Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1

Trường ĐH Tiền Giang là một trường đại học đa ngành trực thuộc UBND tỉnh Tiền Giang được thành lập ngày 6/6/2005. Viện Nghiên cứu Thiết kế (NCTK) Trường học chính là đơn vị Tư vấn thực hiện Đề án thành lập Trường. Đầu năm 2007, sau khi được cấp khu đất rộng khoảng 57 ha tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành thuộc khu quy hoạch phát triển của thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền giang, trường tổ chức cuộc thi quy hoạch – kiến trúc tổng thể. Trong số 9 đơn vị dự thi, phương án của Viện NCTK Trường học (Nhóm công trình do KTS Trần Thanh Bình làm chủ trì) đã đoạt Giải Nhất và được chọn để lập Quy hoạch chi tiết 1/2000. Ngày 3/4/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/2000.

Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1
Hình 1. Mặt bằng tổng thể ĐH Tiền Giang. Phương án dự thi (Giải Nhất)

Ý tưởng chủ đạo tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc Trường ĐH Tiền Giang theo Phương án đoạt giải và Quy hoạch chi tiết là xác lập một Tuyến phố sinh viên làm trục bố cục chính, nằm vuông góc với đường giao thông mặt đường tỉnh lộ 878 (đường nhánh dẫn vào cao tốc Tp.HCM – Trung Lương), tạo thành đường kính của đường bao quanh khuôn viên lõi hình cong tròn. Tuyến giao thông đi bộ giữa khu đất này, với hướng gần với trục Bắc – Nam, có thể được coi như trục Hoàng đạo trong tổng thể quy hoạch trường. Tuyến phố sinh viên được thiết kế như một hành lang cầu kép, ở giữa là tuyến cây xanh sân vườn, thảm cỏ. Hai bên là hành lang để trống cột, xen kẽ với những ki ốt – văn phòng phẩm, in ấn, sửa chữa máy tính, cà phê giải khát, các máy bán tự động, máy ATM… hoặc các văn phòng khởi nghiệp sinh viên. Đảm nhiệm chức năng của tuyến liên kết không gian, phố Sinh viên kết nối với nhà học các khoa, các trung tâm công cộng như Thư viện, Nhà ăn – căng tin một cách trực tiếp và gián tiếp, tạo ra các trục bố cục ngang, dài – ngắn, cao – thấp, linh hoạt, theo một tiết điệu vừa tự do, vừa chặt chẽ. Theo đó, xuất phát từ Sảnh chính Nhà hiệu bộ, phố Sinh viên lần lượt kết nối các công trình trong toàn bộ khu học tâp, qua các khoa Khoa học cơ bản, Khoa học Xã hội Nhân văn, Kinh tế, Sư phạm và các công trình Thư viện, Nhà ăn… băng qua tuyến đường ngang để tiếp tục kết nối chặt chẽ với các nhà học của các khoa khối ngành Công nghệ, Kỹ thuật, Nông nghiệp… và Trung tâm giao lưu – forum sinh viên ngoài trời. Kết thúc phố Sinh viên là Làng sinh viên với các khối nhà ký túc xá sinh viên, nhà công vụ cho giảng viên, nhà ăn, câu lạc bộ sinh viên và các dịch vụ công cộng khác. Khu Thể dục thể thao với Sân vận động lớn, Nhà thi đấu đa năng, Bể bơi và hệ thống sân bãi ngoài trời, một mặt, kết nối trực tiếp với phố Sinh viên như một không gian mở, tiếp nối, mặt khác, cũng kết nối với tuyến giao thông từ khu tái định cư ngoài khuôn viên trường và các khu dân cư lân cận, tạo khả năng khai thác sử dụng cho cộng đồng. Khu thực hành, thực nghiệm, trạm trại, vườn ươm… được dành toàn bộ khu đất rộng nằm ngoài đường bao, kết nối trực tiếp với Khoa Nông nghiệp.

Tuyến giao thông cơ giới nhẹ – đường bao được tổ chức thành hình cong tròn chạy xung quanh các khu chức năng chính gồm Khu học tập – điều hành và công trình công cộng. Khu TDTT đồng thời làm nhiệm vụ phân tách khu Làng sinh viên, khu Thực hành – thực nghiệm ở phía sau khu đất và khu đệm cây xanh phía trước.Trong khi đó, tuyến giao thông nằm ngang khu đất lại thực hiện vai trò làm ranh giới phân kỳ đầu tư cho giai đoạn 1, cũng như kết nối với khu tái định cư và khu dân cư phía ngoài trường. Hệ thống đường đi bộ được tổ chức theo các trục vuông góc để kết nối từ trục bố cục đến các khu chức năng, đồng thời cũng bao gồm mạng lưới đường dạo tự do trong các không gian sân vườn, cây xanh, mặt nước… tất cả nhằm kiến tạo ĐH Tiền Giang như một công viên sinh thái với 3 thành tố cơ bản là cây xanh, mặt nước và địa hình bên cạnh các tổ hợp công trình đào tạo, nghiên cứu, thực hành, thể thao – rèn luyện thể chất, ăn ở và các dịch vụ.

Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1
Hình 2. Phương án dự thi. Phối cảnh tổng thể

Thiết kế công trình giai đoạn 1 – những điều chỉnh đầu tiên

Thực hiện quy hoạch chi tiết theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 bao gồm các công trình tổ hợp nhà học khoa cơ bản, nhà hiệu bộ và khối giảng đường lớn. Đây là các hạng mục nếu được hoàn thành sẽ tạo ngay một bức tranh ấn tượng cho toàn bộ mặt tiền của trường trông ra đường tỉnh lộ 878 – tuyến đường quan trọng của Thành phố Mỹ Tho, phát triển, nối đường quốc lộ 1A với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Giai đoạn 1 được lập dự án, thiết kế năm 2008, dự kiến khởi công năm 2009 song hành cùng thời gian triển khai khu tái định cư và hoàn chỉnh tuyến đường 878.

Phương án thiết kế 1, phát triển ý tưởng đề xuất trong quy hoạch mặt bằng tổng thể. Theo đó, tổ hợp công trình nhà học khoa cơ bản là một công trình cao 8 tầng, hợp khối với nhà hiệu bộ 3 tầng. Nhà học khoa cơ bản bố trí các lớp học, phòng học chuyên đề, semina, bộ môn, các phòng thí nghiệm đại cương, các phòng học chuyên dụng cho tin học, ngoại ngữ và các bộ môn đại cương. Được thiết kế theo dạng hành lang giữa với khẩu độ 8m + 4m + 8m, bước cột 8m, nhà học sử dụng ngôn ngữ khỏe khắn, hiện đại. Hệ thống mái bằng và giật 4 cấp ở đơn nguyên 1 tạo các sân vườn trên các khu mái, không gian sân trong nối trực tiếp vào nút giao thông chung của tòa nhà. Phân kỳ đầu tư theo đơn nguyên.

Phương án thiết kế 2 và cũng là phương án được lựa chọn, có một số điều chỉnh so với ý tưởng ban đầu về tổ chức không gian hình khối của các công trình mặt tiền. Ở đây nhà học khoa cơ bản và nhà hiệu bộ được thiết kế thành 4 đơn nguyên 4 tầng, với đặc điểm nổi bật là sử dụng giải pháp hành lang xanh, như một không gian đệm giữa hai dãy lớp học, phòng thí nghiệm cách ly được với các khối học chuyên dụng. Hệ thống giảng đường lớn gắn với khối nhà khoa cơ bản phía trái với một giảng đường 300 chỗ và ở giảng đường 200 chỗ, bên phải là 1 giảng đường 200 chỗ. Nếu như giảng đường 200 chỗ bên phải được thiết kế gắn liền với tòa nhà học thì 4 giảng đường bên trái được tách ra khỏi tòa nhà bằng một liên kết mềm (hành lang cầu cong) tạo ra thành 1 không gian vườn hình bán nguyệt. Với dàn mái không gian, các giảng đường được mô phỏng như những chiếc thuyển ba lá chụm bến, phảng phất hình tượng sông nước, miệt vườn Tiền Giang. Mặt nước – bể cảnh phía trước Nhà học Khoa cơ bản cùng tổ hợp hoa viên góp phần xây dựng cảnh quan học đường cho toàn bộ quần thể theo hướng nhìn từ mặt đường. Ở giai đoạn 2, bộ mặt kiến trúc ĐH Tiền Giang sẽ được hoàn chỉnh bởi một bên là tòa nhà các trung tâm nghiên cứu 9 tầng giật cấp và một bên là tòa nhà hội trường 2000 chỗ – con thuyền lớn nhất, kết thúc toàn bộ bố cục mặt tiền. Toàn bộ giai đoạn I đã được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2016.

Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1
Hình 3. Quy hoạch chi tiết 1/2000

Dự án khu ký túc xá và quy hoạch điều chỉnh 1/500

Năm 2011, cùng với việc triển khai xây dựng các công trình thuộc giai đoạn I, dự án xây dựng khu ký túc xá của Trường được bắt đầu nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận nguồn vốn của Đề án quốc gia xây dựng ký túc xá cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Tuy nhiên bên cạnh nguồn vốn, có hai vấn đề lớn đã được đặt ra cho dự án nói riêng và việc thực hiện quy hoạch trường nói chung. Thứ nhất, khả năng giải phóng mặt bằng cho toàn bộ khu đất đã cấp cho nhà trường trở nên không khả thi khi kinh phí đền bù quá lớn theo thực tế. Thứ hai, các tuyến đường và khu dân cư phía sau khu đất theo quy hoạch trước đây đã không tiến hành được, khiến khu ký túc xá, một mặt, thiếu hẳn tính kết nối cộng đồng, mặt khác, kinh phí hạ tầng và giải phóng mặt bằng quá cao cũng làm mất tính khả thi của dự án. Do vậy UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh cơ bản quy hoạch chi tiết ĐH Tiền Giang. Theo đó, thay vì phát triển vào theo chiều sâu, trường sẽ mở rộng sang phía bên trái bám theo mặt đường 800m. Tổng diện tích cũng rút xuống còn gần 40 ha. Viện NCTK Trường học (Nhóm thiết kế do TS.KTS Trần Thanh Bình làm chủ trì) tiếp tục được giao làm tư vấn lập Quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng điều chỉnh Quy hoạch 1/2 000. Theo đó, quy hoạch điều chỉnh đã chuyển hẳn trục bố cục theo chiều sâu trước đây sang hướng song song với mặt đường tạo một trục đi bộ nối khu học cơ bản và khối các khoa kinh tế – xã hội nhân văn (Giai đoạn I phát triển) đi qua khu học của khối các khoa Tự nhiên – Kỹ thuật – Công nghệ, Nông nghiệp ở phía trong và Khối các khoa Sư phạm, Quan hệ quốc tế ở phía ngoài, dẫn tới khu TDTT và kết thúc bằng khu KTX cao tầng tập trung. Một forum sinh viên mới chạy dài giữa khu học tập mới với tâm điểm là tòa nhà Thư viện trung tâm, được hình thành. Hình thái kiến trúc mặt đường được thay đổi bởi sự đa dạng của các khối tich, tầng cao cùng các điểm nhấn cao tầng, mở đầu và kết thúc trên toàn tuyến – quần thể. Như vậy, Quy hoạch mới với bố cục tuyến tính đã kết nối các không gian chức năng, đặt mục tiêu tạo cảnh quan kiến trúc ở trung tâm đường 878 từ ngã tư Lương Phú đến vòng xoay ngã tư thân Cửu nghĩa, điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Các công trình thuộc Giai đoạn 2, bao gồm Khoa Xã hội Nhân văn và Thư viện trung tâm do các đơn vị tư vấn khác thực hiện đã tuân thủ đúng theo bản Quy hoạch chi tiết này, được xây dựng hoàn chỉnh vào đầu năm 2020.

Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1
Hình 6. Quy hoạch chi tiết 1/500 (Điều chỉnh)

Trường Đại học Tiền Giang cơ số 1
Hình 4. Khối giảng đường lớn (ảnh trái), Hình 5. Khoa Khoa học cơ bản (ảnh phải)

Từ cuộc thi quy hoạch đến thực tiễn, những bài học kinh nghiệm

Như vậy, trải qua 8 năm, từ khi phương án quy hoạch tổng thể chi tiết Trường ĐH Tiền Giang giành giải Nhất và bắt đầu thực hiện cho tới năm học đầu tiên 2015 – 2016, sinh viên của Trường được khai giảng tại cơ sở mới, xung quanh thiết kế và xây dựng trường như đã “trải qua một cuộc bể dâu”. Tác giả và nhóm công trình cũng có được những trải nghiệm không thật suôn sẻ nhưng đó là một thực tiễn không phải hiếm thấy ở điều kiện Việt Nam và cho thấy:

Thứ nhất, yếu tố hình thái khu đất đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý tưởng quy hoạch mặt bằng tổng thể trường ĐH, đặc biệt trong việc xác lập các trục bố cục và phát triển không gian cho toàn trường cũng như cho từng khu chức năng. Đầu bài một cuộc thi quy hoạch trường bao giờ cũng gắn với hình thái một khu đất cụ thể, ý tưởng chủ đạo của phương án dự thi được chọn cũng chấm dứt khi hình thái khu đất thay đổi và diện tích bị thu hẹp. Bước tiếp theo triển khai trên thực tế chính là công việc quy hoạch lại tổng thể trường trên một khu đất mới với yêu cầu kết nối với quần thể công trình đã được xây dựng trong giai đoạn I.

Thứ hai, vấn đề đất cho trường ĐH với những thông số về tiêu chuẩn, quy mô dự báo, kinh phí đền bù, kết nối hạ tầng và quy hoạch khu vực… vẫn là những bài toán khó kiểm soát đối với quy hoạch trường ĐH, nhất là khi diện tích khuôn viên tiệm cận với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế vẫn còn là một khoảng cách so với khả năng thực tiễn. Mặc dù cũng trên trải nghiệm của bản thân tác giả có những ví dụ tích cực khá tiêu biểu như trường hợp ĐH Hải Phòng với 32 ha và ĐH Hồng Đức – Thanh Hóa với 50ha, khi mà ở những nơi này, ý tưởng và quy hoạch chi tiết, mặc dù vẫn đang tiếp tục thực hiện thiết kế xây dựng hơn 10 năm nay, vẫn không bị điều chỉnh và thay đổi. Điều kiện tiên quyết cho những trường hợp này là các trường được chính thức giao đất và được đảm bảo kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, việc thay đổi kiến trúc của các công trình so với ý tưởng tổ chức không gian kiến trúc hình khối trên mặt bằng tổng thể là dễ xảy ra. Tuy nhiên khi thay đổi các trục bố cục trong không gian quy hoạch lại phải tính đến những công trình trọng điểm đã thiết kế xây dựng như một yếu tố đầu bài bắt buộc. Các trục quy hoạch, bố cục và hệ thống cây xanh càng đi trước sẽ càng góp phần bảo vệ được ý tưởng ban đầu.

Thứ tư, vấn đề kiểm soát được quy hoạch một trường ĐH lớn trong suốt quá trình thực hiện là vô cùng khó khăn, đặc biệt, khi thiết kế xây dựng theo giai đoạn hay theo hạng mục, người thiết kế và đơn vị thiết kế thay đổi, thậm chí chủ đầu tư (lãnh đạo trường) – thân chủ cũng thay đổi, các cơ sở pháp lý thường không đủ để ràng buộc hoặc thuyết phục được những người mới đi tiếp con đường đã định. Đó là một khó khăn thực sự cho những người làm nghề trong lĩnh vực quy hoạch thiết kế trường ĐH, nơi quá trình thực hiện là cả một thời gian hàng chục năm (Điều này cũng không phải chỉ ở riêng Việt Nam, tác giả cũng từng đã được các đồng nghiệp Nhật Bản chia sẻ bài học tương tự về trường hợp quy hoạch thiết kế ĐH Tokyo Metropolitan). Cũng chính vì vậy mà Viện NCTK Trường học và cá nhân tác giả rất tự hào và trân trọng, tri ân những thân chủ truyền thống đã đồng hành tin tưởng mình trong suốt chặng đường dài mà điển hình như Học viện KTQS (15 năm) Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (16 năm), ĐH Giao thông vận tải (14 năm)… và đặc biệt, các trường có khuôn viên rộng như Trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Hồng Đức – Thanh Hóa, ĐH Hải Phòng, ĐH Nông Lâm TP HCM… Chính ở những trường đại học này, ý tưởng quy hoạch kiến trúc tổng thể được phê duyệt ban đầu đã được tôn trọng và tuân thủ trong suốt quá trình triển khai thực hiện, những điều chỉnh nhỏ phát sinh trong thực tiễn đều được các thế hệ lãnh đạo tham vấn cùng tác giả. Phải chăng, đây là một cách tiếp cận chuyên nghiệp và thông minh, nâng cao vị thế nhưng cũng đồng thời thúc đẩy trách nhiệm và tầm nhìn của những KTS quy hoạch thiết kế trường học.

TS.KTS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)