Chú phúc nlg là ai


Ảnh: internet

Năng lượng gốc [NLG] do ông Lê Văn Phúc [người Mỹ gốc Việt] sáng lập tại Mỹ và truyền vào Việt Nam từ năm 2019 tại tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

Dù không được bất cứ cơ quan chức năng nào tại Việt Nam cấp phép, thế nhưng, “Năng lượng gốc Trống Đồng” vẫn lập Fanpage và các nhóm trên Zalo, Telegram để chia sẻ, tuyên truyền tập luyện và liên tục chiêu mộ thêm học viên bằng các khóa online.


Ảnh: An ninh Thủ đô

Đáng chú ý, quá trình tập luyện, với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau nên không ít người tin vào khả năng “thần kỳ”, thậm chí một số trường hợp sùng bái, thần thánh hóa NLG nên không đến cơ sở y tế khi có bệnh…

Cùng với đó, NLG đang gia tăng hoạt động phát triển mạng lưới, có biểu hiện trục lợi [ban đầu tham gia lớp học được miễn phí nhưng sau này phải đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động]; in bán sách hay “chỉ cần 1 tỷ USD sẽ giải quyết được mọi căn bệnh thông qua lọc NLG”. Ngoài ra, NLG đã tuyên truyền, sử dụng một số nội dung có yếu tố mê tín dị đoan, gây tâm lý hoang mang, lệch lạc trong một bộ phận cộng đồng dân cư.

Thực tế cho thấy, hoạt động của tổ chức này đã và đang gây nhiều phức tạp về trật tự xã hội, làm xáo trộn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận Nhân dân. Theo TS. Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng: “Đây là một tổ chức có dấu hiệu truyền bá tư tưởng tà đạo, định hướng con người đi ngược với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.


TS. Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng [Ảnh: VOV].

Thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống liên quan đến hoạt động của tổ chức NLG, TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng ban Tôn giáo TP Hà Nội cũng cho biết, tà đạo hiện nay hoạt động rất tinh vi, phức tạp trên môi trường internet; thường dùng các từ ngữ tích cực, màu sắc khoa học như: truyền năng lượng, năng lượng vũ trụ, năng lượng gốc,… để mê hoặc lòng người. Ban Tôn giáo TP Hà Nội đã xác định được một số đối tượng lợi dụng không gian mạng để truyền bá những tư tưởng sai lệch nhằm trục lợi người bệnh.


Ảnh: An ninh Thủ đô.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt đầu manh nha hoạt động tuyên truyền, tập luyện NLG. Đây rõ ràng là một hoạt động nguy hại, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, kịp thời giúp quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, không tin theo những phương pháp thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Theo BHT

Sau khi VTC News thông tin về hiện tượng một số người tuyên bố “lấy 'năng lượng ngoài không gian" chữa bá bệnh, từ ung thư đến COVID-19”, độc giả N.H.Q [trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội] đã liên hệ để cung cấp thêm những câu chuyện liên quan tới gia đình mình.

Theo đó, vào cuối năm 2020, mẹ anh Q được người bạn thân giới thiệu về năng lượng gốc [NLG] rằng đây là môn học miễn phí, hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh và mời chào mẹ anh Q tham gia. Ban đầu anh Q chỉ nghĩ đơn giản đó là phương pháp massage, bấm huyệt thông thường.

“Thời điểm này, các lớp học 1 và 2 sẽ diễn ra trên Zoom [phần mềm gọi video] chứ không phát trực tiếp trên Facebook hay Youtube như hiện tại.

Sau khi học buổi đầu tiên, mẹ bảo mọi người chủ yếu chia sẻ, khơi gợi tình yêu thương. Tôi cũng nói đùa, thế từ trước đến nay mẹ chưa biết yêu thương con người à mà cần học”, anh Q kể.

Anh Q bắt đầu có sự nghi ngại và theo dõi các buổi học khi thấy mẹ mình thường tập trung nhìn vào điện thoại để "được truyền năng lượng".

“Trong một buổi học kéo dài 1 tiếng 30 phút thì khoảng 30 phút đầu có rất nhiều ông già bà cả lên gửi những lời cảm ơn tới “chú Phúc” và ban giảng huấn, rồi nhờ có năng lượng gốc mà đã chữa khỏi viêm gan, ung thư… Tôi nghi hoặc rằng đây có phải là các seeder [người tạo dựng câu chuyện nhằm dẫn dắt, dắt mũi người khác vào mục đích riêng của mình] tạo lòng tin cho mọi người hay không?”, anh Q nói.

Cho rằng có những điều bất ổn, phản khoa học về việc nhận năng lượng ngoài không gian, anh Q khuyên ngăn mẹ mình nhưng bà không nghe và cho rằng có rất nhiều bạn bè tham gia, trong đó có cả "những người học thức cao".

Thông tin giới thiệu ông Lê Văn Phúc là thành viên của Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Tiềm năng Con người TP.HCM thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và là chủ nhiệm bộ môn Năng lượng gốc trên website NLG trước đây, hiện nay thông tin này đã được gỡ bỏ [NVCC]

“Mẹ tôi và nhiều người tin tưởng bởi thời điểm đó website của NLG giới thiệu rằng ông Lê Văn Phúc là thành viên của Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Tiềm năng Con người TP.HCM thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và là chủ nhiệm bộ môn Năng lượng gốc.

Thêm vào đó, có rất nhiều người trong ban giảng huấn nhận là bác sĩ đông, tây y. Cố vấn Khoa học là PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người”, anh Q nói.

Sau khi mẹ anh Q học hết lớp 2 NLG thì gia đình có tang, bận lo công việc nên mẹ anh không tham gia nữa. Tưởng như câu chuyện về NLG đã chìm xuống thì đến đầu năm 2021, bà ngoại anh Q lại tham gia môn học này.

“Gia đình mình cũng không hề biết ai đã giới thiệu cho bà về năng lượng gốc vì trước đó bà chỉ tập thiền. Vì bà ở cùng gia đình bác cả nên tôi được nghe kể rằng lớp 1 và 2 vẫn học online nhưng đến lớp 3 thì học offline cùng ban giảng huấn. Bà cũng già, mọi người thì đi làm nên cũng không ai đưa bà đi học được, đồng thời bên đó còn yêu cầu bà sử dụng thêm cả Zalo, Telegram. Gia đình bác cũng kịch liệt phản đối vì bà bị tiểu đường nặng, đã có biến chứng khi chân bị hoạt tử, nhiều khi bà không sử dụng thuốc mà chỉ ngồi nhìn vào điện thoại để nhận năng lượng chữa bệnh”, anh Q kể.

Anh Q cho biết, anh đã tập hợp bằng chứng về những điều bất hợp lý của môn học NLG để cho bà và mẹ cùng xem. Hai người cũng nhất trí không tham gia nữa.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi được bác trai báo rằng bà đã nhờ ai đó cài Telegram vào điện thoại và đang có ý định quay trở lại học năng lượng gốc. Cá nhân tôi và gia đình rất lo ngại về vấn đề này, chỉ mong mọi việc được sáng tỏ, mục đích của môn học này là gì và nó dựa trên bằng chứng khoa học nào”, anh Q nói thêm.

Lợi dụng uy tín của tổ chức làm việc cá nhân?

Để tìm hiểu về mối quan hệ giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người với ông Lê Văn Phúc và bộ môn Năng lượng gốc, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường – Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường 

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nói, ngày 1/6/2020, Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Tiềm năng Con người TP.HCM thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người bổ nhiệm ông Lê Văn Phúc làm chủ nhiệm bộ môn Năng lượng gốc trực thuộc trung tâm này.

“Ngày 25/10 vừa rồi, Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã tổ chức họp để làm rõ vấn đề này và sự việc PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, hiện đang làm cố vấn khoa học cho bộ môn Năng lượng gốc.

Trong cuộc họp, GS.TSKH. Phan Anh - viện trưởng cho rằng ông không hề biết hay được thông báo việc bổ nhiệm này. Hội đồng đã liên hệ với PGS.TS. Ngô Tiến Quý - nguyên viện trưởng, thời điểm quyết định bổ nhiệm thì ông Quý còn đương chức, cũng cho biết không ký văn bản nào cho phép việc bổ nhiệm nói trên”, ông Cường kể.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Phúc làm chủ nhiệm bộ môn Năng lượng gốc trực thuộc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Tiềm năng Con người TP.HCM [chịu sự quản lý của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người] được ký ngày 1/6/2020 nhưng hai viện trưởng nhiệm kỳ gần nhất của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đều phủ nhận việc ra quyết định này [NVCC]

Ngay trong buổi họp này, Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đã yêu cầu viện trưởng, GS.TSKH. Phan Anh lập tức ra văn bản thu hồi ngay quyết định bổ nhiệm ông Lê Văn Phúc.

“Chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng, viện trưởng không cho phép bổ nhiệm thì liệu bà Quyên phó viện trưởng có liên quan đến sự việc này hay không khi bà ấy đang là cố vấn khoa học cho bộ môn Năng lượng gốc? Và nếu đúng như thế, bà Quyên đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong nguyên tắc tổ chức.

Hội đồng Khoa học cũng nhận định việc bà Quyên lấy tư cách là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người lên mạng xã hội khen ngợi môn học Năng lượng gốc là rất nguy hiểm khi không thông qua hội đồng và lãnh đạo viện bởi chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào chứng minh điều đó.

Sau buổi họp, Hội đồng Khoa học đã kết luận, việc bà Quyên làm cố vấn khoa học hoàn toàn trên tư cách cá nhân nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của viện. Hội đồng yêu cầu bà sớm làm giải trình và kiểm điểm về vấn đề này”, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường nói thêm.

Người dân cần chủ động bảo vệ mình

Bàn luận về những vấn đề xung quanh môn học NLG, tiến sĩ Hoàng Văn Chung - trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và Chính sách tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng, việc con người tập trung làm một việc gì đó, phát huy được suy nghĩ, cảm xúc tích cực thì đã khiến cơ thể khoẻ lên rồi. Nhân loại luôn tin và bị hấp dẫn vào sự siêu việt, muốn khám phá nguồn năng lượng mới để mở ra những điều mới. Chính điều này rất dễ để cho những cá nhân, tổ chức biến tướng khai thác bằng cách đưa ra một vài trường hợp có chuyển biến tích cực vì lý do nhận năng lượng, điều mà khoa học vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đủ sức thuyết phục. Và qua sự thổi phồng thì chúng ta lầm tưởng rằng điều đó có thể xảy đến với tất cả mọi người.

Tiến sĩ Hoàng Văn Chung - trưởng phòng Nghiên cứu lý luận và Chính sách tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo

“Người dân không phải lúc nào cũng đủ khả năng suy nghĩ, logic hay phản biện những điều phản khoa học. Đa phần mọi người có thiên hướng chạy theo đám đông, dễ tin lời đồn thổi, đồng thời sợ bỏ lỡ cơ hội”, ông Chung nói.

Các công trình nghiên cứu tôn giáo mới của tiến sĩ Hoàng Văn Chung cho thấy đang tồn tại ở một số người tâm lý “đi đường tắt lên thiên đàng”. Nhiều cá nhân suy nghĩ rằng đi theo công giáo thì bao giờ mới đến ngày phán xét để lên thiên đàng, đi theo Phật giáo tu bao nhiêu kiếp mới giác ngộ. Nhưng nếu nhóm tôn giáo nào tuyên truyền có vị thần mới, nhanh chân thờ cúng sẽ được cẩu lên thiên đàng luôn, bỏ đi bao nhiêu bước khác sẽ đánh trúng vào tâm lý của nhiều người, khi mà họ không có quá nhiều cái để hy vọng, không có nhiều niềm vui, không có độ tin tưởng thì việc bấu víu vào những điều hư ảo nhất là điều dễ xảy ra.

“Về môn học NLG, chưa có đủ cơ sở và còn quá sớm để quy chụp họ là một tôn giáo mới hay tổ chức tà đạo. Trên bất cứ phương diện nào họ không nhận mình là một tôn giáo, không có đối tượng thờ cúng một cách cụ thể, chưa vướng vào các điều cấm như tụ tập đông người qua đêm mà không xin phép chính quyền, tuyên truyền chủ thuyết nào liên quan đến thờ cúng, tổ chức nghi lễ, in ấn và phát tán kinh sách dưới dạng tôn giáo…

Tuy vậy các cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu cần phải theo sát bởi có thể ban đầu những tổ chức này sẽ lôi kéo đông người tham gia, gây thiện cảm và lệ thuộc vào họ, rồi mới đến câu chuyện sau này. Người dân cũng phải cảnh giác, chủ động bảo vệ mình hay nói cách khác là chịu trách nhiệm lựa chọn hành vi của mình”, ông Chung nói thêm.

Anh Văn

Video liên quan

Chủ Đề