Tại sao biết được caphe có pin

20 tháng 4 2018Một công đoạn trong quá trình chế biến cà phê (ảnh minh họa)." width="640" height="360">

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Một công đoạn trong quá trình chế biến cà phê (ảnh minh họa).

Dư luận Việt Nam bị chấn động bởi tin từ tỉnh Đắk Nông rằng có cơ sở làm cà phê bột trộn bột đen từ pin.

"Trước đây chúng tôi mới chỉ nghe đến chuyện là có hóa chất trong cà phê tạo mùi, tạo vị và họ pha bằng đậu nành hoặc ngô nhưng mà bây giờ nghe đến pin thì là lần đầu tiên," ông Hoàng Trọng Nghĩa, một bạn trẻ gốc Ban Mê Thuột yêu cà phê, từ Hà Nội nói trong cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC hôm 19/4/2018.

Công an Đắk Nông hôm 16/4 đã tịch thu ở một cơ sở chế biến cà phê bột 12 tấn loại cà phê này, cùng 35 kg bột đen từ pin Con Ó và 1 xô nước màu đen đã hòa tan khoảng 10kg.

Theo truyền thông Việt Nam, đây dường như là một trường hợp cá biệt, xảy ra ở một cơ sở ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông.

Vui hay lo?

"Điều đầu tiên khi mà chúng tôi nghe được tin này thì rất là vui. Vui vì cuối cùng chuyện mà rất nhiều người yêu cà phê biết cũng đã lần đầu tiên bị ra ánh sáng," ông Hoàng Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

"Khi biết được những chỗ cà phê giả như thế này, đối với những người sản xuất cà phê thật thì đó là tin mừng vì là dung lượng thị trường thì vẫn giữ nguyên nhưng đối thủ cạnh tranh bẩn thì đã giảm đi."

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ những lo ngại liên quan đến vụ việc lần này.

"Nhiều người trong số bạn bè tôi đang thực sự chưa lo ngại về cảnh báo trước đây thì họ thấy thực sự rất đáng lo ngại trong lần này."

"Tôi có một sự lo ngại và tôi nghĩ thị trường không chỉ có một nhà sản xuất này là sản xuất giả. Tôi nghĩ là còn rất nhiều nhà sản xuất giả khác."

Chụp lại hình ảnh,

Khách mời Hoàng Trọng Nghĩa (phải) nói với phóng viên Thùy Linh rằng thị trường Việt Nam còn rất nhiều nhà sản xuất làm hàng giả

"Người ta đã quen dùng hàng giả rồi nên lúc dùng hàng thật thì người ta không tin đó là hàng tốt hơn. Đấy là một vấn đề rất là lớn nếu như không giải quyết từ gốc thì sẽ không giải quyết được bởi vì khẩu vị của người tiêu dùng đã bị làm hỏng."

Từ góc nhìn chuyên môn, bác sĩ Phan Đình Hiệp, từ Melbourne, Úc, người sáng lập nhóm "Phản đối - thức ăn độc hại" trên Facebook, và cũng điều hành nhóm hơn hai năm qua, nói với BBC:

"Là một người bác sĩ hay kể cả một người bình thường khi chúng ta nghe nguồn tin thế này lập tức phản ứng của chúng ta rất là giận dữ."

"Đây là việc không thể chấp nhận được."

Thị trường cà phê có bị ảnh hưởng?

Ông Nghĩa cho rằng sự việc này sẽ không ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ cà phê ở Việt Nam.

"Cà phê là một thứ đồ uống mà nó có tính chất gây nghiện nhất định cho nên là người sử dụng cà phê họ sẽ vẫn sử dụng nhưng họ sẽ tìm đến những nguồn cà phê sạch và an toàn hơn."

"Tôi lạc quan về tương lai ngành cà phê vì đằng sau biến động, câu chuyện này đối với những người làm cà phê sạch họ đang rất chật vật khi phải cạnh tranh với cà phê bẩn với giá thành thấp; thì cà phê sạch tôi nghĩ họ sẽ có cơ hội tốt hơn để gia nhập thị trường và cạnh tranh."

Theo quan điểm chuyên môn, Thạc sĩ quản trị chất lượng Vũ Thế Thành nói với BBC hôm 18/4:

"Vụ cà phê pin Con Ó đúng là gây chấn động, nếu hiểu theo kiểu scandal của báo chí, nhưng tác hại thì quá ít, vì chỉ một vài cơ sở siêu nhỏ, hộ gia đình làm ẩu. Truy tố họ ư? Dễ thôi, nhưng họ có gì để mất?"

Ông Thành nhấn mạnh, rằng vụ việc cà phê pin Con Ó chỉ là "việc làm ẩu tả, phạm pháp của vài cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình."

"Không nên dùng scandal này để [kết luận] khái quát rằng, cà phê ở Việt Nam đều pha chế cẩu thả."

Tác hại như thế nào đến người tiêu dùng?

Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp, việc nghiên cứu tác hại của loại cà phê 'pin' này lên cơ thể con người là rất khó thực hiện.

"Trên thế giới cho đến giờ chúng ta chưa thể có một nghiên cứu nào mà gọi là thử người nào dám ăn hoặc uống đồ ăn này để người ta đánh giá là sau ba năm hoặc sau mười năm thì nguy cơ ung thư hay là nguy cơ thủng bao tử chừng nào."

Về thành phần trong pin, ông Hiệp cho biết pin Con Ó là loại pin khô, thường có thành phần kẽm bọc bên ngoài, bên trong là lõi carbon, chất màu đen là manganese dioxide.

Chụp lại hình ảnh,

Bác sĩ Phan Đình Hiệp (phải) nói với phóng viên Thùy Linh rằng các chất kim loại nặng có trong pin rất nguy hiểm cho sức khỏe con người

"Pin đó thường hay có các chất như là chì, thủy ngân, cameum và ngay cả những hóa chất khác như thạch tín có thể có trong đó mà chúng ta chưa biết là hàm lượng bao nhiêu."

"Và những chất gọi là hóa chất kim loại nặng thì rất là nguy hiểm cho sức khỏe con người."

Cùng nhận định, ông Vũ Thế Thành, cho biết pin Con Ó có nhiều hóa chất công nghiệp, lẫn nhiều tạp chất có hại, không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, trong đó có manganese dioxide.

Việc cho rằng manganese dioxide là yếu tố vi lượng cần cho cơ thể con người nên có thể đưa vào, theo bác sĩ Hiệp "đó là ngụy biện mà thôi".

"Cơ thể người cũng cần mangan để hỗ trợ cho hoạt động của vài enzyme trong vai trò giải độc, với số lượng rất ít, chỉ ở dạng vết. Con người hầu như không thiếu manganese như thiếu các khoáng khác. Chẳng ai dùng vào sản xuất thực phẩm cả." thạc sĩ Thành, nói với BBC hôm 18/4.

Theo báo Zing, PGS TS Trần Hồng Côn nói cụ thể là "Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể."

Về thành phần chì có trong pin, theo các chuyên gia trong nước nếu chì vào cơ thể hằng ngày, lâu dần sẽ tích lũy, gây ngộ độc chì mạn, biểu hiện bởi tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt và ảnh hưởng thần kinh…, báo Tuổi trẻ (15/4/2017) đưa tin.

Tình trạng nhiễm độc chì vào cơ thể con người đã được cảnh báo ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Các chuyên gia cho rằng việc xác định chì có trong thực phẩm không thể thực hiện bằng mắt thường vì chì không mùi, không vị nên phải kiểm nghiệm mới xác định được.

Tuy nhiên, bác sĩ Hiệp cho rằng:

"Chúng ta nên cân nhắc việc ngộ độc tính theo số lượng và thời gian; tức là nồng độ không phải nhiều hoặc thời gian tiếp xúc bao lâu và nhiều bao nhiêu thì nó mới ảnh hưởng đến cơ thể con người."

Trách nhiệm của ai?

"Đứng về góc độ y khoa, về khoa học, về sức khỏe con người thì giới y tế là giới đầu tiên phải lên tiếng về chuyện này," bác sĩ Phan Đình Hiệp nêu quan điểm.

Cả hai khách mời có đồng quan điểm, ngoài việc người sản xuất cà phê bẩn cần phải bị xử lý thì cơ quan quản lý thị trường cũng cần phải chịu trách nhiệm.

"Cơ quan quản l‎ý thị trường nếu như không phát hiện ra, để nó tồn tại bao lâu thì cơ quan quản l‎ý thị trường địa bàn đấy phải có án phạt nào đó thì những sự việc đó mới thực sự là giải quyết được," ông Hoàng Trọng Nghĩa, nói trong cùng cuộc thảo luận 19/4.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm liên quan của những người công nhân và người buôn bán.

Công nhân trực tiếp "tham gia sản xuất" và "làm gian lận như vậy thì những người công nhân có trách nhiệm như thế nào trong việc này?"

Về tình, "chúng ta đã mất lương tâm của con người," ông Hiệp nói thêm.

"Vì mất lương tâm mà chuyện vô cảm, việc hèn nhát không dám đứng lên cũng là mất lương tâm. Nếu chúng ta còn lương tâm bảo vệ cho con cháu chúng ta, bảo vệ cho cộng đồng chúng ta thì những việc làm ăn buôn bán đó chúng ta không thể chấp nhận được."

"Chúng ta phải chung tay với nhau để loại bỏ đồ ăn thức uống không an toàn ra khỏi bàn ăn của chúng ta," bằng cách lên tiếng phản biện, "bởi vì nếu mọi người dám lên tiếng thì người ở gần nhất cơ sở sản xuất đó người ta sẽ là người tố cáo chứ còn chúng ta cứ đợi quản l‎ý thị trường thì chậm lắm", bác sĩ Phan Đình Hiệp trao đổi.

Xem thêm về thực phẩm: