Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số

Theo Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Đỗ Doãn Tú: Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS -  KHHGĐ) thời gian qua, đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Quy mô dân số hiện nay gần 96,5 triệu người (năm 2019), tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số 10 năm (2009-2019) trong khoảng từ 1,05% đến 1,15%/ năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68%. 

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6% tuổi (năm 2019), cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Mỗi cặp vợ chồng có hai con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa trong toàn xã hội; dịch vụ DS - KHHGĐ ngày càng được mở rộng và  chất lượng ngày càng cao... 

Tuy nhiên, công tác dân số hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề KHHGĐ để ổn định quy mô dân số, hiện nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ; nhất là nâng cao chất lượng dân số và phải đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, tỉnh thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, mức sinh vẫn còn cao ở một số tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, Tây Nguyên. Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả bởi chưa có giải pháp đồng bộ… Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu...

Nhằm khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức nêu trên, hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số và 50 năm Ngày dân số Việt Nam, Bộ Y tế kêu gọi các cấp, ngành cần “nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Theo đó, các ngành, địa phương sớm có những giải pháp triển khai chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số; tiếp tục có chính sách hỗ trợ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người khuyết tật để nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác, xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong  chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, trọng tâm là chất lượng dân số.  Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Cần bảo đảm nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu như duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Cần có đội ngũ mạnh cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm nhất định về chế độ đãi ngộ cũng như đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ này. Việc phát triển mạng lưới cán bộ làm công tác dân số phải được xem là khâu trọng yếu trong việc thực hiện tốt chiến lược dân số đến năm 2030. Cần có đội ngũ cán bộ làm công tác dân số am hiểu, có kinh nghiệm và tâm huyết với công việc.

Bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác dân số; có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số… Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cần vận dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhằm phục vụ cho mục tiêu của chiến lược dân số. Thực hiện có hiệu quả các phương tiện truyền thông này sẽ giúp mỗi người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số, từ đó góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững. Để góp phần nâng cao chất lượng về dân số, trong đó bao gồm chất lượng về thể lực cần có nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng cho người Việt Nam. 

Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các cấp các ngành, trong đó những cơ quan phụ trách công tác DS - KHHGĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, góp phần đưa Việt Nam vững bước phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. 

THANH MAI

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần ngay từ giai đoạn đầu đời của một con người. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số
Diện mạo đô thị Hạ Long được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Trọng tâm dân số và phát triển

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, dân số của tỉnh hiện trên 1,33 triệu người (năm 2020), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,08%. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ bình quân là 73,6 (tương đương với toàn quốc). Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 57,8%; 100% trẻ em được khám, chữa bệnh miễn phí; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 94,3%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 93,5%.

Dân số của tỉnh bước đầu có sự phân bố hợp lý, gắn với quá trình quy hoạch, nông thôn mới, đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong 10 năm qua, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong nước có 4 thành phố, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, công trình hạ tầng kỹ thuật động lực kết nối vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của tỉnh đến năm 2019 chiếm 64,56%, cao so với cả nước (34,4%) và vùng đồng bằng sông Hồng (35,06%). Mật độ dân số của tỉnh hiện là 214 người/km2. Quảng Ninh vẫn là tỉnh đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, đến năm 2020 độ tuổi lao động chiếm 69,8% dân số.

Mô hình “mỗi cặp vợ chồng có 2 con” đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được mở rộng, đa dạng hình thức cung cấp, chất lượng ngày càng cao.

Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh siêu âm khám sàng lọc thai nhi.

Ông Hoàng Văn Hy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế), cho biết: Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, đẩy mạnh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt, Quảng Ninh quan tâm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII "về công dân số trong tình hình mới", với trọng tâm chuyển từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số của tỉnh hiện không chỉ chú trọng tới mục tiêu KHHGĐ như trước, mà gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi hay thất bại trong quá trình tạo môi trường cạnh tranh cũng như nguồn lực, nền tảng phát triển bền vững của đất nước nói chung, mỗi tỉnh nói riêng. Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Trong đó, bao gồm trình độ giáo dục, cơ cấu và trình độ nghề nghiệp - xã hội, tính năng động, việc làm, thu nhập, tình trạng sức khỏe... Các bài toán phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch (tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn...) đều phải tính đến các yếu tố dân số nếu muốn phát triển nhanh và bền vững.

Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số
Sản xuất ngói không nung từ tro xỉ thải tại Công ty CP Thanh Tuyền Group (TX Đông Triều).

Quảng Ninh sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, ngày càng khẳng định rõ vai trò là một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%. Tỉnh ngày càng phát triển, nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ. Do đó, vấn đề nâng cao chất lượng dân số cần được đặt lên hàng đầu và có các chính sách can thiệp ưu tiên để thực hiện.

Nhận thức rõ tầm quan trọng nâng cao chất lượng dân số, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định một trong 3 khâu đột phá của tỉnh là “Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số”.

Đầu tư cho tương lai

Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, Quảng Ninh đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình, như: Tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh triển khai đến 177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thông qua chương trình, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đều tăng.

Mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại hầu hết các địa phương, với khoảng 50% nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe cho nhiều thanh niên. Đồng thời, tăng cường truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn “nóng” về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những hủ tục.

Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số
Khám, tư vấn sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Thực tế cho thấy, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Những mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn biết được họ có mang gene bệnh hay không; đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người mang gene bệnh khi có thai. Khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang điều trị cho trên 60 bệnh nhi mang gene bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh). Các cơ sở y tế khác trên địa bàn cũng điều trị cho những người lớn bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nếu không chữa trị, bệnh nhân sẽ bị biến dạng xương mặt, nhiễm trùng, suy tuyến nội tiết, suy gan, suy tim, nguy cơ tử vong cao. Đến nay chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh triệt để, mà chỉ điều trị triệu chứng bằng truyền máu và thải sắt suốt cả cuộc đời, phần lớn họ phải sống phụ thuộc gia đình và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Mục dịch của cải thiện chất lượng dân số
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám, điều trị bệnh Thalassemia cho bệnh nhi.

Ông Hoàng Văn Hy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết thêm: Đối với bệnh Thalassemia, đến nay ở Quảng Ninh, các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh hoàn toàn có thể chủ động từ khâu tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán đến điều trị. Bệnh hoàn toàn có thể sàng lọc từ các bước đơn giản tại tuyến y tế cơ sở bằng tư vấn hỏi về tiền sử bản thân, gia đình hoặc xét nghiệm cơ bản, không tốn kém chi phí. Vì vậy, trước khi kết hôn hoặc sinh con, những cặp vợ chồng nên đi tư vấn về sức khỏe sinh sản và các bệnh về di truyền. Đây là yếu tố rất quan trọng để sinh ra những em bé khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai.

Ngoài bệnh Thalassemia, Quảng Ninh còn chú trọng ngay từ khâu chẩn đoán, sàng lọc các bệnh Down, Ewards, Patau; suy giáp bẩm sinh; tim bẩm sinh; thiếu men G6PD (rối loạn chuyển hóa); tăng sản thượng thậm bẩm sinh và khiếm thính bẩm sinh.

Ở các nước tiên tiến hiện nay thường dành một khoản tiền đầu tư cho sức khỏe sinh sản để tạo ra chất lượng dân số tốt. Tại tỉnh ta, những năm qua, mạng lưới y tế được đầu tư rộng khắp, nên người dân ở khắp các vùng miền đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có các dịch vụ DS-KHHGĐ. Các chính sách liên quan đến sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi cũng được tỉnh từng bước quan tâm. Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời đầu tư triển khai các chương trình, đề án: Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025...

Để thực hiện các mục tiêu của công tác dân số nói chung, nâng cao chất lượng dân số nói riêng, theo ông Hoàng Văn Hy, công tác truyền thông là giải pháp quan trọng đầu tiên, để mọi người dân hiểu được giá trị của các chương trình nâng cao chất lượng dân số; vận động các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ủng hộ, quan tâm, chỉ đạo ở địa bàn và huy động nguồn lực của địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân số.

Đồng thời, ngành Y tế tỉnh tiếp tục hoàn thiện, cung cấp đa dạng hóa các dịch vụ y tế có chất lượng, các dịch vụ về DS-KHHGĐ; nhất là tại các KCN, KKT và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận như vùng sâu, xa, nhằm từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và cải thiện đời sống tinh thần cho người cao tuổi.

Để thực hiện được các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới tại Quảng Ninh, không chỉ riêng ngành Y tế, mà cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương và người dân.