Sự hình thành và phát triển ngành tài chính ngân hàng như thế nào

PHẦN I

QÚA TRÌNH RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG VIỆT NAM

Cách đây 70 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay – mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển rất vẻ vang của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Từ một nước thuộc địa không có chủ quyền về tiền tệ, ngay sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, Nhà nước ta đã từng bước thiết lập được một nền tiền tệ và một hệ thống ngân hàng độc lập với những bước đi phù hợp sáng tạo.

Tháng 12/1945 Nhà nước cho phát hành đồng bạc Việt Nam đầu tiên được nhân dân hưởng ứng và hoan nghênh, gọi là “Tờ giấy bạc cụ Hồ”. Sự ra đời của đồng tiền cách mạng đã góp phần quan trọng trong quá trình đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ, phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả, đồng thời đảm bảo cho chi tiêu ngân sách.

Ngày 03/02/1947, tổ chức tín dụng đầu tiên của Việt Nam - Nha tín dụng sản xuất được thành lập nhằm giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn và làm hậu thuẩn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể.

Ngày 06/5/1951 tại Hang Bòng thuộc xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký săc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngành là Cố Phó Chủ tich nước Nguyễn Lương Bằng và Phó Tổng Giám đốc là đ/c Lê Viết Lượng. Ngân hàng Quốc gia ban đầu có những nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý kho bạc nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa; quản lý kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối và các khoản giao dịch bằng ngoại tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Ngân hàng quốc gia Việt Nam ra đời thật sự là một bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển nền tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên từ ngày đầu thành lập, hệ thống ngân hàng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách, bởi một nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, tự cung, tự cấp, thị trường nhỏ bé, phân tán và bị chia cắt, chi phối bởi chiến tranh; ngân sách bội chi lớn, lạm phát gia tăng, nền kinh tế mất cân đối gay gắt. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Ngân hàng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình, góp phần tích vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến hành khôi phục kinh tế, chuyển sang thời kỳ quá độ lên CNXH. Hệ thống ngân hàng trở thành công cụ đắc lực của Nhà nước dân chủ nhân dân trong viêc tiếp quản vùng giải phóng, khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1960-1965) và phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 21/01/1960, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phù hợp với Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1959. Từ 1960 toàn Ngành có 221 Chi điếm Ngân hàng huyện, 41 Chi nhánh nghiệp vụ Ngân hàng quận, thị xã và các trung tâm kinh tế ở miền Bắc. Ngoài ra, còn có trên 7.000 HTX tín dụng được thành lập hoạt động trên địa bàn nông thôn.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt với những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng được Đảng giáo dục, rèn luyện cả Hồng và Chuyên, đội ngũ cán bộ ngân hàng ngày càng được trưởng thành trên mọi lĩnh vưc hoạt động, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẽ vang của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, làm tốt nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Campuchia. Hàng trăm cán bộ ngân hàng (trong đó có một số đồng chí lãnh đạo) đã được Đảng điều vào miền Nam công tác, trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận tiền tệ với địch và 104 cán bộ Ngân hàng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975) hệ thống tiền tệ ngân hàng đã được áp dụng thống nhất trong cả nước. Nhưng do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài, thiên tai liên tục, nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, lạm phát phi mã với 3 con số (năm 1986 lạm phát lên 774%) đã làm đình trệ sản xuất, đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong lĩnh vực phân phối lưu thông (cải cách giá, tiền lương – tiền). Đặc biệt từ sau Đại hội VI của Đảng đã đề ra dường lối đổi mới toàn diện, mang tính chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước, ngành Ngân hàng thực hiện chương trình cải cách, chuyển dần từ tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh XHCN.

          Từ bước khởi đầu bằng NĐ 53 ngày 26/3/1988 của Chính phủ về tách hệ thống ngân hàng thành ngân hàng 2 cấp, ngày 24/5/1990 Nhà nước ban hành 2 pháp lệnh Ngân hàng, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống ngân hàng 2 cấp; Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và là Ngân hàng Trung ương; hệ thống các Ngân hàng chuyên doanh hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Sau một thời gian thực tiễn kiểm nghiệm, 2 Pháp lệnh Ngân hàng đã được tổng kết lên thành 2 Luật Ngân hàng, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/10/1998 (và đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất năm 2003). Ngày 16/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 đã thông qua 2 Luật Ngân hàng và có hiệu lưc thi hành từ ngày 01/01/2011 và thay thế 2 Luật ngân hàng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật Ngân hàng năm 2003.

PHẦN II

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI, PHÁT TRIỂN CỦA NGÂN HÀNG HÀ TĨNH

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL ngày 06/5/1951 thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam, thì đến ngày 12/5/1951 tại xóm Đông tri nội, xã Đức Lâm, huyện Đức thọ, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Hà Tĩnh được thành lập do ông Phùng Văn Mại làm Trưởng Chi nhánh, với cơ cấu tổ chức gồm 3 phòng: Phòng Nghiệp vụ, phòng Kho quỹ, phòng Kế toán và 2 tổ công tác Thạch – Can – Kỳ. Năm 1952 thành lập Chi điếm Ngân hàng đầu tiên tại huyện Đức Thọ. Năm 1953 Ngân hàng tỉnh chuyển về xã Đức An, sau về xã Đức Diên (Đức Thọ). Thời kỳ này Ngân hàng đã phát hành giấy bạc, kết hợp với tài chính và mậu dịch quốc doanh để quản lý lưu thông tiền tệ, đẩy mạnh hình thức tín dụng gián tiếp, cho vay qua tiểu thương để vận chuyển hàng hóa, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm thủy sản, chủ yếu cho vay qua hộ nông dân và tư doanh, góp phần tích cực đẩy mạnh nền kinh tế địa phương, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Sau hòa bình lập lại (1954) Ngân hàng Hà Tĩnh được chuyển về Thị xã Hà Tĩnh, chuyển nhiệm vụ từ cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp hộ nông dân cá thể để mua trâu bò, nông cụ, phân bón, khai hoang phục hóa...; cho vay khôi phục nghề cá; cho vay mậu dịch quốc doanh để thu mua nắm nguồn hàng, mở rộng lưu thông hàng hóa, góp phần ổn định giá cả; đến năm 1956 bắt đầu cho vay HTX mua bán. Cũng từ đây công tác thanh toán không dùng tiền mặt bắt đầu được mở rộng, ngân hàng tổ chức nhiều bàn đổi tiền phục vụ bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

          Thời kỳ cải tạo, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật cho CNXH ở miền Bắc: Bên cạnh tập trung cho vay phục vụ phong trào hợp tác hóa, cho HTX nông nghiệp vay để công hữu hóa tư liệu sản xuất, mua trâu bò cày, nông cụ, phân bón để phát triển sản xuất, ngân hàng tập trung mở rộng cho vay kinh tế quốc doanh, thông qua việc thực hiện cơ chế mới về tín dụng, với tỷ lệ tham gia khoảng 50% vốn lưu động của nền kinh tế, đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tài chính của hầu hết các ngành, các xí nghiệp trên địa bàn. Cũng trong thời kỳ này ngân hàng thực hiện độc quyền quản lý kinh doanh vàng bạc trong phạm vi toàn tỉnh. Ngày 17/4/1956 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 739 về quy tắc tổ chức HTX tín dụng ở nông thôn. Trong vòng 7 năm (từ 1957-1964) Hà Tĩnh đã thành lập được 251 HTX tín dụng với trên 112 nghìn xã viên. Cùng với hệ thống HTX tín dụng, đến năm 1964 toàn tỉnh đã thành lập được 14 Quỹ tiết kiệm trung tâm, 399 bàn tiết kiệm, 1.500 tổ thu tiết kiệm. Với mạng lưới rộng khắp đã tạo điều kiện cho ngân hàng thu hút mọi nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội để đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo.

          Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965-1975): Hà Tĩnh nằm trong vùng trọng điểm của chiến tranh phá hoại, cán bộ nhân viên ngân hàng là những chiến sỹ kiên cường, bám trụ địa bàn, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn (cung ứng vốn, tiền mặt và công cụ thanh toán) phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược: XD CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

          Thời kỳ sáp nhập tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991): Năm 1976 hai tỉnh Hà Tĩnh- Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, từ đó các Ngân hàng Hà Tĩnh chỉ là các Chi nhánh cơ sở trực thuộc Ngân hàng tỉnh Nghệ Tĩnh. Cũng như cả nước tỉnh Nghệ Tĩnh chỉ có một hệ thống ngân hàng Nhà nước duy nhất với 28 chi nhánh huyện, thành phố, thị xã; 354 phòng giao dịch với tổng biên chế thời điểm cao nhất lên đến gần 2.800 cán bộ (Hà Tĩnh có 9 Chi nhánh huyện, thị xã và 15 phòng giao dịch). Trong thời kỳ này vai trò trung tâm tiền tệ, tín dụng, thanh toán của ngân hàng đối với nền kinh tế khá rõ nét. Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn, tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt; phục vụ tích cực cho quá trình tái mở rộng sản xuất kinh doanh; phát triển nông nghiệp toàn diện; tăng cường các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

          Năm 1981 thực hiện Quyết định 259 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết (sau đổi thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng) từ ngành tài chính được chuyển sang Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh có thêm 27 Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng cơ sở trực thuộc Ngân hàng Nhà nước các huyện, thị xã (Hà Tĩnh có 9 cơ sở). Đến 1987 hệ thống ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thu gọn lại thành 6 Ngân hàng Khu vực và Hội sở NHĐT&XD tỉnh (Hà Tĩnh có 2 chi nhánh Khu vực: Thị xã Hà Tĩnh và khu vực Đức Thọ). Đây là Ngân hàng chuyên cấp phát vốn XDCB, cho vay xây lắp và quản lý tiền tệ, thanh toán XDCB. Cũng trong năm 1981, cửa hàng Vàng bạc Đá quý trực thuộc NHNN tỉnh được thành lập, sau đó chuyển thành Công ty Vàng bạc Đá Quý tỉnh, chuyên nhiệm vụ mua bán, gia công chế tác vàng bạc, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần ổn định giá vàng trên địa bàn (trong đó Hà Tĩnh có 02 cửa hàng ở Thị xã Hà Tĩnh và Thị trấn Kỳ Anh trực thuộc công ty Vàng bạc – Đá quý tỉnh).

          Thực hiện Nghị định số 53/HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, từ tháng 10/1988 hệ thống Ngân hàng được hình thành 2 cấp: Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ - tín dụng – dịch vụ ngân hàng; các ngân hàng chuyên doanh làm nhiệm vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Ngày 24/5/1990 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh các ngân hàng, HTX tín dụng và công ty tài chính.

          Theo tiến trình đó, từ tháng 10/1988 Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh được tách làm 2 hệ thống: Hệ thống NHNN gồm Chi nhánh NHNN tỉnh và 27 phòng đại diện các huyện và thị xã; hệ thống các ngân hàng chuyên doanh gồm: Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp (sau đổi tên thành NHNo&PTNT); ngân hàng Công thương, ngân hàng Ngoại thương; ngân hàng Đầu tư &Phát triển. Trong đó tại địa bàn Hà Tĩnh ngoài 9 phòng đại diện NHNN (trực thuộc NHNN tỉnh Nghệ Tĩnh), còn có 9 chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp (trực thuộc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Nghệ Tĩnh); 01 NH Công thương Thị xã Hà Tĩnh (trực thuộc NH Công thương Nghệ Tĩnh); 02 NH Đầu tư & Phát triển: Khu vực Thị xã Hà Tĩnh và Khu vực Đức Thọ (trực thuộc NH Đầu tư & Phát triển Nghệ Tĩnh); 02 cửa hàng Vàng bạc – Đá quý: Thị xã Hà Tĩnh và Kỳ Anh (trực thuộc Công ty Vàng bạc – Đá quý tỉnh Nghệ Tĩnh); 01 HTX tín dụng Cương Gián (là HTXTD duy nhất còn tồn tại và hoạt động của tỉnh Nghệ Tĩnh).

          Từ 01/4/1990, khi hệ thống Kho bạc Nhà nước (trực thuộc Bộ Tài Chính) được thành lập để quản lý quỹ ngân sách nhà nước, các Phòng đại diện của NHNN kết thúc hoạt động và bàn giao cả bộ máy và nhiệm vụ cho các Kho bạc nhà nước huyện, thị xã. Thực hiện chủ trương trên, 9 Phòng đại diện của NHNN tại các huyện, thị xã của Hà Tĩnh được bàn giao sang cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ Tĩnh.

          Sau ngày tái lập tỉnh tháng 9/1991: Hệ thống các ngân hàng ở Hà Tĩnh được thành lập lại, bao gồm: Chi nhánh NHNN tỉnh (không có chi nhánh ở huyện, thị xã); Chi nhánh NH No&PTNT (gồm Văn phòng tỉnh và 9 chi nhánh huyện, thị xã); Chi nhánh NHĐT&PT tỉnh (Văn phòng tỉnh và 1 chi nhánh tại thị xã Hồng Lĩnh) và Công ty Vàng bạc – Đá quý tỉnh (Văn phòng và Cửa hàng VB- ĐQ Kỳ Anh). Chi nhánh NH Công thương Thị xã Hà Tĩnh được sát nhập vào NHNo&PTNT tỉnh và 1 HTXTD Cương Gián (sau chuyển đổi sang hệ thống QTDND)

          Từ những ngày đầu tái lập tỉnh mới chỉ có 05 Ngân hàng cấp tỉnh và 1 HTXTD đến nay trên địa bàn tỉnh ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và làm đầu mối cho 53 TCTD hoạt động trên địa bàn tỉnh (bao gồm 19 chi nhánh NHTM cấp 1, 01 NH CSXH, 01 NH HTX và 32 QTDND).

PHẦN III

NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH

CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG TỈNH HÀ TĨNH

Vượt lên muôn vàn khó khăn của những ngày đầu tái lập tỉnh ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã nhập cuộc nhanh chóng, sớm ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ; kịp thời triển khai công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và các dịch vụ ngân hàng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Trong thời gian qua, hoạt động ngân hàng thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của NHTW và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội- an ninh – quốc phòng của địa phương.

1. Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng

  Bám sát các chỉ đạo của NHTW, của Cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn các mặt hoạt động Ngân hàng với phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương và sự đổi mới về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành. NHNN tỉnh đã kịp thời triển khai nghiêm túc và chỉ đạo các TCTD thực hiện kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước và của Ngành đến các TCTD tại địa bàn, trong đó tập trung vào các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Ngành và UBND tỉnh có liên quan đến hoạt động ngân hàng; gắn việc triển khai thực hiện với việc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để đề nghị Ngân hàng Trung ương tháo gỡ, nhờ vậy các cơ chế chính sách đã được thực hiện có chất lượng tại địa bàn.

Giai đoạn 1991-2000, ngành Ngân hàng triển khai thực hiện 2 Pháp lệnh Ngân hàng, các Ngân hàng trên địa bàn đã chủ động và tích cực thực hiện việc đổi mới cơ chế hoạt động như: Cơ chế quản lý và điều hòa lưu thông tiền tệ để khắc phục tình trạng khan hiếm tiển mặt, chuyển hoạt động tín dụng phù hợp với cơ chế thị trường theo hướng “đi vay để cho vay”, xóa bỏ dần bao cấp tín dụng thông qua việc thực hiện chính sách lãi suất mới; sử dụng công cụ tín dụng như là một đòn bẩy để kích thích sản xuất kinh doanh và là công cụ quản lý của Nhà nước…

Bước vào giao đoạn 2001-2010, ngành Ngân hàng triển khai thực hiện 2 Luật Ngân hàng (tháng 10/1998) được sửa đổi bổ sung 2003. hoạt động Ngân hàng có nhiều biến động, thực hiện nhiều giải pháp khác nhau cho từng thời kỳ. Giai đoạn đầu hoạt động NH có nhiều thuận lợi theo đà phát triển của nền kinh tế; tiếp theo phải áp dụng các giải pháp quản lý chặt chẽ tăng trưởng tín dụng để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát (năm 2008), chống suy giảm kinh tế (2009 -2010).

Giai đoạn 2011- 2020, ngành Ngân hàng triển khai 2 Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD thay thế 2 Luật Ngân hàng năm 2003. Hệ thống các tổ chức tín dụng có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và mạng lưới, loại hình sở hữu, công nghệ, dịch vụ, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng dần theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. NHNN đã có nhiều năng động, sáng tạo và quyết tâm trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, đưa lạm phát từ mức hai con số giai đoạn trước đây xuống mức một con số; giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy lùi nạn vàng hóa và đô la hóa; cùng các ngành, các cấp lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, đạt tốc độ khá cao trong khu vực và trên thế giới.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, cùng với các cơ chế chính sách của Chính phủ, sau thời kỳ lạm phát cao, để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế địa phương, từ cuối năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, chỉ đạo NHNN tỉnh tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương ban hành nhiều cơ chế chính sách về hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh công tác tín dụng tại địa bàn. Nhờ vậy cũng đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ngân hàng.

Cũng trong giai đoạn này, ngành Ngân hàng thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động ngân hàng và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế xã hội tại địa bàn lại phải đối mặt với nhiều khó khăn khốc liệt do hậu quả của sự cố môi trường biển (2016), thiên tai bảo lũ, dịch bệnh, dịch Covid 19... Các khó khăn của kinh tế, xã hội kéo theo các khó khăn trong hoạt động ngân hàng. Song nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành của NHTW và UBND tỉnh, sự đồng thuận của các cấp, các ngành hoạt động của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh trong giai đoạn 2011-2020 đã phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh dưới sự điều hành của NHNN tỉnh.

Nhìn chung, công tác triển khai và thực hiện cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong 30 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo được niềm tin, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về hoạt động ngân hàng.

2. Tham mưu cho Cấp ủy chính quyền ban hành các cơ chế chính sách về Hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế

Bước vào giai đoạn 2011-2015, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra vào năm 2008 – 2011, trong nước lạm phát 02 con số, lãi suất cho vay của các ngân hàng bị đẩy lên cao 19 – 20%/năm, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp rất thấp. Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, NHNN tỉnh đã kịp thời chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 03 văn bản (VB 3685, VB 4352, VB 1226) để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, HTX và chủ trang trại vay vốn tại các TCTD.

Tiếp đó, năm 2012, toàn Tỉnh đẩy mạnh thực hiện CT MTQG XD NTM. Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM tại các xã, cần có chính sách tín dụng riêng, ưu đãi cho người dân khi vay vốn tại các NHTM, QTDND. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, NHNN tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ lãi suất phục vụ nông nghiệp nông thôn, XDNTM (QĐ số 26/2012/QĐ-UBND, Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND, QĐ số 03/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 07/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND, Quyết định 33/2016/QĐ-UBND...). Các chính sách hỗ trợ lãi suất ngay sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tác động đến việc giảm chi phí vay vốn của các Doanh nghiệp, HTX, Chủ trang trại và hộ sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, quy mô vay vốn của các khách hàng  phục vụ cho sản xuất kinh doanh tăng lên, đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng cho vay tại địa bàn, đã phát huy vai trò vốn tín dụng trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương, xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh (có những thời điểm 01 đồng vốn ngân sách chi ra, các TCTD đã đưa được 80 đồng vốn tín dụng đi vào nền kinh tế).

Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế tỉnh nhà do sự cố môi trường biển, bão lụt, cháy chợ, cháy rừng, dịch tả lợn Châu phi, dịch bệnh covid 19… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, NHNN tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và phát triển sản xuất sau sự cố môi trường biển theo Quyết định 1822/QĐ-UBND về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường, Quyết định 1441/QĐ-UBND về hỗ trợ thu mua muối...

Tiếp nối hiệu quả của các chính sách hỗ trợ lãi suất, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá cơ chế chính sách để tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế địa phương và khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Trong giai đoạn 2011-2020, NHNN tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu cho HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành 22 văn bản (gồm 8 văn bản cá biệt và 14 văn bản quy phạm pháp luật) quy định các cơ chế chính sách của Tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, XDNTM, đô thị văn minh, tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế. Đồng vốn do ngân sách chi ra để hỗ trợ lãi suất có ý nghĩa như “vốn mồi” để tăng kênh vốn từ hệ thống ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, hộ gia đình… trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương. Các cơ chế chính sách của Tỉnh ban hành trong giai đoạn 2011-2020 đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và các thành phần kinh tế đánh giá cao, đã phát huy tốt vai trò đòn bẩy kích thích phát triển kinh tế, đồng thời góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn Tỉnh.

3. Mở rộng, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng

Đã có sự phát triển không ngừng về quy mô và mạng lưới hoạt động, đến nay toàn địa bàn tỉnh có 53 TCTD hoạt động, trong đó 19 chi nhánh NHTM cấp tỉnh (tăng 08 chi nhánh so với cuối năm 2010, tăng 14 chi nhánh so với năm 1991), 32 QTDND (tăng 15 quỹ so với cuối năm 2010, tăng 31 quỹ so với năm 1991), 1 NHCSXH (có 12 phòng giao dịch cấp huyện), 01 Chi nhánh NH HTX (01 phòng giao dịch).

Các dịch vụ ngân hàng ngày càng hiện đại, có chất lượng, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các ngân hàng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển. Đến nay, trên địa bàn có 19 NHTM có dịch vụ ATM với 165 máy ATM (tăng 103 máy so với cuối 2010), phát hành trên 690 nghìn thẻ; 820 máy POS (tăng 796 máy so với cuối năm 2010) với 514 điểm chấp nhận thẻ đã kết nối liên thông với các TCTD trên địa bàn. Với sự phát triển của công nghệ thanh toán điện tử, thanh toán qua internet, điện thoại di động với nhiều tiện ích, ví điện tử… đã và đang thu hút được nhiều khách hàng sử dụng, doanh số giao dịch không ngừng được tăng lên.

  4. Hoạt động huy động vốn và đầu tư tín dụng

          - Nợ xấu giảm đến 31/12/2020 là 1,14% (cuối 2010 là 1,28%, năm 1991 là 14%).

  5. Thực hiện các giải pháp thảo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn

Dưới sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo các cơ chế hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất...

Lũy kế giai đoạn 2011- 2020, các TCTD trên địa bàn đã cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chính sách của TW và của Tỉnh như (QĐ 68/TTCP; QĐ 06,09/UBND; QĐ 23, 33/UBND; QĐ 03, 07, 14/UBND; QĐ 1822/ UBND; QĐ 1441/QĐ-UBND NQ 32, NQ 123, QĐ 03/UBND (Quỹ ĐTPT)…) với doanh số cho vay đạt 8.332 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ hơn 367 tỷ đồng, với 44.365 khách hàng được hỗ trợ.

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, của NHTW như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Kết quả thực hiện đến ngày 31/01/2021: Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo TT 01/2020/TT-NHNN là 402,48 tỷ đồng với 527 khách hàng được cơ cấu; Dư nợ miễn giảm lãi theo TT01 là 91,23 tỷ đồng cho 234 khách hàng với số lãi được miễn giảm 594 triệu đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 8.232 tỷ đồng, cho 3.296 khách hàng, số lãi được hạ 18.286 triệu đồng (mức giảm từ 0,05% đến 3,2%/năm); Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 31/01/2021, các TCTD đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay là 27.441 tỷ đồng đối với 10.294 khách hàng (Lãi suất cho vay mới thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 0,05%/năm đến 3,3%/năm).

Cho vay theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 và QĐ 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 15, đến thời điểm 31/01/2021, NHCSXH đã giải quyết cho vay đối với 05 DN, số tiền giải ngân là 837 triệu đồng.

6. Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

 Đẩy mạnh công tác CCHC theo chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh; NHNN tỉnh đã và đang tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong cải cách thủ tục hành chính được triển khai gắn với áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo hệ thống ISO (hiện nay đang thực hiện chuyển đổi sang hệ thống ISO 9001:2015). Kết quả, 04 năm liên tục được Đoàn thẩm định về CCHC của Tỉnh đánh giá tốt, trong đó có 02 năm xếp thứ nhất trong các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Chỉ đạo các TCTD rà soát cắt giảm các thủ tục, tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, niêm yết công khai tại các điểm giao dịch, trụ sở, tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng vay nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay (hồ sơ, thủ tục, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lãi suất, các loại phí…).

Đi đôi với việc phát triển  đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngân hàng cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư và hiện đại hoá, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng và trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Đến nay, tất cả nghiệp vụ ngân hàng đã được tin học hoá, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến đã được đưa vào khai thác ứng dụng phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, đẩy mạnh tiếp cận các DN, nhằm nắm bắt các khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Lũy kế từ khi triển khai chương trình (năm 2014) đến nay đã tổ chức được 90 cuộc kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, doanh số cho vay 60.959 tỷ với 29.294 khách hàng.

7. Công tác An sinh xã hội, đỡ đầu xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác an sinh xã hội, từ thiện vì cộng đồng, đỡ đầu xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011- 2020, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, XDNTM trên địa bàn hết sức thiết thực, ý nghĩa, đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo với tổng giá trị là 556,5 tỷ đồng.

Giai đoạn này NHNN tỉnh và các NHTM được UBND tỉnh giao tài trợ, đỡ đầu xây dựng nông thôn mới đối với xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên), xã Thạch Hội (huyện Thạch Hà) và xã Điền Mỹ (huyện Hương Khê). Tổng giá trị các hoạt động tài trợ, đỡ đầu, an sinh xã hội của ngành Ngân hàng tại xã Cẩm Lạc là 587 triệu đồng (về đích năm 2015), tại xã Thạch Hội là 779 triệu đồng (về đích năm 2019). Hiện nay, NHNN tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh II đã ký cam kết tài trợ, đỡ đầu đối với xã Điền Mỹ, giá trị các hoạt động tài trợ đỡ đầu đến thời điểm này là 3,22 tỷ đồng.

8. Ghi nhận các thành tích giai đoạn 2011-2020

          Với sự nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, sự phối hợp của các Ngân hàng trong thực hiện nhiệm vụ chung, nên hoạt động ngân hàng trên địa bàn 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan và toàn diện. Các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cùng tỉnh nhà thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa bàn. Giai đoạn 2011-2020, đã đánh dấu một chặng đường phát triển và lớn mạnh của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh. Thành tựu đó là kết tinh của trí tuệ, là ý chí quyết tâm, là tinh thần lao động, sáng tạo không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, là kết quả của các phong trào thi đua sâu rộng trong các Ngân hàng trên địa bàn. Ghi nhận những thành tích đó, 10 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và nhiều chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng nhiều danh hiệu và hình thức cao quý: 11 huân chương lao động các loại; 39 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Thống đốc NHNN, UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương; 31 Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; 61 lượt Chiến sỹ thi đua ngành; 790 lượt được tặng Bằng khen của Thống đốc NHNN, UBND tỉnh và Bộ ngành; 740 lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Với ý thức đầy đủ về thành tựu trong 70 năm qua và nhiệm vụ trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết nhất trí và nhiệt huyết năng động, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đang nổ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển, vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng của địa phương.