Nghẹt mũi thường xuyên là bệnh gì năm 2024

Vậy tại sao bạn lại bị nghẹt mũi kéo dài? Nghẹt mũi kéo dài lâu ngày là bệnh gì? Nếu bị nghẹt mũi kéo dài lâu ngày không khỏi thì bạn phải làm sao? Hãy cùng tham khảo các nội dung trong bài viết dưới đây của Bowtie để giải đáp những thắc mắc này nhé.

8 nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi kéo dài, lâu ngày không khỏi

Nghẹt mũi lâu ngày là tình trạng mũi bị tắc nghẽn khiến người bệnh khó thở và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, đó là biểu hiện của nhiều bệnh lý tiềm ẩn ở đường hô hấp. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi mà có thể bạn chưa biết:

1. Không khí khô

Không khí xung quanh thiếu ẩm là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất có thể gây nghẹt mũi lâu năm. Nếu nằm điều hòa liên tục 8 tiếng thì việc sau khi thức dậy bạn bị nghẹt mũi, khô mũi là điều hết sức bình thường. Hơi lạnh từ điều hòa có thể khiến niêm mạc mũi bị khô và thậm chí là bị viêm. Việc sử dụng máy sưởi hay máy hút ẩm cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.

Bài viết liên quan:

* Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản

2. Căng thẳng

Tâm trạng bạn không được thoải mái, đầu óc căng thẳng cũng gây ra tình trạng nghẹt mũi lâu ngày. Nghe có vẻ không thuyết phục nhưng khi bạn căng thẳng, nồng độ hormone trong cơ thể sẽ bị biến đổi và ảnh hưởng đến mạch máu trong mũi, khiến chúng phình to ra và chèn ép lên mũi, từ đó gây nghẹt mũi. Căng thẳng càng lâu thì tình trạng ngạt mũi càng kéo dài.

3. Vấn đề ở cấu trúc mũi

Cấu trúc mũi thông thường có hai bên lỗ mũi đồng đều và vách ngăn mũi nằm ở giữa (vị trí trung tâm). Trường hợp không may bị lệch vách ngăn mũi do bẩm sinh hoặc tai nạn sẽ khiến bạn dễ bị nghẹt, tắc mũi ở 1 bên kéo dài lâu ngày.

4. Lạm dụng thuốc thông mũi

Khi bị viêm mũi hoặc viêm xoang, thậm chí các bệnh liên quan đến mũi khiến mũi bị nghẹt, chúng ta thường sử dụng thuốc thông mũi để làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, mũi là một trong những cơ quan rất nhạy cảm. Vì vậy, việc lạm dụng thuốc thông mũi ngược lại sẽ không tốt cho niêm mạc mũi và dễ gây kích ứng, từ đó làm tình trạng nghẹt mũi thêm trầm trọng hơn. Có thể thấy, lạm dụng thuốc thông mũi cũng là nguyên nhân khiến bạn bị ngạt mũi kéo dài lâu ngày không khỏi.

5. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý rất phổ biến, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Một số tác nhân gây bệnh thường gặp là phấn hoa, bụi, mạt bụi, vảy da thú cưng, nấm mốc…

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là gây nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi liên tục. Nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, bạn sẽ bị nghẹt mũi kéo dài, thậm chí gặp nhiều vấn đề khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Nghẹt mũi thường xuyên là bệnh gì năm 2024
Nghẹt mũi kéo dài gây mệt mỏi, mất tập trung và ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.

6. Nhiễm trùng xoang

Tình trạng nhiễm trùng và viêm ở xoang cũng dẫn đến nghẹt mũi, tắc mũi. Viêm xoang cấp tính có thể khỏi trong vài ngày hoặc vài tuần nhưng viêm xoang mạn tính sẽ kéo dài trên 12 tuần và rất dễ tái phát. Viêm xoang trong thời gian dài kéo theo nghẹt mũi lâu ngày.

7. Polyp ở mũi

Polyp mũi là một khối u lành tính xuất hiện ở mũi. Khi phát triển lớn, polyp mũi sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi thở, thậm chí gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi nếu các khối u này chưa được loại bỏ.

8. Ung thư vùng mũi

Ung thư vùng mũi là một bệnh lý ác tính có thể gây đe dọa tính mạng của người bệnh. Các dấu hiệu của bệnh tương đối giống với nhiễm trùng xoang hoặc viêm mũi dị ứng, bao gồm cả nghẹt mũi, thậm chí là nghẹt mũi kéo dài.

Tình trạng nghẹt mũi kéo dài có nguy hiểm không?

Bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi bị nghẹt mũi vài ngày và cảm giác này càng tồi tệ hơn nếu bị nghẹt mũi lâu ngày không khỏi. Về cơ bản, tình trạng nghẹt mũi khá phổ biến và hầu như không phải là biểu hiện quá nghiêm trọng.

Nếu bị nghẹt mũi do không khí khô hoặc căng thẳng, việc khắc phục các vấn đề này sẽ giúp cải thiện triệu chứng. Nếu bạn bị nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng, viêm xoang… thì có thể được điều trị bằng thuốc và tình trạng nghẹt mũi cũng sẽ biến mất sau khoảng 7 – 10 ngày, thậm chí sớm hơn.

Tuy nhiên, với các trường hợp nghẹt mũi lâu ngày không khỏi, nghẹt mũi kéo dài cần thận trọng. Bởi đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm hơn, thậm chí ung thư. Vì vậy, nếu đã áp dụng các cách trị nghẹt mũi lâu ngày tại nhà mà không thấy thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp khi cần thiết.

6 mẹo giảm nghẹt mũi lâu ngày tại nhà

Nếu bạn bị nghẹt mũi lâu ngày không khỏi, hãy thử áp dụng những mẹo giảm nghẹt mũi vô cùng đơn giản dưới đây:

1. Rửa mũi

Khi bị nghẹt mũi, dịch nhầy sẽ bị tích tụ rất nhiều ở mũi và có thể gây nên cảm giác khó chịu, thậm chí khiến tình trạng tắc nghẽn thêm trầm trọng. Do đó, bạn nên rửa sạch mũi mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Cụ thể, hãy rửa mũi từ 2 – 3 lần/ngày để khoang mũi sạch, không còn chất nhầy gây tắc nghẽn mũi, đồng thời giúp mũi thông thoáng.

Nghẹt mũi thường xuyên là bệnh gì năm 2024
Bạn có thể rửa mũi 2 - 3 lần/ngày để làm giảm tình trạng nghẹt mũi.

2. Xông hơi vùng mũi và xoang

Xông hơi là một cách truyền thống giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi. Theo đó, bạn có thể nhỏ 1 vài giọt tinh dầu sả, bạc hà hoặc tràm trà vào một tô nước nóng. Tiếp theo, bạn áp mặt xuống gần tô nước với khoảng cách vừa đủ để hơi nước bốc lên mũi mà không làm bỏng mặt, đồng thời trùm khăn kín để khi xông hơi được hiệu quả hơn.

Ngoài xông hơi mũi, bạn cũng có thể xông hơi toàn thân để giúp cơ thể sảng khoái. Theo đó, việc đơn giản nhất bạn có thể làm là tắm nước nóng ấm. Hơi ấm từ nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy và tăng cường lưu thông máu, từ đó đẩy lùi tình trạng nghẹt mũi.

3. Xịt mũi

Xịt mũi bằng nước muối hoặc thuốc để làm giảm tức thì các triệu chứng nghẹt mũi cũng là một ý tưởng hay. Theo đó, khi bị nghẹt mũi, bạn có thể xịt 2 – 3 lần/ngày. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không xịt quá nhiều vì như đã đề cập, việc lạm dụng thuốc xịt mũi có thể gây phản ứng ngược làm trầm trọng hơn tình trạng nghẹt mũi.

4. Uống nước hoặc trà ấm

Uống nước ấm hoặc thưởng thức một ly trà chanh mật ong, trà bạc hà hoặc trà hoa cúc cũng sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu, đồng thời giảm nhẹ tình trạng nghẹt mũi. Các loại trà có chứa tinh dầu và nhiều chất giúp làm ấm cơ thể, thông mũi, ấm họng và giảm viêm nhiễm.

5. Chườm khăn ấm lên mũi

Khi bạn bị nghẹt mũi kéo dài, một trong những cách tốt để làm giảm triệu chứng này là chườm ấm vào vùng mũi. Theo đó, bạn có thể dùng một chiếc khăn mềm thấm nước nóng, vắt bớt nước và đắp khăn lên mũi. Bạn giữ khăn trên mũi khoảng 5 – 10 phút rồi lặp lại các thao tác trên vài lần. Lúc này, tình trạng nghẹt mũi sẽ giảm dần do hơi ấm từ khăn làm tăng lưu thông máu, loãng dịch nhầy và giúp mũi thông thoáng.

6. Dùng tỏi hoặc hành tây

Để giảm nghẹt mũi, bạn có thể đập dập tỏi hoặc hành tây, sau đó cho vào tô nước nóng, để khoảng 10 phút cho tinh dầu tiết ra rồi thực hiện xông mũi. Một cách khác là bạn giã nhỏ hành tây hoặc tỏi, sau đó cho vào một túi mỏng, buộc kín và để lại gần mũi ngửi.

Những trường hợp cần đến gặp bác sĩ để thăm khám

Triệu chứng nghẹt mũi thường thuyên giảm hoặc biến mất trong vài ngày, đặc biệt nếu thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tình trạng này kéo dài hoặc có kèm các triệu chứng sau, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay:

  • Tình trạng nghẹt mũi kéo dài hơn 14 ngày
  • Tình trạng nghẹt mũi gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc hoặc cuộc sống hằng ngày của bạn, khiến bạn mệt mỏi, uể oải, mất sức
  • Chất nhầy từ mũi có màu xanh lá cây, màu vàng hoặc có lẫn máu
  • Bạn bị nghẹt mũi kèm sốt cao và kéo dài hơn 3 ngày
  • Trẻ em bị sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú và quấy khóc
  • Nghẹt mũi kèm tình trạng buồn nôn, đau nhức cơ thể, sốt cao

Trên đây là 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi mà bạn cần chú ý. Đặc biệt cần thận trọng với tình trạng nghẹt mũi kèm theo các biểu hiện bất thường khác như sốt, khó thở, buồn nôn… để phát hiện và điều trị kịp thời cũng như phòng tránh những biến chứng khác.

Nguồn tham khảo

  • 1Bị nghẹt mũi kéo dài nên trị sớm kẻo nguy hiểm - Công ty CP Nghiên cứu và ứng dụng Thuốc dân tộc
  • 2Nasal Congestion - Cleveland Cinic
  • 3Is Rinsing Your Sinuses With Neti Pots Safe? - FDA
  • 4Sinusitis - American Academy of Allergy, Asthma & Immunology
  • 5Runny Nose, Stuffy Nose, Sneezing - American College of Allergy, Asthma & Immunology

Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.

Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại https://www.bowtie.com.vn/.

Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.