Quy định về đối thoại trong giải quyết tố cáo

Tuy pháp luật không quy định phải tổ chức đối thoại trong giải quyết tố cáo nhưng trong trường hợp người tố cáo đã công khai việc tố cáo, sẵn sàng đấu tranh trực tiếp với người bị tố cáo thì cũng có thể áp dụng biện pháp tổ chức đối thoại rất có hiệu quả.

  • Các quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo trong quản lý, tạm giam, tạm giữ
  • Đề nghị sớm giải quyết tố cáo của công dân về thực hiện dự án xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 ở huyện Tháp Mười
  • TP HCM ban hành quy trình giải quyết tố cáo

Thông tư số 12/2015/TT-BCA ngày 2-3-2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình giải quyết tố cáo trong CAND: Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu người tố cáo và những người có liên quan trình bày bổ sung làm rõ về vấn đề tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo trình bày về việc bị tố cáo; lập biên bản về việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tố cáo; có quyền gặp gỡ trực tiếp với người tố cáo, người bị tố cáo để xác minh những vấn đề cần làm rõ. 

Hiện nay, tuy pháp luật không quy định phải tổ chức đối thoại trong giải quyết tố cáo nhưng trong trường hợp người tố cáo đã công khai việc tố cáo, sẵn sàng đấu tranh trực tiếp với người bị tố cáo thì cũng có thể áp dụng biện pháp tổ chức đối thoại rất có hiệu quả.

Như vậy, việc tổ chức đối thoại giữa người giải quyết tố cáo hoặc cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra xác minh giải quyết tố cáo với người tố cáo, người bị tố cáo trong những trường hợp cho phép là cần thiết, để đảm bảo cho việc giải quyết tố cáo đạt hiệu quả. 

Thông qua đối thoại trực tiếp không chỉ tạo điều kiện để người tố cáo, người bị tố cáo trao đổi thẳng thắn những thắc mắc của họ đối với nội dung tố cáo, họ đưa ra những căn cứ, tài liệu để tố cáo và giải trình của người bị tố cáo. 

Đồng thời, cũng thông qua đối thoại trực tiếp, người giải quyết tố cáo có điều kiện xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của các tài liệu chứng cứ mà người tố cáo, người bị tố cáo đưa ra.

Việc tổ chức đối thoại giữa người giải quyết tố cáo với người tố cáo, người bị tố cáo là một giải pháp tích cực, tạo ra sự hiểu biết, thông cảm, thái độ thiện chí giữa các bên. Thông qua việc gặp gỡ đối thoại, người giải quyết tố cáo hiểu rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân sự việc bị tố cáo và yêu cầu nguyện vọng của người tố cáo, từ đó có các biện pháp giải quyết hợp lý. 

Bởi vì trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác nhau làm phát sinh tố cáo, trong đó có cả nguyên nhân từ nhận thức pháp luật hạn chế, yếu kém của chính người tố cáo. Họ không nắm chắc hoặc không hiểu hết các quy định của pháp luật, không thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình trong thực hiện pháp luật về tố cáo. 

Hơn nữa, trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an, không phải bất cứ người dân nào cũng hiểu hết, do đó khi có những hoạt động nghiệp vụ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, rất dễ dẫn đến khiếu kiện. Vì thế, mở rộng dân chủ, công khai đối thoại trực tiếp với người tố cáo là biện pháp tích cực để có thể giải quyết tố cáo một cách triệt để. 

Trên thực tế, các quy định của pháp luật chưa được một số thủ trưởng cơ quan Công an và người giải quyết tố cáo quan tâm thực hiện nghiêm túc. Trong nhiều trường hợp việc giải quyết tố cáo chỉ được thực hiện một cách đơn phương để đưa ra kết luận nội dung tố cáo dẫn đến tình trạng, một số kết luận nội dung tố cáo không được người tố cáo chấp nhận, đồng tình. Tình trạng tố cáo lại, tố cáo tiếp, kéo dài, vượt cấp vẫn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT và lòng tin của người dân đối với công lý.    

Để khắc phục tình trạng trên, thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền và người giải quyết tố cáo cần mở rộng dân chủ, công khai đối thoại trực tiếp với người tố cáo, người bị tố cáo trong những điều kiện cho phép theo các nội dung yêu cầu sau đây:

Một là, công khai quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo của công dân; đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì Thủ trưởng Cơ quan Công an các cấp phải thông báo cho họ biết việc thụ lý và thời hạn giải quyết để tránh tình trạng gửi đơn tràn lan, vượt cấp. 

Trường hợp không tiếp nhận thụ lý nội dung tố cáo phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do, căn cứ pháp lý áp dụng để người dân nắm được và họ nhận thức được rằng: “Mọi tố cáo đúng pháp luật của họ đều được Cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”. 

Hai là, bảo đảm cho công dân và người tố cáo nhận thức được rằng: Việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa các bên có liên quan như là một trong những biện pháp có thể được áp dụng trong giải quyết tố cáo một số vụ việc cụ thể. Việc gặp gỡ đối thoại trực tiếp được thực hiện khi cần thiết và diễn ra trong suốt quá trình giải quyết tố cáo, nhằm làm rõ tính đúng đắn, có hay không có sai phạm của người bị tố cáo; tính đúng đắn, sát thực của các tài liệu, bằng chứng do các bên cung cấp trong quá trình giải quyết tố cáo được thể hiện qua các quy định của pháp luật được viện dẫn và các biện pháp kiểm tra, xác minh thu thập theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Ba là, quá trình đối thoại trực tiếp giữa người có thẩm quyền giải quyết tố cáo với người tố cáo và người bị tố cáo, có sự tham gia của luật sư, trong một số trường hợp cần thiết. Hiện nay việc tham gia của luật sư trong hoạt động tố tụng của lực lượng CAND đã trở nên phổ biến. Sự có mặt của luật sư trong quá trình giải quyết tố cáo và trong đối thoại là rất cần thiết, để bảo đảm khách quan hơn. Người tố cáo khi tiếp nhận kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cũng yên tâm hơn khi có sự tham gia của luật sư.

Bốn là, bảo đảm công khai về kết quả giải quyết tố cáo và tính đồng bộ, thống nhất về căn cứ pháp luật được áp dụng luật trong giải quyết tố cáo. Đây là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai kết luận nội dung tố cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp trên và cho người tố cáo (trừ những nội dung, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước). 

Nội dung kết luận phải khẳng định rõ việc tố cáo là đúng hay sai, đúng, sai ở chỗ nào, căn cứ pháp lý viện dẫn, các biện pháp xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Đồng thời, phải công khai việc thi hành các nội dung có trong kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Việc đưa ra kết luận nội dung tố cáo nêu trên, phải bảo đảm rằng nó được áp dụng thống nhất, đồng bộ các văn bản pháp luật hiện hành, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, quyền tố cáo của công dân được tôn trọng và thực thi nghiêm túc.

Năm là, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân trong quá trình giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền, thể hiện công dân, người tố cáo phải được biết về trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc và việc đưa ra các bằng chứng pháp lý cụ thể trong kết luận nội dung tố cáo của cơ quan có thẩm quyền. 

Cùng với việc đưa ra kết luận nội dung tố cáo, Cơ quan có thẩm quyền cần chỉ rõ nội dung, thời gian thực hiện những công việc cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết tố cáo để người tố cáo có cơ sở thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình trong tố cáo.