Chị dâu của một bên vợ hoặc chồng có thể mang thai hộ cặp vợ chồng đó

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 có sửa đổi, bổ sung quan trọng về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.

1. Một số hạn chế, bất cập

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình thì “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Như vậy, luật đã không dự liệu được trường hợp có những phụ nữ không có tử cung và dự trữ buồng trứng của họ cũng không có trứng (noãn). Với những trường hợp này, để thực hiện mang thai hộ họ phải đi xin trứng của người khác thế nhưng Luật chưa có quy định.

Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về việc người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải là người không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau. Thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng, thậm chí là cả hai vợ chồng bị bất thường di truyền về chuyển đoạn gen khiến người vợ thường bị sảy thai hoặc không có thai được thì sẽ phải xin noãn, hoặc đi xin phôi của người khác mới có thể nhờ người mang thai hộ được. Như vậy, việc quy định về vấn đề này vô tình tức đi quyền làm cha mẹ của những người thuộc trường hợp nêu trên.

Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định áp dụng mang thai hộ tại Việt Nam cho cả người Việt Nam và người nước ngoài nhưng tại khoản 2 Điều 5 thì người cho noãn chỉ áp dụng với người Việt Nam và Việt kiều. Còn những trường hợp xin tinh trùng lại không đề cập tới. Vậy có áp dụng mang thai hộ cho người nước ngoài được không? Vấn đề này vẫn chưa được quy định cụ thể trong Nghị định.

Tại điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện để được nhờ người mang thai hộ là: Vợ chồng đang không có con chung. Nói cách khác là chỉ có những cặp vợ chồng chưa có người con chung nào mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Và đây chính là bất cập, là rào cản đối với những cặp vợ chồng tuy đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền. Bên cạnh đó, mặc dù khoa học trong lĩnh vực y khoa đã phát triển nhanh nhưng trong thực tế vẫn còn không ít trường hợp vì sự can thiệp thủ thuật mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung, cắt bỏ buồng trứng... nên họ không thể có con nếu không cho phép mang thai hộ. Thậm chí ở một bệnh viện đã xảy ra trường hợp có bệnh nhân được chẩn đoán là bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ lại cắt nhầm buồng trứng... Và với những trường hợp này thì nhu cầu có con là hoàn toàn chính đáng.

Tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: “Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ…”; khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.

Thực tiễn thi hành quy định về điều kiện của người mang thai hộ theo quy định định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay quá chặt chẽ, như có những cặp vợ chồng có con chung rồi nhưng đứa trẻ ấy lại mắc bệnh hiểm nghèo và cũng không tìm được người thân thích mang thai hộ, nên giờ đây cơ hội có con là vô cùng khó khăn. Vì quy định quá chặt chẽ nên đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, thậm chí là trái pháp luật. Thời gian gần đây, đã có những trường hợp vi phạm pháp luật về mang thai hộ bị khởi tố, xét xử. Điều này cho thấy mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đang bị biến thành hoạt động thương mại do chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện đối với người mang thai hộ.

2. Một số kiến nghị khắc phục

Theo tác giả cần phải sửa đổi một số quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng bỏ điểm b khoản 2 Điều 95 “Vợ chồng đang không có con chung” và điểm b khoản 2 Điều 95 “Đã có con và chỉ  được mang thai hộ một lần”. Tuy quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 hạn chế được tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ nhân đạo, nhưng vô tình tạo ra những khó khăn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Giả xử trong trường hợp nhà có ba chị em gá,i hai chị đầu đều hiếm muộn nhờ em gái mang thai hộ mà cô em chỉ có thể mang thai hộ một lần thì sẽ khó khăn trong việc lựa chọn người chị nào mà mình sẽ mang thai giúp. Có những trường hợp người mang thai hộ không muốn có con nhưng vì tình cảm gia đình muốn mang thai hộ giúp người thân thì cũng không được. Ngoài ra, cần mở rộng về chủ thể được nhờ mang thai hộ, không chỉ cặp vợ chồng vô sinh mà có thể cho phép các cặp vợ chồng khác hoặc phụ nữ độc thân cũng được thực hiện quyền này. Đồng thời cần quy định cụ thể các trường hợp vợ chồng được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật về mang thai hộ.

Tại điểm d khoản 2 Điều 95 cần được sửa đổi như sau: “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” nên được sửa thành “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng (trừ trường hợp chồng của người mang thai hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi)” vì trong thực tế tồn tại nhiều trường hợp trường hợp người chồng mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì không thể có khả năng thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý để vợ thực hiện mang thai hộ, khi đó, yêu cầu về bản xác nhận nêu trên trong hồ sơ là không có cơ sở. Điều này tạo ra những khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật trên thực tế cho cả các bên tham gia cũng như cơ sở y tế khi thẩm định hồ sơ. Vì với điều kiện “cứng” này thì văn bản thể hiện sự đồng ý của người chồng của người mang thai hộ là bắt buộc, dẫn đến hệ quả là người mang thai hộ dù đủ các điều kiện khác nhưng không có văn bản đồng ý của người chồng thì cũng không thể thực hiện được.

Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) triển khai kỹ thuật mang thai hộ, cháu bé  ra đời giữa đại dịch Covid-19- Ảnh: Anh Thư/ BNLĐ

Theo thống kê, tỉ lệ vô sinh của người dân nước ta chiếm khá cao, khoảng 10% các cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh sản. Thực tế, có hàng triệu cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng chưa thể thực hiện được mơ ước của mình. Khi nền y học thế giới nói chung, y học nước nhà nói riêng ngày càng phát triển thì mong ước được làm cha, làm mẹ của một số cặp vợ chồng hiếm muộn đã trở thành hiện thực, bởi các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thực sự đã mang lại niềm vui và hạnh phúc đến cho bao nhiêu cặp vợ chồng. Tuy nhiên, vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở nước ta đang trở nên ngày càng phổ biến, do vậy cũng cần phải có một hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ vấn đề này.

 1.Những vấn đề pháp lý về vấn đề sinh con bằng kỹ thuât hỗ trợ sinh sản

Khoản 21, Điều 3 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Hay nói cách khác, đó là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ nhằm mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có những đứa con như họ mong muốn. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thể hiện được sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học lĩnh vực y học, giải quyết được tình trạng vô sinh ở cả phụ nữ và nam giới do ảnh hưởng bởi sự tác động của nhiều yếu tố như môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại hay di chứng của chiến tranh để lại, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao gia đình.

– Hiện nay có hai phương pháp chính không chỉ ngành y học Việt Nam mà toàn ngành y học các nước trên thế giới áp dụng đó là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.

Một là, đối với phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Hiện nay, thụ tinh nhân tạo đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất xoay quanh lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Thụ tinh nhân tạo được biết đến là một phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả được áp dụng phổ biến trong điều trị vô sinh hiếm muộn nhằm mang đến cơ hội làm cha, làm mẹ cho nhiều cặp vợ chồng. Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật để tạo điều kiện cho quá trình thụ thai được diễn ra thuận lợi nhất tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Dưới góc độ y học, thụ tinh nhân tạo được hiểu là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thụ tinh nhân tạo hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả cao hiện nay và trở thành lựa chọn của rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Hai là, đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì: “Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”.

Hay nói cách khác, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Đây là phương pháp điều trị hiếm muộn trong các trường hợp: Tắc nghẽn ống dẫn trứng; lạc nội mạc tử cung; tinh trùng ít, yếu, dị dạng; xin trứng;…Đây cũng là biện pháp được nhiều cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ độc thân tìm đến và mang lại hiệu quả tương đối cao. Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, tỷ lệ mang thai của người được thụ tinh trong ống nghiệm đã được nâng lên đáng kể so với trước đây.

– Những trường hợp được áp dụng sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì “Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”. Như vậy, pháp luật cho phép áp dụng biện pháp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hai trường hợp: (i) Đối với cặp vợ chồng vô sinh (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP) và đối với người phụ nữ độc thân (khoản 6 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP).

2.Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo pháp luật Việt Nam

Thứ nhất, xác định cha mẹ đối với trường hợp cặp vợ chồng vô sinh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng. Vì vậy, trong trường hợp con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ, chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. Để đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp, kể cả khi người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác và người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay kể cả chồng không phải là người cho tinh trùng.

Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, hoặc cho phôi với đứa trẻ sinh ra. Chẳng hạn như: A và B là vợ chồng, do tinh trùng quá loãng nên B không thể có con được với A. C là người đã cho vợ chồng B tinh trùng của mình, các bác sĩ đã tiến hành và cấy thành công cho người vợ là A. A mang thai sinh ra D, lúc này D là con của A và B, tức là D là con hợp pháp của B chứ không phải là con của người cho tinh trùng đó là C.

Thứ hai, xác định cha mẹ đối với phụ nữ độc thân

Trường hợp này được áp dụng đối với những người phụ nữ không xác lập quan hệ hôn nhân nhưng mong muốn có con. Theo đó, việc xác định cha mẹ trong trường hợp này được Luật quy định cụ thể. Theo khoản 2 Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra”. Tức là, người phụ nữ độc thân này đương nhiên là mẹ của đứa trẻ được sinh ra đó.

Thứ ba, xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Thực tế, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã mở ra cơ hội được làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên việc mang thai hộ phải đáp ứng các quy định của pháp luật cả về tính tự nguyện, về chủ thể (cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ) và các biện pháp kỹ thuật y học. Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinhb sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Việc xác định cha mẹ đối với trường hợp này được ghi nhận cụ thể tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời đểm con được sinh ra”. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không làm phát sinh mối quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng người được nhờ mang thai hộ với đứa trẻ được sinh ra.

Thứ tư, thẩm quyền xác định cha, mẹ, con

Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì:

– Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp;

– Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp có yêu cầu việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người chết có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người đã yêu cầu chết.

Quyết định của Tòa án về việc xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

3.Hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Thứ nhất, nên bổ sung quy định hạn chế quyền li hôn khi hai vợ chồng đang tiến hành áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Chồng không có quyền yêu cầu li hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp sinh con bình thường (theo tự nhiên), còn đối với trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì pháp luật chưa có quy định cụ thể trong một văn bản pháp luật nào, nếu thực tế xảy ra trường hợp người chồng làm thủ tục li hôn khi người vợ đang mang thai thì Tòa án sẽ khó giải quyết vì không có căn cứ pháp lý, lúc này Tòa án vấn có thể thụ lý và đưa vụ án ra để giải quyết. Vì vậy, nên sớm bổ sung quy định này vào luật, bởi nếu không được bổ sung thì quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ và người con khi sinh ra sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nên sửa đổi khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và bổ sung thêm hạn chế quyền li hôn khi hai vợ chồng đang áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản

Thứ hai, việc xác định cha, mẹ, con khi sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng xuất phát từ nguyên tắc chung đó là xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp (Điều 88 & Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Quy định này nhằm đảm bảo mọi quyền lợi cho cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân và đặc biệt là đứa trẻ. Đối với trường hợp người phụ nữ độc thân khi sinh con thì áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con.
Ngoài ra, trong trường hợp xác định cha, mẹ, con cần quy định rõ sau khi đứa trẻ được sinh ra nếu người cha, mẹ không muốn thừa nhận con thì cũng không được yêu cầu xác định lại. Bởi vì họ là người yêu cầu thực hiện việc sinh con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản, quan hệ cha, mẹ và con là tất yếu, không thể phủ nhận. Điều này khác với trường hợp sinh con tự nhiên vì người chồng có quyền yêu cầu xác định lại quan hệ cha con khi không tin tưởng đứa con là con ruột của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nếu cặp vợ chồng, người phụ nữ độc thân nghi ngờ cơ sở y tế và có thể có sự nhầm lẫn trong quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì nên chăng cho phép họ được quyền yêu cầu xem xét lại.

Pháp luật đã cho phép sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng của người chồng lưu giữ trước khi chết thì cũng nên cho phép xác lập quan hệ cha mẹ con dựa trên căn cứ huyết thống, con là người có chung huyết thống với cha mẹ mà không dựa trên căn cứ thời kỳ hôn nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của bà mẹ và trẻ em.

Đối với việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp vợ chồng li hôn, theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, trường hợp hai vợ chồng li hôn, người vợ sử dụng phôi để sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự. Với quy định như vậy thì “quan hệ ngoài hôn nhân và gia đình” được hiểu như thế nào? Trường hợp này, pháp luật cũng cần phải quy định cụ thể, nếu không sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng trong việc giải quyết các quan hệ đó khi phát sinh tranh chấp.

Thứ ba, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ chồng người nhờ mang thai hộ phải đang không có con chung. Điều kiện này dẫn đến cách hiểu rằng nếu vợ, chồng đã có con riêng nhưng đang không có con chung thì vẫn thuộc trường hợp được nhờ mang thai hộ. Trong khi đó, nếu vợ chồng không có con riêng mà có con chung nhưng con chung đã cho người khác nhận nuôi hoặc mắc những căn bệnh hiểm nghèo, như di chứng chất độc da cam; teo não, bại não… thì cũng không thuộc diện được nhờ mang thai hộ.

Luật cũng quy định vợ chồng không thể sinh con thì mới được quyền nhờ mang thai hộ. Vậy có những phụ nữ vì nhiều lý do khác nhau mà họ không kết hôn, hoặc họ đã ly hôn (có những trường hợp li hôn vì lý do không có khả năng mang thai và sinh đẻ) rơi vào tình trạng không thể sinh con vì những lý do chính đáng giống như người vợ trong cặp vợ chồng đủ điều kiện nhờ mang thai hộ và họ muốn có con thì có được nhờ mang thai hộ không?

– Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. Theo quy định, mỗi gia đình có tối đa 2 người con thì tổng số người thân thích tối đa mà cả hai bên vợ chồng có thể nhờ là 10 người. Vậy, trong số tất cả 10 người này thì có bao nhiêu người đáp ứng đủ điểu kiện để có thể nhờ mang thai hộ. Từ đó, các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ gặp khó khăn trong việc nhờ mang thai hộ do đối tượng nhờ mang thai hộ khá hẹp. Đó là chưa kể đến một số trường hợp đặc biệt, họ không có anh em, chị em thuộc đối tượng có thể nhờ mang thai hộ thì lúc này họ sẽ mất cơ hội có con

– Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, có bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, nhờ người mang thai hộ tự mình chứng mình về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cở sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này. Tình trạng giấy tờ có thể làm giả, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng khó chứng thực được vì nhiều lý do khác nhau. Nếu có bên vi phạm về nội dung này thì pháp luật hiện hành cũng chưa quy định biện pháp chế tài cụ thể nào. Điều đó, liệu rằng có thể tránh được những hiện tượng đẻ thuê được hợp pháp hóa dưới hình thức mang thai hộ không?

– Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, người được nhờ mang thai hộ “đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần” là không dự tính đến trường hợp rủi ro trong qua trình mang thai hộ. Bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp người phụ nữ mang thai tự nhiên còn xảy ra những trường hợp sảy thai hoặc qua khám sàng lọc trước khi sinh phát hiện thai không thể giữ buộc phải bỏ. Do vậy, với quy định người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần, là chưa thật sự “nhân đạo” với họ!. Trong quá trình mang thai hộ do gặp “sự cố” ngoài ý muốn hoặc từ kết quả khám sàng lọc, không giữ được thai nhi thì cơ hội được làm mẹ, là cha của cặp vợ chồng hiếm muộn “có cũng bằng không”. Bởi theo quy định, họ không thể nhờ người mang thai hộ tiếp lần thứ hai. Do vậy, nên bỏ quy định “chỉ được mang thai hộ một lần” ở trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về người có nguyện vọng lưu giữ tinh trùng
Quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP cho phép người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân được phép lưu giữ tinh trùng. Tuy nhiên pháp luật không quy định cụ thể về chủ thể được phép tự nguyện lưu giữ cũng như chưa đề cập đến quyền đối với tinh trùng của loại chủ thể này. Để giải quyết vấn đề trên pháp luật nên quy định điều kiện về chủ thể được phép lưu giữ tinh trùng cũng như quyền của họ đối với tinh trùng được lưu giữ./.

Ảnh minh họa: Thu Hoa ( Báo Đà Nẵng)