Tiêu luận phương pháp lịch sử và lôgic

Được đăng: Thứ ba, 18 Tháng 10 2016 14:34 Lượt xem: 15836

(TGAG)- Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic là hai phương pháp chuyên ngành nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Kết quả và chất lượng mỗi công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phụ thuộc rất nhiều vào việc kết hợp chặt chẽ hai phương pháp này. Phương pháp lịch sử là phương pháp xem xét và trình bày quá trình phát triển của các sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng theo một trình tự liên tục, trong mối liên hệ tác động lẫn nhau của chúng. Yêu cầu đối với phương pháp lịch sử là đảm bảo tính liên tục về thời gian của các sự kiện, phong trào; làm rõ điều kiện, đặc điểm phát sinh, phát triển và biểu hiện của chúng; làm sáng tỏ các mối liên hệ đa dạng của chúng với các sự kiện, phong trào khác.Trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, phương pháp lịch sử dùng để xem xét, trình bày quá trình phát triển của Đảng theo trình tự liên tục về thời gian: Thời kỳ vận động thành lập Đảng (1920 - 1930); Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945); Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954); Thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975); Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975 - 1986); Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện (1986 - 1996); Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1996 đến nay). Khi trình bày các sự kiện lịch sử, chúng ta phải chọn các sự kiện, phong trào hoạt động tiêu biểu, điển hình gắn với từng thời kỳ lịch sử. Đồng thời, phải đặt quá trình phát triển của Đảng bộ địa phương với các Đảng bộ địa phương lân cận và Đảng bộ cấp trên. Từ đó, chúng ta sẽ thấy trong quá trình hình thành, phát triển và lãnh đạo của các Đảng bộ có sự liên hệ và tác động lẫn nhau trong suốt quá trình cách mạng để cùng thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vận dụng đúng phương pháp lịch sử giúp chúng ta khôi phục sự thật lịch sử một cách chân thực, khách quan.Phương pháp lịch sử có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng riêng lẻ phương pháp lịch sử thì công trình nghiên cứu, biên soạn sẽ rơi vào tình trạng chất đống sự kiện, không khái quát, đúc kết, chỉ ra được những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm; cần phải kết hợp phương pháp lô-gic.Phương pháp lô-gic là phương pháp sử dụng các luận điểm khoa học nhằm xem xét, nghiên cứu, khái quát, lý giải các sự kiện lịch sử. Từ đó, đánh giá, rút ra kết luận, chỉ ra bản chất, khuynh hướng tất yếu, quy luật vận động của lịch sử.Để đảm bảo vận dụng phương pháp lô-gic trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, đòi hỏi người viết phải đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế, khuyết điểm của Đảng bộ địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng; nêu đúng mức đóng góp của Đảng bộ và Nhân dân địa phương đối với phong trào cách mạng của Đảng bộ cấp trên và cả nước. Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic có mối liên hệ với nhau. Bởi vì, khi phân tích các sự kiện lịch sử cụ thể là cơ sở để khái quát, rút ra bản chất, quy luật vận động của lịch sử. Muốn nắm được bản chất, quy luật vận động của lịch sử phải luôn bám sát sự kiện lịch sử cụ thể, dẫn ra các sự kiện lịch sử để chứng minh. Trong công tác nghiên cứu, biên soạn chúng ta không thể tách rời hai phương pháp này. Nếu thiếu lô-gic thì phương pháp lịch sử sẽ mù quáng. Nếu không nghiên cứu lịch sử thì phương pháp lô-gic sẽ rỗng tuếch mất đối tượng.Ví dụ trong quá trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng qua hai cuộc  kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để nắm bản chất, quy luật vận động của lịch sử trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đòi hỏi người viết phải vận dụng kết hợp phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic. Khi trình bày các quan điểm, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng cần bám sát diễn biến cụ thể của lịch sử, nghiên cứu các sự kiện cụ thể nhằm thực hiện quan điểm, đường lối đó, phải đánh giá thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, rút ra bản chất, quy luật vận động của lịch sử. Qua việc nghiên cứu, biên soạn các sự kiện cụ thể chúng ta sẽ thấy cuộc kháng chiến của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc chiến tranh chính nghĩa, là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, dân là gốc của cách mạng... Phương pháp lịch sử và phương pháp lô-gic đều có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Tùy theo nội dung, yêu cầu cụ thể của vấn đề nghiên cứu, biên soạn mà xác định phương pháp lịch sử hoặc phương pháp lô-gic là chủ yếu.Ví dụ cùng nguồn tài liệu về cuộc kháng chiến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mục đích của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng để dựng lại những quan điểm, đường lối của Đảng; phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện quan điểm, đường lối đó trong từng thời kỳ cần vận dụng phương pháp lịch sử là chủ yếu. Mục đích của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng muốn phân tích, khái quát lý luận, tìm ra quy luật qua cuộc hai kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân ta thì sử dụng phương pháp lô-gic là chính.Trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phải luôn vận dụng cả hai phương pháp lịch sử và lô-gic nhằm bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Việc vận dụng đúng hai phương pháp này góp phần làm nên chất lượng của công trình.

P. LLCT & LSĐ

Tiêu luận phương pháp lịch sử và lôgic

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một chuyên ngành của khoa học lịch sử, trong những năm qua, cùng với xu thế chung tiến hành đổi mới công tác giáo dục lý luận, trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng đã tích cực đổi mới cả về nội dung và phương pháp cho phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Đặc biệt là vận dụng linh hoạt phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích vừa đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn, tạo nên sự hứng thú cho người học, người nghe.

Phương pháp lịch sử  trong nghiên cứu lịch sử Đảng là phương pháp dựa trên những tư liệu, cứ liệu lịch sử Đảng, trình bày quá trình phát sinh, vận động, biến đổi và phát triển của hiện thực lịch sử Đảng với tất cả sự phong phú, đa dạng, ngẫu nhiên từ khi Đảng ra đời, hoạt động lãnh đạo đến nay

Phương pháp lôgích trong nghiên cứu lịch sử Đảng là phương pháp trừu tượng hóa, khái quát hóa từ lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng, là sự phản ánh lịch sử trong toàn bộ những mối liên hệ và quan hệ cơ bản vào ý thức con người. Từ sự khái quát đó để đi đến nhận thức đúng bản chất của hiện tượng, sự kiện lịch sử, có được những kết luận có giá trị khoa học.

Trong nghiên cứu, và giảng dạy phần Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt giai đoạn 1930-1945 với bài ”Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền” thì phương pháp lôgích và phương pháp lịch sử cần vận dụng đúng đắn, nhuần nhuyễn, nhằm đảm bảo gắn lý luận với thực tiễn sẽ làm cho bài giảng thêm sinh động, tạo sự hứng thú cho người học.

Phương pháp lịch sử là phải làm rõ hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử của cách mạng Việt Nam những năm 1930-1945; quá trình phát triển Cương lĩnh, đường lối, chính sách lớn của Đảng nhằm giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của xã hội; sự lđạo, tổ chức thực tiễn của Đảng để hiện thực hóa đường lối, thực hiện mục tiêu giành độc lập, giành chính quyền qua các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945 và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; sự lãnh đạo đó gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, phát triển và sáng tạo các hình thức, phương pháp đấu tranh, gắn liền với quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là hiện thực vô cùng phong phú của lịch sử toàn Đảng từ trung ương đến các địa phương các lĩnh vực hoạt động do Đảng lãnh đạo cần được tái hiện sinh động, trung thực.

Còn phương pháp lôgích là tổng kết, khái quát hóa làm rõ những kinh nghiệm, bài học chủ yếu, những vấn đề mang tính quy luật, lý luận của 15 năm đấu tranh cách mạng. Làm rõ sự kết hợp đúng đắn mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giữa dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến, giành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân. Kinh nghiệm về xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, đoàn kết lực lượng và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; về kết hợp và phát triển sáng tạo các hình thức tổ chức cách mạng, các hình thức và phương pháp đấu tranh; về quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa giành chính quyền, tình thế và thời cơ cách mạng; về kết hợp ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh của dân tộc với cơ hội thuận lợi từ bên ngoài; về sự kết hợp chiến lược với sách lược, bản lĩnh chính trị và vai trò lãnh đạo, trách nhiệm chính trị của Đảng và những vấn đề về xây dựng Đảng... Với những tổng kết, khái quát đó, phương pháp lôgích đã nêu bật được bản chất của hiện thực lịch sử, giá trị thực tiễn và lý luận của một thời kỳ đấu tranh oanh liệt, vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số trường hợp vận dụng phương pháp lôgích một cách máy móc, lấy phương pháp lôgích thay thế cho phương pháp lịch sử, tìm cách cắt xén lịch sử hoặc tô đậm lịch sử những nét mà lịch sử không có hoặc là có ít, như khi trình bày Cao trào cách mạng 1930-1931, người giảng quá nặng nghiên cứu về chủ trương của Đảng, mà thiếu hẳn hoặc trình bày rất ít phong trào sôi động của quần chúng được hướng dẫn bởi đường lối đó, làm cho bài giảng quá coi trọng lý luận, tính khái quát, tính tổng kết mà bỏ qua việc nghiên cứu những sự kiện lịch sử cụ thể, khái quát lý luận thiếu căn cứ, những quy luật, phạm trù không có nội dung lịch sử, khiến bài giảng xơ cứng, giáo điều, khô khan, thiếu tính thuyết phục.

Hay người giảng sử dụng phương pháp lịch sử đơn thuần, tách rời phương pháp lịch sử với phương pháp lôgích, như gai đoạn 1939-1945, không đi sâu vào những chủ trương đánh dấu bước hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc của Đảng ta, mà chỉ về trình bày diễn biến các phong trào sẽ làm cho bài giảng nặng về miêu tả sự kiện, thiếu những đánh giá khái quát, những kết luận có giá trị khoa học, làm cho người học khó nhận ra bản chất, quy luận vận động của lịch sử nói chung, lịch sử Đảng nói riêng.

Vì vậy, trong nghiên cứu và trong giảng dạy Lịch sử Đảng cần kết hợp đúng đắn phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích. Người dạy sử dụng phương pháp lịch sử phải chú trọng đến tư duy lôgích, khái quát và khi sử dụng phương pháp lôgích phải luôn luôn tư duy từ hiện thực lịch sử, coi trọng tri thức lịch sử. Nếu chỉ dừng lại ở phương pháp lịch sử, mô tả diễn biến lịch sử thì không thể nhận biết được bản chất của hiện thực, nhưng nếu không dựa trên hiện thực lịch sử phong phú, đa dạng đã sử dụng phương pháp lôgích, khái quát, kết luận vội vã sẽ dẫn đến nhận thức chủ quan, không phù hợp với hiện thực.

Vận dụng đúng đắn phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích vào việc nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, đòi hỏi người dạy phải nỗ lực, dày công trau dồi tư tưởng và phương pháp học thuật, nắm vững lý luận, đồng thời phải biết kết hợp với các phương pháp nghiên cứu tổng hợp, phân tích, quy nạp, so sánh…  tuỳ theo từng nội dung và mục đích của từng bài nghiên cứu và của đối tượng mà vận dụng phương pháp này hay phương pháp khác ở mức độ nặng nhẹ khác nhau cho thích hợp. Đặc biệt, nhằm phát huy tính tích cực của cả người dạy và người học, trong giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, phải có lập trường, quan điểm, tư tưởng vững vàng, kiên định với đường lối của Đảng, có năng lực nắm bắt và thông hiểu các quy luật vận động của Triết học, Kinh tế chính trị học và các khoa học luận khác.

Hai là, có sự nhạy cảm về chính trị và thời cuộc để kểt hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Trong giảng dạy phải khôi phục được bức tranh chân thực của lịch sử đã diễn ra, trình bày những sự kiện cơ bản, từ đó hình thành khái niệm để đi sâu bản chất, rút ra bài học kinh nghiệm và quy luật lịch sử. Chẳng hạn, quá trình hoạt động của Đảng từ năm 1930 cho đến nay rất phong phú, nhưng vấn đề trung tâm là phải làm nổi bật lịch sử lãnh đạo và đấu tranh của Đảng bằng những sự kiện có tính bước ngoặt, trong từng thời kì lịch sử nhất định, từ đó làm sáng tỏ tính đặc thù của Đảng, và quy luật lãnh đạo của Đảng trong cách mạng Việt Nam.

Ba là, nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng phải tuân thủ những nguyên tắc của phương pháp lịch sử là tôn trọng thực tiễn khác quan, không chỉ trình bày những thành công, thắng lợi của Đảng, của cách mạng, mà phải trình bày cả những thiếu sót, hạn chế, không thành công trong lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, như đã diễn ra trong lịch sử. Chính từ sự thật lịch sử đó, rút ra những tổng kết kinh nghiệm quý giá cho sự lãnh đạo của Đảng trong hiện tại và tương lai.

Bốn là, trình bày những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng phải xác định đúng những giá trị, hiểu rõ bước phát triển trên từng vấn đề của nghị quyết trong từng thời kì nhất định, từ đó hệ thống hoá và phân tích ý nghĩa, tác dụng của đường lối, chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, cần chú trọng quá trình tổ chức thực hiện của các cấp và phong trào cách mạng của quần chúng để làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tóm lại, phương pháp lịch sử và phương pháp lôgích trong nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là hai mặt biểu hiện của phương pháp biện chứng mác xít. Vì vậy, người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy phải nắm vững những nguyên tắc, quan điểm phương pháp luận mác xít mới hoàn thành trọng trách của mình góp phần tích cực vào việc đổi mới cả về nội dung và phương pháp nghiên cứu cho phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới./.