Dưới thời nhà Lê tôn giáo nào được xem là tôn giáo của nhân dân

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát diễn trình bình đẳng tôn giáo tiếp cận từ tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử
  • 2. Thời kỳ từ buổi đầu đến trước kỷ nguyên Đại Việt
  • 3. Thời kỳ Đại Việt
  • 4. Thời kỳ nhà Nguyễn
  • 5. Thời kỳ thuộc địa

1. Khái quát diễn trình bình đẳng tôn giáo tiếp cận từ tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử

Do vị trí địa lý, Việt Nam sớm tiếp nhận các tôn giáo trên thế giới. Vào thời cận, hiện đại trên mảnh đất Việt Nam, chủ yếu là Nam Bộ, sản sinh ra một số tôn giáo được gọi là “tôn giáo nội sinh” để phân biệt với tôn giáo du nhập từ nước ngoài, được gọi là “tôn giáo ngoại nhập”. Hiện tại cho thấy hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều đang hiện diện ở Việt Nam.

Tiến trình bình đẳng tôn giáo ở Việt Nam có thể chia thành một số chặng đường chủ yếu sau đây:

Thời kỳ từ buổi đầu đến trước kỷ nguyên Đại Việt;

Thời kỳ Đại Việt;

Thời kỳ nhà Nguyễn;

Thời kỳ thuộc địa.

2. Thời kỳ từ buổi đầu đến trước kỷ nguyên Đại Việt

Vào thời kỳ đầu Công nguyên, đất nước Việt Nam đón nhận ba tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Cho đến nay chưa có tư liệu thành văn xác định rõ thời điểm các tôn giáo trên truyền bá vào Việt Nam. Cũng tương tự, vẫn chưa có những tư liệu thành văn để chỉ ra trong ba tôn giáo trên, tôn giáo nào hiện diện ở Việt Nam sớm nhất. Mặc dù vậy, xin bắt đầu từ việc Phật giáo truyền bá vào Việt Nam bởi những đặc thù sau đây của tôn giáo này: từ khi du nhập vào Việt Nam cho đến nay tôn giáo này hiện vẫn đang tồn tại và phát triển trải qua những giai đoạn hưng phế khác nhau; đây là tôn giáo luôn có số lượng tín đồ đông đảo, có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, văn hóa - xã hội Việt Nam.

Công đầu trong việc truyền bá Phật giáo vào Việt Nam thuộc về các tăng sĩ Ấn Độ. Phật sử Việt Nam ghi nhận những tăng sĩ như Ma ha kỳ vực [Marajavaka], Khưu đa la [k’sudara], Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp [Chi Cương Lương Lâu], Đạt ma Đề bà.

>> Xem thêm: Thử tìm hiểu tôn giáo này - Hòa thượng Siri Dhammananda giảng, Sư Khánh Hỷ soạn dịch

Truyền bá Phật giáo vào Việt Nam vùng đồng bằng châu thổ, cụ thể hơn là vùng Dâu - Luy Lâu, một vùng đất mà vào thời điểm đó, cư dân Việt đã cư trú theo đơn vị làng. Do sinh kế bằng trồng lúa nước gắn chặt với thiên nhiên, người Việt vùng châu thổ Sông Hồng thờ cúng những vị thần của đất đai, của mùa màng, đặc biệt là các vị thần thiên nhiên: Mây, Mưa, Sấm, Chớp [Vân, Vũ, Lôi, Điện] được gọi làTứ pháp. Khi Phật giáo hiện diện nơi đây, làng quê người Việt đã có những điện thờ Tứ pháp. Với phương châm “tùy duyên phương tiện”, “khế lý, khế cơ”, các tăng sĩ chẳng những không loại trừ tín ngưỡng địa phương, trong đó có tín ngưỡng Tứ pháp, mà lại hòa đồng Phật giáo vào các tín ngưỡng đó. Nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn cho rằng, không phải người ta đưa Tứ pháp vào Phật điện mà ngược lại đưa Phật vào trong điện thờ Tứ pháp[1]. Để rồi người dân Việt tiến tới bước tiếp theo, Phật hóa các vị thần trên.

Sự dung hòa Phật giáo với tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là Phật hóa Tứ pháp tránh được xung đột tôn giáo, tín ngưỡng mà vào thế kỷ XVII lịch sử ghi nhận xung đột Công giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam. Một sự xung đột kéo dài tới 200 năm với biết bao hệ lụy [sẽ được trình bày ở phần tiếp theo đây].

Sự hỗn dung ấy chính là một biểu hiện của bình đẳng tôn giáo. Phật giáo không tự tôn tôn giáo của mình một cách thái quá để gạt bỏ những giá trị của tín ngưỡng người Việt. Đó là sự mở đầu tốt đẹp từ đó làm nền tảng cho bình đẳng các tôn giáo ở Việt Nam.

Trong thời kỳ hơn một ngàn năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, Phật sử Việt Nam ghi nhận hai thiền phái: Tỳ ni đa lưu chi và Vô Ngôn Thông. Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi chứa đựng trong lòng nó yếu tố Mật giáo và yếu tố tín ngưỡng người Việt. Một điều đặc biệt là các thiền sư của Tỳ ni đa lưu chi ngoài thông tuệ Phật điển còn uyên bác Nho giáo, Đạo giáo - hai tôn giáo ở thời điểm lúc bấy giờ đã thịnh hành ở Việt Nam. Về điểm này, Nguyễn Lang nhận xét: “Trong Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, có nhiều thiền sư học rộng thông hiểu tam giáo [Phật, Nho, Đạo] ngoài ra còn về các khoa sấm vĩ và phong thủy. Sấm vĩ là môn học suy trắc về tương lai, căn cứ trên lý thuyết âm dương và lý thuyết ngũ hành tương sinh, tương khắc. Có nhiều khoa học sấm vĩ: khoa thì căn cứ vào Kinh Dịch gọi là Dịch vĩ, khoa thì căn cứ trên Kinh Thư gọi là Thư vĩ, v.v… Về phong thủy học, Thiền sư Định Không [730-808], La Quý An [852-936] và Vạn Hạnh [mất năm 1068] đều là những người nổi tiếng”[2].

Qua Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, một điều được ghi nhận, thiền sư học hỏi, tiếp thu giá trị của các tôn giáo, cụ thể là Nho giáo và Đạo giáo mà không loại trừ hai tôn giáo trên. Nếu như Phật giáo buổi đầu dung hợp với tín ngưỡng dân gian mở đầu cho hội nhập, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng tránh được xung đột với văn hóa bản địa thì Thiền phái Tì ni đa lưu chi lại đặt nền móng cho tam giáo đồng nguyên - đồng tôn - đồng hành. Điều này tránh được tư tưởng coi trọng tôn giáo này, xem nhẹ tôn giáo kia - một trong những duyên cớ tạo ra sự bất bình đẳng tôn giáo.

Thiền phái Vô Ngôn Thông mang tên người sáng lập, có mặt ở Việt Nam năm 820. Về phương diện bình đẳng tôn giáo, Thiền phái Vô Ngôn Thông “rất gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình”[3].

3. Thời kỳ Đại Việt

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền chấm dứt một nghìn năm Bắc Thuộc mở ra một kỷ nguyên mới của Dân tộc - Kỷ nguyên Đại Việt. Triều Ngô tồn tại không được bao lâu thì đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân. Người có công thu phục và dẹp loạn 12 sứ quân là Đinh Bộ Lĩnh. Sử cũ ghi: Đinh Tiên Hoàng “đứng lên mà dẹp yên nước, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng Vương, gồm được cả đất đai mười hai sứ quân. Nước bị chia rẽ đã lâu nay thành thống nhất”[4]. Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình.

Triều Đinh, tiếp theo là Tiền Lê, đều coi trọng Phật giáo nhưng Nho giáo và Đạo giáo không phải vì thế mà bị kỳ thị. Năm 971, sau 4 năm lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng định giai phẩm cho các quan văn, võ và tăng đạo, với Phật giáo lập chức Tăng thống [đứng đầu Tăng già], phong thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, Trương Ma Ni giữ chức Tăng lục [đứng hàng thứ hai]. Về Đạo giáo có pháp sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi[5]. Triều đại Đinh, Tiền Lê mở ra một cách nhìn xem trọng các tôn giáo ngang nhau.

Dưới các triều đại Lý, Trần, Phật giáo có vai trò rất lớn, trong đó có vai trò cung cấp hệ tư tưởng trị nước. Song trên nền tảng của hai triều đại Đinh và Tiền Lê, nhà Lý bước lên vũ đài chính trị, căn bản dựa trên nền tảng tư tưởng của Phật giáo nhưng Đạo giáo, đặc biệt là Nho giáo rất được chú trọng. Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử “người thầy của muôn đời” [Vạn thế sư biểu] cùng bốn học trò nổi tiếng [tứ phối]. Năm 1075, nhà Lý cho mở khoa thi tam giáo [Phật, Nho, Đạo] đầu tiên. Chỉ những người đỗ tam giáo mới được làm quan. Việc làm này mở đầu cho một số kỳ thi tam giáo và cũng là mở đầu cho việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử tam giáo. Tư tưởng tam giáo đồng tôn [coi trọng ba tôn giáo như nhau], tam giáo đồng nguyên [ba tôn giáo cùng chung một gốc], tam giáo đồng hành [ba tôn giáo cùng song hành tồn tại] được khởi đầu từ thời kỳ dân tộc Việt Nam đấu tranh chống phương Bắc hơn một ngàn năm, được nhìn nhận quan phương bước đầu dưới triều đại Đinh và Tiền Lê đến thời Lý đã được định hình rõ rệt. Căn bản dựa trên nền tảng tư tưởng của Phật giáo nhưng nhiều giá trị tư tưởng của Nho giáo được nhà Lý sử dụng về đạo trị nước, về quản lý xã hội, quản lý hành chính cũng như xây dựng một nền giáo dục khoa cử nhằm đào tạo nhân tài và thúc đẩy các ngành văn hóa, học thuật phát triển. Dựa trên nền tảng Nho giáo, nhà Lý bắt đầu khai thác, sử dụng lấy đó làm căn cứ luận, từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách lớn như dời đô, thiết lập thể chế, phát động chiến tranh, lập thế tử.

>> Xem thêm: Phân tích mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị và pháp luật

Thời Trần là một thời “nửa nước đi tu”. Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông là những vị vua sùng kính Phật giáo. Phật giáo thời Trần là Phật giáo Nhất tông. Vua Trần Nhân Tông sớm từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử [Quảng Ninh ngày nay] đi tu. Vua Trần Nhân Tông là sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, được gọi là Phật Hoàng [Phật Hoàng Trần Nhân Tông], song Nho giáo thời Trần so với nhà Lý dần dần bước sang một thời kỳ mới. Tư tưởng Nho giáo được các vua Trần từng bước áp dụng. Đó không chỉ là căn cứ luận xây dựng thể chế, chế định triều nghi, thi hành chính sự mà còn sử dụng những điển chế, nghi thức, nghi lễ tạo nên tôn ti, lớp lang trong đối nội cũng như đối ngoại.

Đạo học thời Trần ngoài “Trường đại học” Văn Miếu Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long, ở các lộ còn có trường đào tạo Nho sĩ. Ngoài trường công do nhà nước mở còn có trương tư do các đại Nho thần thành lập. Người thầy Chu Văn An là một ví dụ điển hình cho việc mở trường tư.

Vào cuối thời Trần khi tầng lớp Nho sĩ ngày một đông đảo tất yếu kéo theo tư tưởng Nho giáo chiếm dần vị trí trên bình diện tư tưởng. Nho sĩ thời Trần đưa ra chủ trương đức trị và hăng hái phấn đấu cho lý tưởng của Nho giáo. Các Nho sĩ cuối thời Trần tiêu biểu như Trương Hán Siêu có phê phán Phật giáo nhưng không phải trên lĩnh vực tư tưởng, càng không phủ nhận những giá trị thiền học, văn hóa của Phật giáo mà là phê phán những tiêu cực của Phật giáo thể hiện qua đời sống của một số tăng sĩ ảnh hưởng đến xã hội nhân quần. Sự phê phán không trở thành một cuộc chiến trên lĩnh vực tư tưởng, càng không gây ra bất kỳ một cuộc xung đột xã hội nào giữa những người là tín đồ của Phật giáo với tầng lớp Nho sĩ của Nho giáo.

Về quan phương, nhà Trần hoàn toàn không ỷ vào thế Phật giáo để “ra tay” với Nho giáo, một trào lưu tư tưởng đã và đang tiến sát tới vũ đài chính trị.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh toàn thắng, cuối năm 1427, Lê Lợi lên ngôi, triều Lê được xác lập. Dưới triều Lê, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đi vào giai đoạn phát triển cao nhất. Nho giáo được nhà Lê coi trọng, sử dụng chính thức làm tư tưởng trị nước. Tuy nhiên mấy chục năm đầu thời kỳ Lê Sơ, vai trò Nho giáo mờ nhạt. Phải đợi đến thời vua Lê Thánh Tông, Nho giáo mới đạt đến đỉnh cao trên con đường phát triển của nó ở Việt Nam. Đây là một thời kỳ Nho giáo được quán triệt vào mọi chủ trương chính sách của nhà nước phong kiến và ảnh hưởng đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Song dưới triều Lê, tư tưởng tam giáo vẫn tồn tại, đồng hành. Nếu như Nho giáo giữ vai trò chủ đạo ở tầng lớp bên trên - vĩ mô - với thể chế, điển lễ… thì Phật giáo giữ vai trò chủ đạo ở làng xã. Chùa làng vẫn giữ vị trí trung tâm văn hóa của làng. Những tư tưởng “Từ bi”, “Hỷ xả” “Vô ngã, vị tha” của Phật giáo vẫn là những tư tưởng căn cốt của người dân làng xã vốn thuần hậu, chất phác. Đó chính là sự thể hiện một quan niệm: “Đất Vua, Chùa làng, phong cảnh Bụt”.

Lê Thánh Tông là một ông vua “thuần thành” về Nho học nhưng còn là người của Đạo giáo. Tuy ông không đến mức “mơ hồ điệp” như Trang Tử nhưng con người Vua chứa đựng những yếu tố tiêu dao, mơ mộng, yếu tố của thần tiên Đạo giáo.

Nếu như các vua thời Lê chăm lo Nho học, củng cố Nho giáo với hình thức tôn giáo phương Đông đặc thù “Kính Thiên - Tế Tổ” [Vua thờ trời qua đàn Nam giao, dân thờ cúng tổ tiên] thì hoàng hậu, các bà phi lại là những người chăm lo Phật giáo. Dưới thời Lê, hàng loạt ngôi chùa do hoàng hậu, các bà phi công quả xây dựng mà không bị ngăn trở bởi bất kỳ một vị vua nào.

Dưới triều Lê, Phật giáo không chỉ phát triển ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà từng bước hoằng hóa lên miền núi phía Bắc, như: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái… Phật giáo theo bước đường Nam tiến của vua Lê Thánh Tông phát triển về phía Nam, Trung Trung Bộ ngày nay.

Vào trấn trị miền đất phía Nam - Đàng Trong, các chúa Nguyễn một mặt vẫn sử dụng tư tưởng Nho giáo trị nước, mặt khác vẫn đề cao Phật giáo để “quy tâm” ở vùng đất mở. Một trong những vị chúa Nguyễn có vai trò rất lớn trong việc hoằng truyền Phật giáo ở Đàng Trong là chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được tôn xưng là “Bồ tát - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu”. Với Nguyễn Phúc Chu và có thể nói là triều đại của ông cũng như các triều đại các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn là tư tưởng tam giáo [đồng tôn, đồng nguyên, đồng hành]. Nguyễn Phúc Chu được xem là người “Cư Nho, Mộ Thích” - sống với Nho giáo nhưng sùng kính Phật giáo. Nghĩa là nhà chúa đã không có sự coi nhẹ, thậm chí là không có sự kỳ thị bất kỳ một tôn giáo nào.

Một cách tổng quát, thời kỳ Đại Việt là thời kỳ của tam giáo đồng nguyên, đồng tôn, và đồng hành. Các triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần nghiêng về sử dụng tư tưởng Phật giáo trong trị nước nhưng các giá trị của Đạo giáo, đặc biệt là của Nho giáo vẫn được triệt để sử dụng. Ngược lại, thời Lê nghiêng về sử dụng tư tưởng Nho giáo trong trị nước nhưng Đạo giáo, Phật giáo vẫn tồn tại, lan tỏa trong đời sống xã hội, chi phối nhiều lĩnh vực của đất nước.

>> Xem thêm: Phân tích đặc điểm và sức mạnh của tôn giáo trong đời sống xã hội

Tư tưởng tam giáo đồng tôn, đồng nguyên, đồng hành không gì khác ngoài những nội dung của bình đẳng tôn giáo. Tuy nhiên với sự xuất hiện của Công giáo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XVII, đặc biệt là dưới thời Nguyễn với chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, bình đẳng tôn giáo ở Việt Nam lại được biểu hiện theo một chiều kích mới. Vấn đề sẽ được trình bày tiếp theo đây.

4. Thời kỳ nhà Nguyễn

Đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, lập nên nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn tồn tại từ năm 1802 đến năm 1945. Các nhà sử học chia lịch sử nhà Nguyễn thành hai giai đoạn: giai đoạn tự chủ [1802 - 1885] và giai đoạn lệ thuộc [1885 - 1945].

Nhìn một cách tổng thể các vua nhà Nguyễn về lĩnh vực chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo để trị nước. Nhưng trong lòng xã hội Việt Nam thời Nguyễn vẫn thịnh hành tư tưởng tam giáo để điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Một số thiền phái của Phật giáo, như: Lâm Tế, Tào Động, Liễu Quán có công gây dựng của chúa Nguyễn đến thời kỳ này vẫn được duy trì [riêng Thiền phái Tào Động do không có tăng sĩ để truyền thừa nên vắng bóng]. Thời Nguyễn, ngoài chùa làng còn có quan tự, quốc tự. Có rất nhiều chùa được vua Nguyễn ban “sắc tứ” đến nay vẫn còn hiện diện.

Song dưới triều Nguyễn một bài học phản diện về bình đẳng tôn giáo được lịch sử ghi nhận, đó là chính sách cấm đạo.

Công giáo - một tôn giáo nhất thần, truyền vào Việt Nam dưới triều Lê, khoảng đầu thế kỷ XVII. Khác với các tôn giáo [Nho, Phật, Đạo] trước đó truyền bá vào Việt Nam, ba tôn giáo một mặt dung thông, hội nhập với văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, mặt khác các tôn giáo dung thông với nhau, hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau để cùng được đồng tôn và đồng hành, Công giáo truyền vào Việt Nam đã không thấy điều đó.Thứ nhất, trước khi Công giáo truyền bá vào Việt Nam thì tôn giáo này đã hứng chịu việc xuất hiện của đạo Tin Lành. Thứ hai, các giáo sĩ truyền đạo, quen gọi là các thừa sai, khi ra vùng “dân ngoại” truyền giáo đã mang trong mình một “não trạng” là đem ánh sáng Phúc âm đến những vùng đất còn “tăm tối”. Chẳng những thế, họ lại không chịu tìm hiểu văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Các thừa sai do vậy đã không công nhận các giá trị của các tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa lâu đời của Việt Nam. Họ cho đó là đạo dối. Về phương diện lý thuyết, họ đả kích[6]. Về phương diện thực hành, họ cấm ngặt tín đồ tham gia các tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa người Việt dưới mọi hình thức. Trong quá trình truyền giáo, họ đã tạo ra những làng mà ở đó toàn bộ cư dân hay hầu hết cư dân là tín đồ của họ được gọi là làng Công giáo. Mục đích là để họ tách cộng đồng tín đồ ra khỏi cộng đồng các tôn giáo, tín ngưỡng đương thời. Và tất nhiên, trong hoàn cảnh như trên, các tôn giáo ở Việt Nam không thể khoanh tay ngồi im. Trên lĩnh vực tư tưởng, vào thời kỳ này xuất hiện cuốnTây Dương Gia tô bí lục[7]. Có thể còn có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của cuốn sách nhưng theo chúng tôi, tác giả là những nhà Nho hoặc của một nhà Nho nào đó viết ra nhằm đáp lại tư tưởng của Công giáo đã đề cập ở phần trên.

Đó là trên lĩnh vực quan hệ giữa các tôn giáo với nhau.

Trên lĩnh vực Nhà nước mà cụ thể là nhà Nguyễn thì sao?

Nhà Nguyễn như trên đã đề cập, một triều đại phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để trị nước, lấy Phật giáo, Đạo giáo để điều chỉnh nhiều lĩnh vực của xã hội tất nhiên không thể ngồi im nhìn một “vị khách” tôn giáo không mời mà đến tấn công vào nền tảng chính trị, tư tưởng của triều đại mình. Đó là duyên cớ đầu tiên và cũng là duyên cớ lớn nhất để triều đại này ban hành chính sách cấm đạo. Lấy Nho giáo làm chính thống - chính đạo, tất nhiên Công giáo - kẻ tấn công vào nền tảng chính trị, tư tưởng của triều đại, phải được xem là tà đạo. Chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn chỉ là sự phản đòn. Do vậy, chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn, trải qua một thời gian, các nhà sử học cho rằng có hạt nhân hợp lý. Về sau, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, nhà Nguyễn bị mất nhiều phần đất ở Nam Bộ, đã nhận ra một trong những nguyên nhân là do có một bộ phận giáo sĩ, giáo dân dưới các hình thức khác nhau tiếp tay cho thực dân xâm lược. Đến đây chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn chuyển sang tính chất khác, đó là tính chính trị. Bài học được chỉ ra, đó là sự đồng nhất tôn giáo với chính trị, đồng nhất một bộ phận giáo sĩ, giáo dân với toàn bộ giáo sĩ, giáo dân tham gia chính trị để rồi hành xử.

Thời kỳ nhà Nguyễn cho thấy cần thiết có sự phân biệt một bộ phận chức sắc, tín đồ bị lợi dụng vào hoạt động chính trị với tính chất chính trị trong tôn giáo. Ở đây còn là yếu tố khoan dung tôn giáo.

>> Xem thêm: Chuẩn mực tôn giáo là gì ? Đặc điểm, chính sách về chuẩn mực tôn giáo

Khoan dung tôn giáo dưới triều Nguyễn thể hiện ở hai chiều cạnh.Thứ nhất, khoan dung giữa các tôn giáo, các tôn giáo cùng chung sống hòa hợp.Thứ hai, nhà nước thực hiện chính sách khoan dung tôn giáo tránh được chính sách kỳ thị tôn giáo, cao hơn là đàn áp tôn giáo.

5. Thời kỳ thuộc địa

Một trong chính sách nô dịch của thực dân Pháp đối với Việt Nam là chính sách chia để trị, dùng người Việt đánh người Việt, trong đó có chính sách chia rẽ lương, [bộ phận dân cư không theo Công giáo] và giáo [bộ phận dân cư là tín đồ Công giáo]. Về lĩnh vực tư tưởng, chính quyền thuộc địa xoáy sâu vào sự đối lập vô thần [được đồng nhất với tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin] và hữu thần [được đồng nhất với tôn giáo, chủ yếu là Công giáo]. Một quan niệm thịnh hành thời đó là vô thần và hữu thần không thể cùng tồn tại. Việc lợi dụng tôn giáo, chia rẽ các tôn giáo tất yếu dẫn đến xung đột tôn giáo, từ đó tác động đến bình đẳng tôn giáo.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua ngày 6 tháng 1 năm 1946 ghi nhận: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo nào”, “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 1946 bước đầu đặt nền tảng cho quyền tự do tôn giáo và bình đẳng tôn giáo ở Việt Nam.

Ghi chú:

1. Hà Văn Tấn [2005], Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 232.

2. Nguyễn Lang [2012], Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 96.

3. Nguyễn Lang [2012], Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr. 132.

4. Ngô Thì Sĩ [1960], Việt sử tiêu án, Sài Gòn, tr. 93.

5. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 212.

>> Xem thêm: Kinh Cô-ran là gì ? Tìm hiểu về Kinh Cô-ran ?

6. Xem: Alexandre de Rhodes [1993], Phép giảng tám ngày [bản dịch tiếng Việt], UBĐKCG Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Xem: Tây Dương Gia tô bí lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981.

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Alexandre de Rhodes [1993],Phép giảng tám ngày[bản dịch tiếng Việt], UBĐKCG Thành phố Hồ Chí Minh;

2. Hoàng Văn Chung [2018],Biến đổi quyền tự do tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, bản vi tính, Hà Nội;

3. Bình đẳng tôn giáo – diễn trình và khái niệm; Nguyễn Hồng Dương [Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam] Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6 [186], 2019, 3-24.

Video liên quan

Chủ Đề