Huyết áp bao nhiêu thì cao

Huyết áp cơ thể được ghi lại bằng 2 con số. Huyết áp tâm thu (chỉ số lớn hơn) là lực mà tim bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp tâm trương (chỉ số thấp hơn) là kháng lực của thành mạch máu với dòng chảy của máu trong cơ thể.

Trị số huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân (mmHg).

Nhìn chung, đa số các hướng dẫn trên thế giới quy định rằng: Cao huyết áp được định nghĩa khi huyết áp tâm thu lúc nghỉ ≥ 130mmHg hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ ≥ 80mmHg hoặc cả hai.

Hầu hết những người bị cao huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi kết quả đo huyết áp đạt mức cao nguy hiểm. Phương pháp điều trị cao huyết áp hiệu quả chủ yếu là thay đổi lối sống và điều trị dùng thuốc.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của cao huyết áp

Hầu hết những người bị cao huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi kết quả đo huyết áp đạt mức cao nguy hiểm.

Một số người bị cao huyết áp có thể có triệu chứng đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam, nhịp tim không đều, nhìn mờ, ù tai... nhưng những dấu hiệu và triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi cao huyết áp đã đến giai đoạn nặng hoặc đe dọa tính mạng.

Cao huyết áp nghiêm trọng có thể gây ra mệt mỏi, lo lắng, buồn nôn/nôn, lú lẫn, đau ngực và run cơ.

Biến chứng có thể gặp khi bị cao huyết áp

Trong số các cơ quan thì tim mạch thường là hệ cơ quan chịu tổn thương nhiều và nghiêm trọng do tình trạng cao huyết áp. Huyết áp quá cao có thể làm xơ cứng động mạch, làm giảm lưu lượng máu/oxy đến tim và có thể gây ra:

  • Đau ngực hay còn gọi là đau thắt ngực.

  • Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn hoàn toàn và các tế bào cơ tim chết vì thiếu oxy. Dòng máu bị tắc nghẽn càng lâu, tổn thương cơ tim càng lớn.

  • Suy tim: Xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu và oxy đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể.

  • Rối loạn nhịp tim: Có thể dẫn đến đột tử.

  • Đột quỵ: Cao huyết áp cũng có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu và oxy cho não gây ra đột quỵ.

  • Suy thận: Cao huyết áp có thể gây tổn thương thận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cách duy nhất để biết liệu huyết áp của bạn có cao hay không chủ yếu là thường xuyên đi khám để kiểm tra huyết áp. Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tình trạng huyết áp, đặc biệt ở người tuổi từ 40 trở nên.

Ngoài ra, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến huyết áp cao

Có hai loại cao huyết áp:

  • Cao huyết áp nguyên phát (vô căn): Đối với hầu hết người lớn, không có nguyên nhân xác định nào gây ra cao huyết áp cao. Đây là loại cao huyết áp thường gặp nhất (chiếm đến 85%), có xu hướng tiến triển dần dần trong nhiều năm.

  • Cao huyết áp thứ phát: Huyết áp cao do một nguyên nhân nào đó gây ra, có xu hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với cao huyết áp nguyên phát. Các tình trạng và thuốc khác nhau có thể dẫn đến cao huyết áp thứ phát, bao gồm: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh lý tại thận, u tuyến thượng thận, bệnh lý tuyến giáp, bất thường mạch máu bẩm sinh, tác dụng phụ của thuốc (thuốc ngừa thai, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc giảm đau...), chất kích thích (cocaine, amphetamine).


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ cao huyết áp?

Những người có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cao huyết áp được liệt kê dưới đây.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cao huyết áp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp, bao gồm:

  • Tuổi: Nguy cơ cao huyết áp gia tăng khi tuổi càng cao.

  • Chủng tộc: Cao huyết áp đặc biệt phổ biến ở người gốc Phi, thường phát triển ở độ tuổi sớm hơn so với người da trắng. Các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy thận, cũng phổ biến hơn ở những người gốc Phi.

  • Tiền căn gia đình có người bị cao huyết áp.

  • Thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động.

  • Hút thuốc lá.

  • Ăn mặn (nhiều Natri) và ăn ít Kali, uống rượu bia.

  • Stress, căng thẳng.

  • Một số bệnh lý mãn tính mắc phải kèm theo như đái tháo đường, bệnh thận, hội chứng ngưng thở.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán huyết áp cao

Bác sĩ sẽ thăm hỏi về bệnh sử và khám sức khỏe để phát hiện những yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng cao huyết áp.

Vì huyết áp thường dao động theo thời gian trong ngày nên việc đo huyết áp có thể cần phải đo ở nhiều lần khám khác nhau hoặc đo huyết áp tại nhà nếu cần trong những trường hợp khó chẩn đoán (cao huyết áp ẩn giấu hoặc cao huyết áp áo choàng trắng - thường gặp khi bệnh nhân cảm thấy hồi hộp và tăng huyết áp khi gặp nhân viên y tế) trước khi xác nhận bạn có tình trạng cao huyết áp.

Nếu bạn bị cao huyết áp, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác để xác định chẩn đoán và kiểm tra các yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý bên trong gây cao huyết áp. Một số xét nghiệm bao gồm: công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, lipid máu, ECG (điện tâm đồ), siêu âm tim.

Phương pháp điều trị cao huyết áp hiệu quả

Thay đổi lối sống (xem nội dung chế độ sinh hoạt và phòng ngừa) và điều trị với các thuốc điều trị cao huyết áp giúp kiểm soát và giữ ổn định huyết áp cơ thể. Các thuốc bác sĩ kê đơn điều trị cao huyết áp phụ thuộc vào số đo huyết áp và các bệnh lý đi kèm của bệnh nhân. Hãy hỏi bác sĩ của bạn về mục tiêu điều trị huyết áp của bạn vì huyết áp lý tưởng có thể thay đổi theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, đặc biệt nếu bạn trên 65 tuổi.

Các loại thuốc thông thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu;

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEI);

  • Thuốc ức chế thụ thể (ARB);

  • Thuốc chẹn kênh calci (CCB).


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cao huyết áp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Thường xuyên vận động, tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.