Ví dụ về tính cộng đồng trong văn hóa Việt Nam

Khi “mạch ngầm” được khơi dậy
Khảo sát của tổ chức Dalia Research (có trụ sở tại Berlin, Đức) tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khắp các châu lục mới đây đã công bố, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút SARS-CoV-2 (Covid-19) của Chính phủ cao nhất thế giới. Khảo sát này không gây bất ngờ, bởi ba tháng vừa qua, là ba tháng mà người dân cả nước đồng lòng và đồng hành với các giải pháp của Chính phủ đề ra trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh. Chưa bao giờ mà những chủ trương, chính sách đặc biệt đến thế được ban hành để phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù kinh tế đất nước còn không ít khó khăn, nhưng việc Chính phủ quyết định miễn toàn bộ chi phí cho những người phải cách ly, điều trị bệnh; tiếp nhận hàng chục nghìn đồng bào ở nước ngoài về nước do dịch bệnh ở các nước bùng phát mạnh mẽ không làm người dân băn khoăn về áp lực kinh tế, mà chính những biện pháp ấy lại góp phần thổi bùng lên ngọn lửa nhân văn trong mỗi con người. Khắp nơi trong cả nước, người dân nỗ lực, hăng hái sẻ chia, giúp đỡ nhau về các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Những tấm lòng nhân ái xuất hiện, lan tỏa khắp từ bắc chí nam. Rất nhiều cụ già trăm tuổi, những người neo đơn, khó khăn hay những em học sinh nhỏ tuổi cũng “đập lợn tiết kiệm” để góp lòng, góp sức. Những suất cơm nghĩa tình được trao đi. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng hướng về đất nước với nhiều hành động thiết thực. Đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, mà nội dung chính là dừng mọi hoạt động kinh doanh, hạn chế tập trung đông người, ảnh hưởng đến xã hội, khó khăn về kinh tế càng lớn hơn. Ngay cả những quốc gia phát triển, ý thức tuân thủ luật pháp cao, thì việc người dân phản ứng với quy định, vẫn cố tình tụ tập đông người xảy ra khá phổ biến. Còn ở Việt Nam, chỉ một vài hạt sạn rất nhỏ trong bức tranh chung. Thời điểm từ ngày 1-4, cũng là lúc có thêm nhiều hoạt động thiện nguyện. Mọi người giúp đỡ những người vô gia cư, những người có công việc làm không ổn định. Ở khắp các đô thị lớn, xuất hiện những điểm phát hàng nhu yếu phẩm miễn phí, dành cho bất kỳ ai có nhu cầu. Đã không xuất hiện cảnh chen nhau nhận quà. Mọi người nhường nhau, để dành phần cho người khó khăn hơn.

Cùng lúc ấy, ở “tuyến đầu”, là những câu chuyện, hình ảnh về sự hy sinh, cống hiến hết mình vì cộng đồng của đội ngũ bác sĩ, của lực lượng vũ trang. Những câu chuyện, hình ảnh đó mang âm hưởng của những năm tháng chiến tranh ngày trước. Đó là khi mỗi người phấn đấu vì mọi người, phảng phất hình ảnh hào hùng “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

Ví dụ về tính cộng đồng trong văn hóa Việt Nam

Bác sĩ đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe các công dân trước khi bàn giao về cơ sở cách ly của Quân khu 3. Ảnh: Phạm Hoạch

Nhìn lại lịch sử, tính cộng đồng tồn tại như một căn tính nổi bật của dân tộc Việt Nam. Nằm ở khu vực địa lý phải gánh chịu nhiều thiên tai, ngoại xâm, người Việt sớm phải nương tựa vào nhau để sinh tồn ngay từ buổi ban mai của lịch sử. Ở cộng đồng hẹp là làng xã, sự nương tựa nhau để bảo vệ mùa màng; chống lại giặc giã. Rộng hơn, trên bình diện quốc gia dân tộc, tính cộng đồng là thứ vũ khí hữu hiệu để chinh phục thiên nhiên, dựng nước và giữ nước. Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng là cội nguồn sức mạnh giúp Việt Nam dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh đau thương, nhưng vẫn giữ được nền độc lập dân tộc. Ngay cả khi tiếp thu văn hóa ngoại lai, thì những yếu tố giúp cố kết cộng đồng luôn được tiếp thu, phát huy lên một tầm cao mới.

Để tính cộng đồng luôn tỏa sáng

Với tiềm lực kinh tế nói chung, tiềm lực của nền y tế nói riêng còn nhiều hạn chế, việc Việt Nam trở thành điểm sáng thành công trong việc hạn chế mức độ lây lan của đại dịch Covid-19 được rất nhiều các kênh truyền thông nước ngoài lý giải, chính là nhờ sức mạnh của cộng đồng đã được phát huy tối đa. Những chủ trương, chính sách là điều kiện cần, thì sự hợp tác của người dân là điều kiện đủ để công cuộc chống “giặc dịch” thu được thắng lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, tính cộng đồng khi đất nước “hữu sự”, và tính cộng đồng trong cuộc sống bình thường, dường như, vẫn là một khoảng cách. Tính cộng đồng của người Việt ra đời từ nhu cầu ứng phó với thách thức của tự nhiên, xã hội, nên khi thử thách qua đi, tinh thần cộng đồng rất dễ đi vào thoái trào. Người Việt gắn kết, tương trợ lẫn nhau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra. Song, khi thảm họa kết thúc, tư duy vị kỷ lại lên ngôi: “Ruộng ai nấy đắp bờ”, “Ăn cây nào, rào cây nấy” hay “Ai có thân người ấy lo/ Ai có bò người ấy giữ”... Đại dịch Covid-19 trở thành phép thử mới về sức mạnh của tính cộng đồng của người Việt. Nhưng làm sao để đặc tính này trở nên bền vững, chứ không phải chờ đến khi đất nước “hữu sự”. Tuyên truyền, giáo dục là yếu tố tiên quyết, nhưng không thể nói suông về việc kế thừa tinh thần cộng đồng của cha ông. Trong bối cảnh hiện nay, phải chuyển hóa từ sự “ứng phó” thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua giáo dục tổng thể trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội. Học sinh ngay từ nhỏ cần được giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, được tham gia các hoạt động tương thân, tương ái, trợ giúp mọi người; các hoạt động có tính cộng đồng. Bên cạnh đó, tính cộng đồng cũng có mặt trái là thói ỷ lại vào tập thể, cào bằng; đố kỵ khi thấy người ta hơn/ khác mình. Khi đề cao tính cộng đồng, khi cái “tôi” cá nhân bị hòa chung vào “cái ta” tập thể, sự sáng tạo có nguy cơ bị triệt tiêu. Dung hòa hai yếu tố này là vấn đề không đơn giản. Nếu xây dựng tinh thần cộng đồng cần dựa vào giáo dục theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, thì khuyến khích sáng tạo đòi hỏi sự đổi mới về phương pháp giáo dục. Ở nhiều nước phương Tây, tính cộng đồng không mạnh, nhưng nền giáo dục và tập quán xã hội đã tạo ra những con người có tính sáng tạo, có khả năng làm việc độc lập cao, để lại nhiều kinh nghiệm cho chúng ta tham khảo. Đó là nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng ý kiến học sinh thay vì lối giáo dục áp đặt, chân lý duy nhất như hiện nay. Ở phạm vi rộng hơn, chúng ta phải xây dựng một xã hội tôn trọng sự khác biệt (trong khuôn khổ luật pháp cho phép); một cơ chế thưởng phạt phân minh, ưu tiên những sáng tạo trong hoạt động thay vì thói quen “cào bằng” đang khá phổ biến như hiện nay.

GỢI Ý 1

Tính cộng đồng của người Việt nhấn mạnh vào “sự đồng nhất”. Do đồng nhất (cùng hội cùng thuyền, cùng cảnh ngộ) cho nên người Việt luôn sẵn sàng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người trong cộng đồng như anh chị em trong nhà: “Tay đứt ruột xót”; “Chị ngã em nâng”; “Lá lành đùm lá rách”…

  • Cơ sở hình thành tính cộng đồng: Tính cộng đồng của văn hóa làng Việt được hình thành trên nền tảng của hai mối quan hệ: láng giềng và huyết thống.
  • Biểu hiện của tính cộng đồng:
    • Về kinh tế: gắn kết với nhau về kinh tế giữa các thành viên trong làng xã, luôn tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, chống thiên tai, hạn hán, lũ lụt, khi đói rét, mất mùa…

"Một miếng khi đói bằng một gói khi mua.

Lá lành đùm lá rách"

Ví dụ về tính cộng đồng trong văn hóa Việt Nam

    • Về tình cảm: luôn giúp đỡ nhau khi có khó khăn, hoạn nạn, khi vui, khi buồn.

+ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

+ Bầu ơi thương lấy bí cùng.

    • Về phong tục, tín ngưỡng: có chung phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cùng thờ chung một vị thần của làng (thành hoàng), cùng tham gia các hội hè, đình đám… đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích ca nhân.
    • Về pháp luật: có qui ước. luât tục riêng của làng, mỗi thành viên trong cộng đồng không được pháp luật công nhận với tư cách cá nhân, mà bị hòa tan trong cái chung của cộng đồng, làng xã.

"Một người làm quan cả họ được nhờ.

Phúc cùng hưởng, họa cùng chia."

Ý thức cộng đồng đã tạo nên một chất keo gắn bó các thành viên trong làng, khiến cho làng trở thành một đơn vị cố kết chặt chẽ. Tính cộng đồng được hình thành trên nền tảng của văn hóa làng cũng chính là cơ sở để hình thành tinh thần đoàn kết dân tộc như một giá trị tinh thần truyền thống quí báu của dân tộc ta.

GỢI Ý 2

Khái niệm tính cộng đồng (theo góc nhìn về văn hóa) là sự liên kết của các thành viên trong làng xã, nông thôn, thành thị,.. lại với nhau, hoặc là khối người cùng gắn bó với nhau trong tổ chức xã hội, mỗi người đều hướng tới những người khác. Đây là đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam ta. 

Biểu tượng truyền thống của tính cộng đồng là:

+ Sân đình - Bến nước - Cây đa. ĐÌNH là biểu tượng tập trung nhất của làng về mọi phương diện, nơi diễn ra công việc quan trọng, nơi hội họp, thu sưu thu thuế, nơi giam giữ và xử tội phạm nhân. Đây là một trung tâm văn hóa nơi tổ chức các hội hè đình đám. Đình cũng là nơi thờ thần Thành Hoàng - người bảo trợ cho dân làng. Cuối cùng, đình là một trung tâm về mặt tình cảm, ta thường hay nghĩ về đình làng khi đi xa.. Qua đình ngả nón trồn đình, đình bao nhiêu nón thương mình bấy nhiêu. Do ảnh hưởng từ Trung Hóa, đình là nơi tụ tập cho tất cả mọi người nhưng dần dần chỉ còn là chốn lui tới của đàn ông. Bị đẩy ra khỏi đình, phụ nữ quần tụ lại nơi BẾN NƯỚC, là chỗ hằng ngày mà chị em cùng nhau rửa rau, vo gạo, giặt giũ, chuyện trò. CÂY ĐA mọc um tùm ở đầu làng, gốc cây lúc nào cũng có khói hương nghi ngút, đó là nơi hội tụ của thánh thần: Thần cây đa, ma cây gạo cú cáo cây đề. Gốc cây đa thường có quán nước để là nơi ta nghỉ chân, gặp gỡ những người đi làm đồng, những khách qua đường, gốc cây đa trở thành cửa sổ liên lạc của làng với thế giới bên ngoài.

Ví dụ về tính cộng đồng trong văn hóa Việt Nam

+ Tính hòa đồng, tập thể. Người Việt Nam luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau , coi nhau như anh chị em trong nhà: lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng, bầu ơi thương lấy bí cùng,.. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Đó chính là ngọn nguồn của nếp sống dân chủ- bình đẳng.

+ Đặc tính "ưa tìm hiểu", "hay tò mò" của người Việt về tuổi tác, quê quán, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, có con chưa, mấy trai mấy gái... Vì do tính cộng đồng, người Việt Nam tự thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm đến người khác, mà muốn quan tâm thì phải biết đến hoàn cảnh. Biết hoàn cảnh để lựa chọn đối tượng giao tiếp thích hợp: Chọn mặt gửi vàng, Tùy người gửi của,.. Khi không được lựa chọn thì người Việt thích ứng linh hoạt: Đi bới Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy

+ Làm cho người Việt xem coi trọng danh dự: Đói cho sạch, rách cho thơm, Tốt danh hơn lành áo.

+ Làm cho người Việt coi trọng tế nhị, tính hòa thuận, nên người Việt giao tiếp với nhau có thể vòng vo tam quốc, ít khi mở đầu trực tiếp hay đi thẳng vào đề như người phương Tây. Miếng trầu là đầu câu chuyện, Vấn xá cầu điền, hỏi thăm nhà cửa ruộng vườn.

Vai trò: 

+ Tính cộng đồng là nguyên nhân khiến con người Việt đặc biệt coi trọng giao tiếp.

+ Chức năng liên kết các thành viên

+ Thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ 

+ Tinh thần tập thể sống hòa đồng

+ Nếp sống dân chủ bình đẳng

+ Hình thành đặc trưng tiêu biểu của mỗi nơi, mỗi địa phương, vùng miền. Ví dụ :....

+ Sinh ra hàng loạt những ưu nhược điểm về tính cách con người Việt. Vd: nếp sống dân chủ, tính tập thể quá cao nên ý thức về cá nhân con người bị thủ tiêu; tất cả mọi người đều phải đồng nhất nhưng nếu ai mà vượt trội thì đố kị; quá coi trọng danh dự thì đâm ra bệnh sĩ diện: đem chuông đi bấm của người, không kêu cũng đấm ba hồi lấy danh, một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Mở rộng: tính cộng đồng là đặc trưng quan trọng thể hiện ở tổ chức nông thôn. Nhưng đôi khi tính chất này cũng nảy sinh những hệ quả xấu như thói dựa dẫm ỷ lại, thói cào bằng đố kỵ, sự thủ tiêu vai trò cá nhân trong tập thể. Cái tốt, nhưng cái tốt riêng lẻ trở thành cái xấu, còn ngược lại, cái xấu nhưng là xấu tập thể thì trở nên bình thường: Toét mắt là tại hướng đình, cả làng cùng toét riêng mình em đâu!