Người mẹ giải thích như thế nào cho câu hỏi băn khoăn của người con:Sao nắng, râm đều phải vội

Bóng nắng, bóng râm

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng chợt râm. Mẹ bảo:

– Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con. Lúc nắng mẹ kéo tay con:

-Đi nhanh kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố!

Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:

– Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ. Con ngỡ ngàng: Sao nắng, râm đều phải vội? Trời vẫn nắng, vẫn râm…

…Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: Đời lúc nào cũng phải nhanh lên.

Bài làm

"Cuộc đời này ngắn lắm, rồi đến lúc ta sẽ trở về với cát bụi. Cuộc phiêu lưu trần thế chỉ là cuộc dạo chơi trên đường về quê trời. Hãy sống cho đáng sống. Đời đáng sống vì thế hãy sống cho đáng đời" (KILLER). Cuộc hành trình dài rộng mà chúng ta đang bước đi chẳng biết bao giờ sẽ phải dừng lại, chẳng biết sẽ phải có bao nhiêu biến cố nữa ập đến và cũng chẳng thể dự đoán được chúng ta sẽ có hạnh phúc trong bao lâu. Tất cả mọi thứ đều đến một cách tự nhiên và con người cũng cần ngang nhiên để đối mặt với chúng. Hãy sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng được sống và cũng đừng thắc mắc tại sao phải vôi vàng thế! Vì cuộc đời cũng giống như câu chuyện " bóng nắng bóng râm " ấy mà thôi.

Sống chậm lại những phút giây hối hả, lắng mình lại để cảm nhận những yêu thương cứ động đậy trong lòng, để hiểu hết câu chuyện ý nghĩa kia. "Con đê dài hun hút như cuộc đời "và mỗi người đều phải bước đi trên con đê của riêng mình. Nhưng tất cả đều bước đi dưới một bầu trời và trời thì khi nắng lúc râm không phụ thuộc vào ý muốn của bất kì ai. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đi qua những bóng nắng, bóng râm ấy để đến cuối con đê, để đi trọn cuộc đời của riêng mình. Tình huống mà câu chuyện đặt ra chính là sự thắc mắc ngây ngô của đứa trẻ: "Sao nắng râm đều phải vội?" và kết lại bằng sự nhẹ nhàng nhưng sâu lắng "đời lúc nào cũng phải nhanh lên!" đã khơi lên cho tâm hồn ta thật nhiều suy nghĩ. “Bóng nắng” tượng trưng cho những trở ngại, khó khăn, thách thức, những hòn đá gồ ghề trên cuộc hành trình dài rộng của đời người, là những lần mà ta cảm thấy mình như gục ngã, kiệt sức và dường như bỏ cuộc. Còn “bóng râm” chính là những thành công thuận lợi, những cơ hội để ta khẳng định bản thân, là đoạn đường bằng phẳng trong cuộc đời mỗi người. Câu chuyện nhẹ nhàng với những hình ảnh ẩn dụ gần gũi và qua đó muốn nhắn nhủ đến chúng ta một thông điệp sống: Cuộc đời giống như một cuộc hành trình, con đường mà chúng ta đang đi sẽ có những khó khăn bất ngờ ập đến và không ít những cơ hội ghé thăm. Con người phải trân trọng từng giây sống và nỗ lực sống dù ở bất kì hoàn cảnh nào, mạnh mẽ vươn lên bước qua thất bại, không chần chừ bước qua gian nan và càng không được ngủ quên trong chiến thắng, phải nhanh nhạy để nắm bắt được cơ hội của riêng mình.

Người mẹ giải thích như thế nào cho câu hỏi băn khoăn của người con:Sao nắng, râm đều phải vội

Sống là không chờ đợi. Phải sống sao để ngày mai khi ta nhìn lại, ngày hôm nay sẽ là ngày ta tự hào không luyến tiếc, cho đến một ngày khi đã đặt chân đến bến đỗ bình yên của đời người, bản thân có thể mỉm cười về những nỗ lực hết mình đã qua, về những cơ hội và thách thức mà ta đã trải nghiệm, đã vượt qua. Một cuộc đời ‎ nghĩa không phải một cái bóng vô hồn, là sống chứ không đơn thuần là tồn tại. Và cuộc sống không bình lặng như mặt nước hồ thu mà nó chính là biển cả với những cơ hội và thách thức nối tiếp nhau, con người phải nhận thức được đâu là thuận lợi để nắm bắt, đâu là thách thức để đối diện và vượt qua. Đừng nên nhìn cuộc sống này từ một phía, nếu chúng ta cứ chìm trong những thất bại đã qua, đợi chờ một phép màu nhiệm xuất hiện thì cuộc đời này sẽ cứ trôi đi trong tẻ nhạt, những cơ hội đáng giá nhưng một khi ta không nhận ra thì nó cũng chỉ như chiếc lá vàng cuốn trôi theo dòng nước. Và đương nhiên, cũng không thể dùng con mắt toàn màu hồng để nhìn nhận mọi thứ, đừng quá đắm mình bởi những hào quang sẵn có, tự mãn với những thành công để rồi lại như chú thỏ để thua một con rùa chậm chạp. “Đời lúc nào cũng phải nhanh lên”, cái “nhanh” ở đây chính là nỗ lực, là nhanh thoát khỏi những kìm kẹp, u buồn, là nhanh nắm bắt những cơ hội trong tầm tay, nhanh để vượt qua và tránh khỏi những thứ vòng vèo, chùng chình trong cuộc sống.

“Sao nắng, sao râm đều phải vội?”, sao chúng ta phải sống nhanh lên? Bởi rằng “con người có thể sống vô danh nhưng không được sống vô nghĩa”. Mỗi lần gõ nhịp của kim đồng hồ là một nhịp thời gian lại trôi đi, cuộc đời ngoài kia đâu có đợi bạn! Và nếu không chờ thì buộc bạn phải chạy theo để không lỡ dở cơ hội của chính mình. Chúng ta phải tận dụng, trân trọng từng giây, từng phút của cuộc đời, tăng cường độ sống, nhiệt huyết sống để làm những điều có ích, có ‎ nghĩa trước khi không còn khả năng làm bất cứ điều gì nữa. Hãy thử nghĩ xem ở thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mọi thứ đều đang phát triển chóng mặt, nếu bản thân không sống hết mình, cháy hết mình thì cuối cùng ta cũng chỉ là kẻ trắng tay, chí ít là dở dang nhiều ước vọng, là người thừa của xã hội.

Chúng ta được sinh ra đã là một sự may mắn lớn lao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói:

“Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

Đó chính là thái độ sống thật tuyệt vời. Đó chính là “sống nhanh” để cảm nhận và làm những điều có ích cho cuộc đời này. “Sống nhanh” để không cảm thấy thụ động trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống. Trân trọng những khoảnh khắc, nắm bắt mọi cơ hội để làm những việc tốt đẹp, có ‎ nghĩa đối với mình và những người xung quanh. Nhắc đến cái tên Sơn Tùng MTP chắc hẳn không mấy ai là không biết, ở cái tuổi 23 – sống hết mình với đam mê, miệt mài với những mục tiêu phía trước, bỏ qua những lời đồn đại tiêu cực xung quanh, anh đã cháy cùng tuổi trẻ, vượt qua bao gian nan thử thách để trở thành ông hoàng V- pop, thành lập công ty giải trí nổi tiếng M-TP Entertainment với hai bàn tay trắng, là người lập kỉ lục liên tiếp nhiều MV trên 100 triệu lượt veiw. Hay cái tên Lê Minh Châu – một thể giới đầy ước mơ của chàng trai khuyết tật 25 tuổi. Anh đã vượt lên trên trở ngại của cuộc sống, thiếu thốn của bản thân để vẽ nên những khát vọng của mình. Thái độ sống của người họa sĩ vẽ bằng miệng này chính là sự thức tỉnh bao người lành lặn đâng để cuộc sống của mình trôi đi một cách hoang phí.

Chúng ta sống nhanh lên để có thể sống hết mình, để được nhận yêu thương, trao yêu thương, để tận hưởng thiên đường ngay trên mặt đất, để làm một công dân tốt, cống hiến cho nhân loại này chứ không phải như suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ: “sống nhanh” là “sống vội”. Suy nghĩ lệch lạc ấy kéo theo bao hành động đáng chê trách. Yêu hết mình, chơi hết sức đang được một bộ phận giới trẻ coi là cách để sống nhanh. Họ lao vào những cuộc chơi, những bàn tiệc để rồi nhận lấy những hậu quả khó lường, nhiều bạn gái đã trở thành những bà mẹ trẻ ở tuổi 16, 17, cái tuổi mà đáng ra đang được học hành, vui chơi. Chúng ta cần mạnh mẽ phê phán lối sống thiếu đúng đắn ấy, đồng thời cũng cần phê phán những con người đang để cuộc sống của mình trôi đi trong những dự định vô bổ, không kết quả, những trò chơi tiêu khiển làm trì trệ nhiệt sống, cường độ sống của mỗi người: “Nếu không có khổ đau / Biết đâu là hạnh phúc”. Cơ hội và thách thức, hạnh phúc và khổ đau, khó khăn và thuận lợi chia đều cho mỗi người. Hãy mỉm cười để xem đó là một phần của cuộc sống, là một chặng đường mà bất kì ai muốn có được thành công đều phải đi qua. Bản thân ta cần nhìn nhận được đâu là tốt, đâu là xấu để đón nhận nó, sống hết mình và đừng chần chừ vì cuộc sống không chờ đợi ai. Chúng ta không thể cứ ngồi chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, hạnh phúc hay khổ đau đều phụ thuộc vào cách nhìn, thái độ sống của chúng ta. Hãy rèn luyện cho bản thân lối sống có ích, biết tận hiến, tận hưởng từng phút giây, yêu thương những người xung quanh, không sống lãng phí thời gian hay sống hời hợt, vô bổ.

Một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ chúng ta đó là: “Nhanh” hay “chậm” là do suy nghĩ chủ quan của mỗi người. Cũng có khi “nhanh ẩu đoảng”, “chậm mà chắc”, khó khăn và cơ hội luôn song hành cùng nhau. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải cháy hết mình, đủ bản lĩnh, đủ nghị lực, kiên định để có thể gạt bỏ được những gồ ghề, chùng chình trong cuộc sống để nắm bắt được cơ hội của chính bản thân mình.

Câu chuyện “Bóng nắng, bóng râm” chính là thông điệp đầy ‎ nghĩa về quan niệm sống của con người, thức tỉnh trong ta ngọn lửa sống, nhiệt huyết sống căng tràn và mãnh liệt để chúng ta trân trọng tuổi trẻ này hơn, sống hết mình với đam mê của mình hơn và bước dài hơn trên cuộc hành trình vô tận của đời người.

Trịnh Nhật Minh

Lớp 10C2 – Trường THPT Yên Định 3, Thanh Hóa

Giải bài tập Đọc hiểu - Đề số 47, đề đọc hiểu dành cho học sinh lớp 10, 11, 12 và thi THPT Quốc gia

VB1

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4

Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm.Mẹ bảo:

- Nhà ngoại ở cuối con đê.

Trên đê chỉ có mẹ, có con. Lúc nắng mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên kẻo nắng vỡ đầu ra.

Con cố. Lúc râm con đi chậm, mẹ mắng:

- Đang lúc mát trời, nhanh lên kẻo nắng bây giờ!

Con ngỡ ngàng: Sao nắng, sao râm đều phải vội?

Trời vẫn nắng vẫn râm…

Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: Đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

(Theo vinhvien.edu.vn)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2.

“Trên đê chỉ có mẹ, có con. Lúc nắng mẹ kéo tay con:

- Đi nhanh lên kẻo nắng vỡ đầu ra.”

Xác định biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng biện pháp đó?

Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 4. Viết một đoạn văn ngắn (3 - 5 câu) về bài học mà anh/ chị rút ra từ văn bản trên?

Lời giải chi tiết:

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức biểu cảm/ biểu cảm.

Câu 2.

Xác định biện pháp tu từ: biện pháp nói quá/cường điệu/thậm xưng.

Hiệu quả nghệ thuật: nắng vỡ đầu ra làm tăng sức gợi hình, gây ấn tượng về cái nắng gay gắt.

Câu 3.

Nội dung chính của văn bản: Những khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời và những cơ hội, thuận lợi đến với mỗi người trong cuộc sống.

Câu 4.

Bài học mà người con rút ra: Cần phải biết vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời, đồng thời phải biết nắm bắt và tận dụng cơ hội để đạt đến đích.