Những vụ lợi dụng tôn giáo bị xử lý

Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định, các đối tượng cực đoan lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, họ cho rằng, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trước đây) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là sự “đàn áp tôn giáo” bằng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp, móc nối, câu kết với một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài thành lập hoặc tích cực tham gia các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đối.

Một số chức sắc cực đoan lợi dụng các vấn đề chính trị - xã hội phức tạp để kích động tín đồ xuống đường biểu tình, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Điển hình, lợi dụng sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, một số chức sắc cực đoan trong Công giáo thuộc Giáo phận Vinh đã tổ chức, kích động giáo dân tổ chức nhiều cuộc biểu tình, tuần hành dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường”, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại các địa phương.

Bên cạnh hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai, trong hoạt động tôn giáo cũng xảy ra các vụ việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, như thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo; việc thành lập các cơ sở tôn giáo trực thuộc chưa được sự chấp thuận của chính quyền.

Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo chưa nghiêm túc triển khai môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam, là môn chính thức trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại việc “đào tạo kép”, cụ thể là đào tạo chức sắc ở trong nước kết hợp với cử chức sắc ra nước ngoài đào tạo trái phép vẫn diễn ra ở một số tôn giáo... Số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo cũng như các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động các hoạt động chống đối.

Bên cạnh đó, tại một số cơ sở tôn giáo xuất hiện hiện tượng thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phát triển các hoạt động tâm linh mang màu sắc mê tín, như hoạt động dâng sao giải hạn, bói toán, xem quẻ, cúng oan gia trái chủ, Câu lạc bộ Tình người...

Hoạt động lợi dụng tôn giáo và vấn đề tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội là hoạt động hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền, giữa quần chúng giáo dân và những người không theo tôn giáo, tạo ra những yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ thành xung đột xã hội.

Thủ đoạn của chúng không chỉ âm mưu tác động vào tâm lý, tư tưởng của một bộ phận quần chúng, tín đồ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến yên bình của người dân, tác động xấu đến đời sống xã hội, gây chia rẽ trong nội bộ tổ chức tôn giáo.

Trên thực tế, đã xảy ra một số vụ mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân có liên quan tới tôn giáo do tác động bởi hoạt động nói trên. Sự ổn định chính trị - xã hội ở một số nơi, một số lúc đã bị ảnh hưởng gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền; gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lợi dụng tôn giáo để trục lợi là một những hành vi bị cấm và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm. Vậy mức phạt với hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi là gì?

Lợi dụng tôn giáo để trục lợi là hành vi bị cấm

Tại Việt Nam, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tôn giáo đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, có không ít người đã lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi trái đời, ngược đạo để trục lợi.

Theo Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là một những hành vi bị cấm.

Do đó, pháp luật sẽ xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng nhằm trục lợi, đem về lợi ích vật chất không chính đáng cho cá nhân.

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những vụ lợi dụng tôn giáo bị xử lý

Lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mức phạt như thế nào?

Nếu lợi dụng tôn giáo như một thủ đoạn gian dối nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người khác để sử dụng vào mục đích không chính đáng, người thực hiện có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định trên, nếu sử lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt nêu trên, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một trong những hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu tài sản.

Nếu hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 01 - 02 triệu đồng theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng xâm phạm quyền và lợi ích Nhà nước hay lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, việc lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Với Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.