏa hổ”, “hỏa đồng”, “hỏa cầu lưu huỳnh”, v.v. Cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Cần Vương chống Pháp, nghĩa quân Cao Thắng đã chế tạo thành công súng trường theo kiểu 1874 của Pháp…

Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, như: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh… trong đó, con người và vũ khí là yếu tố cơ bản nhất.

Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh hoa tư tưởng quân sự thế giới, kinh nghiệm và truyền thống của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng mối quan hệ giữa con người và vũ khí. Với quan điểm, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, sức mạnh quân sự Việt Nam là sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc. Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố như con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật, cách đánh… trong đó, con người và vũ khí vẫn là hai yếu tố cơ bản nhất.

Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng ta luôn quan tâm đến việc bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội. Đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, như Nghị quyết số 05, Nghị quyết số 27 và Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng của từng giai đoạn. Trong phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, Đại hội XII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; tăng cường nguồn lực, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”6. Những tư tưởng trên tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam và trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta trong xây dựng, phát triển các yếu tố con người, vũ khí và mối quan hệ giữa con người và vũ khí hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của yếu tố con người, vũ khí trong xây dựng Quân đội; chăm lo xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Hai là, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Ba là, xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng Việt Nam tiên tiến, hiện đại và tự lực, tự cường, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về hiện đại hóa Quân đội nhân dân, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ, nhân lực và thể chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Bốn là, đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng, biểu hiện sai trái trong nhận thức và hành động về những vấn đề liên quan đến yếu tố con người, vũ khí trong hoạt động quân sự; việc tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí hay con người đều rơi vào quan điểm siêu hình, phiến diện, làm suy yếu và ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Mặt khác, trong quan điểm về vũ khí cũng tránh quá nhấn mạnh về vũ khí hiện đại, vũ khí thông minh, vũ khí công nghệ cao mà xem nhẹ vũ khí truyền thống và ngược lại.

Như vậy, để xây dựng quân đội hiện đại, tạo nên sức mạnh quốc phòng của một quốc gia cần phải nhận thức và giải quyết tốt hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí trang bị. Trong đó, con người là yếu tố quyết định, vũ khí, trang bị là yếu tố rất quan trọng. Về vũ khí, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò của ngành Công nghiệp quốc phòng trong sản xuất, sửa chữa, cải tiến và nâng cấp nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của chiến tranh. Đồng thời, quan tâm, chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng và phát triển nhân lực cho ngànhCông nghiệp quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động như hiện nay.

Đại tá, TS.HOÀNG VĂN PHAI

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Claudơvít, “Bàn về chiến tranh”, Tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.197.

2. C.Mác, Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.235.

3. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến Bộ,Mát-cơ-va, 1976, tr.497.

4. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ,Mát-cơ-va, 1977, tr.147.

5. C.Mác, Ph.Ăngghen Toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.234.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.149, 150.