Quốc tổ của dân tộc việt nam là ai

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 [1917], Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế [Quốc lễ, Quốc giỗ]. Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 [1940] cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai [dương lịch là năm 1917], Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ [11 tháng Ba] do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau cách mạng tháng Tám [1945] Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất [1946] - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng [19/9/1954 và 19/8/1962]. Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày [từ 1/3 đến 10/3 âm lịch].

Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:

- “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.

- “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương [10/3 âm lịch]. Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

BBT [tổng hợp]

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Từ lâu, câu ca dao ấy đã thấm đẫm, ăn sâu vào tiềm thức người dân đất Việt. Dẫu có đi đâu, về đâu, mỗi người vẫn luôn mang theo niềm tự hào sâu sắc về nguồn cội “con rồng, cháu tiên”, “con Lạc, cháu Hồng” chảy trong huyết mạch. Trong cái niềm tự hào chảy suốt mấy nghìn năm lịch sử ấy, Vua Hùng đã được suy tôn là Quốc tổ, trở thành biểu tượng tôn quý cho tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc và nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng người Việt.

Đền Hổ Bái [xã Yên Trường] – nơi thờ thần Hợp Lang, người con thứ 11 của Vua Hùng.

Nhắc đến Vua Hùng là mở ra “thiên tình sử” của nước Việt ta giữa chàng Lạc Long Quân và nàng Âu Cơ. Nàng Âu Cơ khi hạ sinh một bọc phá ra trăm trứng, mỗi trứng nở ra một cậu con trai, “mỗi cậu bé càng lớn càng thêm tuấn tú, mỹ lệ khác thường, oai dũng, thông minh mẫn tiệp, trí tuệ toàn vẹn, mọi người đều sợ phục cho là những anh em phi thường”. Câu chuyện tình đặc biệt ấy không chỉ được lưu lại trong truyền thuyết mà được ghi chép trong nhiều chính sử.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai [tục truyền sinh trăm trứng], là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam [có bản chép là về Nam Hải], phong cho con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu [Phú Thọ]. Nước Văn Lang có Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, chia nước làm các bộ, phủ, như: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức... Bộ Văn Lang là nơi Hùng Vương đóng đô.

Từ cội nguồn thiêng liêng ấy cùng với công đức vô lượng trải dài suốt 18 đời, Vua Hùng đã được các thế hệ người dân nước Việt suy tôn là Quốc tổ. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, gắn với các thế hệ cháu con nước Việt không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó chính là sự phản chiếu hình ảnh của ông vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc và hai tiếng đồng bào thiêng liêng. Từ sự suy tôn, ngưỡng vọng ấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã hình thành, phát triển với sức sống bền bỉ cho đến hôm nay và muôn đời sau.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, là hình thức phát triển cao từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tín ngưỡng này chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật tiêu biểu, liên quan đến thời kỳ Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ thể hiện niềm thành kính, nhất tâm hướng về nguồn cội dân tộc. Mà hơn hết, nó là minh chứng sinh động, thuyết phục về “lòng yêu nước nồng nàn”, tinh thần “thượng tôn dân tộc”. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có mặt ở nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S này. Trong đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng [Giỗ Tổ Hùng Vương] được tổ chức vào ngày 10-3 [âm lịch] hằng năm tại Phú Thọ là trung tâm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đông đảo các thế hệ cháu con người Việt cùng về đây, nhất tâm bái lạy, thắp nén hương thơm dâng lên Quốc tổ bằng tất cả lòng biết ơn, kính trọng. Lễ hội Đền Hùng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh cao của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân, thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nêu cao hơn nữa lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Với những giá trị sâu sắc về văn hóa, lịch sử, ngày 6-12-2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, xứ Thanh hiện vẫn còn lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương, đặc biệt là các di tích, lễ hội tiêu biểu, độc đáo liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Nét cổ kính, trầm mặc, sơn thủy hữu tình của đền Đồng Cổ [Yên Định]. Ảnh: N.L

Dấu ấn thời kỳ Hùng Vương trên đất xứ Thanh không thể không nhắc đến ngôi đền Đồng Cổ [Yên Định]. Ngôi đền linh thiêng, trầm mặc bên bờ sông Mã được tưới tắm tự ngàn đời bằng những câu chuyện huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuốn Linh tích núi Tam Thai do Hà Văn Giác phiên âm, dịch nghĩa từ nguyên bản chữ Hán “Tam Thai sơn linh tích” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng có kể: “Vua Hùng thứ nhất theo đường núi vào dẹp loạn Hồ Tôn ở phương Nam, khi ngang qua đây đã nghỉ quân ở chân núi thôn Khả Lao, nay là làng Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có nằm mộng gặp thần núi. Từ thời Hùng Vương, trải qua lịch sử các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần – Hồ, Hậu Lê vẫn ghi lại những công trạng phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm của thần Đồng Cổ thông qua các lần linh ứng hiển linh báo mộng. Về phần chiếc trống đồng – vật gắn liền với những câu chuyện về thần Trống đồng, theo Linh tích núi Tam Tai có đoạn viết: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc [0,6m], cao hai thước [0,8m], rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ Triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”.

Trên mảnh đất Yên Định ấy, ngoài ngôi đền Đồng Cổ ở xã Yên Thọ thì tại xã Yên Bái cũ [nay là xã Yên Trường], đền Hổ Bái cũng được biết đến là nơi lưu giữ những dấu ấn đậm nét về thời kỳ Hùng Vương với sức sống hàng nghìn năm tuổi. Đền thờ thần Hợp Lang, người con thứ 11 của Vua Hùng, “có tên kiêng húy là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, trấn trị ở phủ Hoài Hoan”. Địa chí xã Yên Bái, ngọc phả làng Hổ Bái cho biết: Trong một lần ngao du, ngược dòng sông Mã, đến đất Trang Trân Bái, thấy cảnh sắc tươi đẹp, thanh bình, lại có “sông nước linh thiêng, trong lành, hình sông thế núi uyển chuyển với dải đất anh linh trọng yếu” nên đã kêu gọi dân chúng khắp nơi tới lập ấp, lập làng sinh sống và cho xây dựng một ngôi đền thờ, chính là vị trí đền Hổ Bái bây giờ. Sau khi hoàn tất công việc, Lạc hầu quay về thủy cung [vào ngày 4-4]. Từ đó hằng năm, ngày 4-4 được chọn làm ngày dâng hương lễ tế, kỷ niệm ngày mất của thần Hợp Lang. Cũng theo sử sách ghi chép lại, liên quan đến đền Hổ Bái, ngoài sự kiện thần Hợp Lang về cho xây dựng đền thì vẫn còn sự kiện quan trọng và ý nghĩa khác. Đó là trong một lần Bà Trưng về đền cầu anh linh Vua Hùng phù hộ để diệt giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi. Lời khấn cầu linh ứng, Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh tan quân giặc. Ngay sau đó, Hai Bà về đất Trang Trân Bái mở hội ăn mừng trong một tháng và hạ lệnh tu sửa đền thờ ngay sau đó.

Vua Hùng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng người Việt vừa là biểu tượng quyền uy, tôn quý nhưng cũng thật chân thực, gần gũi. Bởi người chính là tổ tiên của Bách Việt ta đó; mỗi người dân nơi này đều có chung dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”. Vì lẽ đó, chẳng cần những giáo lý cao siêu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn có sức sống bền bỉ, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được tiếp nối và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như mạch nguồn văn hóa thăm thẳm, bao la. Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đưa Việt Nam tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nguyên Linh

Video liên quan

Chủ Đề