Đấu năm 1968 bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân Giải phóng là mọi chiến dịch nào

(Bqp.vn) - Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), đất nước ta tạm chia làm hai miền, Bình - Trị - Thiên là địa bàn trực tiếp chịu sự chia cắt. Ở vào vị trí đặc biệt này, quân và dân Bình - Trị - Thiên phát huy truyền thống kháng chiến của dân tộc, đã chiến đấu cực kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng. Hơn 20 năm kiên cường trụ bám nơi tuyến đầu của Tổ quốc, bằng những cách đánh sáng tạo độc đáo, đa dạng “thiên biến vạn hóa” kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh hiện đại, lực lượng du kích Bình - Trị - Thiên đã bám chặt lấy địch, từng giờ, từng phút vật lộn với địch, đưa địch rơi vào thế “thiên la địa vọng”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân giao phó, viết nên những trang sử vẻ vang chói lọi, xứng đáng là LLVT quần chúng trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đấu năm 1968 bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân Giải phóng là mọi chiến dịch nào

Tiểu đội Thông tin (Trung đoàn 27, Mặt trận B5 Trị Thiên - Huế) đang theo sát đơn vị truy kích địch tại Quảng Trị. (ảnh tư liệu)

Một là, du kích Bình - Trị - Thiên tập trung củng cố và xây dựng lực lượng, kiên cường bám trụ, giữ vững địa bàn, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, góp phần làm thất bại “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1964).

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và nhiệm vụ của những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để củng cố và phát triển lực lượng dân quân du kích theo đúng chủ trương mới của Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 tập trung nghiên cứu và chỉ đạo Quảng Bình, Vĩnh Linh phát triển lực lượng dân quân du kích phối hợp với công an giữ gìn an ninh địa phương; bảo vệ chế độ, bảo vệ sản xuất của nhân dân, xây dựng kế hoạch động viên tuyển quân, phối hợp với chính quyền và các ngành có liên quan chăm lo đời sống cho lực lượng du kích; đồng thời chấn chỉnh, củng cố, phát triển lực lượng dân quân, trên cơ sở tổ chức sẵn có kết hợp với phong trào của quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức, tiểu phỉ, trừ gian để xây dựng và củng cố dân quân. Ở Quảng Trị và Thừa Thiên, một số cán bộ ra Bắc tập kết, số còn lại cùng với nhân dân kiên cường bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng. Vận động nhân dân tiến hành đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân và những người lầm đường lạc lối trở về với cách mạng, làm tan rã hàng ngũ của địch.

Tháng 4/1957, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế họp bàn và quyết định đẩy mạnh phong trào cách mạng ở miền núi làm cơ sở thúc đẩy phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đây là quyết định có ý nghĩa chiến lược đối với phong trào cách mạng ở Trị - Thiên. Từ các tổ chức quần chúng, các đội du kích mật dần dần được hình thành gồm những hạt nhân nòng cốt của các tổ chức quần chúng đó. Mỗi xã có một đội, mỗi đội có khoảng 25 - 30 người. Vũ khí, trang bị chủ yếu là tên, ná tự tạo và có một ít khẩu súng trường. Qua phong trào đấu tranh của nhân dân miền núi đã xuất hiện những yêu cầu mới về xây dựng LLVT để làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị. Giữa năm 1959, các đơn vị vũ trang đầu tiên của Quảng Trị và Thừa Thiên ra đời. Đầu năm 1960, Ban Quân sự Quảng Trị được thành lập, Đại đội 53 hình thành. Ở Thừa Thiên, đến cuối năm 1959 đã tổ chức được hai đại đội vũ trang của tỉnh. Sau khi ra đời, các đội vũ trang ngoài nhiệm vụ bảo vệ cơ quan tỉnh, xây dựng cơ sở cách mạng, vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng còn có nhiệm vụ tổ chức xây dựng lực lượng du kích và làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở miền núi.

Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 15 xác định những nhiệm vụ cơ bản về cách mạng miền Nam: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên đã tổ chức quán triệt tinh thần của Nghị quyết đến tất cả cán bộ, đảng viên; tiến hành giáo dục và phát động quần chúng nhân dân nổi dậy ở miền núi hai tỉnh. Mở đầu cho phong trào, một tổ đặc công và du kích xã Phong Lâm đã trừng trị tên Chánh Tổng phản động thuộc “Đảng Cần lao nhân vị” ở Khe Tranh (Thừa Thiên). Ngày 10/2/1960, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ xã Hướng Lâm, lực lượng du kích đã phối hợp với bộ đội bắt gọn một trung đội địch và tên phản động khét tiếng trong vùng, hỗ trợ cho hơn 2.000 người dân xã Phong Lâm mít tinh xóa bỏ chính quyền của địch, thành lập chính quyền cách mạng. Tiếp đó, nhân dân các xã quanh vùng đều nổi dậy đấu tranh lật đổ chính quyền địch, xây dựng bản làng chiến đấu. Ở Quảng Trị, tháng 7/1960, lực lượng du kích cùng với LLVT tỉnh tiêu diệt địch ở Sa Mùi, mở đầu cho phong trào nổi dậy, hỗ trợ cho nhân dân trong vùng nổi dậy đấu tranh chống địch gom dân, lập ấp chiến lược. Tháng 10/1960, du kích Hướng Hóa cùng với các Đội công tác 59A và 59B đánh lui ba tiểu đoàn địch từ đồng bằng lên phản kích vào Hướng Hóa, giữ vững thành quả nổi dậy của nhân dân. Cả hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên vừa kết hợp đánh địch, vừa tích cực xây dựng phong trào LLVT.

Phương châm tác chiến được xác định: Lấy chiến tranh du kích là chính, đánh nhỏ ăn chắc, không dốc hết lực lượng và vũ khí lớn; quán triệt tư tưởng tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Đối tượng tác chiến của ta lúc này là: dân vệ, tổng vệ, biệt kích, bảo an, lính cộng hòa đi lẻ, cố vấn Mỹ, ác ôn, tề điệp... Ở vùng giáp ranh, du kích cùng với LLVT và cán bộ chính trị kiên cường bám trụ địa bàn đánh địch, xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng trong nhân dân. Thông qua các hoạt động cả về chính trị và quân sự, tổ chức quần chúng và LLVT tiếp tục được khôi phục, củng cố và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các Tỉnh ủy, lực lượng du kích Trị - Thiên được giáo dục và huấn luyện tốt, đã khắc phục thiếu thốn về trang bị và hậu cần, không quản ngại gian khổ, hy sinh liên tục chiến đấu với hiệu suất cao. Du kích Quảng Trị - Thừa Thiên đã tham gia phối hợp với các lực lượng đánh hơn 300 trận, giết và làm bị thương gần 1.000 tên địch, hỗ trợ tích cực cho nhân dân đứng lên đấu tranh chính trị. Lực lượng du kích vừa chiến đấu, vừa sản xuất, coi nhiệm vụ sản xuất như nhiệm vụ đánh địch. Thi đua với chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên, dân quân, du kích Vĩnh Linh, Quảng Bình đẩy mạnh sản xuất, tăng cường lực lượng, sẵn sàng đánh bại các hoạt động phá hoại của địch. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, lực lượng du kích luôn được củng cố, kiện toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời thực hiện nghiêm túc chương trình huấn luyện. Du kích các vùng giới tuyến, biên giới, bờ biển và những vùng xung yếu được ưu tiên số một trong công tác tổ chức và huấn luyện nhằm nâng cao khả năng phòng thủ, sẵn sàng đối phó với mọi hành động phá hoại của địch.

Về nhiệm vụ tác chiến, lực lượng du kích Trị Thiên được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp đánh ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch ở vùng giáp ranh và các trục quốc lộ, đường sắt ở các huyện Cam Lộ, Tây Triệu Phong, Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc... Trọng điểm là vùng Hương Trà, Nam Đông, Khe Tre, đưa các vùng này thành vùng du kích, đấu tranh bằng hai chân, ba mũi giáp công, giải phóng vùng Nam Đông, Dương Hòa, Ba Làng để tạo thành bàn đạp du kích nối liền với căn cứ, tiến công mở rộng cơ sở ở đồng bằng. Tháng 4/1964, Tỉnh ủy Quảng Trị họp quyết định đồng khởi giành lại nông thôn, đồng bằng, coi đây là nhiệm vụ sống còn số một. Chọn vùng Cùa (Cam Lộ) làm khởi điểm cho đợt đồng khởi, sau đó tổ chức quần chúng mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng. Mỗi xã tổ chức một trung đội du kích để bảo vệ chính quyền. Khởi nghĩa ở Cùa thắng lợi đã thúc đẩy phong trào lan nhanh ra các địa phương trong tỉnh...

Cùng với Quảng Trị, trong tháng 7/1964, lực lượng du kích Thừa Thiên phối hợp cùng quân dân trong tỉnh liên tiếp tiến công đánh phá hàng loạt đồn bốt, phá 130 ấp chiến lược, giành chính quyền và quyền làm chủ cho 10.821 dân, phát triển mạnh lực lượng du kích, lập làng chiến đấu, đánh địch phản kích. Sau hơn 7 tháng (5 - 12/1964), lực lượng du kích Trị - Thiên đã cùng với Đảng bộ, bộ đội và nhân dân giành được những thắng lợi rực rỡ, giữ vững, mở rộng vùng giải phóng miền núi và giáp ranh, phá thế kìm kẹp ở đồng bằng, đưa một nửa tổng số thôn trong hai tỉnh lên làm chủ với nhiều mức độ khác nhau, hàng trăm ngàn dân được giải phóng. Trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh, lực lượng du kích phát triển rộng khắp, từ không đến có, từ miền núi xuống đồng bằng, từ phân khu đến tỉnh, huyện và xuống xã, thôn... lực lượng du kích đã xây dựng thành hệ thống, có sự phân công địa bàn đứng chân hợp lý, vừa sản xuất vừa chiến đấu, phối hợp với các mũi tiến công chính trị và binh vận, thu nhiều thắng lợi quan trọng trên các mặt. Du kích các địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân kiên cường bám trụ, là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong hai cuộc đồng khởi ở miền núi và đồng bằng Trị - Thiên cũng như đập tan “Quốc sách ấp chiến lược” của địch ở Trị - Thiên Huế, mở rộng thế trận chiến tranh nhân dân trên cả ba vùng chiến lược, làng xã chiến đấu được xây dựng ở khắp mọi nơi.

Hai là, du kích Bình - Trị - Thiên vượt qua khó khăn, thử thách, phối hợp với LLVT đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965 - 1968).

Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Quân đội Việt Nam Cộng hòa không đủ sức đương đầu với thế tiến công của cách mạng trên khắp cả ba vùng chiến lược. Đầu tháng 4/1965, Mỹ đưa vào miền Nam gần 20.000 quân; đồng thời tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở Trị - Thiên, từ giữa năm 1965, địch liên tiếp mở các đợt càn quét vùng đồng bằng ven biển và những khu vực dọc theo các trục đường giao thông, hòng lấy lại vùng giải phóng của ta.

Tháng 10/1965, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Phân khu Trị - Thiên: “Nông thôn đồng bằng là hướng tiến công chủ yếu, phải đánh tiêu diệt địch ở đồng bằng, kết hợp giữa đánh địch và phát động quần chúng gây dựng cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích và cần đưa chủ lực về hoạt động ở đồng bằng để mở phong trào”. Dưới sự chỉ đạo của Phân khu, du kích đã phối hợp chặt chẽ với các LLVT đẩy mạnh hoạt động nhỏ lẻ, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trong đợt hoạt động Thu - Đông năm 1965. Tiêu biểu là trận ngày 13/7/1965, một tiểu đoàn địch ở căn cứ Phú Bài hành quân lên vùng căn cứ kháng chiến của ta, thực hiện mở đầu “Chiến tranh cục bộ” ở Thừa Thiên - Huế. Tổ du kích gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Viết Phong, 19 tuổi, đảng viên, Xã đội trưởng xã Mỹ Thủy làm tổ trưởng đã dũng cảm chặn quân Mỹ đi càn, diệt 20 tên, đánh lui lực lượng càn quét của chúng vào căn cứ của ta. Từ trận đánh này, Nguyễn Viết Phong đã rút ra kết luận: “Mỹ cũng tồi, dễ đánh hơn ngụy”. Đây là kết luận rút ra từ thực tiễn chiến đấu có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần giải quyết được tư tưởng lúc bấy giờ là ngại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Với thành tích này, Nguyễn Viết Phong được Phân khu Trị Thiên - Huế tặng danh hiệu “Lá cờ đầu diệt Mỹ ở Trị Thiên - Huế”; đồng thời được Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên (tháng 7/1965) biểu dương và phát động thành phong trào thi đua cho toàn thể du kích, bộ đội địa phương trong toàn tỉnh học tập tổ du kích Nguyễn Viết Phong dám đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Phát huy thắng lợi năm 1966, tại Quảng Trị, dân quân, du kích đã phối hợp tốt với LLVT đồng loạt đánh phá bình định buộc địch phải co cụm lại quanh thị xã và các trục đường chiến lược. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dân quân, du kích Gio Linh, Cam Lộ cùng phối hợp với các LLVT tổ chức trận đánh nổi tiếng trên sông Hiếu vào ngày 28/2/1968 được mệnh danh là trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu”. Ba tàu lớn của địch đi vào đúng trận địa đã bố trí sẵn trúng ngư lôi bị chìm, 3 chiếc còn lại bị các loại hỏa lực trên bờ đánh mạnh, đều bị trúng đạn. Chiến công oanh liệt này mãi mãi đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của quân và dân Đông Hà, Quảng Trị.

Cùng chia lửa với du kích 2 huyện Gio Linh - Cam Lộ, du kích Vĩnh Linh luồn lách cơ động ra khỏi địa bàn, tác chiến độc lập như bộ đội, thực hiện theo phương châm “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Điển hình như 6 đại đội dân quân Vĩnh Linh vượt sông Bến Hải vào cảng Cửa Việt phục kích, săn tàu, bắn chìm 12 xuồng, bắn cháy 4 tàu vận tải và 2 xe tăng. Những chiến thắng liên tiếp của lực lượng dân quân du kích Quảng Trị đã góp phần diệt ác, trừ gian, làm tan rã phần lớn bọn ngụy quân và lực lượng kìm kẹp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn của địch, đưa phong trào du kích chiến tranh phát triển lên đỉnh cao mới. Thắng lợi này còn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho mặt trận Huế, khiến địch không thể điều quân từ Quảng Trị vào cứu nguy cho lực lượng tại đây; đồng thời, thiết thực động viên cổ vũ quân và dân thành phố Huế liên tục tiến công, nổi dậy giành quyền làm chủ. Ở thành phố Huế, ngày 31/1/1968, khi pháo binh ta đồng loạt nã vào những căn cứ lớn của địch mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy lịch sử, lực lượng du kích, tự vệ thành phố đã phối hợp dũng cảm đánh địch trên tất cả các mũi, các hướng; đồng thời, vừa diệt ác, trừ gian, truy kích địch, vừa chỉ đường cho bộ đội đánh địch, bắt ác ôn, chiếm lĩnh các công sở, tiếp tế nuôi quân, tải thương... Ở ngoại thành, các huyện đã phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, chính quyền cách mạng xã được thành lập. Phần lớn thôn, xã trong huyện được giải phóng, giao thông của địch bị tê liệt... Khi địch tiến hành phản kích, lực lượng du kích và tự vệ thành phố Huế và các huyện ngoại thành đã chiến đấu hết sức ngoan cường và dũng cảm, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu biểu như đội tự vệ khu phố Gia Hội, Tiểu đội 11 cô gái du kích Hương Thủy bám trụ vùng Chợ Cống - Vân Dương cùng với Tiểu đoàn 10 (Đoàn 5) đánh địch phản kích, diệt 120 tên Mỹ, bắn cháy 5 xe tăng, được Bác Hồ gửi thư khen.

Qua cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968, lực lượng dân quân, du kích đã trưởng thành cả về tổ chức và chỉ huy. Chưa đầy một tháng đã có hàng ngàn thanh niên hăng hái gia nhập du kích và quân giải phóng. Mỗi xã có từ một tiểu đội đến hai trung đội du kích tập trung, du kích phát triển và có sức chiến đấu cao đã giải quyết các mục tiêu nhằm phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ cho nhân dân, phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận trên chiến trường.

Ba là, dân quân, du kích Bình - Trị - Thiên tạo thế và lực hỗ trợ LLVT đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, kiên cường chiến đấu giải phóng quê hương, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam (1969 - 1975).

Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Vùng chiến thuật 1, trong đó Trị - Thiên là “khu vực phòng thủ mạnh nhất”, là “con đê ngăn chặn rắn nhất” của địch. Sau khi soát xét kết quả chuẩn bị trên các hướng, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định “Tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972”, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên. Vào lúc 11 giờ ngày 30/3/1972, chiến dịch tiến công Quảng Trị bắt đầu. Chỉ trong vòng 3 ngày, từ 31/3 đến 2/4/1972, toàn bộ quân địch cùng với hệ thống đồn bốt kiên cố trên tuyến Cửa Việt - Động Toàn đều bị bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với địa phương quét sạch. Ta tiêu diệt và làm tan rã gần một vạn tên địch, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh - Cam Lộ.

Ngày 20/4/1972, quyết tâm và kế hoạch tiến công của Bộ Tư lệnh chiến dịch được phê chuẩn. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, lực lượng bộ đội địa phương và du kích vừa tham gia hoạt động phối hợp ở các cánh phía Nam và Đông. Một bộ phận có cán bộ chính trị được tăng cường cho đội hình các lực lượng đột kích của chủ lực trên các hướng, chủ yếu giúp trinh sát dẫn đường và liên lạc với du kích cơ sở phối hợp hoạt động. Ngày 1/5/1972, cờ giải phóng đã phấp phới tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng Quảng Trị, toàn bộ quân địch bị quét sạch, Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Trong đợt tiến công này, du kích các thôn, xã và bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, kiên cường bám trụ, phục vụ và phối hợp với các binh đoàn chủ lực chiến đấu dũng cảm, giải phóng Ái Tử và Thị xã. Các Tiểu đoàn 8, 10, 14 bộ đội địa phương tỉnh cùng du kích và nhân dân Hải Lăng kịp thời đánh chiếm từng mảng đồn bốt, phá bỏ hệ thống kìm kẹp của địch. Du kích và nhân dân Hải Vĩnh chủ động đánh chiếm Đồn Thị Ông, xã Hải An chiếm cảng Mỹ Thủy, xã Hải Thiện tham gia truy kích lính “Cộng hòa”, xã Hải Châu chiếm Đồn Đa Nghi, xã Hải Thượng vây đánh địch rút chạy, gọi hàng và bắt hàng trăm tên...

Trong cuộc đánh trả địch phản công tái chiếm thị xã Quảng Trị, lực lượng du kích và bộ đội địa phương ra sức thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy: “Kiên quyết phối hợp với chủ lực đánh bại cuộc phản kích của địch”, với biện pháp: Tập trung giữ vững thị xã, nhanh chóng hình thành chiến tranh du kích sau lưng địch, tổ chức sơ tán người dân Triệu Phong và Hải Lăng về phía sau, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với du kích chiến đấu kiên cường, đánh trả quân địch, đưa chiến tranh du kích tiếp tục lan rộng.

Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở hướng Trị - Thiên là mốc son chói lọi, là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam, tuyến đầu rắn chắc của chế độ Sài Gòn được giải phóng, mặc dù sau đó địch điên cuồng phản kích chiếm lại nhưng không thực hiện nổi. Trong thắng lợi chung của quân dân Trị - Thiên có sự đóng góp quan trọng của du kích Trị - Thiên, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của dân quân, du kích Vĩnh Linh cũng như các huyện phía Nam sông Bến Hải, đã sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, không ngừng chăm lo xây dựng phát triển lực lượng, từng bước trưởng thành vững chắc cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngày 8/3/1975, theo kế hoạch thống nhất toàn mặt trận, Chiến dịch Xuân - Hè năm 1975 ở Trị - Thiên - Huế bắt đầu. Lực lượng dân quân, du kích Trị - Thiên vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu hỗ trợ cho các lực lượng đánh chiếm những vị trí quan trọng ở khu vực Đường số 14 và trên toàn tuyến giáp ranh, đánh chiếm căn cứ Phổ Lại và Chi khu quân sự Mai Lĩnh, hỗ trợ cho nhân dân trong vùng địch kiểm soát ở Quảng Trị và ba huyện Bắc Thừa Thiên nổi dậy phá vỡ từng mảng hệ thống kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ. Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của ta ở mặt trận giáp ranh, từ Nam sông Thạch Hãn đến vùng Lăng Cô ở Bắc đèo Hải Vân, lực lượng du kích, bộ đội địa phương, các đội công tác và các đoàn cơ sở của ta đồng loạt tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở quần chúng, chuẩn bị thực lực cách mạng, đón thời cơ tiến công và nổi dậy. 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975, lá cờ chiến thắng được các chiến sỹ ta cắm trên cột cờ Phú Văn Lâu, báo tin vui thành phố Huế được giải phóng hoàn toàn.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng du kích Bình - Trị - Thiên xứng đáng là lực lượng quan trọng trong hệ thống tổ chức LLVT của Đảng, là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc ở cơ sở, là nguồn bổ sung, là lực lượng hậu bị hùng hậu của quân đội và là lực lượng xung kích trong sản xuất. Ghi nhận những đóng góp của lực lượng du kích Bình - Trị - Thiên trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng trăm tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng hàng ngàn huân, huy chương các loại.

Tự hào với trang sử hào hùng của dân tộc, cán bộ, chiến sỹ lực lượng dân quân tự vệ hôm nay nguyện mãi mãi tiếp bước truyền thống cha anh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Hồ Thanh Tự, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị