Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta có xuất xứ như thế nào

Table of Contents

Trong những văn bản nghị luận các em đã học,  bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những áng văn nghị luận chứng minh tiêu biểu và mẫu mực nhất. Bài văn làm nổi bật một chân lí: Dân tộc Việt Nam có một lòng nồng nàn yêu nước. Chân lí ấy được diễn giải ra sao dẫn chứng như thế nào cô trò ta cùng nhau tìm hiểu.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả:

Hồ Chí Minh [1890 - 1969] Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là một nhà thơ nhà văn lớn, là một danh nhân văn hóa thế giới.

2. Tác phẩm:

a. Xuất xứ: văn bản  được trích trong Báo cáo chính trị của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam họp tại Việt Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhan đề do nhà biên soạn sách giáo khoa đặt.

b. Phương thức biểu đạt: là nghị luận kết hợp với biểu cảm.

c. Bố cục: gồm ba phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” Nhận định chung về lòng yêu nước.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “một dân tộc anh hùng” Chứng minh lòng yêu nước.
  • Phần 3:  còn lại Nhiệm vụ của mọi người.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Vấn đề nghị luận :

Bài văn bàn về tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Câu văn thâu tóm : "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta".  Xưa đến nay, trong  chiến đấu, trong xây dựng biểu hiện của lòng yêu nước của dân ta rất phong phú và đa dạng. Ở bài viết này, tác giả nhấn mạnh đến lòng yêu nước ở các cuộc chống ngoại xâm. Vì sao vậy? Bởi vì từ khi bắt đầu dựng nước, nhân dân ta cũng bắt đầu giữ nước ta. Làm sao chúng ta quên được người anh hùng làng Gióng. Làm sao chúng ta quên được các vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,  … và gần đây nhất là  cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, đòi hỏi phải phát huy cao độ tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân tộc.

Để khẳng định sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước, tác giả đã sử dụng một hình ảnh có tính chất tượng trưng để thể hiện:… “lòng yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lòng yêu nước được nhắc lại nhiều lần [bằng đại từ thay thế nó], kết hợp với các động từ có khả năng gợi cảm lớn như: “kết thành, lướt qua, nhấn chìm”… làm nổi bật sức mạnh không gì ngăn cản nổi của lòng yêu nước. Âm hưởng hào hùng của câu văn làm rung động trái tim muôn người. Cảm xúc sôi nổi, nhiệt thành, khâm phục và rất đỗi tự hào của Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc lộ rõ trong từng câu, từng chữ.

2. Các dẫn chứng chứng minh cho lòng yêu nước của dân ta

Ở phần thân bài, để chứng minh cho nhận định trên, tác giả đã đưa ra những chứng cứ hùng hồn trong lịch sử giữ nước và trong thực tế cuộc kháng chiến chống Pháp để chứng minh:

a. Xưa : Đó là những tấm gương yêu nước sáng soi muôn đời của các vị anh hùng dân tộc nổi tiếng “Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, ...” Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là bốn ngàn năm kế thừa và phát huy liên tục truyền thống yêu nước. Lòng yêu nước như một mạch ngầm thiêng liêng không bao giờ vơi cạn trong dòng máu mỗi người dân đất Việt. Giờ đây, nó được biểu hiện thành những hành động thiết thực:

b. Ngày nay :Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. 

  • Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc.
  • Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình.
  • Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,…

Các dẫn chứng được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian cùng với lối viết câu điệp cấu trúc, Bác đã khẳng định lòng yêu nước tồn tại trong người dân Việt Nam ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, giai cấp… Đây là truyền thống tốt đẹp, ngàn đời của dân tộc.

3. Các hình ảnh so sánh

Trong đoạn cuối văn bản, tác giả đã sử dụng nghệ thuật so sánh đặc sắc để cụ thể hóa khái niệm trừu tượng, giúp người đọc, người nghe hiểu được một cách dễ dàng:

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

Bác đã phân tích rõ hai trạng thái của tinh thần yêu nước là tiềm tàng, kín đáo và sôi nổi, mãnh liệt. Hai trạng thái này luôn hiện hữu trong trái tim người Việt Nam đồng thời Người còn chỉ rõ bổn phận của mỗi người chúng ta trong việc phát huy tinh thần ấy.

III. Tổng kết

Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng và hệ thống dẫn chứng chân thực, bài văn có sức thuyết phục rất lớn. Nhiều thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng như so sánh, liệt kê, lặp cấu trúc câu và hàng loạt động từ có khả năng gợi cảm cao... làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, cân đối, khỏe khoắn. Do vậy mà âm hưởng bài văn hào hùng như âm hưởng của một lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân đoàn kết một lòng đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài văn đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong lòng mỗi người dân. Truyền thống anh dũng, bất khuất là cơ sở vững chắc bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, bài văn trên vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, có tác dụng động viên nhân dân Việt Nam vững bước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu.

IV. Luyện tập

Câu 1 [trang 27, SGK Ngữ văn 7, tập 2]: 

Học thuộc lòng đoạn văn: từ đầu đến “anh hùng”.

Câu 2 [trang 27, SGK Ngữ văn 7, tập 2]:

Viết đoạn văn theo lối liệt kê có sử dụng mô hình liên kết “từ…đến”.

Gợi ý:

“Lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống đạo lí đẹp đẽ của dân tộc ta.

Ngày nay, truyền thống đó lại được phát huy mạnh mẽ trong đại dịch covid 19

 Hằng năm, cứ vào dịp cuối năm là cả nước ta lại chung tay góp sức ủng hộ người nghèo.

  • Từ các quan chức cấp cao của nhà nước đến các công nhân viên chức bình thường đều tham gia vào công tác chống dịch.
  • Từ các y bác sĩ đến các anh chiến sĩ đều vững vàng đứng ở tuyến đầu chống dịch
  • Từ những doanh nhân thành đạt cho đến những người dân lao động đều góp công sức tiền của đem lại sự ấm áp cho những khu vực bị cách ly

Những cử chỉ cao quý đó tuy khác nhau nơi việc làm nhưng đều giống nhau ở tấm lòng tương thân, tương ái, ở sự sẻ chia.

Những việc làm đó, đã đem lại niềm tin, nghị lực giúp cả nước vượt qua đại dịch. 

Giáo viên biên soạn: Đoàn Thị Loan

Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông

1. Tiểu sử

- Hồ Chí Minh [1890-1969], quê tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

- Người là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tran và giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dụng chủ nghĩa xã hội

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới

2. Sự nghiệp sáng tác:

+ Hồ Chí minh sáng tác nhiều thể loại, để lại một khối lượng tác phẩm lớn

+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…

+ Truyện, kí: Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

+ Thơ: Nhật kí trong tù, Thơ Hồ Chí Minh…

II. Tác phẩm

1. Xuất xứ

- Bài văn trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam [tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay]

- Tên bài do người soạn sách đặt

2. Bố cục [3 phần]

- Phần 1 [từ đầu đến “lũ bán nước và cướp nước”]: Nêu vấn đề nghị luận – Nhận định chung về lòng yêu nước

- Phần 2 [tiếp đó đến “lòng nồng nàn yêu nước”]: Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta

- Phần 3 [còn lại]: Nhiệm vụ của mọi người

3. Giá trị nội dung:

Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”

4. Đặc sắc nghệ thuật

- Bố cục chặt chẽ, luận điểm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc

- Dẫn chứng được chọn lọc, trình bày hợp lí, giàu sức thuyết phục

- Cách diễn đạt trong sáng, nhiều hình ảnh so sánh độc đáo

Video liên quan

Chủ Đề