Điểm giống nhau giữa bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc

(Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016)

1. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì ? Chính sách này có ý nghĩa thế nào đối với đời sống người lao động ?

Đáp:

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Chính sách BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, bao gồm 02 loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, trong đó chính sách BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định.

Chính sách BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên. Theo BHXH Việt Nam, năm 2008, cả nước có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 6/2019 là 420.000 người, tăng rất nhanh so với những năm trước đó.

Để khuyến khích hơn nữa người dân tham gia BHXH tự nguyện nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Riêng về chính sách BHXH tự nguyện sẽ được cải cách theo hướng mở rộng các chế độ (ngoài chế độ hưu trí và tử tuất) đối với người tham gia, tăng mức hỗ trợ đóng BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự kiến chính sách BHXH mới sẽ được điều chỉnh từ năm 2021.

2. Ai có thể tham gia BHXH tự nguyện ?

Đáp:

Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tức là những người làm các công việc tự do, công việc tự làm có thu nhập (không hưởng tiền lương, tiền công, không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc).

3. Người lao động trước đây đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, có thể tham gia BHXH tự nguyện được không ?

Đáp:

Người lao động trước đây có khoảng thời gian làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có hưởng lương và tham gia BHXH bắt buộc, nếu vì lý do nào đó phải nghỉ việc, không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc thì vẫn có thể chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, tích lũy thêm thời gian đóng BHXH nói chung để đủ điều kiện hưởng các quyền lợi từ chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí.

4. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng những chế độ gì ?

Đáp:

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

5. Điều kiện để người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu như thế nào ?

Đáp:

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Người lao động nam đã đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

6. Mức hương hưu hàng tháng được tính, hưởng như thế nào ?

Đáp:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2019 có thời gian tham gia BHXH tự nguyện là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm thì được hưởng lương hưu hằng tháng với mức bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

b) Lao động nữ nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH tự nguyện là 15 năm thì được hưởng lương hưu hằng tháng với mức bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng và được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.

7. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ BHXH một lần trong trường hợp nào ?

Đáp:

1. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế.

d) Sau một năm không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

2. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; và 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

8. Người tham gia BHXH tự nguyện khi nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) như thế nào?

Đáp:

Người tham gia BHXH tự nguyện khi nghỉ hưu được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT (không phải mất tiền mua BHYT) và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh theo Luật Bảo hiểm y tế, với mức 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh phát sinh (chỉ phải chi trả 5%).

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

9. Người tham gia BHXH tự nguyện được trợ cấp mai táng trong những trường hợp nào ?

Đáp:

Người tham gia BHXH tự nguyện không may bị chết thì được hưởng trợ cấp mai táng trong các trường hợp sau :

- Có thời gian đóng BHXH tự nguyện 60 tháng trở lên ;

- Đang hưởng lương hưu.

Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định tại thời điểm hưởng.

10. Người tham gia BHXH tự nguyện được trợ cấp tuất trong những trường hợp nào ?

Đáp:

Người lao động đang đóng BHXH tự nguyện, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện, người đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

PHƯƠNG THỨC VÀ MỨC ĐÓNG BHXH TỰ NGUYỆN

11. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn các phương thức đóng nào ?

Đáp:

Người lao động có thể lựa chọn các phương thức sau:

(i) Đóng hằng tháng;

(ii) Đóng 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần;

(iii) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

(iv) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

12. Mức đóng BHXH tự nguyện và mức hỗ trợ của Nhà nước được quy định như thế nào ?

Đáp:

1. Mức đóng hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

2. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (giai đoạn 2016-2020 quy định là 700.000 đồng), cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Để đảm bảo chi phí cho cuộc sống hàng ngày hoặc để điều trị bệnh khi ốm đau khi về già …, nguồn thu nhập của bạn là gì ?

Đối tượng tham gia

1. NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

(1) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

(2) Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

(3) Cán bộ, công chức, viên chức;

(4)  Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

(5) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

(6) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

(7) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

(8) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

(9) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2. NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

3. NSDLĐ tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.

Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm:

- NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

- NLĐ giúp việc gia đình;

- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Người nông dân, NLĐ tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

- NLĐ đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;

- Người tham gia khác.