Phong trào cách mạng thế giới gồm những phong trào nào

QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 23:04 [GMT+7]

Cách mạng Tháng Mười với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Vam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã làm thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng tiến bộ của lịch sử, mở ra con đường phát triển mới cho các quốc gia, dân tộc theo xu hướng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội [CNXH]. Những biến cố ở Liên Xô và Đông Âu trong thập niên cuối của thế kỷ XX tuy đã làm cho phong trào xã hội chủ nghĩa [XHCN] thế giới lâm vào thoái trào, song Cách mạng Tháng Mười vẫn giữ nguyên giá trị "vạch thời đại", vẫn là niềm cổ vũ cho tất cả mọi người có lương tri và khát vọng vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong thập niên hai mươi của thế kỷ XX, nhân loại đã chứng kiến một sự kiện lịch sử vĩ đại: Ngày 7 tháng 11 năm 1917, giai cấp công nhân Nga và chính Đảng Cộng sản của giai cấp đó đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công cuộc Cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, đập tan sự thống trị của chủ nghĩa tư bản [CNTB] Nga, giành chính quyền về tay giai cấp công - nông; đưa nước Nga từ một nước tư bản kém phát triển trở thành một nước XHCN đầu tiên trong lịch sử loài người và mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là “xung lực” cổ vũ, thúc đẩy phong trào cộng sản quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tiến lên CNXH trên thế giới phát triển mạnh mẽ; đưa giai cấp vô sản từ giai cấp bị đàn áp, bị bóc lột trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng, giai cấp trung tâm của thời đại; làm cho CNTB và các thế lực hiếu chiến chống CNXH trên thế giới phải lo sợ, lùi bước.

Cách mạng Tháng Mười khẳng định trong hiện thực sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới: đấu tranh xóa bỏ CNTB, xây dựng thành công CNXH. Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười và việc nước Nga Xô viết chiến thắng chủ nghĩa phát xít, hệ thống XHCN thế giới ra đời với sự xuất hiện nhiều nước XHCN ở châu Âu và châu Á; điều đó nói lên sức sống và sự hấp dẫn của chế độ XHCN trong hiện thực. Thắng lợi của cách mạng XHCN và phong trào giải phóng dân tộc tiến lên CNXH ở một số nước lạc hậu, chậm phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân, đã chứng minh hùng hồn trong thực tiễn sứ mệnh xây dựng CNXH của giai cấp công nhân như C. Mác đã chỉ ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Sứ mệnh lịch sử đó chỉ có giai cấp công nhân - giai cấp tiên phong, giữ vị trí trung tâm của thời đại - mới đủ khả năng đảm đương được. Sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga và sau đó là Liên Xô, không chỉ phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, xây dựng thành công CNXH, mà còn có vai trò quyết định nhất trong đánh thắng chủ nghĩa phát xít, cứu loài người thoát khỏi những thảm họa mà chúng gây ra.

Hơn 9 thập kỷ qua, kể từ Cách mạng Tháng Mười, phong trào cách mạng XHCN thế giới đã có những bước thăng trầm. Từ năm 1917 đến năm 1945, là giai đoạn đột phá của cách mạng vô sản do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo ở một nước tư bản kém phát triển, đó là nước Nga, khai sinh ra chế độ xã hội mới - chế độ nhân dân lao động làm chủ và giai cấp công nhân trở thành giai cấp nắm chính quyền, chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, mở ra khả năng xây dựng CNXH trong một nước; đánh bại sự bao vây can thiệp của chủ nghĩa đế quốc; mở đường cho phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1945 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX, giai cấp công nhân ở nhiều nước cùng với chính đảng của họ đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng; hàng chục nước đã giành được độc lập dân tộc ở mức độ khác nhau, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ; hệ thống XHCN không ngừng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Một số nước sau khi làm cách mạng dân tộc dân chủ thoát khỏi ách thống trị của đế quốc, phong kiến, Đảng Cộng sản đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cách mạng tiến theo con đường XHCN, như: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu-ba,... Trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều nước XHCN rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng do chậm nhận ra những khuyết tật của mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp; hoặc do chủ trương cải tổ, đổi mới sai lầm, xa rời nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; hoặc do không nắm bắt kịp thời và vận dụng tốt những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới,... nên ngày càng tụt hậu trong cuộc đọ sức về kinh tế với CNTB. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch và những kẻ phản bội đã phối hợp, câu kết với nhau tiến công vào thành trì cách mạng, làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu; phong trào XHCN thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, gây khó khăn lớn cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Hiện nay, CNXH đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách; CNTB và các thế lực thù địch đang ra sức tiến công CNXH và chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, hòng xoá bỏ các nước XHCN còn lại. Vì vậy, đặc điểm nổi bật nhất trong giai đoạn hiện nay của thời đại không chỉ là sự cùng tồn tại vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia dân tộc giữa các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau; mà còn là cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn ra hết sức gay go và phức tạp. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co của sự phát triển đi lên; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân cũng đang đứng trước những thử thách hết sức quyết liệt, đòi hỏi phải có quyết tâm cao để vượt qua, tiến lên phía trước. Sự ra đời, tồn tại, phát triển và sụp đổ của Liên Xô, chế độ XHCN ở các nước Đông Âu cũng nằm trong lô gíc đó. Song không vì thế mà tiến trình lịch sử bị đảo lộn. Những tổn thất trên chỉ là tạm thời, chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi tới CNXH, chứ không thể và không bao giờ xóa bỏ được lý tưởng cộng sản và thành quả của Cách mạng Tháng Mười. Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu không có nghĩa là sự sụp đổ của lý tưởng cộng sản và phong trào XHCN thế giới; bởi thực tiễn cho thấy, hiện nay vẫn đang tồn tại và phát triển một số nước XHCN, như: Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam...; cùng với đó, là Phong trào cánh Tả đang phát triển mạnh ở các nước châu Mỹ la tinh. Điều đó chứng minh rằng: bước thoái trào của CNXH chỉ diễn ra ở một bộ phận, một khu vực; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới không vì thế mà mất đi; nó đã và đang tồn tại, phát triển như một quy luật khách quan trong lịch sử phát triển xã hội loài người ở thời đại ngày nay - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thành công rực rỡ, mở đầu thời đại mới của dân tộc Việt Nam - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo kết hợp giữa lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tinh thần yêu nước của dân tộc. Người đích thân đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam [ngày 03-02-1930] và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ; hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên CNXH. Thắng lợi vẻ vang có tính lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là mốc son chói lọi khởi đầu thời đại mới của dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị mở đầu trào lưu phi thực dân hóa trên toàn thế giới; bởi nó cổ vũ mạnh mẽ các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, thoát khỏi sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

65 năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển, luôn thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình. Khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều người ngộ nhận cho rằng: CNXH đã lỗi thời và không thể tồn tại được nữa. Song Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân Việt Nam vẫn luôn trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có đường lối đổi mới đúng đắn, vẫn tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH; từng bước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Qua 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: kinh tế tăng trưởng khá cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới [WTO]; Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Tại Kỳ họp lần thứ 123 của Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới [IPU], Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch của IPU nhiệm kỳ 2010-2011... Theo đó, thế và lực của nước ta đang từng bước phát triển vững chắc; vị thế, uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Ngày nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới, khu vực vẫn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách nhằm xóa bỏ CNXH trên thế giới. Đối với nước ta, chúng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Diễn biến hoà bình"; triệt để lợi dụng các vấn đề về "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo"... để chống phá, với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Để giữ vững định hướng XHCN trên mọi mặt trận, Đảng ta phải không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo trong hoạt động thực tiễn; thực hiện rộng rãi dân chủ XHCN, nhất là ở cơ sở; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng… để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Đồng thời, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, gắn bó máu thịt với quần chúng, thật sự "là đạo đức, là văn minh" để xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Vì vậy, các cấp ủy đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, động viên mọi cấp, mọi ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 [lần 2] khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên quyết sửa chữa sai lầm để Đảng ta trong sạch vững mạnh; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... Đó là những điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để củng cố và không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi to lớn hơn.

PGS, TS. CAO DUY HẠ

Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề