Việt Nam bắn hạ B52 như thế nào

Chính vì nhìn xa trông rộng, "biết địch biết ta", dự báo được trước nguy cơ này nên có sự chuẩn bị kĩ về con người, vũ khí và chiến thuật. Lực lượng quân đội tập luyện ngày đêm để đối phó và tìm ra cách đánh B52. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, quyết tâm tin tưởng vào chiến thắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng tạo nên ý chí kiên cường, sự phối hợp nhịp nhàng, cách đánh sáng tạo để làm đi đến thắng lợi cuối cùng.

Theo đó, từ những năm 1971-1972, lực lượng của ta đã kéo tên lửa vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh [Quảng Trị] để tập phát hiện, bắn B52 như nào và chúng ta cũng bắn rơi được 2 chiếc B52.

Năm 1972, Mỹ tiếp tục dùng máy bay B52 đánh phá từ Quảng Bình ra đến Thanh Hóa, điển hình là chúng đánh ở Hải Phòng vào ngày 16/12.

Trung tướng Phạm Tuân kể lại: “Sau những trận đánh với B52 như vậy, quân ta lại họp bàn để rút kinh nghiệm và quyết tìm ra cách đánh B52. Đội nghiên cứu về nhiễu sóng ra đa của Quân chủng Phòng không – Không quân cũng miệt mài tập luyện, nghiên cứu xem nhiễu của B52 như nào, F4 và F105 như nào để rồi rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp đối phó. Không quân chúng tôi cũng phải tập ngày, tập đêm, tập cất cánh trong đường băng nhỏ và hẹp, rồi còn cho một máy bay khác giống với B52 bay lên để tập luyện chiến đấu… Cuối cùng ta cũng đã tìm ra được cách đánh B52”.

Chúng ta đã vận dụng linh hoạt từng loại vũ khí để đối phó với địch trong mọi tình huống. Máy bay địch bay tầm thấp thì có pháo cao xạ bắn, bay tầm trung có tên lửa không quân bắn, bay tầm cao có tên lửa không quân và pháo cao xạ tầm cao. Máy bay địch đi tầm nào chúng ta cũng có vũ khí để bắn.

Trong 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ đã huy động 193 máy bay B52, cất cánh 663 lần đánh vào miền Bắc, tập trung đánh ở khu vực Hà Nội là 417 lần. “Pháo đài bay B52” đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại. Thương vong cũng nhiều, tổn thất cũng lắm nhưng theo Trung tướng Phạm Tuân, ngoài việc ta bắn rơi được máy bay B52 thì quân và dân ta đã bảo vệ tốt mục tiêu ở Hà Nội. Chỉ có 2 vệt bom dội xuống nội thành Hà Nội là ở Bạch Mai và Khâm Thiên, còn đâu chỉ ở xung quanh Hà Nội.Kết quả 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc B52; riêng Quân chủng Phòng không – Không quân bắn rơi 53 chiếc, có 32 chiếc B52 [16 chiếc rơi tại chỗ]. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa to lớn, không chỉ đẩy lùi, dập tắt âm mưu "bắt Hà Nội quay về thời kì đồ đá", trả lại sự an toàn cho Thủ đô mà còn là đòn quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi này tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

QPTD -Thứ Sáu, 15/12/2017, 14:41 [GMT+7]

Cách đánh “Siêu pháo đài bay” B-52 của Bộ đội Tên lửa trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã có những chiến công hiển hách trên bộ, trên sông. Nối tiếp những chiến công đó, cuối năm 1972, Bộ đội Tên lửa Phòng không vận dụng cách đánh sáng tạo bắn rơi nhiều máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Trong tình thế thất bại ở cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, Tổng thống Mỹ Ních-xơn liều lĩnh mở cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Mỹ huy động tới 50% lực lượng không quân chiến lược [193 máy bay B-52] và toàn bộ không quân chiến thuật ở Đông Nam Á, tổ chức đánh dồn dập, cường độ cao, quy mô lớn. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 bắn rơi nhiều máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái, đập tan sự cố gắng cuối cùng của Mỹ. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định Quân chủng Phòng không – Không quân là nòng cốt, sử dụng lực lượng tên lửa tập trung đánh B-52. Trải qua những tháng, năm gian khổ, vất vả ở chiến trường, Bộ đội Tên lửa đã dày công nghiên cứu cách đánh “siêu pháo đài bay” B-52, nhưng chưa bắn rơi tại chỗ, chưa bắt được giặc lái. Tìm lời giải bài toán này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức nhiều hội nghị bàn cách đánh B-52; trong đó, Hội nghị tháng 10-1972 [hội nghị cuối cùng] khẳng định: “chúng ta có đầy đủ tinh thần và trí tuệ để bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 là hoàn toàn có cơ sở”1, tạo điều kiện tiên quyết cho Bộ đội Tên lửa vững vàng bước vào trận đánh với niềm tin chiến thắng.

Nắm chắc nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nghiên cứu kỹ, xác định đúng hướng, đường bay, mục tiêu đánh phá của B-52. Trên cơ sở đó, thiết lập thế trận đánh B-52, lấy lực lượng tên lửa làm chủ công. Theo nguyên tắc bố trí đội hình chiến đấu là “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” vừa bảo đảm an toàn cho vũ khí, khí tài, vừa tập trung được hỏa lực đánh địch. Tuy nhiên, nếu bố trí đội hình như vậy, chúng ta không thể tập trung được hỏa lực ở mọi thời điểm, nhất là khi cơ động chuyển hóa thế trận. Vì thế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định bố trí lại đội hình tên lửa “hỏa khí tập trung, hỏa lực tập trung” nhằm tăng mật độ hỏa lực chồng, nâng cao hiệu suất diệt B-52. Đây là quyết định sáng tạo, độc đáo và táo bạo, nhưng có đầy đủ cơ sở khoa học của Bộ đội Tên lửa Việt Nam. Theo đó, hai cụm tên lửa được hình thành: Cụm 1, bảo vệ Hà Nội, gồm 03 trung đoàn tên lửa [257, 261, 274] của Sư đoàn 361; trong đó, Trung đoàn Tên lửa 261 bảo vệ hướng chủ yếu là Tây Bắc, đường bay chủ yếu từ Tam Đảo xuống và ngã ba Sông ở Việt Trì vào; đồng thời, sử dụng một bộ phận đánh địch từ hướng Đông Bắc xuống. Trung đoàn Tên lửa 257 bảo vệ hướng chủ yếu là Tây và Tây Nam, đường bay chủ yếu từ Tu Vũ, Ba Vì và từ Đồi Bù Viên Nam [Hòa Bình] vào. Cùng với đó, sử dụng một bộ phận đánh địch ở hướng Nam, Đông Nam. Các tiểu đoàn tên lửa đều bố trí ở vòng trong, cách trung tâm 07 đến 10 km làm nhiệm vụ chốt trực tiếp đánh địch bảo vệ mục tiêu. Bố trí lực lượng như vậy tạo mật độ hỏa lực tập trung đánh máy bay B-52 trên các hướng Tây Bắc và Tây Nam. Cụm 2, bảo vệ Hải Phòng có 2 trung đoàn tên lửa [238, 285] của Sư đoàn 363. Lực lượng này còn sẵn sàng cơ động một số tiểu đoàn tên lửa [71, 72 của Trung đoàn 285] chi viện cho cụm bảo vệ Hà Nội. Với thế trận đó, trong suốt quá trình Chiến dịch, lực lượng tên lửa vòng trong thực hiện cơ động chiến thuật liên tục, nhưng không làm xáo trộn thế trận, bảo đảm giữ vững thế trận có hỏa lực chồng cao, nhiều tốp B-52 bị bốn đến năm tiểu đoàn tên lửa cùng đánh, có tiểu đoàn còn kịp bắn “nhồi”, bắn “bồi”, v.v. Trong khi cơ động, một số đơn vị tên lửa đến trận địa mới có tham số lớn so với đường bay, nên máy bay B-52 lộ rõ tín hiệu trên màn hình, tạo thuận lợi cho kíp chiến đấu tiêu diệt. Đây là điểm yếu chí tử của B-52.

Cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, Mỹ sử dụng chủ yếu máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá các mục tiêu, còn máy bay cường kích đánh phá bổ sung giữa các đợt và ban ngày; tiêm kích chế áp phòng không, chặn kích không quân ta bảo vệ các tốp B-52. Oa-sinh-tơn tin tưởng rằng, sử dụng “siêu pháo đài bay” B-52, con bài răn đe chiến lược đánh phá để gây sức ép chính trị đối với ta. Phân tích, đánh giá kỹ tình hình, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định B-52 là đối tượng tác chiến chủ yếu của Chiến dịch, do đó quyết định tập trung mọi nỗ lực đánh máy bay B-52 nhằm đánh gục con “át chủ bài”, làm tiêu tan mục đích chính trị của chúng. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng tên lửa đánh máy bay B-52 là đánh đúng vào chỗ mạnh nhất, nhưng cũng là chỗ hiểm nhất của địch. Bởi lẽ, chúng cho rằng, với hệ thống nhiễu dày đặc, cường độ cao cả ở ngoài và trong đội hình, cùng với các lớp máy bay tiêm kích hộ tống, bảo vệ thì khí tài tên lửa của đối phương khó có thể phát hiện ra chúng và cuộc tập kích chủ yếu bằng máy bay B-52 vào đánh phá Hà Nội dễ dàng, như một cuộc “dạo chơi”. Nhưng chỉ trong 02 trận đánh đêm 18-12, mọi đánh giá của chúng đã có câu trả lời. Đây là một sai lầm chí mạng mà chúng phải trả giá quá đắt, 34 máy bay B-52, chiếm 17,6% máy bay chiến lược của Mỹ huy động trong cuộc tập kích bị bắn rơi. Về ta, một khó khăn lớn nhất là, tiến hành chiến dịch Phòng không trong khi lực lượng phòng không, đặc biệt là lực lượng tên lửa đang phải đồng thời thực hiện cả ba nhiệm vụ, bảo vệ yếu địa Hà Nội, Hải Phòng; vận chuyển chiến lược và các hoạt động tiến công chiến lược trên chiến trường, nên khó tập trung được lực lượng lớn tên lửa. Các trung đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội lại chưa trực tiếp đánh máy bay B-52. Vì thế, các lực lượng Chiến dịch; trong đó, tên lửa là chủ yếu cần phải vượt qua khó khăn, tiêu diệt nhiều máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái, làm mất chỗ dựa chủ yếu của Oa-sinh-tơn, buộc chúng phải kết thúc cuộc tập kích; tác động rất lớn tới chiến lược, chiến tranh của Mỹ. Chọn B-52 là đối tượng chủ yếu của Chiến dịch là lối đánh trúng nhất, hiểm nhất của nghệ thuật chiến dịch phòng không. Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, ta bắn rơi nhiều máy bay B-52, nhiều chiếc rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái, phá vỡ thế tiến công của địch, làm rung chuyển nước Mỹ, đập tan ý đồ tạo thế mạnh trên mặt trận quân sự của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc để ép ta về chính trị trên mặt trận Ngoại giao.

Nhằm nâng cao khả năng tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo lực lượng tên lửa hiệp đồng hỏa lực chặt chẽ giữa vòng trong với vòng ngoài; hỏa lực của tên lửa với hỏa lực đánh địch từ xa của không quân tiêm kích và hỏa lực bảo vệ của pháo phòng không. Thực tế, trong suốt các đợt tác chiến đêm 18, 19, 20 và đặc biệt là đêm 26-12, lực lượng tên lửa thực hiện đánh B-52 liên tục, từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, trên các hướng, nhất là hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu, riêng đêm 26-12 đã bắn rơi 08 máy bay B-52 trong 01 giờ; thậm chí Tiểu đoàn Tên lửa 57 chỉ còn 02 đạn tên lửa trong vòng hai phút đã bắn rơi 02 máy bay B-52 [01 chiếc rơi tại chỗ], v.v. Trong các trận đánh, Bộ đội Tên lửa đã mưu trí, sáng tạo, sử dụng nhiều hình thức chiến thuật: kiên trì bám chốt, cơ động xung quanh chốt, chốt vòng trong kết hợp với cơ động vòng ngoài. Các đơn vị tên lửa vòng trong thực hiện cơ động xung quanh chốt bảo toàn lực lượng và chuyển hóa thế trận linh hoạt. Quá trình cơ động liên kết chặt chẽ với lực lượng tên lửa vòng ngoài, tạo vùng hỏa lực khép kín, nhiều tuyến, nhiều lớp đánh B-52. Khi máy bay B-52 đang trong đội hình bay đường dài, mất cảnh giác, không quân bí mật xuất kích từ các sân bay vòng ngoài - sân bay dã chiến tiếp cận đánh cản phá, phá vỡ đội hình bay của chúng, tạo thuận lợi để các đơn vị tên lửa phát hiện, bắt, bám sát chính xác máy bay B-52, chọn thời cơ thuận lợi tiêu diệt. Đối với lực lượng pháo phòng không bảo vệ tên lửa đánh mãnh liệt, phá tan đội hình bay hộ tống của các máy bay tiêm kích làm cho B-52 lộ diện nguyên hình, tạo thuận lợi cho kíp chiến đấu tên lửa tiêu diệt, v.v. Cùng với đó, các kíp chiến đấu tên lửa sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật đối phó với hệ thống điện tử của không quân địch: phát sóng ngắt quãng, thay đổi đột ngột tần số phát của các đài ra-đa, tên lửa; kết hợp quang học với vô tuyến, v.v. Điển hình là kịp thời chuyển phương pháp điều khiển, chế độ bám sát khi tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng thay đổi, nâng cao hiệu suất diệt B-52.

Trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ huy linh hoạt, nhạy bén của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Bộ đội Tên lửa đã dũng cảm, mưu trí, bình tĩnh, tự tin vận dụng sáng tạo các biện pháp chiến đấu, hình thức chiến thuật, tập trung hỏa lực của nhiều tiểu đoàn tên lửa2 đánh vào một tốp B-52 [có tốp năm tiểu đoàn tên lửa cùng bắn]; thậm chí có tiểu đoàn tên lửa còn bắn lại vào một tốp nhằm diệt bằng được B-52, không để chúng “sống sót” trở về. Kết thúc Chiến dịch, lực lượng Tên lửa - lực lượng chủ yếu đánh B-52 đã bắn rơi 38/81 máy bay các loại; trong đó, có 29 máy bay B-52 [16 chiếc rơi tại chỗ], hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của chiến dịch Phòng không cuối năm 1972.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư [4.0] đang tác động trực tiếp vào khoa học quân sự, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự làm xuất hiện hệ thống vũ khí, trang thiết bị chiến tranh thế hệ hệ mới - có hàm lượng công nghệ cao và làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh. Điển hình là tiến công đường không có những phát triển mới cả về tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, v.v. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc [nếu xảy ra], địch sẽ tổ chức tiến công đường không ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh với quy mô, cường độ lớn và tính chất ác liệt hơn. Điều đó, đòi hỏi sự phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân nói chung, nghệ thuật tác chiến của lực lượng Tên lửa phòng không nói riêng cần được coi trọng đúng mức; chỉ đạo chặt chẽ ở các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhằm xây dựng lực lượng Tên lửa phòng không “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Các cấp, ngành, lực lượng, địa phương, nhất là Quân chủng Phòng không - Không quân cần chủ động xây dựng thế trận phòng không [trong đó có thế trận của lực lượng Tên lửa] vững chắc, hiểm hóc và linh hoạt trên phạm vi cả nước, chú trọng các vùng trọng điểm phòng không. Khi tổ chức chiến dịch Phòng không, cần phải triệt để lợi dụng thế trận phòng không của khu vực phòng thủ được chuẩn bị từ thời bình; đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là đối tượng tác chiến, sự phát triển về phương thức tác chiến đường không, phương tiện, vũ khí, trang bị của địch, cũng như điều kiện, khả năng của ta, tính chất, đặc điểm của khu vực mục tiêu bảo vệ và số lượng lực lượng tên lửa phòng không tham gia để hình thành cụm tên lửa phòng không trực tiếp bảo vệ khu vực mục tiêu hợp lý, góp phần tạo sức mạnh, đủ sức bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống./.

Đại tá ĐỖ HẢI ÂU
__________

1 - Hội nghị chuyên đề về cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa được tổ chức tại Hội trường Sư đoàn 361, ngày 30 tháng 10 năm 1972.

2 - Tiểu đoàn 78, 87, 88, 57, 94 liên tiếp phóng tên lửa vào các tốp 673, 606, 602, 559.

Video liên quan

Chủ Đề