Viết đoạn văn khoảng 5 đến 10 câu bạn về vai trò của quê hương đối với cuộc đời của mỗi con người

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo và tải về tại đây.

Bài nghị luận xã hội về vai trò của quê hương

  • Dàn ý Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với mỗi người
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 1
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 2
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 3
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 4
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 5
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 6
  • Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 7
  • Đề thi THPT Quốc Gia được tải nhiều

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp lại 6 mẫu bài nghị luận xã hội 200 chữ. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Dàn ý Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với mỗi người

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của quê hương đối với mỗi người.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Vai trò của quê hương đối với mỗi người mang ý nghĩa: quê hương - nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, mảnh đất cho ta sự sống sẽ ghi dấu lại những kỉ niệm của ta, cho ta những nhận thức căn bản về cuộc đời. Mỗi người có một quê hương, mỗi quê hương có một bản sắc khác nhau nuôi dưỡng nên những tâm hồn con người khác nhau vô cùng phong phú.

b. Phân tích

Con người khi sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa của quê hương, từ đó hình thành nên tính cách, tư duy và suy nghĩ cá nhân, có thể thấy quê hương đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên con người.

Quê hương rộng hơn là đất nước, nơi nhiều nền văn hóa khác nhau cùng hòa hợp để con người cùng học tập, giữ gìn và phát huy.

Chúng ta được sống trong thời bình như hiện nay là một hạnh phúc lớn lao mà thế hệ đi trước đã phải hi sinh sương máu, chính vì thế chúng ta cần trân trọng cuộc sống hiện tại.

c. Liên hệ bản thân

Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,

d. Phản đề

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức được tầm quan trọng của quê hương, đất nước đối với bản thân mình và sự phát triển của mình. Lại có những người tuy có nhận thức đúng và đủ về tầm quan trọng của quê hương đối với đời sống tâm hồn của mình nhưng lại chưa có ý thức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp hơn, những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: vai trò của quê hương đối với mỗi người; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Viết đoạn văn khoảng 5 đến 10 câu bạn về vai trò của quê hương đối với cuộc đời của mỗi con người

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 1

"Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người."

Vâng, quê hương chính là nơi chôn rau cắt rốn của ta, là nơi cho ta cội nguồn, gốc rễ bền chặt. Từ ngày xưa, tình yêu quê hương đất nước luôn là nguồn mạch quán thông kim cổ, đông tây. Là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn trí óc ta gắn với truyền thống tự hào, tinh thần tự tôn của dân tộc.

Tình yêu quê hương đất nước là một khái niệm, phạm trù rộng lớn và có nhiều ý nghĩa khác nhau. Tình yêu quê hương đất nước trước hết xuất phát từ tình cảm yêu gia đình, nhà cửa, xóm làng. Nói như Ê-ren-bua: lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên tình yêu tổ quốc. Chính xuất phát từ những điều giản dị, bình dị ấy, lòng yêu nước của ta càng được bồi đắp hơn. Tình yêu quê hương từ thuở xa xưa, trong những câu ca dao như tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc là tinh thần tự hào, tự tôn về vẻ đẹp và cảnh trí non sông, đến thơ ca trung đại tình yêu nước gắn liền với quan niệm trung quân ái quốc, vậy nên trong các bài thơ việc nói chỉ tỏ lòng của bậc tao nhân mặc khách với mong muốn xoay trục đất, kinh bang tế thế cũng chính là biểu hiện cao nhất của con người đạo nghĩa lúc bấy giờ. Đến thời hiện đại, văn học lãng mạn thì yêu nước là yêu lí tưởng, yêu cách mạng, yêu Đảng. Niềm vui tươi, phấn khởi của người chiến sĩ cách mạng khi được giác ngộ ánh sáng cách mạng đảng trong "Từ ấy" chính là minh chứng sâu sắc cho điều ấy:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim."

Tình yêu nước, yêu quê hương là cội nguồn, gốc rễ bền chặt cho sự phát triển bền vững của ta. Nếu chỉ sống bằng những giá trị tức thời, những ham muốn của bản thân mà không khắc cốt ghi tâm cội nguồn, đạo lí truyền thống dân tộc thì sớm muộn sự phát triển của ta cũng sẽ như cây cao bị trơ rễ, bật gốc dù chỉ là một cơn gió nhẹ. Lòng yêu quê hương, đất nước làm nên bản sắc trong đời sống tình cảm của cá nhân, giúp ta không trở nên ích kỉ vì biết gắn liền với cộng đồng, biết hòa nhập và đắm mình với những đạo lí truyền thống ngàn đời của dân tộc.

Tình yêu quê hương đất nước nói cách khác chính là lòng căm thù giặc khi đất nước bị xâm lăng, khi tổ quốc gặp gian nguy. Trong "Hịch tướng sĩ', Trần Quốc Tuấn từng bày tỏ lòng căm thù giặc sâu sắc khi chứng kiến đất nước bị giày xéo dưới gót giày quân thù: "ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù." Đủ để thấy, tình yêu quê hương đất nước từ ngàn xưa đã trở thành một thứ vũ khí lợi hại, là đợt sóng ngầm nhấn chìm lũ bán nước và lũ cướp nước. Tình yêu nước cũng chính là lòng tự hào, tự tôn dân tộc trước cảnh trí non sông, trước vẻ đẹp của núi sông, cũng chính là khát vọng muốn giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thật đáng buồn khi ngày nay, nhiều người sống một cách vô nghĩa lí khi đảo lộn những chân giá trị dân tộc. Họ quên đi cội nguồn, thay vì sống theo đạo lí 'uống nước nhớ nguồn", ăn cây táo rào cây sung. Những cá nhân như thế sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, cô đơn lạc lõng giữa tình đồng loại, giữa nhân quần rộng lớn.

Trong thời buổi đất nước đang phát triển, hướng đến xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và hạnh phúc thì với tư cách là những người trẻ, chúng ta cần chuẩn bị hành trang vững chắc và rèn luyện bản lĩnh cho cá nhân để đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của dân tộc. Đó cũng chính là biểu hiện kín đáo và sâu sắc của lòng yêu nước.

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 2

Đã có thời trong xã hội chúng ta quan niệm một cách đơn giản về lòng yêu quê hương chỉ gắn với tình cảm công dân, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc. Vì vậy những bài thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới được xem là tiếng nói tình cảm cá nhân ủy mị, tiêu cực. Tuy nhiên, cùng với những thành quả đổi mới đất nước, những tác giả tác phẩm lãng mạn được đưa vào trong chương trình phổ thông. Tiếp xúc với các tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, chúng ta chợt nhận ra lòng yêu quê hương có nội dung phong phú đa dạng hơn nhiều.

Những bài thơ gắn với tiếng nói cá nhân vẫn ẩn bên trong một tình cảm yêu nước kín đáo, bộc lộ qua tình yêu với con người, cảnh vật, quê hương. Hình ảnh quê hương đất nước hiện lên trong các bài thơ đem lại những cảm nhận rất riêng nhưng lại rung cảm bao thế hệ độc giả. Một địa danh thôn Vỹ đi vào nỗi nhớ, gắn kết ân tình với xứ Huế trong Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mạc Tử, làm ta yêu hơn cái trong trẻo nắng hàng cau, cái huyền ảo của bến sông trăng, cái bâng khuâng sương khói mờ nhân ảnh của mảnh đất cố đô. Không gian của buổi chiều thu đôi lứa tìm đến hòa hợp trong quấn quýt trên cây cỏ, chim muông, trên con đường nho nhỏ sắc nắng trở chiều, màu biếc vàng bâng khuâng với "con cò trên ruộng cánh phân vân". Ta ngỡ ngàng khi phát hiện những vui buồn của con người gửi cả vào trong sắc thái mùa thu ở Đây mùa thu tới, một rặng liễu, một sắc "áo mơ phai dệt lá vàng", "nàng trăng tự ngẩn ngơ", những hình ảnh mùa thu rất quen và rất lạ được nói lên qua hồn thơ say đắm của Xuân Diệu. Quê hương còn hiện lên qua nỗi buồn mang tầm vóc vũ trụ, của chàng thi sĩ Huy Cận đứng trên quê hương mà vẫn cảm thấy "thiếu quê hương", chuyển tải bao tâm sự nỗi niềm của người dân mất nước, khi đối diện Tràng giang: Nỗi "sầu trăm ngả" lan toả trên sóng nước, con thuyền, cành củi, cánh bèo, "sông dài trời rộng bến cô liêu" kết lại thành nỗi niềm "lòng quê dợn dợn vời con nước  không khí hoàng hôn cũng nhớ nhà" gọi dậy tình yêu giang sơn Tổ quốc. Quê hương còn đẹp giản dị trong Chiều xuân của Anh Thơ, làng quê Việt Nam đẹp một cách nao lòng trong cỏ xanh, mưa xuân, đàn bò đủng đỉnh, cô yếm thắm... qua những rung cảm trong trẻo của tâm hồn thiếu nữ. Tất cả những bài thơ ấy viết về con người, cảnh vật, làng quê...đều gặp nhau ở một điểm: Tình cảm yêu nước kín đáo.

Từ những bài thơ ấy, ta chợt hiểu ra yêu quê hương trước hết phải là yêu thương gắn bó với mảnh đất  con người quê hương, biết rung động trước những vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vui buồn với vận mệnh dân tộc. Tình yêu quê hương bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, những tình cảm đôi lứa, tình yêu sự gắn bó với gia đình, làng quê, đó là tình cảm trong sáng nhất, cao cả và góp phần làm thanh lọc tâm hồn con người. Đó cũng là tình cảm gắn kết cá nhân với cộng đồng, tạo nên sự đồng cảm, sự lắng đọng sâu sắc và thường trực trong trái tim con người. Chính sự gắn kết ấy làm nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, thành ý chí bất khuất, sức mạnh chiến đấu, quyết tâm bảo vệ đất nước, đánh đuổi ngoại xâm, ý thức xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Nếu chỉ hiểu đơn giản yêu quê hương là tình cảm công dân, với ý thức trách nhiệm đặt lên hàng đầu mà không quan tâm giáo dục tình yêu ấy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt thì tâm hồn con người sẽ trở nên chai sạn biết bao. Chưa kể rằng, có những kẻ hô hào khẩu hiệu, nhưng thực tế lại sống giả tạo. Không thể yêu đất nước, yêu dân tộc mà không xuất phát từ tình cảm yêu mến, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn, gia đình, làng xóm, yêu những con người gần gũi quanh ta. Đúng như Tố Hữu nói: "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt  Như mẹ cha ta, như vợ như chồng", mở rộng ra tình cảm ấy còn là tình yêu đôi lứa, là cơ sở để "người yêu người, sống để yêu nhau". Tình yêu ấy không hẳn chỉ thể hiện qua hành động đứng lên đánh lại kẻ thù, mà trước tiên phải xuất phát từ nỗi đau buồn khi nước mất nhà tan, nỗi uất nghẹn khi quê hương bị kẻ thù giày xéo. Không thể có tình yêu dân tộc chung chung nếu không xuất phát từ tình yêu con người cụ thể. Từ nhận thức đến tình cảm, từ suy nghĩ đến hành động luôn thường trực tình cảm yêu quê hương đất nước.

Bản thân mỗi học sinh chúng ta cũng phải luôn xác định quan niệm đúng đắn về lòng yêu quê hương, bằng cách luôn trau dồi tu dưỡng những tình cảm nhân văn, phải sống đẹp với mọi người, biết rung động trước cái đẹp cuộc sống quanh ta. Khi còn là học sinh, biết yêu mến con người và mảnh đất mà ta đang sống, đang tiếp xúc hàng ngày, biến tình cảm thành hành vi ứng xử hàng ngày, có mục đích, có hoài bão vun trồng tài năng để sau này cống hiến cho đất nước, thiết tưởng cũng là ươm mầm cho lòng yêu quê hương đất nước ngày càng phát triển bền vững hơn.

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 3

Chắc hẳn mỗi người sinh ra đều có một quê hương để sinh ra, lớn lên và để trở về. Chúng ta đọc được những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc, tình yêu quê hương tha thiết của các nhà thơ nhà văn. Còn đối với bạn, bạn hiểu thế nào về tình yêu quê hương?

Tình yêu quê hương là gì? Là tình yêu gắn bó, yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc dựng xây quê hương. Tình yêu quê hương không phải là tình cảm trừu tượng, nó được biểu hiện rất cụ thể và rõ nét. Đó là dạng tình cảm đã được cụ thể hóa bằng hành động. Quê hương là cái nôi đầu tiên đón nhận tiếng khóc chào đời, những bước đi chập chững, gắn với kí ức tuổi thơ không thể nào quên. Đó là nơi mà cuối cùng ai cũng muốn trở về và gắn bó. Tình yêu quê hương luôn gắn liền với yêu gia đình, làng xóm, luôn mong ngóng về quê hương dù ở nơi xa xôi. Mỗi con người sau khi lớn lên, trưởng thành, vươn mình đến những vùng đất mới nhưng tấm lòng luôn hướng về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Biểu hiện của tình yêu quê hương thực sự rất nhiều, ngay trong chính hành động của mỗi người. Là nỗi nhớ thường trực mỗi lần xa quê, là háo hức, mong chờ khi sắp được lên chuyến xe mang tên trở về, là lòng thổn thức, lưu luyến khi phải rời xa quê. Đó là tình cảm xuất phát từ tim. Tuy nhiên hiện nay vẫn có những người quên đi cội nguồn, quên đi quê hương. Họ đi xa lập nghiệp, quên mất tiếng quê. Có nhiều người khi trở về quê hương mang theo thứ ngôn ngữ "lạ" để nói chuyện với người dân quê. Điều này thật đáng buồn. Người ta bảo "Chém cha không bằng pha tiếng". Chính bản thân họ đã đánh mất đi tình yêu đáng trân trọng và thiêng liêng ấy. Đất nước ngày nay đang trong những ngày tháng thanh bình và giàu có chưa từng thấy trong lịch sử giống nòi. Có ngày hôm nay, là đã có biết bao nhiêu máu xương của tiền nhân, cha anh ngã xuống. Họ ngã xuống vì điều gì, có khi nào ta tự vấn? Họ ngã xuống cho đất nước trường tồn, cho hậu sinh an vui hưởng thái bình. Họ ngã xuống vì lòng yêu quê hương, đất nước. Hãy nghĩ thế để chúng ta rèn luyện nhân cách và trân trọng tại sao ta được sống yên bình!

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 4

Quê hương có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Quê hương, xứ sở như một mảnh tình con theo ta đến suốt cuộc đời. Dù có đi đâu thì quê hương cũng luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người. Quê hương - hai tiếng đơn sơ mà cũng thật ấm áp và gần gũi vô ngần. Quê hương chính là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, là nơi nuôi ta lớn lên với biết bao kỉ niệm chẳng thể phai nhòa. Có một điều không thể phủ nhận rằng bất kể đi tới đâu người ta cũng luôn nhớ về quê hương và hướng về mái ấm gia đình. Quê hương dạy ta biết lớn khôn và trưởng thành dần từ những ngây thơ, vụng dại của ngày bé. Quê hương cho ta những năm tháng tuổi thơ tuyệt vời mà suốt hành hình trình trưởng thành ta không bao giờ tìm lại được. Đó cũng chính là lí do vì sao quê hương trở nên thân thương và ấm áp đến lạ thường. Quê hương ấy, những con người quen thuộc ấy sẽ theo dấu chân ta trên suốt quãng đời của mình và rồi trở thành dòng suối mát lành tắm mát và gột rửa tâm hồn ta trước những muộn phiền, lo toan của cuộc sống.

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 5

Quê hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp...

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 6

Chắc chắn mỗi người sinh ra đều có một quê hương để sinh ra, lớn lên và để trở về. Chúng ta đọc được những dòng cảm xúc chân thành, mộc mạc, tình yêu quê hương tha thiết của các nhà thơ nhà văn. Còn đối với bạn, bạn hiểu thế nào về tình yêu quê hương? Tình yêu quê hương là gì? Là tình yêu gắn bó, yêu mến, vun đắp, dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, đóng góp một phần sức lực của mình cho công cuộc dựng xây quê hương. Tình yêu quê hương không phải là tình cảm trừu tượng, nó được biểu hiện rất cụ thể và rõ nét. Đó là dạng tình cảm đã được cụ thể hóa bằng hành động. Quê hương là cái nôi đầu tiên đón nhận tiếng khóc chào đời, những bước đi chập chững, gắn với kí ức tuổi thơ không thể nào quên. Đó là nơi mà cuối cùng ai cũng muốn trở về và gắn bó. Tình yêu quê hương luôn gắn liền với yêu gia đình, làng xóm, luôn mong ngóng về quê hương dù ở nơi xa xôi. Mỗi con người sau khi lớn lên, trưởng thành, vươn mình đến những vùng đất mới nhưng tấm lòng luôn hướng về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê hương còn là yêu những gì thuộc về mảnh đất mà mình sinh ra ấy, yêu làng xóm, yêu những con đường sỏi đá, yêu nắng, yêu gió dù thời tiết khắc nghiệt. Hơn hết là yêu những con người thuộc về mảnh đất đó, thương dáng mẹ tảo tần nắng mưa, thương dáng cha nhọc nhằn sớm hôm. Quê hương gắn với những con người, những gương mặt mà đi đâu cũng nhớ về. Mỗi người đều có một quê hương để nhớ, để tìm về. Vậy thì ngay từ bây giờ, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy là những người có ích, học tập tốt để mai sau có thể đóng góp sức mình dựng xây quê hương. Đó là tình yêu lớn lao nhất.

Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương mẫu 7

Điển tích Trung Hoa có nói về trường hợp: "Cáo chết ba năm quay đầu về núi". Dẫu cho đó là hiện tượng vận động trong lòng trái đất sinh ra, nhưng cũng hàm ý niềm thiết tha hướng về quê cha đất tổ. Câu chuyện cảm động ấy làm ta suy nghĩ đến bổn phận của mình đối với nơi "chôn nhau cắt rốn": Quê hương, Mỗi người có cách yêu quê hương khác nhau, nhưng sự chân thành thì không bao giờ khác, trong đó các thi nhân Việt Nam hiện đại: Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Đỗ Trung Quân cũng không ngoại lệ.

Hình như cả nhân loại cùng một cách hiểu quê hương là nơi mình sinh ra, nơi có những người thân thiết ruột rà nhất, mà ai cũng thương cũng nhớ  nhớ cho đến hết kiếp người. Người Trung Hoa gọi "hương" là làng mạc. Người Việt Nam nói "quê" là đồng nghĩa với "hương" của Trung Hoa nhưng ghép vào thành hai tiếng "quê hương" cho sắc điệu trữ tình thêm đậm đà. Đi bên cạnh chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc chúng ta có một nền văn minh lúa nước khá có bề sâu. Cho nên hình ảnh cánh đồng, mà đặc biệt những buổi chiều quê đã đi sâu vào tâm thức của con dân Lạc Việt. Cái hình ảnh bình dị như thân thương đến nao lòng "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu; Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa", mà từ thủa nằm nôi, đứa trẻ nào cũng được nghe và rưng rưng nhớ mẹ ở "đồng xa", rồi êm đềm đi vào giấc ngủ. Ngày nay đất nước có biết bao nhiêu thành thị, có bao người sinh ra ở thành thị, nhưng cái gốc sâu xa trong mỗi chúng ta đều là một người nhà quê. Mất cái điều ấy là vong bản, nên Nguyễn Bính mới năn nỉ cô gái quê đỏng đảnh: "Nói ra sợ mất lòng em; Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa". Có bức tranh nào yên bình và mơn man lòng người bằng hình ảnh "gõ sừng mục tử lại cô thôn" trong một buổi chiều muộn! Bởi nó gợi trong mỗi chúng ta niềm xúc cảm lạ thường về hồn quê, xứ sở.

Trong lòng kẻ xa quê, Tế Hanh vẫn canh cánh nỗi niềm thương nhớ dòng sông tuổi thơ có nước gương trong "soi bóng những hàng tre". Cái màu xanh của trúc tre bát ngát và thân cây mềm mại ôm ấp xóm làng như cha mẹ che chở, âu yếm đứa con ngoan. Dòng nước trong veo cũng như tấm lòng trong trẻo thật thà của bác nông phu, người ngư phủ. Trong tâm tưởng Nguyễn Đình Thi có lẽ sâu đậm thân thương nhất cũng là một niềm quê. Nhìn xứ sở bị tàn phá: Cánh đồng quê bị giày xéo như thân người chảy máu; buổi chiều quê u ám tan hoang trong lửa đạn chiến tranh, ông thảng thốt kêu lên một tiếng "ôi" xé lòng! Với Đỗ Trung Quân, nhà thơ thời hậu chiến của lớp thanh niên xung phong sau đại thắng mùa xuân 1975 cũng có cái tình quê bình dị mà sâu thẳm vô cùng: Mẹ, chiếc cầu tre nho nhỏ và chiếc nón lá nghiêng nghiêng theo mẹ về nhà. Chỉ thế thôi mà thành thơ, thành nhạc, thành lẽ sống cho cả đời người. Quê hương bắt đầu từ những điều tưởng chừng đơn sơ như vậy đấy. Thế nhưng, nó là những dòng sữa đầu tiên nuôi ta khôn lớn, để mai kia ta càng thấy quê hương thiêng liêng thêm, bao la hơn và không bao giờ được hững hờ lúc nhớ lúc quên! Nhà bác học L. Pasteur từng nói: Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có Tổ quốc". Tổ quốc là khái niệm trừu tượng được cụ thể bằng những hình ảnh từ giản dị đến cao lớn, như một dòng sông, mái đình, bến nước, những đêm trăng ra đồng cấy lúa, những điệu hò và nỗi nhớ, một ngọn núi, hay đôi khi chỉ là một chú mục đồng ngủ gà, ngủ gật trên lưng trâu,... thế mà tất cả đi vào tâm tưởng mỗi người thành một tình yêu thiêng liêng. Tổ quốc là vậy đấy! Quê hương là vậy đấy!

Tuy nhiên, quê hương không dừng lại ở cái mái đình, bến nước, con đường làng của xóm A xóm B mà cả lãnh thổ này, cả văn hiến ngàn năm của giống nòi; của lịch sử ngàn năm dựng xây bờ cõi. Vì thế, khi đất nước lâm nguy thì mọi người cùng ra trận. Khi một người Lạc Việt ốm đau thì cha, ông ta liền bảo "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", để rồi cụ thể hơn "Người trong một nước phải thương nhau cùng"... tất cả những hình ảnh, hành động, nghĩa cử ấy là thể hiện tình yêu quê hương và khái quát hơn là đất nước, Tổ quốc! Hiểu như thế để loại bỏ thái độ "cục bộ địa phương"  người làng tôi nên tôi nâng đỡ, người làng anh, anh tự gánh gồng.

Đất nước ngày nay đang trong những ngày tháng thanh bình và giàu có chưa từng thấy trong lịch sử giống nòi. Có ngày hôm nay, là đã có biết bao nhiêu máu xương của tiền nhân, cha anh ngã xuống. Họ ngã xuống vì điều gì, có khi nào ta tự vấn? Họ ngã xuống cho đất nước trường tồn, cho hậu sinh an vui hưởng thái bình. Họ ngã xuống vì lòng yêu quê hương, đất nước. Hãy nghĩ thế để chúng ta rèn luyện nhân cách và trân trọng tại sao ta được sống yên bình!

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Nghị luận xã hội về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Đề thi THPT Quốc Gia được tải nhiều

  1. Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Toán
  2. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn
  3. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Anh
  4. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Lý
  5. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Hóa
  6. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Sinh
  7. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Sử
  8. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Địa
  9. Bộ đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn GDCD

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Video liên quan