Cắt amidan bao lâu thì ăn được

“Cắt amidan bao lâu thì được ăn bình thường?” phụ thuộc vào mức độ tổn thương và thời gian phục hồi của người bệnh. Vì người bệnh chỉ được ăn uống bình thường, không kiêng cữ sau khi vết mổ hoàn toàn lành lại. Vậy phải mất bao lâu và cần lưu ý những gì về chế độ ăn uống sau khi cắt amidan? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Cắt amidan là thủ thuật loại bỏ khối amidan bị sưng viêm do nhiễm virus, vi khuẩn ra khỏi hầu họng

Cắt amidan là thủ thuật loại bỏ khối amidan ra khỏi vùng hầu họng để chấm dứt tình trạng viêm nhiễm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trên thực tế, amidan là bộ phận khá quan trọng nằm trong hệ thống hạch bạch huyết có khả năng tương tự các hệ thống miễn dịch khác, tham gia vào quá trình tiêu diệt vi khuẩn tấn công cơ thể thông qua không khí, thức ăn hoặc nhiều tác nhân khác. 

Sau khi cắt bỏ amidan bị viêm, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ thở hơn, cơn đau họng, ngứa rát cổ họng, cảm giác khó nuốt, vướng nghẹn cũng thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải người nào bị viêm amidan cũng đều phải cắt amidan, thực tế thủ thuật này chỉ được chỉ định cho một vài trường hợp nhất định sau đây:

  • Bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính nghiêm trọng, tái đi tái lại thường xuyên, ít nhất là 5 – 6 lần/ năm;
  • Khối amidan sưng to, viêm nhiễm nặng, phù nề dẫn đến chảy máu;
  • Sưng viêm amidan quá mức gây chèn ép, tắc nghẽn đường thở khiến người bệnh ngủ ngáy, khó nói, khó nuốt, thậm chí gây ra chứng tắc nghẽn đường thở;
  • Viêm amidan gây biến chứng khu trú như áp xe amidan, sỏi amidan, phì đại amidan, ung thư amidan,… hay các biến chứng kề cận khác như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm tim, viêm cầu thận, viêm khớp, viêm phế quản…;

Sau khi cắt amidan bệnh nhân thường phải chịu những cảm giác đau nhức, nóng rát và khó chịu tại vùng cổ họng. Đây là tình trạng hết sức bình thường và sau một thời gian tổn thương sẽ lành lại. Lúc này, nếu như người bệnh không tuân thủ chế độ ăn uống phù hợp, vết mổ sẽ rất khó lành, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, phát sinh nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ cao bị sốc phản vệ… 

Cắt amidan bao lâu thì được ăn bình thường phụ thuộc vào cơ địa, phương pháp cắt, thời gian vết mổ lành lại lâu hay chậm…

Do đó câu hỏi nhiều người sau cắt amidan nhất là mất bao lâu mới được ăn uống lại như bình thường. Các chuyên gia cho biết, rất khó để đưa ra mốc thời gian chính xác về việc ăn uống của người bệnh vì còn phụ thuộc vào thời gian lành vết mổ của từng người. Ngoài ra, cơ địa người bệnh lành hay dữ, phương pháp cắt amidan và chế độ chăm sóc, ăn uống có đủ chất hay không… cũng góp phần quan trọng quyết định thời gian phục hồi sau cắt amidan.

Thông thường, nếu người bệnh không gặp bất kỳ biến chứng nào sau phẫu thuật thì sau khoảng 7 – 8 ngày vết thương đã bắt đầu lành thì người bệnh có thể ăn uống nhẹ, cơm nhão với thức ăn mềm. Và sau khoảng 12 – 15 ngày khi vết thương đã hoàn toàn hồi phục thì có thể ăn uống trở lại như bình thường. 

Tùy theo tình trạng sức khỏe sau cắt amidan và độ tuổi của người bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp. Với hầu hết các trường hợp sau cắt amidan, thời gian và chế độ ăn cụ thể như sau:

Sau phẫu thuật cắt amidan nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt, sau đó tùy vào mức độ hồi phục mà tăng dần độ đặc của thức ăn
  • Sau phẫu thuật khoảng 24 – 48 tiếng: Bệnh nhân chỉ được ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo nấu loãng, súp, canh hầm, sữa, nước ép trái cây [tránh các loại trái cây có chứa acid]. 
  • Sau 2 – 3 ngày: Khi các triệu chứng đau nhức sau mổ đã thuyên giảm bớt, người bệnh có thể ăn cháo nấu đặc hơn. Kết hợp với một số loại rau củ chế biến mềm, luộc hoặc hầm kỹ như bí đỏ, khoai tây, rau cải… vừa giúp bổ sung dinh dưỡng vừa không ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. 
  • Sau 4 – 5 ngày: Chuyển sang ăn cơm mềm, nấu dẻo và nát hơn so với bình thường kèm theo các món ăn nấu mềm. 
  • Từ ngày thứ 7 trở đi: Nếu cảm giác đau rát, vướng nghẹn không còn ở cổ nữa, sức khỏe người bệnh cũng ổn định có thể quay trở lại ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vết mổ sâu, tổn thương nặng hơn cần phải mất từ 12 – 15 ngày mới có thể ăn uống thoải mái như bình thường. 

Một thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng có lợi và tránh thực phẩm có hại là yếu tố quan trọng quyết định thời gian phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Sau đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt người bệnh cần nắm rõ:

Để vết mổ sau cắt amidan nhanh chóng hồi phục, người bệnh ăn uống có khoa học, lên sẵn danh sách các loại thực phẩm nên ăn và kiêng ăn. Cụ thể như sau:

Thực phẩm nên ăn

  • Các loại thức ăn mềm như cháo nấu loãng, cơm nát vì khi ăn những món này cơ hàm sẽ không cần phải hoạt động quá nhiều, giúp vết cắt amidan phục hồi nhanh hơn.
  • Tăng cường bổ sung các loại sữa, ngũ cốc giàu dinh dưỡng. Tốt nhất nên bổ sung hàng ngày để làm bữa phụ và xen kẽ với các bữa chính để duy trì bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. 
  • Ăn nhiều trái cây, hoa quả để làm mát cơ thể, thanh nhiệt giải độc do phải sử dụng kháng sinh trong quá trình cắt amidan. 
  • Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm cho cổ họng, tránh thiếu nước gây khô họng và tổn thương vết cắt amidan. 
Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để hỗ trợ làm lành vết cắt amidan nhanh hơn

Kiêng ăn gì sau cắt amidan

  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá, đồ uống có gas… Vì các chất kích thích sẽ gây kích ứng cho cổ họng, bỏng rát khó chịu. Đặc biệt, một số loại thức uống như nước ngọt có gas còn làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản, gây ợ chua, ợ nóng ảnh hưởng đến vết mổ amidan tại vòm họng. 
  • Tránh ăn những món chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, chứa nhiều gia vị cay nóng vì dễ làm cơ thể bị nóng, nổi mụn, đau rát lưỡi, cổ họng… không tốt cho vết thương amidan. 
  • Không ăn thực phẩm sống, tái như gỏi, nộm, nem chua, sashimi… vì chúng chứa nhiều vi khuẩn dễ gây đau bụng, buồn nôn, ói mửa không tốt cho vùng hầu họng sau cắt amidan. 
  • Không ăn các loại thực phẩm dễ gây sẹo như hải sản, thịt gà, đồ nếp, rau muống… vì khiến tổn thương lâu lành và dễ để lại sẹo. 
  • Không nhai kẹo cao su sau khi cắt amidan vì lúc này cơ hàm cần được nghỉ ngơi nhiều, hỗ trợ phục hồi vùng họng bị tổn thương nhanh chóng. 

Bệnh nhân sau cắt amidan không chỉ chú ý trong ăn uống mà còn phải hết sức thận trọng trong chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi để vết thương nhanh chóng hồi phục. Cụ thể với các điều lưu ý sau:

Sau cắt amidan nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động quá sức, không khạc nhổ hay la hét to
  • Tuyệt đối không nên vận động mạnh trong vòng 2 – 3 ngày đầu tiên. Thay vào đó nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, nếu có đi lại phải thật nhẹ nhàng, không nên quá sức để tránh ảnh hưởng đến vết thương. 
  • Khi nằm ngủ không nên kê gối quá cao để tránh tạo áp lực cho vùng cổ họng. Tốt nhất nên nằm gối thấp sao cho họng, cổ song song với mặt giường. Khuyến khích nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng để tạo cảm giác thoải mái, giảm đau và dễ ngủ hơn. 
  • Không nên đánh răng trong vòng 24h đầu tiên sau khi cắt amidan để tránh kích thích làm tổn thương vết cắt amidan. Thay vào đó bệnh nhân nên súc miệng bằng nước muối nhẹ nhàng để loại bỏ vi khuẩn, mảng bám thức ăn, cặn bã tích tụ trong miệng. Sau 24 giờ, bạn có thể đánh răng bình thường nhưng phải hết sức nhẹ nhàng. 
  • Không được khạc nhổ nước bọt để tránh kích thích mạnh đến vết mổ. Tốt nhất chỉ nhổ nước bọt nhẹ nhàng khi ứ quá nhiều hoặc dùng một chiếc khăn quấn dưới cằm để thấm nước bọt trào ra. 
  • Không được la hét lớn hay nói to vì sau cắt amidan là thời gian cổ họng cần được nghỉ ngơi, hạn chế nói chuyện nhiều. 

Bên cạnh đó, sau cắt amidan người bệnh cần tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của chuyên gia. Đồng thời, quan sát kỹ các triệu chứng, nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào hãy thông báo cho bác sĩ để được xử lý và hướng dẫn cách khắc phục hiệu quả, an toàn, ngăn ngừa các biến chứng rủi ro nguy hiểm. 

Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên đã giúp quý bạn đọc có lời giải đáp chi tiết về vấn đề “Cắt amidan bao lâu thì được ăn lại như bình thường?” cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho phù hợp. Tránh kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu chất hay không vệ sinh vết mổ gây nhiễm trùng. Mọi ý kiến thắc mắc về vấn đề này vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia để được hướng dẫn chi tiết. 

Có thể bạn quan tâm

Video liên quan

Chủ Đề