Nếp sống văn hóa là gì năm 2024

Thanh niên là lực lượng lao động đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi mặt của đời xã hội ở nước ta. Trong công cuộc đổi mới, thanh niên có bước trưởng thành to lớn, hăng hái học tập, lao động, xung kích, đảm nhận những việc khó, những lĩnh vực mới, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam hiện nay còn đang phải đối mặt với rất nhiều những thách thức như sự lôi kéo của các thế lực thù địch, mặt trái của cơ chế thị trường, tác động của xu thế toàn cầu hóa. Do vậy, một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống lệch chuẩn, trái với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như: lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm trước xã hội, thích hưởng thụ, lười học tập và phấn đấu... Điều này không những làm giảm vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội trong việc giải quyết những hệ quả từ lối sống không đúng với các giá trị chuẩn mực xã hội của một bộ phận thanh niên này gây ra. Chính vì vậy, việc việc nghiên cứu và xây dựng lối sống có văn hóa cho thanh niên đang trở thành vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Để thấy được tầm quan trọng trong việc xây dựng lối sống có văn hóa cho thanh niên, trước hết cần phải hiểu đúng thế nào là lối sống có văn hóa đối với thanh niên. Do có những quan niệm và cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu về thanh niên và văn hóa thanh niên nên cách tiếp cận, nhận diện và phân tích về lối sống thanh niên cũng rất khác nhau. Trước hết là cách định nghĩa và tiếp cận trong nghiên cứu về lối sống nói chung, theo PGS.TS. Phạm Hồng Tung: “Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”(1). Thống nhất với cách tiếp cận khái niệm lối sống như trên, có thể hiểu lối sống có văn hóa chính là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Bởi văn hóa ở đây được hiểu là giá trị, là sự hài hòa trong ứng xử để đạt đến các chuẩn mực xã hội, đạo đức của cộng đồng.

Hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước do Đảng ta lãnh đạo, nhằm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng trở nên giàu đẹp thì chúng ta cần phải có nguồn lực con người vững mạnh, đó phải là những con người mới, những con người phát triển toàn diện về mọi mặt. Chúng ta khẳng định như vậy vì nhân loại ngày nay đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ của văn minh, trí tuệ, của kinh tế tri thức, của cách mạng khoa học - công nghệ - thông tin phát triển ở trình độ cao. Người ta dự báo rằng, trong tương lai, lợi thế sẽ thuộc về các quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo một cách cơ bản, ngang tầm với đòi hỏi của nền công nghiệp hiện đại. Do đó, chúng ta không ảo tưởng rằng chỉ cần có tài năng và sự nhiệt tình… là có thể đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều quan trọng hơn, đó là yếu tố văn hóa (mà cái cốt lõi chính là đạo đức) vẫn phải là gốc, là nền tảng cho mỗi con người sử dụng hữu ích tài năng để giúp mình, giúp nước. Trong chiến lược phát triển con người toàn diện thì thế hệ trẻ Việt Nam là đối tượng cần được chú ý đầu tiên vì họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, “muốn hồi sinh dân tộc, trước hết phải hồi sinh thanh niên”. Chính vì vậy, việc xây dựng lối sống có văn hóa đối với thanh niên Việt Nam có một tầm quan trọng đặc biệt. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, lối sống có văn hóa góp phần định hướng mọi suy nghĩ và hành động của thanh niên theo hướng chân, thiện, mỹ.

Chủ trương phát triển kinh tế thị trường, CNH, HĐH đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế ở nước ta trong những năm qua đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế rõ rệt, đời sống của Nhân dân được nâng cao. Đó là điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, xét dưới góc độ văn hóa đạo đức, những quan điểm mục tiêu kinh tế, kỹ thuật thuần túy tách rời định hướng nhân văn sẽ làm nảy sinh những hiện tượng tha hóa trong đời sống tinh thần của con người, trong đó thanh niên là lực lượng chiếm tỉ lệ đông đảo và cũng nhạy cảm nhất đối với sự tác động và biến đổi của xã hội. Nhìn nhận một cách khách quan có thể khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường bản thân nó không tự tạo ra sự thoái hóa biến chất về đạo đức nhưng nó tác động mạnh mẽ tới đời sống riêng tư của mỗi người, khiến người ta phải tính toán đến những động cơ và lợi ích cá nhân. Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi pháp luật quản lý xã hội, quản lý kinh tế chưa hoàn chỉnh, còn tồn tại nhiều hiện tượng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xã hội thì tâm lý thích hưởng thụ, ích kỷ, chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu của bản thân bằng mọi giá “bất chấp lương tâm, danh dự cũng như lòng tự trọng đạo đức” dễ trỗi dậy. Vậy, làm thế nào để thanh niên biết kết hợp hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, xã hội, không để cho họ trở thành những con người có thể sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà chà đạp lên lợi ích chung của tập thể và xã hội? Việc xây dựng thành công lối sống văn hóa đối với thanh niên sẽ giúp họ làm được điều này. Hơn nữa, xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên còn giúp cho họ nhận diện được những việc làm phi đạo đức và dám đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa trong xã hội. Bằng nhiều con đường, cách thức giáo dục đạo đức, thanh niên sẽ hiểu rõ đâu là những hành động tốt, có đạo đức, cần phải ca ngợi và đâu là những hành động xấu, vô đạo đức, đáng phê phán. Từ đó, họ sẽ tự định hướng cho mình, làm theo những quy tắc, chuẩn mực mà xã hội yêu cầu. Các giá trị văn hóa một khi đã thấm sâu vào suy nghĩ của thanh niên thì sẽ có tác dụng định hướng, soi đường cho hành động của họ theo hướng phục vụ, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, cống hiến nhiều nhất cho đất nước, dân tộc.

Thứ hai, lối sống có văn hóa góp phần tạo động lực cho thanh niên trong quá trình học tập, công tác.

Cái thôi thúc mỗi chúng ta hành động chính là động cơ, mục đích, mà sâu xa hơn chính là lợi ích. Các giá trị văn hóa khi đã ăn sâu vào nếp nghĩ của thanh niên sẽ giúp họ hình thành được động cơ đúng đắn trong học tập, công tác cũng như trong cuộc sống. Mà động cơ này chính là không ngừng học tập, lao động vươn lên để góp phần xây dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ chỗ xác định cho mình một động cơ đúng, qua quá trình rèn luyện sẽ hình thành niềm tin, ý chí, lý tưởng cao đẹp. Đó sẽ là nguồn xung lực mạnh mẽ thôi thúc thanh niên phấn đấu rèn luyện thành tài giúp ích cho bản thân và xã hội. Hơn nữa, xây dựng lối sống văn hóa còn hình thành những xúc cảm, tình cảm đạo đức. Xúc cảm của con người trong hoạt động là cái thôi thúc con người đi đến đỉnh cao của kết quả hành động. Có xúc cảm, tình cảm đạo đức đúng, thanh niên sẽ mãnh liệt trong những hành động chống lại các hành vi vô đạo đức, phản văn hóa, chà đạp lên nhân cách con người cũng như bảo vệ hạnh phúc, lợi ích chính đáng của mọi người, của xã hội.

Thứ ba, lối sống có văn hóa là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách người thanh niên.

Đề cập đến con người, Mác và Ăng-ghen đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau, một trong những tiêu chí ấy là đạo đức (hay rộng hơn đó là văn hóa). Chỉ có con người mới có đạo đức, văn hóa. Vì vậy, văn hóa đạo đức trở thành thước đo hàng đầu về văn hóa làm người trong mỗi con người. Trong ý nghĩa đích thực của nó, con người có văn hóa (đạo đức) là con người biết sống vì người khác, vì xã hội, biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để đem lại lợi ích cho mọi người và cho xã hội. Sự quan tâm đến người khác, đến xã hội và cộng đồng một cách tự nguyện, tự giác biểu hiện tính xã hội trong bản chất con người, tính người. Văn hóa là yếu tố nền tảng của nhân cách con người nói chung, nhân cách thanh niên nói riêng. Vì vậy, nhân cách của thanh niên mất đi chủ yếu là do họ đã đánh mất đi các giá trị đạo đức, văn hóa của mình. Người thanh niên có đạo đức, văn hóa là luôn biết phụng sự nhân dân, Tổ quốc thì đó là một nhân cách đẹp.

Thứ tư, lối sống có văn hóa giúp thanh niên có niềm tin, có ý chí tự phấn đấu vươn lên.

Các giá trị đạo đức, văn hóa giúp cho thanh niên không sợ sệt, rụt rè, nản lòng, lùi bước khi gặp khó khăn và thất bại; khi thành công không say sưa, kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Từ thành công đến thất bại không xa, cho nên khi thắng lợi, thành công, người thanh niên càng phải chú ý rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Khi thấm nhuần các giá trị đạo đức, văn hóa, thì dù là khi thành công hay thất bại, người thanh niên vẫn kiên trì, miệt mài phấn đấu theo đuổi mục đích, lý tưởng của mình. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ thanh niên hiện nay sống còn thiếu lý tưởng, niềm tin là do chưa nhận thức đúng và chưa được bồi đắp các giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc đối với lứa tuổi thanh niên.

Thứ năm, lối sống có văn hóa giúp cho thanh niên có thêm sức mạnh, có khả năng miễn dịch đối với sự phá hoại của các thế lực thù địch.

Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, hơn nữa do đặc điểm đặc thù về tâm, sinh lý lứa tuổi nên thanh niên luôn là mục tiêu tấn công của các thế lực phản động. Với chiến lược “diễn biến hoà bình”, chúng đang từng giờ, từng ngày tác động vào thanh niên trên tất cả các mặt tư tưởng, chính trị, lối sống, đạo đức nhằm làm xói mòn niềm tin của thanh niên vào lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, vào sự lãnh đạo của Đảng, khiến cho thanh niên “quay lưng” với sự nghiệp xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để xứng đáng với biết bao mồ hôi, xương máu mà cha ông ta đã hi sinh, phấn đấu. Do đó, bên cạnh việc tiếp thu tri thức hiện đại, việc xây dựng lối sống có văn hóa cho thanh niên là rất quan trọng. Bởi lẽ, đạo đức mới sẽ giúp thanh niên có niềm tin khoa học vào CNXH, vào sự nghiệp cách mạng. Điều này sẽ xây dựng cho họ những quan điểm, lý tưởng cao đẹp.

Như vậy, các giá trị văn hóa (mà ở tầng sâu nhất của nó chính là các giá trị, chuẩn mực đạo đức) trong lối sống của thanh niên chính là yếu tố để định hướng và động lực để thanh niên rèn luyện và thực hiện trong đời sống. Đồng thời, nó còn là thước đo để đánh giá về phẩm chất đạo đức và nhân cách của mỗi cá nhân thanh niên trong xã hội. Vì vậy việc xây dựng và rèn luyện lối sống có văn hóa cho thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng ở nước ta hiện nay.

1. Phạm Hồng Tung, Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 23, số 4, 2007, tr. 277.

Khái niệm nếp sống văn hóa là gì?

- Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu: “NẾP SỐNG VĂN HÓA là sự biểu hiện văn hóa cụ thể của lối sống, là văn hóa ứng xử của con người đối với thiên nhiên, xã hội và cộng đồng.

Như thế nào là nếp sống văn minh?

Nếp sống văn hóa văn minh là nếp sống theo các giá trị chuẩn mực của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt , công nghiệp phát triển.

Nếp sống văn minh thanh lịch là gì?

Thanh lịch, văn minh là nét đẹp văn hóa của con người có hiểu biết và tâm hồn trong sáng. Người thanh lịch, văn minh là người có hành vi trong sinh hoạt (ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại...), giao tiếp, ứng xử lịch sự, nhã nhặn ở mọi hoàn cảnh và mọi nơi, mọi lúc.

Văn minh đô thị nghĩa là gì?

Văn minh đô thị, thực chất nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thiết lập các mối quan hệ ứng xử hài hòa, bền vững giữa con người với con người, con người với tự nhiên trong quá trình đô thị hóa.