Công nghệ minh phú đang sử dụng là gì năm 2024

(vasep.com.vn) Tập đoàn Minh Phú đang hy vọng với công nghệ nuôi tôm mới của mình, bên cạnh nguồn tài chính từ việc bán cổ phần cho công ty Mitsui Nhật Bản, sẽ tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong lĩnh vực nuôi tôm.

Minh Phú đã ký thỏa thuận bán 35,1% cổ phần cho công ty Mitsui trong tháng 5/2019. Tháng 6/2019, tập đoàn này cho biết phần lớn trong số 3.038 nghìn tỷ đồng (130 triệu USD; 115,9 triệu EUR) mà họ nhận được từ thỏa thuận sẽ được phân bổ để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Hiện tại, Minh Phú có thể đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tôm nguyên liệu thông qua nguồn cung của tập đoàn, phần còn lại đến từ nông dân địa phương và NK. Tuy nhiên, tập đoàn muốn tăng tỷ lệ cung cấp nguyên liệu của họ lên khoảng 20% ​​vào cuối năm 2019 và lên mức 50% trong những năm tới.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết “Công nghệ nuôi là chìa khóa trong kế hoạch mở rộng của chúng tôi, điều này sẽ thay đổi căn bản sự tăng trưởng của Minh Phú trong tương lai gần”.

Hiện tại Minh Phú đã trở thành nhà sản xuất và XK tôm hàng đầu thế giới. Sự phát triển của Minh Phú gắn liền với tên tuổi của người sáng lập ông Lê Văn Quang, người được truyền thông địa phương mệnh danh là Vua tôm.

Ông Quang cho biết tập đoàn đang xây dựng các ao nuôi mới với công nghệ gọi là “công nghệ 2-3-4”. “Số 2” được hiểu là tôm được nuôi trong hai giai đoạn khác nhau, với giai đoạn 1 lên đến 30 ngày, tôm sẽ được nuôi trong ao ương dưỡng và giai đoạn 2 sẽ kéo dài khoảng 80 ngày tôm sẽ được nuôi trong ao nuôi lớn hơn. “Số 3” đề cập đến 3 khoảng thời gian thu hoạch. Một nửa số tôm trong mỗi ao sẽ được thu hoạch sau khoảng 2 tháng đầu với kích cỡ tương đương từ 65 -70 con/kg. Khoảng 45% sản lượng tôm còn lại sẽ được thu hoạch trong khoảng 25 ngày sau lần thu hoạch đầu tiên, khi tôm đạt kích cỡ 40-45 con/kg. Số tôm còn lại sẽ được thu hoạch sau khoảng 115 ngày, khi tôm đạt kích cỡ từ 20- 25 con/kg. “Số 4” đề cập đến 4 nguyên tắc chính mà công ty tuân thủ: Đảm bảo giống tôm sạch bệnh; nguồn nước nuôi tôm phải sạch và đảm bảo an toàn sinh học; môi trường nuôi được cách ly với môi trường xung quanh và không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi.

Vào tháng 12/2018, Minh Phú đã ký hợp đồng mua vật liệu thép và ống nhựa để thiết kế các ao nuôi cho “công nghệ 2-3-4” của họ với công ty thép Hòa Phát và công ty nhựa Tiền Phong.

Trong tháng 5/2019, sau khi hoàn tất việc mua lại cổ phần thiểu số, Mitsui cho biết họ sẽ giúp Minh Phú đạt được sự tăng trưởng hơn nữa thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo trong ao nuôi. Công nghệ mới này sẽ được áp dụng tại 2 vùng nuôi chính: Minh Phú Lộc An ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Minh Phú Kiên Giang ở tỉnh Kiên Giang.

Tại Lộc An, Minh Phú có kế hoạch bắt đầu nuôi thông qua “Công nghệ 2-3-4” trên tất cả 1.500 ao vào năm 2021. Hoạt động xây dựng trang trại với diện tích 302 ha đã được tiến hành. Theo ông Quang, công ty sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất ở mỗi ao ngay sau khi ao được hoàn thành xây dựng.

Tại Kiên Giang, do điều kiện thời tiết bất lợi và giao dịch cổ phiếu với Mitsui mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​trước đó, nên việc xây dựng ao nuôi đã bị chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, Minh Phú có kế hoạch bắt đầu nuôi trong khoảng 1.000 ao với diện tích 600 ha vào năm 2021. Ban Giám đốc của công ty, hiện có 2 thành viên mới từ Mitsui, sẽ sớm thảo luận về kế hoạch mở rộng năng lực nuôi ở Kiên Giang, với quan điểm xây dựng hơn 4.000 ao trên diện tích 2.500 ha vào năm 2025, ông Quang cho biết.

Trong năm 2019, Minh Phú đặt mục tiêu sản xuất 5.760 tấn tôm với “Công nghệ 2-3-4” tại các trại nuôi ở Lộc An và 4.320 tấn tôm từ các trại nuôi ở Kiên Giang. Ở cả 2 khu sản xuất Lộc An và Kiên Giang, công ty vẫn vận hành các trang trại truyền thống với sản lượng dự kiến ​​là 10.760 tấn tại Lộc An và 8.000 tấn tại Kiên Giang.

Tuy nhiên, các khu vực nuôi truyền thống của công ty sẽ dần được thay thế bằng “Công nghệ 2-3-4” vì sản lượng thu được từ công nghệ mới rất lớn - cao hơn tới 15 lần so với phương pháp truyền thống, ông Quang cho biết.

Sản lượng trung bình từ một ao nuôi với “Công nghệ 2-3-4” là 32 tấn/năm. Tuy nhiên, Minh Phú hy vọng sản lượng có thể tăng lên 40 tấn/năm. Một trang trại áp dụng phương pháp nuôi truyền thống có thể nuôi từ 60- 100 con/m2, trong khi nuôi với “Công nghệ 2-3-4”, con số này được nâng lên 300 - 350 con/m2. Ngoài ra, tỷ lệ sống trong phương pháp truyền thống đạt khoảng 60- 70%. Tuy nhiên, nếu sử dụng công nghệ mới, tỷ lệ sống tăng lên mức hơn 90%.

Ngoài ra, Minh Phú đang có kế hoạch chuyển giao công nghệ mới cho người nuôi địa phương. Những người có đất nuôi tôm sẽ đóng góp vào liên doanh với Minh Phú, công ty sẽ góp vốn đầu tư tương đương với giá trị của vùng nuôi và số tiền còn lại có được thông qua các khoản vay ngân hàng.Người nuôi sẽ được thuê để trực tiếp quản lý mô hình nuôi cùng với các công nhân kỹ thuật từ Minh Phú. Tôm thu hoạch sẽ được bán cho Minh Phú theo giá thị trường và lợi nhuận sẽ được chia sẻ giữa Minh Phú và người nuôi. Minh Phú hiện đang thảo luận với một số ngân hàng địa phương để tài trợ cho việc hợp tác nuôi chung giữa Minh Phú và người nuôi và với các công ty bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm cho các ao nuôi liên doanh chung đó.

Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin với các ngân hàng và công ty bảo hiểm để họ đồng ý tài trợ và cung cấp bảo hiểm cho hoạt động nuôi. Khi vấn đề này được giải quyết, mọi thứ sẽ trở nên rất dễ dàng. Ông Quang cho biết, Minh Phú đang có những bước tiếp cận ban đầu với các ngân hàng địa phương, nhưng sẽ chuyển hướng sang đàm phán với các ngân hàng nước ngoài nếu các ngân hàng địa phương không quan tâm.

Chủ tịch tập đoàn Minh Phú hy vọng người nuôi sở hữu ít nhất 1ha đất ở vùng nuôi được chính quyền địa phương ở khu vực ĐBSCL chấp thuận để có thể hợp tác với Minh Phú trong nuôi tôm bằng “Công nghệ 2-3-4”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chi phí đầu tư đối với công nghệ canh tác mới cao hơn nhiều, vì vậy không phải người nuôi nào cũng có thể tham gia dự án.

“Nếu chúng tôi thành công với mô hình hợp tác này, sản lượng tôm nuôi ở Việt Nam sẽ tăng vọt, khiến giá giảm. Điều này sẽ giúp tôm Việt Nam sẽ rất cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”. Ông Quang cho biết giá tôm tương đối cao khiến mặt hàng này không thể phổ biến với hầu hết mọi người, nhưng ông tin rằng bước đột phá công nghệ mà công ty đang xây dựng và đổi mới sẽ thay đổi nhận thức về tiêu thụ tôm trên toàn thế giới. “Giấc mơ của tôi thậm chí là những người nghèo trên thế giới có thể mua tôm, và “Công nghệ 2-3-4” sẽ phần nào giúp điều này trở thành sự thật”.