Trí nhớ thị giác phối hợp vận động là gì

Với một số người, chỉ liếc qua một dãy số dài lê thê và đọc lại vanh vách là chuyện khó khăn, nhưng với những người khác, đó là chuyện dễ như lấy đồ trong túi. Tương tự, có người sẽ quên ngay kiến thức, nhưng cũng có người đã

Với một số người, chỉ liếc qua một dãy số dài lê thê và đọc lại vanh vách là chuyện khó khăn, nhưng với những người khác, đó là chuyện dễ như lấy đồ trong túi. Tương tự, có người sẽ quên ngay kiến thức, nhưng cũng có người đã "nhập" là không bao giờ "xuất", tại sao?

Trí nhớ thường trú ở đâu?

Từ 15 năm nay, các nhà thần kinh học đã có rất nhiều khám phá về bộ não con người và bây giờ là thời điểm để ứng dụng những chức năng thần kỳ của cơ quan trung ương này.

Trong tác phẩm Trí nhớ của bạn - hiểu biết và sử dụng, bác sĩ Bernard Croisilie (Viện Thần kinh Lyon, Pháp) đã nêu ra hơn 20 khả năng kỳ diệu của não và cũng cho thấy các hệ thống dẫn truyền thần kinh hoạt động như thế nào một khi con người mắc bệnh về não. Trước đây, nhiều người nghĩ đơn giản rằng "lỗ hổng trí nhớ" chỉ là sự đình công tạm thời của trí nhớ. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những người giỏi ngoại ngữ: họ quên phắt một từ nào đó, nghĩ mãi không ra. Đến khi không bận tâm về vấn đề này nữa, họ đột nhiên nhớ ra.

Nhưng sự việc không đơn giản như vậy, vì gần đây tại Pháp, số người có "lỗ thủng" (chứ không phải lỗ hổng) đang tăng vọt. Họ chợt quên phắt một vấn đề đơn giản và không thể nhớ lại nữa, dù chỉ là tên người hay số điện thoại. Nghiên cứu cuộc sống của những người này, giáo sư Jérome Sullivan (Pháp) nhận ra rằng họ thường xuyên bị stress nặng hoặc trầm cảm kinh niên. Theo ông, rất có thể stress là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của trí nhớ.

Một vấn đề gây tranh cãi nữa là khu vực cư ngụ của trí nhớ. Trước đây, các nhà thần kinh học cho rằng trí nhớ chỉ khu trú ở một nơi và đó chính là trung tâm lưu giữ kỷ niệm, nhưng hiện nay, thuyết này có vẻ phá sản. Nhiều nhà thần kinh học nghĩ rằng trí nhớ không có nơi thường trú mà có thể "di chuyển" khắp nơi, đặc biệt là ở những nơi liên quan đến khứu giác và vị giác.

Người ta thường nghĩ hai giác quan này chỉ đóng vai trò phụ trong việc hình thành trí nhớ, nhưng kỳ thực, chúng lại giữ nhiệm vụ hết sức quan trọng so với trí nhớ thị giác và thính giác. Trí nhớ khứu giác - theo giáo sư Sullivan - có thể sống dai hơn trí nhớ thị giác đến 20 năm. Một mùi hương mà ta nhận biết (và có cảm xúc với nó) có thể sống từ khi ta mới 5 tuổi đến lúc ta qua đời.

Điều làm các nhà thần kinh học thắc mắc là thông tin sẽ di chuyển ra sao khi được não đón nhận, chúng sẽ "chạy" lòng vòng hay "đánh" ngay vào một điểm nào đó và "chết dí" ở đó?

Thập niên 1990, nhiều nhà thần kinh học cho rằng một khi bị tai nạn giao thông hay bị chấn thương ở não, con người sẽ mất trí nhớ do khu vực tập kết thông tin bị va chạm mạnh. Thật ra thì không phải thế, ít nhất là theo giáo sư Arthur Doyle của Anh. Ông cho rằng chính hệ thống dẫn truyền tín hiệu bị tấn công chứ không phải khu vực riêng biệt nào bị tổn thương. Theo ông và nhiều nhà thần kinh học khác, thông tin chỉ được trữ trong thời gian ngắn ở một khu vực nào đó, sau đó lập tức di tản. Liệu đây có phải là một dạng bảo toàn thông tin kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho chúng ta?

Nhiều nhà thần kinh học lại cho rằng một khi di tản như vậy, thông tin sẽ được chuyển sang khu vực thích hợp hơn, chẳng hạn cho trí nhớ khứu giác hay vị giác để đảm bảo sự tồn tại lâu dài. Nếu chỉ quanh quẩn trong một khu vực sơ khởi, thông tin sẽ chết yểu. Nói thì nôm na như vậy, nhưng sự việc diễn ra phức tạp hơn nhiều. Trong thực tế, não sẽ huy động nhiều cơ quan khác vào việc bảo toàn và xử lý thông tin, chẳng hạn tai, mắt, lưỡi, da hay mũi. Thông tin được ghi nhận lâu hay không là tùy thuộc vào sự phối hợp của những cơ quan này.

Các loại trí nhớ

Trong thực tế, có nhiều loại trí nhớ và cũng có không ít khả năng ghi nhớ. Có người chỉ liếc qua là "ghi" ngay được một dãy số gồm vài chục con số, do có trí nhớ thị giác cực mạnh. Trong khi đó, lại có những người nhớ như in toàn bộ bản giao hưởng mới nghe lần đầu, do có trí nhớ thính giác tốt. Một số người lại có "trí nhớ tổng hợp", nghĩa là chỉ cần thấy (hoặc nghe) một chữ gió là có khả năng liên tưởng đến mọi thứ liên quan đến gió, chẳng hạn tên bộ phim Cuốn theo chiều gió, và nội dung chính xác những ca khúc có từ này.

Riêng về khả năng lưu giữ thông tin thì không ai giống ai, vì với người này, thông tin A là rất quan trọng, nhưng với người khác, chỉ có thông tin B mới đáng ghi nhớ. Do vậy, có những người nhớ rất dai ngày sinh của các vĩ nhân, trong khi người khác lại ghi nhớ cực tốt bảng số xe.

Môi trường cũng góp phần tạo nên những kiểu trí nhớ khác, mà thần kinh học gọi là "trí nhớ rèn luyện". Một viên cảnh sát chắc chắn phải có một trí nhớ thị giác tốt để ghi nhận các bảng số xe, trong khi một nhạc sĩ lại phải có trí nhớ thính giác thật khỏe. Trong khi đó, những chuyên gia nếm rượu hoặc đầu bếp giỏi cần phải có trí nhớ vị giác siêu việt.

Tốc độ mất đi thông tin lại là việc khác, nếu thông tin ấy không được dùng đến trong thời gian dài. Nhà tâm lý học Mỹ Harry Bahrick đã thử nghiên cứu việc học tiếng Tây Ban Nha của nhiều sinh viên. Nếu không sử dụng ngôn ngữ này trong thời gian dài, họ sẽ quên ngay, nhưng tất nhiên là tùy mỗi người. Có người còn nhớ kha khá, có người nhớ loáng thoáng và cũng có người "trả hết chữ cho thầy"!

Tuy nhiên, cũng có những người có trí nhớ kỳ lạ khi dung nạp được một lượng từ ngữ cực lớn, lưu kho trong thời gian mấy chục năm, không quên tý nào dù không hề sử dụng. Đây là một trong những lý do làm thần kinh học phạm sai lầm khi cho rằng não người chẳng qua là một loại máy chụp ảnh cao cấp. Từ quan niệm lệch lạc đó, thần kinh học cho rằng trí nhớ thị giác là mạnh nhất trong các loại trí nhớ.

Thật ra, thị giác là cơ quan huy động nhiều neurone (tế bào thần kinh) nhất nên dễ dàng được xem là loại trí nhớ cao thủ, trong khi vị giác hay khứu giác mới là chuyên nghiệp! Thị giác được sự giúp đỡ của rất nhiều neurone một khi mắt nhận ra một hình ảnh nào đó và ấn tượng lưu lại trong não tất nhiên có thể sâu đậm hơn. Nhưng nếu vì lý do ấy mà bảo trí nhớ thị giác là vô địch thì không có cơ sở. Nếu phải mô tả hình ảnh trên một tờ giấy bạc dùng hằng ngày, chắc chắn bạn sẽ ngắc ngứ do chẳng mấy khi bạn lưu ý hình ảnh này.

Tương tự, nếu phải mô tả những đặc điểm của mặt đồng hồ của mình, bạn cũng sẽ gặp khó khăn. Đó chính là kiểu trí nhớ "hoàn cảnh", do bạn không lưu tâm những gì mà bạn cho là vô nghĩa với mình. Ngược lại, những chuyên viên giám định tiền giả hay nhân viên ngân hàng sẽ nhớ như in mọi hình vẽ trên cả hai mặt một tờ giấy bạc.

Một loại trí nhớ khác có tên là "trí nhớ thời điểm", nghĩa là bạn luôn có khả năng liên kết nhiều sự kiện với nhau và không bao giờ quên. Nhiều người có thể nhớ chính xác mình đang làm gì khi nghe tin Công nương Diana tử nạn, hoặc khi nghe tin Trung tâm thương mại thế giới ở New York, Mỹ bị khủng bố, dù những gì mà họ đang làm chẳng liên quan gì đến những sự kiện quan trọng trên. Nhưng với nhiều nhà thần kinh học, trí nhớ thời điểm có thể tồn tại là do ngay lúc đó, có một sự việc khó quên. Chẳng hạn, ngay khi biết tin Diana qua đời, một người nào đó cũng đang gặp buồn phiền nên nhớ dai.

Nhưng chuyện làm thần kinh học khó nghĩ hơn cả là khả năng hoạt động của trí nhớ. Khoảng 30 tuổi, người ta thường nhớ rất nhanh và rất chắc thông tin, nhưng tuổi đời càng cao thì con người càng lú lẫn dần. Tại sao? Một học sinh hay sinh viên có thể vừa nghe nhạc vừa học bài, trong khi một người 40 tuổi thường phải cần sự yên tĩnh tuyệt đối để làm việc. Nhưng đôi khi, thông tin có thể chìm rất lâu trong não, mà chủ nhân của nó cũng quên hẳn, rồi chợt hiện ra sau một tai nạn.

Giáo sư Albert Sylvainet (ĐH New Mexico, Mỹ) cho biết: ông từng gặp khoảng 20 người có thể nhớ lại những gì họ quên hẳn từ lâu. Tất cả họ đều trải qua những tai nạn trầm trọng và suýt chết.

"Trí nhớ thứ tự" cũng là một dạng cần lưu ý, vì não có khả năng giới hạn. Bạn sẽ luôn nhớ câu đầu tiên của một bài thơ trong khi những câu khác sẽ dễ "phai" hơn. Đơn giản vì não bạn chỉ ghi nhận câu này ngay từ đầu. Chỉ những câu nào tạo cho bạn cảm xúc mạnh mẽ thì bạn mới ghi nhớ tương đương câu đầu tiên).