Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

Khổng Tử (551–479 trước Công nguyên)

Khổng Tử là một nhà tư tưởng và triết học nổi tiếng của Trung Quốc. Những học thuyết của ông có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn lan truyền sang những nước lân cận khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.

Người Trung Quốc gọi ông là “Vạn thế sư biểu” nghĩa là “Bậc thầy của muôn đời”. Học thuyết của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân với những tiêu chuẩn cụ thể đặt ra cho mỗi người thuộc những địa vị khác nhau trong xã hội. Nam nhi phải gắn mình với những tiêu chuẩn như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nữ giới phải đề cao “công, dung, ngôn, hạnh” v.v…

Khổng Tử đề ra những ranh giới giữa các mối quan hệ xã hội rất rõ ràng và khắt khe để đảm bảo tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội. Các giá trị đó đã có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc trong suốt triều đại nhà Hán và đã được phát triển thành một hệ thống triết học gọi là Khổng giáo.

Aristotle (384–322 trước Công nguyên)

Aristotle là một nhà triết học và bác học nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại, là học trò xuất sắc của Platon. Học trò nổi tiếng nhất từng được Aristotle dạy dỗ là Alexander Đại đế. Các nghiên cứu mà Aristotle thực hiện trong suốt cuộc đời trải rộng trong nhiều lĩnh vực như vật lý, hình học, văn thơ, kịch nghệ, âm nhạc, lý luận, ngôn ngữ, chính trị, sinh học...

Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba cột trụ của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Sau khi hoàn tất việc dạy dỗ cho hoàng tử xứ Macedonia, ông quay về Hy Lạp và mở trường học của riêng mình, lấy tên là Lyceum. Sau này Lyceum đã trở thành một danh từ để chỉ trường trung học nói chung – “lycée”.

Trường do Aristotle mở ra được nhận xét là tiên tiến nhất trong thời kỳ cổ đại và mang lại đầy đủ lợi ích cho người học với khu vườn rộng trồng đủ mọi loại cây và trở thành viện bảo tàng thực vật tại chỗ cho thầy và trò cùng nghiên cứu. Ngoài ra, ông cũng lập nên một thư viện sách đồ sộ ngay trong trường học.

Ở đây, ông chỉ dạy học trò vào buổi sáng. Buổi chiều là những bài học “mềm”, khi đó thầy trò sẽ cùng nhau đi bộ trên những quãng đường dài, cùng quan sát, bàn luận và học hỏi từ những quan sát đó. Sau này, cách giảng dạy của Aristotle đã hình thành nên một trường phái trong ngành giáo dục có tên là “peripatos” (tiêu dao học).

Johann Amos Comenius (1592–1670)

Comenius là một nhà giáo sinh ra tại vùng đất nay thuộc Cộng hòa Séc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử xây dựng nên những khái niệm về một nền giáo dục hiện đại đang tồn tại trên thế giới hiện nay.

Trong cuốn sách nổi tiếng mang tên “Didactica Magna” (Nền giáo dục tuyệt vời), ông đã chỉ ra một hệ thống giáo dục lý tưởng mà ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng. Đó là sự phân cấp bậc học với trường mầm non, tiểu học, trung học, trường cao đẳng dạy nghề và đại học.

Ông cũng là người đầu tiên đề cập đến khái niệm “giáo dục tự nhiên”, theo đó, mỗi người có những thiên hướng khác nhau và nhiệm vụ của giáo dục là phát hiện và phát triển những thiên hướng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân.

Comenius cũng là người áp dụng những bộ sách giáo khoa đầu tiên vào quá trình giảng dạy. Những bộ sách đầu tiên được ông “xuất bản” là bộ Janue Linguarum Reserata dành cho bậc tiểu học, và các bộ dành cho các cấp học cao hơn như Vestibulum và Atrium. Những bộ sách của Comenius không chỉ toàn thông tin mà còn chú trọng phần minh họa và được coi là thử nghiệm làm sách giáo khoa thành công đầu tiên trong lịch sử.

John Locke (1632–1704)

John Locke là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ngoài ra, với vai trò là một nhà giáo dục, ông đã đưa ra những tư tưởng vô cùng mới mẻ, mang tính cách mạng lúc bấy giờ. Ông khích lệ mỗi cá nhân hãy biết dùng lý trí để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt tồn tại trong xã hội, sinh ra từ niềm tin mù quáng.

Ông cũng là người đưa ra những khái niệm mới về quyền tự nhiên, khế ước xã hội… và trở thành một nhà tư tưởng lớn của phong trào Khai sáng. John Locke cố vũ cho quan niệm giáo dục là sự dạy dỗ. Ông cho rằng giáo dục trước tiên cần chú trọng vào tính cách và đạo đức, sau đó mới là tri thức, nghĩa là giáo dục bắt đầu từ gia đình, sau đó mới tới nhà trường.

Locke tin rằng giáo dục được một con người có nhân cách, đạo đức tốt thì những giá trị do người đó tạo ra đối với xã hội sau này sẽ vượt xa những đóng góp mà một cá nhân chỉ nhận được sự giáo dục hàn lâm có thể tạo ra.

Anne Sullivan (1866–1936)

Anne Sullivan là cô giáo nổi tiếng trong lịch sử ngành giáo dục. Người học trò được nhắc tới nhiều nhất trong suốt sự nghiệp giảng dạy của cô giáo người Mỹ gốc Ai-len là Helen Keller. Helen là một cô gái khuyết tật bị khiếm thị và khiếm thính từ khi cô bé chưa tròn 2 tuổi.

Sau đó, cô giáo Sullivan đã được mời tới để dạy cho cô bé. Người ta không thể hình dung ra cô Sullivan sẽ làm gì với học trò của mình. Keller vừa không thể nhìn thấy những gì cô giáo viết vừa chẳng thể nghe được những lời hướng dẫn và động viên của cô.

Nhưng cô giáo Sullivan đã vượt qua tất cả mọi trở ngại bằng tình yêu thương và sự kiên trì dành cho cô học trò thiệt thòi. Kỳ diệu thay, sau đó Keller đã có thể đọc được bảng chữ cái rồi biết đánh vần. Tất cả phương pháp giảng dạy của cô nằm ở xúc giác, cô để Keller dùng tay chạm vào những giáo cụ của mình và giao tiếp bằng các ký hiệu vạch lên lòng bàn tay cô bé.

Pi Uy

Theo Master Teaching

Những nhà giáo nổi tiếng được liệt kê trong bài viết này chỉ là một số ít những giáo viên đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của rất nhiều người.

Aristotle

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Aristotle, triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, dù không phải một nhà giáo chính chuyên, đã từng đưa ra một nhận xét khiến các thành viên hội phụ huynh cảm thấy khó chịu. Ông cho rằng “những người dạy dỗ trẻ em nên người thì xứng đáng được vinh danh hơn là những người đã sinh ra chúng; bởi bậc làm cha mẹ ban cho con trẻ hình hài nhưng những nhà giáo mới là người khơi dậy trong tâm hồn nghệ thuật sống tử tế.”

Aristotle có thể đã sống từ rất lâu, ở một vùng đất rất khác do với chúng ta, nhưng câu nói phóng đại có phần hơi gay gắt của ông vẫn hợp với thời đại. Những người thầy giỏi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên con người chúng ta. Những giáo viên uốn nắn chúng ta có thể không phải lúc nào cũng đứng ở trên bục giảng (tất nhiên là bao gồm cả cha mẹ chúng ta), nhưng dù đang ở đâu, họ đang làm điều mà không ai khác có thể thay thế: thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới và biến chúng ta thành một phiên bản tốt hơn trước đây.

Anne Sullivan

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Nhiều phụ huynh đôi lúc cảm thấy có một giáo viên của con mình là những “người tạo nên kỳ tích”, bởi họ có thể thành công trong việc giáo dục con em họ trong khi những giáo viên khác không làm được. Mặc dù ý tưởng về một “người tạo nên kỳ tích” dần trở nên phổ biến, cụm từ này được nhà văn Mark Twain dùng để mô tả một người cụ thể. Người đó là Anne Sullivan, cô giáo của Helen Keller.

Anne Sullivan bị mù trong phần lớn thời gian đầu của cuộc đời và chỉ mới 20 tuổi khi nhận trách nhiệm giáo dục cho cô bé Helen bị khiếm thị và khiếm thính vào năm 1887. Bà theo học Trường dành cho Người Khiếm thị Perkins ở Boston, và đã hồi phục một phần thị lực khi đến Alabama khi bắt đầu công việc giáo dục Helen Keller. Trải nghiệm sự mù lòa một phần có thể nói đã giúp bà có cái nhìn sâu sắc nhất về thế giới khép kín của cô gái nhỏ.

Như trong vở kịch The Miracle Worker, được dựng thành kịch thành công vào năm 1957, bước đột phá của Anne Sullivan khi giáo dục Helen Keller là khi bà đánh vần các từ trên lòng bàn tay của cô bé để khiến cô ấy hiểu rằng mọi thứ đều có từ ngữ gắn liền với chúng. Bà Sullivan đặt một bàn tay của cô bé Keller dưới vòi nước chảy; còn bà đánh vần “w-a-t-e-r” trên lòng bàn tay còn lại của cô. Chẳng bao lâu, Helen Keller đã có thể giao tiếp không chỉ bằng những kí hiệu thô sơ, vốn là phương tiện giao tiếp duy nhất của cô cho đến thời điểm đó.

Anne Sullivan đã hướng dẫn gia đình Keller gửi cô đến Trường Perkins, và đồng hành với Keller cho đến khi cô qua đời vào năm 1936. Helen Keller sẽ sống mãi với tư cách là một nhà văn, giảng viên và nhà hoạt động thành công và đầy cảm hứng. Và Helen không thể trở thành một con người tuyệt với như thế nếu không có Anne Sullivan, người phụ nữ mà chúng ta nhớ đến như một “người tạo nên kỳ tích”.

Maria Montessori

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Một trong những triết lý giáo dục sáng tạo và có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 được phát triển và truyền bá bởi một giáo viên mà tên tuổi của bà đã trở thành biểu tượng của một phong cách giáo dục, một trường phái nổi bật: Maria Montessori.

Tiên phong trong các lý thuyết của bà là ý tưởng rằng trẻ em về cơ bản có thể tự dạy mình. Trách nhiệm của những nhà giáo chính là tạo ra môi trường học tập thích hợp và khơi dây nguồn cảm hứng để trẻ phát triển một cách tự nhiên. Bằng cách khuyến khích khả năng tự vận động và học hỏi từ môi trường xung quanh thay vì buộc phải ngồi yên và bị giảng bài, hầu hết trẻ em, ngay cả những đứa trẻ thành thị còn ngơ ngác, đều phát triển theo phương pháp này.

Phương pháp Montessori đã thành công rực rỡ ở Ý và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Maria Montessori sau đó đã phát triển các tài liệu hướng đến quá trình “học khám phá” mà bà đã đặt ra. Mặc dù ở Hoa Kỳ, phương pháp này đã bị chỉ trích và thất sủng trong những năm chiến tranh, nhưng nó đã tái xuất vào những năm 1960 và vẫn là một phần quan trọng trong giáo dục Hoa Kỳ kể từ đó.

Bà Montessori đã dành cả cuộc đời để phát triển phương pháp của mình, và trở thành một giảng viên và người bồi dưỡng những nhà giáo. Bà cũng quan tâm và kết hợp giáo dục hòa bình vào công việc của mình. Bà đã được đề cử giải Nobel Hòa bình lần thứ ba khi qua đời vào năm 1952, ở tuổi 81.

William McGuffey

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Cũng có một giáo viên khác giống như bà Montessori, thành công phát triển lý thuyết của mình về giáo dục trẻ em thành một hệ thống thực tế và khả thi. Đó là William Holmes McGuffey. Bộ sách kĩ năng đọc của ông đã có tác động sâu sắc đến những nhà giáo ở Mỹ và trên thế giới nói chung.

William McGuffey sinh năm 1800 và là một đứa trẻ trưởng thành và sớm hiểu chuyện. Ông thông minh đến mức có thể bắt đầu đứng lớp từ năm 14 tuổi. Sau nhiều giờ làm việc tại các trường học nông thôn ở các bang Ohio và Kentucky, William McGuffey thấy rằng chưa có một phương pháp tiêu chuẩn nào để dạy học sinh đọc, và Kinh thánh là cuốn sách duy nhất có sẵn cho học sinh thực hành đọc.

McGuffey tạm dừng sự nghiệp giảng dạy của mình để theo học đại học, và đến năm 26 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư Ngôn ngữ tại Đại học Miami ở Oxford, Ohio. Những ý tưởng của ông về việc giảng dạy ngôn ngữ được các đồng nghiệp hết sức ngưỡng mộ, và vào năm 1835, nhờ sự can thiệp của người bạn, Harriet Beecher Stowe, ông đã được yêu cầu viết một loạt sách dạy kĩ năng đọc hiểu cho nhà xuất bản Truman và Smith.

Các sách của McGuffey, tên gọi chính xác là Eclectic Readers, đặt ra khuôn mẫu cho sách giáo khoa ngày nay. Loạt sách tuân theo một lộ trình ổn định từ quyển 1 đến quyển 4, bắt đầu bằng việc dạy bảng chữ cái và ngữ âm cùng với các câu đơn giản, và tiến dần đến các bài thơ và câu chuyện. Từ vựng thường được dạy trong ngữ cảnh hơn là liệt kê danh sách, và các câu hỏi sau câu chuyện, cũng như các hoạt động đọc to thành tiếng, khuyến khích học sinh tương tác. Nội dung được trình bày sinh động và sắc nét.

Loạt sách của McGuffey trở nên vô cùng phổ biến. Loạt sách này đã ước tính đã bán được hơn 120 triệu bản từ khi xuất bản vào năm 1836 đến nay. Dù tác giả bộ sách đã qua đời vào năm 1873, những quyển sách này vẫn tiếp tục được phổ biến rộng rãi. Mặc dù sách kĩ năng đọc không còn nổi tiếng như thời kỳ hoàng kim của chúng vào thế kỷ 19, vì tính lạc hậu về nội dung, nhưng sách kĩ năng đọc vẫn có tác động rất lớn đến công tác giáo dục trẻ em ở Mỹ và sự phát triển của các tài liệu giáo dục hiện đại.

Emma Willard

Những nhà giáo nổi tiếng thế giới

Mặc dù điều này có vẻ xa vời đối với người Mỹ hiện đại, nhưng đã có thời mà giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, được coi là lãnh địa của nam giới. Các phụ nữ trẻ chỉ được giáo dục đến một mức độ nhất định, và chương trình học tập trung vào nữ công gia chánh và văn hóa ứng xử hơn là toán, khoa học hoặc triết học. Một giáo viên đã tự mình khắc phục tình trạng này. Tên của bà là Emma Hart Willard.

Sinh ra ở Connecticut vào năm 1787, Emma Hart đã thể hiện sự thông minh nhanh nhẹn ngay từ khi còn nhỏ. Cha bà đã khuyến khích bà đi học chính quy, và khi 17 tuổi, bà là giáo viên tại học viện nơi bà từng học. Năm 19 tuổi, bà đã tiếp nhận và điều hành học viện. Chuyển đến Vermont để kết hôn và thỉnh thoảng làm hiệu trưởng một trường khác, nhưng không hài lòng với chương trình giảng dạy, bà quyết định tự lập. Trường nội trú của riêng bà, nơi bà dạy các khóa học về lịch sử và khoa học cho phụ nữ trẻ, đã thành công, thúc đẩy bà tìm kiếm nguồn vốn cho một cơ sở giáo dục lớn hơn.

Sau khi khẩn thiết cầu xin, thị trấn Troy, New York đã tài trợ cho đề xuất của Emma, và Chủng viện Nữ Troy, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên dành cho phụ nữ ở Mỹ, mở cửa vào năm 1821. Ngôi trường thành công ngay lập tức, và các gia đình thượng lưu bắt đầu gửi con gái của họ đến Troy, cũng như các cơ sở tư nhân khác đã mở ra sau đó.

Bình đẳng giáo dục trên diện rộng vẫn còn xa vời, nhưng Emma Willard đã bắt đầu một ngọn lửa sẽ bùng cháy hơn trong thế kỷ 20. Bà thuyết giảng về giáo dục cho phụ nữ ở Mỹ và châu Âu, thành lập một trường học dành cho phụ nữ ở Hy Lạp, và viết sách giáo khoa về địa lý và lịch sử Mỹ cho đến khi bà qua đời năm 1870. Người viết tiểu sử của bà gọi bà là “Người con gái của nền dân chủ” và quả thực, Emma Willard đã làm được nhiều điều để làm cho hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ trở nên dân chủ hơn.

Các giảng viên đầy kinh nghiệm của khoá học TESOL tại Horizon TESOL cũng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để bạn có thể trờ thành một nhà giáo thực thụ. Hãy liên hệ với chúng tôi tại https://horizonedu.vn/ hoặc trang Facebook Horizon TESOL – Teacher Training & Solutions

Triển lương lược dịch từ https://www.biography.com/news/famous-teachers-in-history