Làm thế nào để phòng tránh bệnh tật năm 2024

‘Health is wealth’ – Sức khỏe chính là của cải. Câu nói phổ biến này thực sự có ‘sức nặng’ bởi tính đúng đắn của nó. Do đó, việc ngăn ngừa bệnh tật, từ đó có cuộc sống khỏe mạnh trở thành mối quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi người.

Nhưng chính xác thì việc phòng ngừa bệnh tật là gì và làm thế nào để bạn có thể ngăn ngừa chúng xảy ra? Bác sĩ y khoa tích hợp Irina Todorov đã đưa ra 9 cách phòng ngừa bệnh tật cũng như cách thức chăm sóc bản thân, từ đó bạn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và tốt nhất.

1. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh

Bác sĩ Todorov nói: “Để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật, hãy tránh những thực phẩm chế biến sẵn, và thay vào đó, ăn các bữa ăn tự nấu từ các nguyên liệu cơ bản”.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 đã kết luận rằng việc tiêu thụ nhiều hơn 4 khẩu phần (serving) thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến việc tăng 62% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân. Đối với mỗi khẩu phần tăng thêm của loại thực phẩm chế biến sẵn, tỷ lệ tử vong này tăng thêm 18%. Những loại thực phẩm này có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính, từ đó có thể góp phần dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và thậm chí là ung thư.

Thực phẩm chế biến sẵn bao gồm:

  • Khoai tây chiên
  • Bánh mì trắng
  • Bánh rán
  • Bánh quy
  • Thanh protein hoặc granola
  • Ngũ cốc ăn sáng
  • Yến mạch ăn liền
  • Kem pha cà phê
  • Nước ngọt có ga
  • Sữa lắc.

Bác sĩ Todorov cảnh báo: “Điều quan trọng là phải đọc kỹ nhãn thực phẩm. Hầu hết các loại thực phẩm đóng gói có nhiều hơn 5 thành phần hoặc có những thành phần mà bạn không thể chỉ rõ. Nhiều loại thực phẩm được dán nhãn là ‘ăn kiêng’, ‘lành mạnh’, ‘không chứa đường’ hoặc ‘không chất béo’ thật ra có thể lại không tốt cho bạn”.

Tất cả các chế độ ăn uống lành mạnh có điểm gì chung? Chúng bao gồm trái cây và rau củ, các loại đậu hạt, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt (như quinoa, gạo lứt và yến mạch nguyên hạt chưa qua chế biến), các loại hạt và quả hạch, các loại dầu tốt cho sức khỏe (như dầu ô liu nguyên chất).

Bác sĩ Todorov nói: “Một ví dụ tuyệt vời về mô hình ăn uống lành mạnh là chế độ ăn Địa Trung Hải. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được sự hỗ trợ trong việc tạo ra một chế độ ăn mang lại hiệu quả cho bạn”.

2. Kiểm tra mức cholesterol

Khi kiểm tra lượng cholesterol, kết quả xét nghiệm sẽ hiển thị mức cholesterol trong máu của bạn tính theo đơn vị mg/dL. Kiểm tra lượng cholesterol là rất quan trọng vì dựa trên chỉ số này, bác sĩ sẽ có thể tư vấn cho bạn cách duy trì mức cholesterol cho phép, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

3. Theo dõi chỉ số huyết áp

Bạn có nghĩ mình bị cao huyết áp không? Ngay cả khi câu trả lời của bạn là ‘không’, hãy kiên tục theo dõi chỉ số này nhé. Dựa trên dữ liệu được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), khoảng 45% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị tăng huyết áp, bao gồm tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương, hoặc đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Huyết áp bình thường được định nghĩa là huyết áp dưới 120/80 mmHg. Tăng huyết áp khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ – đây là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ở nhiều người thừa cân, ngay cả việc giảm cân dù ít cũng có thể giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa cao huyết áp. Bác sĩ Todorov nói: “Hãy bắt từ những bước đơn giản và tìm một hoạt động vận động mà bạn yêu thích. Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho cả huyết áp và sức khỏe của bạn”.

4. Đứng dậy và di chuyển, vận động

Hãy vứt bỏ quan niệm sai lầm phổ biến về việc tập thể dục là phải được thực hiện ở phòng tập hoặc một nơi được thiết kế dành riêng cho việc tập thể dục. Tần suất, cường độ và thời gian tập luyện mới là những yếu tố quan trọng nhất.

Bác sĩ Todorov nói: “Hãy bắt đầu việc tập luyện ở mức mà bạn có thể và tăng dần các hoạt động thể chất. Phương châm của tôi là tập thể dục về bản chất là đã tốt nhưng tăng cường thêm việc tập luyện sẽ còn tốt hơn”.

Đi 10,000 bước mỗi ngày là mục tiêu phổ biến vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi kết hợp với các hoạt động lành mạnh khác, nó có thể giúp giảm các bệnh mạn tính như tiểu đường, hội chứng chuyển hóa và bệnh tim. Hình thức luyện tập này không cần phải được thực hiện trong thời gian dài. Bạn có thể đi bộ từ 30 – 60 phút một lần mỗi ngày hoặc bạn có thể thực hiện việc đi bộ 2 – 3 lần mỗi ngày với thời gian từ 10 – 20 phút cho mỗi lần.

Bác sĩ Todorov nói: “Hiện nay có rất nhiều hình thức khác nhau cho việc tập thể dục mà chúng ta có thể lựa chọn. Hãy khai thác phòng tập thể dục và ứng dụng dùng thử miễn phí, xem các video trên YouTube. Việc đi bộ trong công viên cũng bổ sung thêm lợi ích từ việc dành thời gian ngoài thiên nhiên”.

5. Chú ý đến khối lượng cơ thể

Để biết liệu bạn có đang ở mức cân nặng phù hợp so với chiều cao của mình hay không, hãy tính chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI).

Thang BMI:

  • BMI < 18.5: thiếu cân
  • BMI từ 18.5 – 24.9: lý tưởng
  • BMI từ 25 – 29.9: thừa cân
  • BMI ≥ 30: béo phì.

Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường tuýp 2, sỏi mật, các vấn đề về hô hấp và một số bệnh ung thư. Trong trường hợp bạn thừa cân hoặc béo phì, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ có thể giúp bạn đi đúng hướng để có được khối lượng cơ thể phù hợp.

6. Kiểm soát đường huyết

Để có sức khỏe dự phòng tốt, hãy cắt giảm nước ngọt có ga, kẹo và các món tráng miệng có nhiều đường vì chúng có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu bạn bị tiểu đường, theo thời gian, tình trạng này có thể gây hại cho tim, thận, mắt và thần kinh của bạn.

Bên cạnh việc biết được điều gì khiến cho lượng đường trong máu tăng lên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng việc ăn uống hợp lý, quản lý cân nặng, bỏ hút thuốc và vận động nhiều hơn là các biện pháp giúp kiểm soát đường huyết.

Bác sĩ Todorov cho biết thêm: “Ngoài ra, việc duy trì huyết áp, đường huyết và cholesterol ở mức bình thường sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này cũng làm giảm nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư”.

7. Bỏ thuốc lá

Nếu bạn đang hút thuốc, để mang lại lợi ích cho sức khỏe của mình, có lẽ không có lựa chọn nào khác mà bạn có thể thực hiện tốt hơn việc bỏ thuốc lá.

CDC phát hiện ra rằng những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh tim, các loại ung thư khác nhau, đột quỵ và nhiều hơn thế nữa so với những người không hút thuốc. Không chỉ vậy, hút thuốc là còn làm tăng nguy cơ tử vong vì ung thư.

Bác sĩ Todorov nói: “Những người hút thuốc giảm ít nhất 10 năm tuổi thọ so với những người không bao giờ hút thuốc. Những người bỏ thuốc ở tuổi 40 giảm 90% nguy cơ tử vong do hút thuốc”.

8. Ngủ ngon giấc

Giấc ngủ giúp chúng ta hồi phục năng lượng và có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của chúng ta. Nếu bạn khó ngủ, hãy cố gắng thiết lập một thói quen ngủ lành mạnh. Một thói quen tốt cho giấc ngủ bao gồm việc đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, đồng thời tránh ăn quá nhiều cũng như tránh uống rượu. Điều quan trọng khác cần làm là dừng việc sử dụng thiết bị điện tử 2 giờ trước khi đi ngủ.

Để thư giãn trước khi ngủ, bác sĩ Todorov đưa ra lời khuyên:

  • Nghe nhạc êm dịu
  • Thiền
  • Suy ngẫm về những khoảnh khắc tích cực trong ngày
  • Đọc sách
  • Uống một tách trà hoa cúc
  • Tập yoga 10 phút.

Bác sĩ Todorov cho biết thêm: “Nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục hàng ngày cũng giúp cải thiện giấc ngủ ở những bệnh nhân bị chứng mất ngủ. Cố gắng tránh tập thể dục cường độ cao từ 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ”.

9. Đừng bỏ qua các đợt kiểm tra sức khỏe và chủng ngừa

Hoàn toàn không quá lời khi nói: việc khám sức khỏe có thể cứu mạng bạn. Các đợt kiểm tra sức khỏe được lập ra để phát hiện sớm các bệnh ung thư và những vấn đề nghiêm trọng khác nhằm giúp việc điều trị thành công hơn”.

Bác sĩ Todorov cho biết: “Có các khuyến nghị về việc khám sàng lọc dành riêng cho người lớn và phụ nữ, cũng như các sàng lọc khác nhau tùy thuộc vào tiền sử gia đình bạn. Một số khuyến nghị tầm soát đã thay đổi, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ”.

Việc tiến hành thay đổi để có một lối sống lành mạnh không thể đạt được một sớm một chiều. Hãy thực hiện các bước cần thiết ngay từ hôm nay để luôn theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bạn, đặt sức khỏe của bản thân lên hàng đầu và sống khỏe mạnh nhất có thể.

Nguồn: CLEVERLAND CLINIC

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.