Gói thầu mua sắm hàng hóa dưới 500 triệu

Mục lục bài viết

  • 1. Hướng dẫn cách thức áp dụng mức chỉ định thầu mua sắm hàng hóa ?
  • 2. Quy trình chỉ định thầu rút gọn khi sử dụng vốn nhà nước ?
  • 3. Yêu cầu đấu thầu mua sắm hàng hóa trong ngành điện lực có đúng quy định ?
  • 4. Tư vấn lựa chọn nhà thầu với hình thức đấu thầu hạn chế ?
  • 5. Hiệu lực của hồ sơ dự thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu ?

1. Hướng dẫn cách thức áp dụng mức chỉ định thầu mua sắm hàng hóa ?

Thưa luật sư, Xin luật sư cho tôi hỏi trong điều 54 nghị định 63 quy định hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa. Nhưng trong thông tư 58 của btc lại quy định : (điều 19. Quy trình chào hàng cạnh tranh 1. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 điều 18 có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại điều 58 nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của chính phủ. )

Vậy tôi áp dụng chỉ định thầu mua sắm như thế nào cho đúng ?

Trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến bộ phận tư vấn pháp luật đấu thầu của Công ty luật Minh Khuê. Vấn đề bạn quan tâm xin được trao đổi cụ thể như sau:

Thật tiếc, là bạn chưa cung cấp thông tin cho chúng tôi đầy đủ nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc tư vấn cho bạn cách để áp dụng chỉ định thầu mua sắm hàng hóa một cách chính xác nhất. Như:

+ Gói thầu mua sắm này có thường xuyên không ?

+ Giá trị gói thầu chính xác là bao nhiêu ?

+ Bạn mua sắm cho đơn vị nào ? Công hay tư ?

Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu rõ:

Điều 54. Hạn mức chỉ định thầu

Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:

1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;

2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.”

Theo đó, nếu đảm bảo trong hạn mức là không quá 100 triệu thì đơn vị bạn có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Trình tư và các bước thực hiện chỉ định thầu rút gọn như sau:

Bước 1: Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;

Bước 2: Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;

Bước 3: Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

Nếu bên bạn là cơ quan nhà nước thì

1. Căn cứ Điều 18 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh như sau:

"1. Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

b) Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất), có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài) và tương đương nhau về chất lượng (có khả năng thay thế lẫn nhau do có cùng đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng và các đặc tính khác)."

Như vậy, đối với gói thầu mua sắm của bạn nếu không quá 2 tỷ đồng thì đơn vị của bạn có thể áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.

Điều 19 Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định: "1. Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 18 có giá gói thầu từ trên 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng được thực hiện quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường theo quy định tại Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ."

Như vậy, bạn hãy xem giá trị gói thầu của đơn vị bạn chính xác là bao nhiêu thì bạn sẽ có thể áp dụng quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường như trên. Bài viết tham khảo thêm: Quy trình chỉ định thầu thông thường và chỉ định thầu rút gọn ? Cách thức lựa chọn nhà thầu ?

Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Đấu thầu trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

2. Quy trình chỉ định thầu rút gọn khi sử dụng vốn nhà nước ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công lập, đang triển khai gói thầu mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị. Chúng tôi dự định áp dụng theo hình thức chỉ định thầu ? Nhờ luật sư tư vấn giúp quy trình.

Cám ơn luật sư!

Gói thầu mua sắm hàng hóa dưới 500 triệu

Luật sư tư vấn pháp luật đấu thầu trực tuyến, gọi số: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

1. Quy trình chỉ định thầu thông thường

+ Các gói thầu sau thì sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu thông thường:

- Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm Mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;

- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;

- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ Điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình.

+ Quy trình chỉ định thầu thông thường thực hiện như sau:

- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:

Lập hồ sơ yêu cầu;

Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu;

- Tổ chức lựa chọn nhà thầu:

Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định;

Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu:

Việc đánh giá hồ sơ đề xuất phải được thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo, làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, tiến độ, khối lượng, chất lượng, giải pháp kỹ thuật và biện pháp tổ chức thực hiện gói thầu;

Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có hồ sơ đề xuất hợp lệ; có năng lực, kinh nghiệm và đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu; có giá đề nghị chỉ định thầu không vượt dự toán gói thầu được duyệt.

- Trình, thẩm định; phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.

- Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.

2. Quy trình chỉ định thầu rút gọn

+ Đối với Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách:

Cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm: Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu, trong đó xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cn thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng. Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu. Kết quả chỉ định thầu phải được công khai theo quy định.

+ Đối với Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng):

- Bên mời thầu căn cứ vào Mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được người có thẩm quyền xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;

- Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;

- Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

+ Đối với các gói thầu được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Thông tư 58/2016/TT-BTC; nếu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết phải tổ chức chỉ định thầu thông thường để bảo đảm Mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước thì tổ chức thực hiện chỉ định thầu thông thường.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

3. Yêu cầu đấu thầu mua sắm hàng hóa trong ngành điện lực có đúng quy định ?

Kính chào Công ty Luật Minh Khuê, tôi có câu hỏi mong Luật sư tư vấn giúp tôi tình huống sau đây có vi phạm luật đấu thầu hay không: Tại HSMT của Công ty điện lực A trực thuộc Tổng công ty điện lực Miền Bắc tổ chức mời thầu mua sắm gói thầu hàng hóa là các sản phẩm cáp điện Các sản phẩm này được sản xuất theo các tiêu chuẩn việt nam tương ứng, tuy nhiên Công ty điện lực B có yêu cầu phải có Biên bản thí nghiệm mẫu điển hình của Công ty TNHH Một thành viên thí nghiệm điện Miền Bắc trực thuộc Tổng công ty điện lực Miền Bắc (ETC1), không chấp thuận Biên bản thí nghiệm mẫu điển hình của 1 đơn vị có năng lực và kinh nghiệm được nhà nước và pháp luật Việt Nam thừa nhận (cũng thí nghiệm được các chỉ tiêu kỹ thuật như ETC1).

Điều này có phạm theo quy định tại điều 5 trong TT 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 Của Bộ Kế hoạch và đầu tư và Luật đấu thầu hiện hành không?

Rất mong nhận được phúc đáp từ các Luật sư! Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp về đấu thầu, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT Quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định:

"5. Khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải:

a) Áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư này và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;

b) Căn cứ nhu cầu sử dụng của hàng hóa để đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật (đặc tính, thông số kỹ thuật…) bảo đảm đáp ứng về công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế và năng lực kinh doanh cũng như điều kiện của thị trường;

c) Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử; trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì có thể nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

d) Không được chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu về Chỉ dẫn nhà thầu và Điều kiện chung của hợp đồng; đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định."

Căn cứ theo quy định trên thì việc Công ty đưa ra yêu cầu phải có Biên bản thí nghiệm mẫu điển hình của Công ty TNHH Một thành viên thí nghiệm điện Miền Bắc trực thuộc Tổng công ty điện lực Miền Bắc (ETC1), không chấp thuận Biên bản thí nghiệm mẫu điển hình của 1 đơn vị có năng lực và kinh nghiệm được nhà nước và pháp luật Việt Nam thừa nhận là hành vi đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, đây là hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư trên.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

4. Tư vấn lựa chọn nhà thầu với hình thức đấu thầu hạn chế ?

Thưa luật sư, tôi muốn hỏi theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP - Quy định chi tiết thi hành luật đấu thầu, theo đó: Tại Chương III Quy định về Quy trình đấu thầu rộng rãi, hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, cụ thể đối với nhà thầu là tổ chức (Mục 1). Vấn đề đặt ra: Đối với đấu thầu hạn chế có bắt buộc phải thực hiện bước: "lựa chọn danh sách ngắn" hay không thưa Luật sư?

Rất mong nhận được sự quan tâm phản hồi của Luật sư. Trân trọng.

>> Tổng đài tư vấn pháp luật doanh nghiệp gọi : 1900.6162

Trả lời:

Theo Điều 21 Luật đấu thầu 2013:

“ Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định về Lựa chọn danh sách ngắn :

“Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

2. Đối với đấu thầu hạn chế:

a) Xác định, phê duyệt danh sách ngắn: Xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu;
b) Công khai danh sách ngắn: Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
3. Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu”

-> Do vậy, chỉ vì có 1 số nhà thầu mới đáp ứng được yêu cầu để tham gia đấu thầu hạn chế, nên bắt buộc phải lập danh sách ngắn để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu

Theo đó, chủ đầu tư phải xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 3 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu; các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu (Nghị định số 63/CP Điều 22 Khoản 2 và Khoản 3).

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

5. Hiệu lực của hồ sơ dự thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu ?

Kính gửi Luật sư công ty Luật Minh Khuê. Xin hỏi đơn dự thầu ghi thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 100 ngày nhỏ hơn thời gian quy định của hồ sơ mời thầu là 120 ngày. Chủ đầu tư có thể đề nghị đơn vị tham gia dự thầu gia hạn thêm để có hiệu lực được không?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

- Căn cứ vào Điều 12 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định về thời gian dự thầu:

"Điều 12. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

1. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
a) Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định;
b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, gửi thư mời thầu đến trước thời điểm đóng thầu;
c) Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ quan tâm trước thời điểm đóng thầu;
d) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trước thời điểm đóng thầu;
đ) Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ yêu cầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ đề xuất trước thời điểm đóng thầu;
e) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 20 ngày đối với đấu thầu trong nước và 40 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu;
g) Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhung không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án;
h) Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày cho từng nội dung thẩm định: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình;
i) Thời gian phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của bên mời thầu hoặc báo cáo thẩm định trong trường hợp có yêu cầu thẩm định;
k) Thời gian phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu hoặc báo cáo thẩm định trong trường hợp có yêu cầu thẩm định;
l) Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án;
m) Thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã nhận hồ sơ mời thầu tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 15 ngày đối với đấu thầu quốc tế trước ngày có thời điểm đóng thầu; đối với sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu thì tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ không đáp ứng quy định tại điểm này, bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng bảo đảm quy định về thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
n) Thời hạn gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

2. Chính phủ quy định chi tiết về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ, gói thầu có sự tham gia của cộng đồng; thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng."

Thì thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 100 ngày, thời gian quy định của hồ sơ mời thầu là 120 ngày là hoàn toàn hợp lý.

Bạn có thể đề nghị đơn vị dự thầu gia hạn thêm thời gian, phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, luật không quy định là hai bên không được thỏa thuận, miễn là phù hợp và không trái với quy định pháp luật.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email hoặc qua tổng đài 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Đấu thầu - Công ty luật Minh Khuê