Quy định về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới

Sự bùng nổ của công nghệ trong những năm gần đây đã thúc đẩy kinh tế dựa trên nền tảng Internet tại Việt Nam. Theo báo cáo Việt Nam Digital 2020 thực hiện bởi We Are Social và Hootsuite, Việt Nam có số lượng người dùng Internet khổng lồ (khoảng 68 triệu người dùng, chiếm tỉ lệ sử dụng internet đạt 70% dân số vào năm 2020), Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt vào năm 2020, khi đại dịch Covid 19 lan rộng ra toàn cầu cùng đã kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng – đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến, nhờ đó mà thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng cũng trở nên phổ biến và phát triển hơn cả. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã đầy đủ để đón nhận luồng dịch chuyển mới này?

1. Tổng quan quy định về Thương mại điện tử dưới pháp luật Việt Nam hiện hành.

Hoạt động thương mại điện tử được định nghĩa lần đầu tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Theo đó, Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định về 03 đối tượng điều chỉnh cùng 06 tư cách tham gia trong môi trường hoạt động thương mại điện tử theo 03 hình thức hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể:

Có 03 chủ thể sau đây sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử:

  • Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
  • Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.

Các chủ thể trên có thể tham gia thông qua 03 hình thức hoạt động thương mại điện tử chính, đó là:

  1. Website thương mại điện tử bán hàng;
  2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công Thương quy định; và
  3. Các ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. 

Theo đó, các thương nhân, tổ chức, cá nhân có thể thiết lập website/ứng dụng thương mại điện tử để xúc tiến hoạt động thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch của chính mình; hoặc có thể thiết lập website/ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại.

Ngoài ra, nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng nêu được các tư cách thực hiện hoạt động thương mại điện tử và các trách nhiệm khác nhau của mỗi tư cách. Theo đó, nghị định quy định 06 tư cách thực hiện hoạt động thương mại là:

  1. Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng; – là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
  2. Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; – là các thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
  3. Người bán; – là các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
  4. Khách hàng; – là các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
  5. Thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng – là các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
  6. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã đưa ra được các quy định rõ ràng về các chủ thể tham gia, các hình thức hoạt động thương mại điện tử và các tư cách tham gia trong môi trường thương mại điện tử. Theo đó, nhờ vào các quy định rõ ràng trong hoạt động thương mại điện tử mà các thương nhân/tổ chức tại Việt Nam có thể phát triển và vận hành tốt. Tuy nhiên, liệu khung hành lang pháp lý như vậy liệu là đủ để đón sự dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập?

2. Lỗ hỏng và sự chấp vá

Hiện nay, nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật chủ chốt trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, nghị định chưa quy định đầy đủ các chủ thể thực hiện tư cách tham gia trong môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, nghị định đã bỏ xót một chủ thể quan trọng trong phạm vi điều chỉnh của mình, đó là thương nhân, tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Việc thiếu sót này dẫn đến một lỗ hỏng lớn trong công tác quản lý và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khi tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, điều này còn tạo nên nhiều sự bất công giữa các doanh nghiệp cùng kinh doanh lĩnh vực Thương mại điện tử. Trong khi Doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP với nhiều thủ tục và điều kiện phải đáp ứng thì Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới lại chẳng phải gánh chịu thủ tục nào để hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, việc thiếu vắng quy định này còn dẫn đến sự không tương đồng giữa Thương mại điện tử và Thương mại bán lẻ, trong khi bản chất đều là hoạt động phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đang chấp vá lỗ hỏng nói trên bằng nhiều cách khác nhau để tạo ra một sân chơi lành mạnh hơn. Cụ thể, về lĩnh vực khác như lĩnh vực an ninh quốc phòng, bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật an ninh mạng vào ngày 12/06/2018 nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng, trong đó bao gồm cả lĩnh vưc thương mại điện tử. Theo đó, Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Thương mại điện tử xuyên biên giới phải hiện diện thương mại tại Việt Nam theo Điều 26.3 của Luật An ninh mạng 2018. Theo đó, thông qua việc có hiện diện thương mại tại Việt Nam, Doanh nghiệp/tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã thuộc một trong các đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Do đó, Luật An ninh mạng 2018 được xem như là một sự chắp vá cho khoảng trống chính sách lớn do thiếu vắng các quy định cụ thể tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng như các văn bản khác về chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, tại điều 25 Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng 2018 đã đề ra 04 điều kiện đủ để một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo đó, Doanh nghiệp ngoài nước có đầy đủ các điều kiện dưới đây phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam:

(i) Là doanh nghiệp cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau đây: Dịch vụ viễn thông; Dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; Cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; Thương mại điện tử; Thanh toán trực tuyến; Trung gian thanh toán; Dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; Mạng xã hội và truyền thông xã hội; Trò chơi điện tử trên mạng; Thư điện tử;

(ii) Có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý các loại dữ liệu theo quy định của Luật An ninh mạng;

(iii) Để cho người sử dụng dịch vụ thực hiện hành vi cấm theo Luật An ninh mạng; và

(iv) Doanh nghiệp Vi phạm các quy định tại Luật An ninh mạng.

Có thể thấy dự thảo có xu hướng chi tiết và thu hẹp phạm vi của Điều 26.3 nói trên của Luật An ninh mạng 2018. Theo đó, không phải tất cả doanh nghiệp/tổ chức nào tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nào cũng đều bị bắt buộc thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, miễn là không đủ 04 điều kiện tại Dự thảo. Tuy nhiên, Dự Thảo này vẫn đang được Chính Phủ xem xét và chưa được phê duyệt.

Trên thực tế, Luật An ninh mạng vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc kiểm soát dữ liệu của người dùng Việt Nam và cũng chưa có sức ép mạnh mẽ tới các doanh nghiệp/tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

3. Chắp vá thế nào mới là đúng đắn?

Theo tác giả, sự chấp vá đúng đắn nhất không phải là chấp vá từ các nguồn luật khác mà là đến từ chính văn bản quy phạm pháp luật cốt lõi của hoạt động thương mại điện tử, đó là nghị định 52/2013/NĐ-CP. Việc sửa đổi, bổ sung nghị định 52/2013/NĐ-CP trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ và theo nhiều hình thức đầu tư khác nhau là việc cấp bách hơn cả. Bộ Công Thương dự kiến hoàn thành xong dự thảo Nghị định 52/2013/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét và phê duyệt trong đầu năm 2021.

Theo thông tin được công bố, Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung sắp tới có khả năng sẽ mở rộng phảm vi điều chỉnh của nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo sân chơi công bằng hơn cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam. Cụ thể, Dự thảo sẽ sửa đổi đối tượng “thương nhân, tổ chức nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam” tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP thành “thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”.

Thêm vào đó, dự thảo còn bổ sung các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử nhằm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các điều kiện tiếp cận thị trường của Dự thảo bao gồm:

(i) Phải đầu tư theo hình thức đầu tư được quy định theo Luật Đầu tư (Thành lập Tổ chức kinh tế hoặc góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp của Tổ chức kinh tế);

(ii) Phải thuộc danh sách các Công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ;

(iii) Phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nếu chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Ngoài ra, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 52/2013/NĐ-CP còn bổ sung thêm quy định trực tiếp về nghĩa vụ công bố các văn bản chứng nhận, giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp hay nghĩa vụ cung cấp phương thức thanh toán đảm bảo qua đơn vị trung gian thanh toán cho người tiêu dùng.

Dự thảo gián tiếp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc bắt buộc thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần theo pháp luật về đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Từ đó giải quyết các bất cập trong việc giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng đối với các giao dịch, mua bán trong hoạt động thương mại điện  tử có yếu tố nước ngoài.