Chất văn buồn nhẹ nhàng nói về vawen thạch lam năm 2024

Giữa lúc các nhà văn lãng mạn 1930 - 1945 say sưa với những tác phẩm văn chương theo khuynh hướng “Nghệ thuật vị nghệ thuật” thì Thạch Lam - một nhà văn lãng mạn lại bám rễ sâu vào hiện thực. Cảm hứng lãng mạn của ông như một cánh diều mà sợi dây bền chặt là hiện thực cuộc sống.

Nhà văn Thạch Lam quan niệm “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Như vậy, Thạch Lam đã bút chiến với quan niệm nghệ thuật tiêu cực của dòng văn học lãng mạn bấy giờ. Ông hướng đến một thứ văn chương gắn bó mật thiết với đời sống, không thoát li thực tại và tích cực hơn còn góp phần đấu tranh cho cái Thiện toàn thắng, làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Cũng xuất phát từ quan niệm sâu sắc và chân thành đó về văn chương mà trong suốt cuộc đời cầm bút ông thường hướng về những con người bé nhỏ, cuộc sống nhiều vất vả, cơ cực mà tâm hồn vẫn tinh tế, đôn hậu hoặc khắc họa tâm trạng cùng cực, đau đớn của nhân vật khi phải đối diện với hiện thực cuộc sống. Qua những trang viết của mình ông gửi gắm niềm yêu thương, trân trọng đối với thiên nhiên, con người, cuộc đời.

Đứng trong Tự Lực văn đoàn, nhưng quan điểm văn chương của Thạch Lam gần với Vũ Trọng Phụng, “văn chương phải là sự thực ở đời”, gần với Nam Cao, “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Văn chương với họ là tiếng nói của tình cảm, là phương thức để chuyển tải tư tưởng, là thứ khí giới thanh cao và đắc lực tác động sâu sắc đến tâm hồn con người. Từ sức mạnh tinh thần, văn chương có thể chuyển thành sức mạnh vật chất.

Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, nhà văn đã lặng lẽ cống hiến những tác phẩm đặc sắc như Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Theo dòng (1941), Hà Nội ba mươi sáu phố phường... Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn đặc sắc, hằn in trong tâm trí của bao thế hệ học sinh.

Cảm thông sâu sắc những kiếp đời bất hạnh

“Gió lạnh đầu mùa” ra đời khi dân tộc Việt Nam đang chìm trong nô lệ, lầm than; đất nước mất tên trên bản đồ thế giới, người Việt Nam không Tổ quốc, không quê hương. Trong bối cảnh đó, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân bị dồn đuổi vào bước đường cùng.

Hiện hữu trong trang viết “Gió lạnh đầu mùa” là mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là những kiếp đời bất hạnh với niềm cảm thông sâu sắc. Nghệ thuật tự sự bàng bạc chất thơ, sự kết hợp hài hòa dòng cảm xúc lãng mạn và hiện thực đã vẽ nên một bức tranh sinh động về những số phận hèn mọn trong cõi nhân sinh mà chan chứa nghĩa tình.

Truyện bắt đầu bằng khung cảnh của buổi sáng mùa đông khi cái lạnh ở đâu đến khiến không khí như đang độ giữa mùa Đông rét mướt. Cả nhà Sơn ngồi bên hỏa lò. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Sơn được mẹ mặc cho những chiếc áo ấm áp nhưng khi mẹ lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét lại thấy một chiếc áo bông cánh xanh cũ của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi.

Nhìn áo, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Sau đó, chị em Sơn ra chợ chơi. Những đứa trẻ em nghèo khổ nơi xóm chợ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Và đặc biệt là khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”, một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn – đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên.

Nhưng khi về đến nhà, biết mẹ đã biết chuyện hai chị em Sơn lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Chiều đó, mẹ Hiên đã mang áo đến trả lại, còn mẹ Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con.

Không nhiều sự việc, không chú trọng xây dựng những tình huống gay cấn, khơi nguồn cho “Gió lạnh đầu mùa” là sự đổi mùa đột ngột từ cuối Thu sang đầu Đông. Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc mang theo hơi lạnh tràn về. Trong một xóm chợ đìu hiu, những đứa trẻ con nhà nghèo vẫn phong phanh manh áo rách mà hồn nhiên nói chuyện về chiếc áo ấm.

Nhà văn đã vẽ nên vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ của những đứa trẻ không phân biệt sang hèn, đẳng cấp, chúng đến với nhau bằng tất cả trái tim tình người. Xuất thân từ một gia đình công chức gốc quan lại, là em ruột của hai nhà văn nổi tiếng đương thời là Nhất Linh và Hoàng Đạo nhưng cái nhìn của Thạch Lam không phải là sự thương hại, ban ơn, mà là sự sẻ chia những cơ cực trong cơm áo đời thường với những con người “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên). Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” cứ nhè nhẹ mà thấm sâu vào hồn người, nhen lên ngọn lửa yêu thương để tìm chút hơi ấm trong những ngày rét mướt.

Chọn lối kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, “Gió lạnh đầu mùa” có cốt truyện đơn giản, một kiểu truyện ngắn trữ tình để diễn tả tâm trạng nhân vật, qua đó, tác giả đã gửi gắm một cách kín đáo, nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp nghèo cơ cực nơi xóm nhỏ nghèo nàn, xơ xác trong không gian ảm đạm, se sắt, những mảnh đời non trẻ tàn tạ có lẽ đang chờ đợi một niềm vui mơ hồ

Dưới nét bút của Thạch Lam, thiên nhiên bên ngoài là cái cớ để khơi gợi thế giới nội tâm lung linh sâu lắng, thế giới của những cảm xúc vô bờ mà cứ nhè nhẹ thắm tình người.

Nhà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển đổi không khí, cảnh sắc thiên nhiên từ cuối Thu sang đầu Đông bằng những từ ngữ cô đọng, vừa tượng thanh, vừa tượng hình, vừa khơi gợi cảm xúc: “Cái nắng tháng Mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi…”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo…”. Cái lạnh đó là cái cớ để mọi người trong nhà thu mình vào thế giới nội tâm se thắt. Đó cũng là khi con người cần nhau hơn.

Hình ảnh thiên nhiên trong truyện gây cho người đọc những ấn tượng sâu đậm. Cái đượm buồn, lạnh lẽo mà ta cảm nhận được trong một buổi sáng đầu Đông vừa là của thiên nhiên với tư cách chất liệu, vật liệu, một phần là của nhà văn.

Những bức tranh nho nhỏ được gài xen kẽ với những mẩu đối thoại rời rạc, không hoàn chỉnh. Chúng lấp đầy những khoảng trống của lời nói và cầm giữ nhịp điệu của thiên truyện. Ở đây, thiên nhiên không thu hút toàn bộ thần trí con người để họ mê man trong đó. Nó gần gũi, vỗ về, khơi gợi những kỷ niệm, kí ức bâng khuâng.

“Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam.

Tư tưởng nhân đạo, tình người bao la

Sau bức tranh thiên nhiên với những cảnh vật được miêu tả cụ thể là không gian đa chiều với khung cảnh trong gian phòng của nhà Sơn. Đây là một không gian thực với hỏa lò, với người mẹ hiền từ, với người vú già và thúng áo ấm. Bên cạnh đó, Thạch Lam đã khắc họa không gian hồi tưởng trong ký ức của những nhân vật trong truyện khi em Duyên còn sống, ấm áp và hạnh phúc.

Hiện thực là cái lạnh bủa vây, hiện hữu nhưng cái hơi mốc của vải gấp lâu ngày trong thúng áo cũ lại như hơi thở của quá khứ, chiếm lĩnh lấy tiềm thức con người. Một nỗi buồn mơ hồ xa xăm đang dần dần hiện về mang theo hình dáng của Duyên, đứa em gái đã mất, làm người vú già ngậm ngùi “lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ” trên cái áo bông đã cũ; Sơn thương em quá, còn mẹ Sơn chỉ yên lặng rơm rớm nước mắt. Cơn gió lạnh đã lật lại một kỷ niệm buồn để se thắt lại nỗi nhớ riêng của từng người trong gia đình.

Những “cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ thổi lăn những chiếc lá lao xao” đã thổi qua miền quá khứ, đưa người đọc về lại hiện thực xã hội, cái hiện thực của xóm chợ nông thôn nghèo với biết bao cảnh đời cơ cực của những con người chân lấm tay bùn mà cái nghèo từ tiền kiếp chưa tan. Nhưng thế giới nhân vật của Thạch Lam không bi thương dữ dội như lão Hạc của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố.

Thạch Lam ít nói đến những bế tắc, những bi kịch của mảnh đời oan nghiệt. Những con người cứ lặng yên, lặng yên như quán chợ chơ vơ đìu hiu, như cái nghèo triền miên đeo đuổi không rời qua những đứa trẻ con nhà nghèo như thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc…

Đám trẻ ấy đã giương mắt kinh ngạc trước áo ấm của Sơn. Đối với chúng cái áo ấm là điều xa lạ không tưởng. Một đứa tặc lưỡi thèm khát nói: “Chiếc áo này mặc thì nóng lắm! Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít”. Thạch Lam đã phơi trần hiện thực nghèo đói của đất nước trong những năm trước Cách mạng tháng Tám.

Cái lạnh làm cho da thịt bọn trẻ tím lại và thâm đi qua những chỗ rách. “Mỗi cơn gió đến chúng lại run lên, hai hàm răng đập mạnh vào nhau”. Nhìn Sơn, nỗi khao khát thèm muốn cháy bỏng được mặc chiếc áo ấm dâng lên trong lòng chúng.

Thậm chí có đứa còn kể ngày trước thầy chúng cũng có một cái áo ấm nhưng sau đó bán cho ông cụ Lý một cách hồn nhiên, vô tư làm cho người đọc không khỏi xót xa trước sự sa sút gia cảnh của một gia đình, một thế hệ. Nhưng có lẽ, trong cái lạnh lẽo ấy những đứa trẻ vẫn mong chờ một điều gì đó tươi sáng hơn trong cuộc đời mình.

Bút pháp hiện thực thật tinh tế ấy đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc từ trong tận cùng sâu thẳm của trái tim quảng đại. Đó là tư tưởng nhân đạo, là tình người bao la, là thanh nam châm hút mọi thế hệ, trở thành nội dung cốt lõi của mọi tác phẩm văn học chân chính.

Cảm thông sâu sắc nỗi cơ cực của người dân, Thạch Lam đã xây dựng một thế giới con người xích lại gần nhau hơn, truyền cho nhau hơi ấm để xua đi gió lạnh đầu mùa. Sơn và chị Lan đã động lòng thương cái Hiên co ro bên cột quán với áo rách tả tơi. Chính Sơn đã xúc động như ban sáng “nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà”.

Tình thương chân thành ngây thơ trong sáng ấy đã khiến Sơn nảy ra ý nghĩ và bàn với chị Lan về nhà lấy áo bông cũ của Duyên đem cho Hiên. Rồi, “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”. Đó là ngọn lửa của lòng nhân ái trong sáng, hồn nhiên. Thật khéo léo, nhà văn khắc họa tâm trạng phơi phới niềm vui cứ lan tỏa thấm sâu dần, nó xua đi nỗi lạnh lẽo của gió lạnh đầu mùa không biết tự lúc nào không hay.

Thế giới nhân vật của Thạch Lam là những con người trong sáng hiền hòa, vô tư không vụ lợi, như Sơn khi trao áo cho Hiên, Sơn nào nghĩ đó là kỷ vật mà mẹ Sơn rất trân trọng nâng niu. Trong hồn nhiên tuổi thơ, Sơn nào có nghĩ gì ngoài việc giúp cho Hiên vượt qua cái rét, chỉ đến khi về nhà nghe người vú già nói, chị em Sơn đâm ra lo sợ. Thế là cả hai bỏ cơm đi tìm Hiên để đòi áo.

Thật là tính cách trẻ con, vui đó, buồn đó, cho đó và đòi lại ngay sau đó, rồi khi không tìm được Hiên, cả hai đã trách lẫn nhau. Đến xế chiều, hai chị em lẻn về nhà trong hoang mang lo sợ thì chính truyện đã mở ra một không gian ấm áp thân thương.

Tình huống truyện tiếp theo thật bất ngờ thú vị, mẹ Hiên mang áo trả lại cho mẹ Sơn. Mặc dầu khốn khó, mấy năm làm ăn cật lực không có nổi tiền để mua cho con một cái áo nhưng mẹ Hiên rất giàu lòng tự trọng, không lợi dụng lòng tốt ngây thơ dại dột của Sơn. Rồi cũng chính mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay năm hào để mua áo cho Hiên trong niềm san sẻ cảm thông. Cho vay nhưng không phải là cho. Một cách ứng xử tinh tế, nhân văn. Sự phân biệt giàu nghèo chừng như không có chỗ tồn tại trong không gian truyện.

Câu chuyện mở đầu bằng cái lạnh rét mướt và kết thúc trong hơi ấm tình người. Dẫu biết rằng với năm hào đó cũng không thể giúp mẹ con Hiên vượt qua cái nghèo, cái lạnh mùa Đông, song nó vẫn ánh lên nghĩa tình, thắp lên ánh sáng niềm tin dẫu còn mơ hồ. Nhưng có niềm tin ấy cũng là điểm tựa trong hành trình của cõi đời còn nhiều đau khổ. Phải chăng là triết lý mà Thạch Lam muốn xây dựng.

Trái tim nhân hậu của nhà văn đã ước mơ con người xích lại gần nhau, gần nhau hơn nữa và đặc biệt tác giả đã có cái nhìn đầy trân trọng đối với thế giới tuổi thơ, những tâm hồn trong trẻo tuyệt vời, giàu tình thương, không phân biệt đẳng cấp xã hội. Nhà văn như muốn nhắc nhở chúng ta hãy nuôi dưỡng và phát huy lòng nhân ái, hãy sống bằng tình người bao dung.

Truyện ngắn Thạch Lam với một nghệ thuật tinh tế, nhẹ nhàng, vừa hiện thực, vừa lãng mạn đã khắc họa bức tranh cuộc sống để lại trong tâm hồn ta những dư vị đằm thắm, một sự cảm thương man mác về những phận đời nghèo khó và ước vọng về tình người bao dung.