Thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản

Hen phế quản, đôi khi được gọi là hen suyễn, là một tình trạng ảnh hưởng đến đường thở và khả năng thở của bệnh nhân. Bệnh nhân hen phế quản bị viêm đường thở gây ra nhiều vấn đề khác nhau. 

Các triệu chứng của bệnh bao gồm thở khò khè, tức ngực, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên và ho mãn tính.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh hen phế quản vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có thể là do sự kết hợp của các yếu tố sau:

  • Môi trường: Chất gây dị ứng (ví dụ: mạt bụi nhà, lông động vật và phấn hoa), chất kích thích, khói thuốc lá, nhiễm trùng đường hô hấp (virus), biểu hiện cảm xúc mạnh và một số loại thuốc (aspirin và thuốc chẹn beta)...
  • Di truyền: Nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn sẽ tăng lên nếu người nhà hoặc người thân của bệnh nhân mắc bệnh hen và các bệnh dị ứng khác như viêm da dị ứng và sốt cỏ khô.

Thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản

Điều trị và phòng ngừa hen phế quản bao gồm sự kết hợp của các loại thuốc và thay đổi lối sống.

3. Mục tiêu điều trị hen phế quản

Có một số phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát hiệu quả hoặc làm dịu tình trạng bệnh hen phế quản. Điều trị dựa trên hai mục tiêu quan trọng là phác đồ cụ thể để điều trị cơn cấp bằng cách mở đường thở bị sưng làm hạn chế hô hấp, và các biện pháp dự phòng để giảm viêm và sức cản đường thở và duy trì luồng khí. Điều trị và phòng ngừa bao gồm sự kết hợp của các loại thuốc, thay đổi lối sống, và tránh các tác nhân gây hen suyễn tiềm ẩn.

Bệnh hen phế quản không được kiểm soát hoặc không được điều trị có thể khiến người bệnh dễ bị lên cơn hen và có thể làm tổn thương phổi. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chính xác và giúp người bệnh lập kế hoạch kiểm soát bệnh của mình.

Mục tiêu điều trị là dự phòng nhằm mục đích ngăn ngừa các triệu chứng, ngăn ngừa các cơn hen, duy trì chức năng phổi tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị cắt cơn được sử dụng khi gặp phải các triệu chứng đột ngột.

4. Điều trị dùng thuốc

4.1 Phân loại thuốc điều trị hen phế quản

Mỗi bệnh nhân khác nhau có những nhu cầu khác nhau về phác đồ điều trị. Không có một phương pháp điều trị chung nào cho mọi người bệnh sống chung với hen suyễn. Một số bệnh nhân thấy thuyên giảm với một số loại thuốc, trong khi những người khác đáp ứng tốt hơn với những loại khác nhau. Vì vậy, thuốc cần được sử dụng nghiêm ngặt theo chỉ định, hướng dẫn và khuyến cáo của bác sĩ.

Thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản

Mỗi bệnh nhân hen phế quản sẽ có những nhu cầu khác nhau về phác đồ điều trị.

Các thuốc điều trị hen phế quản được chia làm 3 loại chính:

  • Thuốc cắt cơn
  • Thuốc kiểm soát cơn hen
  • Thuốc điều trị bổ sung với bệnh hen nặng

- Thuốc cắt cơn hen: Thuốc giảm cơn hen nhanh, như ống hít cứu hộ, là một giải pháp thích hợp cho các triệu chứng hen suyễn đột ngột hoặc cơn hen suyễn nhẹ. Người bị hen phế quản lúc nào cũng nên có sẵn trong người ống thuốc hít cắt cơn hen để sẵn sàng hít ngay khi thấy triệu chứng hen suyễn xuất hiện. Đây là thiết bị đưa thuốc trực tiếp vào đường thở qua miệng khi hít vào. 

Tuy nhiên, mỗi ống thuốc hoạt động theo một cách khác nhau. Giảm tần suất phải dùng các thuốc cắt cơn hen cũng là một thước đo đánh giá sự thành công của điều trị.

- Thuốc kiểm soát cơn hen: Thuốc giúp ngăn ngừa cơn hen suyễn xảy ra. Khi dùng đầy đủ và đều đặn, thuốc dự phòng hen suyễn làm giảm sự co thắt và sự viêm ở đường dẫn khí. Trong đa số các bệnh nhân, thuốc dự phòng hen nên được sử dụng hàng ngày. Trong y văn thuốc kiểm soát còn được gọi là thuốc duy trì hay thuốc dự phòng.

- Thuốc điều trị thêm vào đối với hen nặng: Là các thuốc được xem xét bổ sung vào phác đồ điều trị khi bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng, và/hoặc vẫn còn đợt hen cấp dù đã tối ưu hóa điều trị kiểm soát.

- Corticosteroid: Corticosteroid (còn được gọi là steroid hoặc cortisone) có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn. Thuốc có thể được dùng dưới dạng thuốc viên hoặc chất lỏng, hít hoặc tiêm. Thuốc hoạt động bằng cách làm giảm phản ứng viêm của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng hen suyễn dễ kiểm soát hơn. 

Thuốc corticosteroid thường được kê đơn bao gồm fluticasone, prednisone và beclomethasone.

Ở trẻ em, sử dụng corticosteroid dạng hít trong thời gian dài có thể làm chậm sự phát triển một chút, nhưng lợi ích của việc sử dụng các loại thuốc này để duy trì kiểm soát tốt bệnh hen suyễn nói chung lớn hơn nguy cơ.

Corticosteroid dạng hít thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng thuốc corticosteroid đường toàn thân chỉ được sử dụng ngắn hạn để điều trị các triệu chứng hen suyễn nặng do các tác dụng phụ.

- Kháng thể đơn dòng: Các loại thuốc này đôi khi được gọi là thuốc sinh học. Nhóm thuốc này ngăn chặn các phản ứng của cơ thể đối với chất gây dị ứng. Những loại thuốc này chỉ được dùng cho những bệnh nhân bị hen suyễn nặng. Các kháng thể đơn dòng thường được kê toa bao gồm mepolizumab và omalizumab.

- Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene: Thường được gọi là chất điều chỉnh leukotriene. Những loại thuốc này kiểm soát tác động của leukotrienes (hóa chất gây viêm) mà các tế bào tiết ra trong bệnh hen suyễn. Các chất điều chỉnh leukotriene thường được kê toa bao gồm zafirlukast và montelukast.

- Chất ổn định tế bào Mast: Một nhóm thuốc phổ biến khác để kiểm soát bệnh hen suyễn là thuốc ổn định tế bào mast. Những loại thuốc này có thể giúp ngăn ngừa viêm đường hô hấp do chất gây dị ứng hoặc tác nhân gây hen suyễn. Thuốc ổn định tế bào mast được kê đơn phổ biến nhất là cromolyn.

- Thuốc chủ vận beta: Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài được sử dụng để kiểm soát lâu dài bệnh hen phế quản, trong khi thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn là thuốc giảm cơn hen nhanh chóng. Thuốc thường ở dạng ống hít và phun sương hoạt động bằng cách làm thư giãn các cơ trong đường thở và cho phép phổi thở dễ dàng hơn.

Thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản

Người bị hen phế quản lúc nào cũng nên có sẵn trong người ống thuốc hít cắt cơn hen.

4.3 Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Nên uống thuốc trước khi ngủ để tránh lên cơn hen suyễn trong khi ngủ.
  • Tìm hiểu cách sử dụng ống hít đúng cách. Tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc nhân viên phân phối khi cần thiết.
  • Súc miệng bằng nước ấm sau khi xông để giảm khô miệng và cổ họng.

5. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị hen suyễn

Tất cả các loại thuốc điều trị hen phế quản đều có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau về loại và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mỗi bệnh nhân đều khác nhau và có thể gặp các tác dụng phụ khác nhau đối với phương pháp điều trị hen suyễn cụ thể của họ. Tất cả bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia y tế trước khi bắt đầu dùng thuốc và nếu gặp các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ của thuốc hen suyễn có thể bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Ngạt hoặc chảy nước mũi.
  • Khàn tiếng.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Viêm họng.
  • Buồn nôn.
  • Đau khớp.
  • Chóng mặt…

6. Lưu ý cho người bệnh

Ngoài việc dùng thuốc, có nhiều bài tập thở giúp đường thở và cơ hô hấp hoạt động bình thường. Ngoài ra, thay đổi lối sống cũng có thể giúp kiểm soát bệnh hen suyễn như tránh các chất gây dị ứng trong thực phẩm hoặc sử dụng máy lọc không khí. Có một kế hoạch hành động về bệnh hen suyễn mà người bệnh và bác sĩ cùng nhau phát triển có thể là yếu tố quan trọng nhất giúp bệnh hen suyễn thuyên giảm.

Cũng cần chú ý đến vệ sinh gia đình để giảm thiểu sự tích tụ bụi và tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn.

Có thể giảm tái phát cơn hen bằng cách giữ tinh thần vui vẻ và tập thể dục nhiều hơn để tăng cường khả năng miễn dịch. Nhiều trẻ bị hen phế quản lớn lên khỏi bệnh dần dần hoặc thậm chí hoàn toàn.

- Hen phế quản là một tình trạng mãn tính và cần được điều trị liên tục để kiểm soát như tất cả các bệnh mạn tính khác.

- Các loại thuốc điều trị hen phế quản chính là thuốc cắt cơn và thuốc ngăn ngừa.

- Bệnh có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc thích hợp ở hầu hết người bệnh.

- Nếu lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, đừng ngừng hoặc giảm liều mà không tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

- Ngừng dùng thuốc có thể dẫn đến cơn hen hoặc tình trạng cấp cứu.

- Trong trường hợp khẩn cấp về bệnh hen suyễn, hãy liên lạc ngay với các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Các ca mắc mới tăng liên tục; Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ dự báo dịch căng thẳng

DS. Nguyễn Phương Thảo