Cách lập dự toán theo đơn giá công trình

Hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình tiến hành các hoạt động xây dựng gồm xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng. Các chi phí đầu tư xây dựng là các chi phí thực hiện trong quá trình hoạt động đầu tư xây dựng; cùng với tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình là một trong các nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Thế nào là dự toán công trình ? Dự toán xây dựng công trình được xác định thế nào ?

Khái niệm về dự toán công trình

Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình được xác định theo thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Hiểu theo cách đơn giản khác thì có thể hiểu dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình, thực hiện gói thầu, công việc xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công (trong trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng), yêu cầu công việc phải thực hiện và định mức, giá xây dựng.

Nội dung của dự toán xây dựng công trình

Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng.

Ta cùng xét đến phần chi phí xây dựng, vì phần này là phần chi phí chủ yếu cũng như là cơ sở để xác định các chi phí sau đó ( các chi phí như chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng đều được tính toán dựa trên phần chi phí xây dựng).

Thành phần cấu thành xây dựng chi phí xây dựng.

  • Danh mục các công tác xây dựng của công trình cần lập đơn giá
  • Định mức dự toán xây dựng theo danh mục cần lập đơn giá
  • Giá vật liệu (chưa bao gồm thuế GTGT) đến hiện trường công trình
  • Giá nhân công của công trình
  • Giá ca máy và thiết bị thi công của công trình (hoặc giá thuê máy và thiết bị thi công)

Cách lập dự toán theo đơn giá công trình

  1. Xác định danh mục công tác xây dựng của công trình cần lập đơn giá.

Bước này chính là bước xác định các công việc và khối lượng cần thực hiện; phần khối lượng này thường được xác định từ bản vẽ thiết kế, một số trường hợp khác được xác định từ các công việc thực hiện thực tế.

Trước khi lập bảng thống kê khối lượng, ta căn cứ vào bản vẽ thiết kế kỹ thuật để tính toán khối lượng và định mức của các công việc. Từ các thông tin đó để lập bảng danh mục liệt kê khối lượng các công tác cần phải thực hiện và đơn vị tính tương ứng.

Gợi ý: để hạn chế việc tính toán sai sót, bỏ sót khối lượng bạn có thể liệt kê các hạng mục theo trình tự xây dựng của công trình; ví dụ : Móng – Thân – Mái, hay Tầng 1-Tầng 2- Tầng 3.

  1. Định mức dự toán xây dựng theo danh mục cần lập đơn giá

Định mức là hao phí tối đa để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng và được quy định trên các thông tư của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không có công tác tương ứng hoặc công tác của định mức không hoàn toàn phù hợp. Lúc này, bạn cần thực hiện công tác tạm tính, điều chỉnh công tác gốc của định mức.

  1. Giá vật liệu (chưa bao gồm thuế GTGT) đến hiện trường công trình

Chi phí vật liệu trong dự toán công trình được xác định dựa vào định mức sử dụng vật tư và mức giá vật liệu của từng khu vực tại thời điểm hiện tại. Cụ thể, chi phí vật liệu trong dự toán xây dựng được xác định bằng cách lấy khối lượng xây dựng theo thiết kế được duyệt nhân với chi phí vật liệu trong đơn giá xây dựng cơ bản của từng loại công tác xây dựng.

Thường thì giá vật liệu được lấy theo công bố giá vật liệu do Sở xây dựng tổng hợp và công bố; trường hợp những vật tư không có trong công bố có thể tham khảo nguồn khác từ báo giá của các nhà cung cấp.

  1. Giá nhân công của công trình

Chi phí cho nhân công được quy định chặt chẽ và có cách tính cụ thể trên thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Nhân công được chia nhóm theo công việc thực hiện, chia bậc theo độ lành nghề của nhân công; hệ số các bậc, nhóm nhân công được quy định tại Thông tư hướng dẫn hiện hành của Bộ xây dựng. Về giá, các Sở Xây dựng sẽ ban hành cụ thể về giá nhân công cũng như khu vực áp dụng để tính toán, áp dụng lập dự toán.

  1. Giá ca máy và thiết bị thi công của công trình (hoặc giá thuê máy và thiết bị thi công)

Giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng (sau đây gọi là giá ca máy) là mức chi phí bình quân cho một ca làm việc theo quy định của máy và thiết bị thi công xây dựng. Giá ca máy gồm toàn bộ hoặc một số khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác.

Các hệ số được quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2023 của Bộ trưởng Bộ xây dựng; về phần giá nhiên liệu và nhân công lái máy được xác định tại thời điểm lập dự toán theo mức giá và quy định hiện hành.