Xây dựng kế hoạch đọc sách

5 bí kíp đọc sách hiệu quả?

Với 5 bí kíp này, việc đọc sách của bạn sẽ trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Các kiến thức trong sách sẽ được tiếp nhận và vận dụng một cách dễ dàng.

Gần đây, có rất nhiều bài viết nói về việc văn hóa đọc của người Việt Nam đang dần xuống cấp, nhất là trong giới trẻ. Vậy làm sao để việc đọc sách [đặc biệt là sách giấy] trở thành thói quen và chất lượng đọc cũng được cải thiện? Cách xây dựng một kế hoạch đọc sách hiệu quả? Thông tin sau đây blog sẽ chia sẻ để bạn tham khảo áp dụng nhé!

1. Bắt đầu từ những thứ yêu thích

Điều đầu tiên này sẽ được dành cho những người không thích đọc sách. Trên thực tế, có rất nhiều người lười đọc sách, khó đọc hay chỉ thích mua sách nhưng lại lười đọc. Cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng này là: Hãy bắt đầu với những thứ mình yêu thích. Bạn có thể không thích đọc sách nhưng bạn lại ghiền xem phim, nghiện bóng đá hay cuồng du lịch, vậy thì hãy bắt đầu với những thứ quen thuộc này trước tiên. Bạn mê bóng đá, hãy tìm những quyển sách viết về các đội bóng. Bạn luyện phim mỗi ngày, vậy tại sao không thử đọc tác phẩm gốc của bộ phim chuyển thể mà bạn vừa xem? Bạn thích xê dịch, được thôi, có hàng loạt những cuốn sách viết về du lịch sẽ truyền thêm cảm hứng khiến bạn không thể dời mắt cho đến trang cuối cùng.

Vậy nên, thay vì đọc những quyển sách có chứa quá nhiều kiến thức mới hay những tác phẩm hot theo trào lưu, hãy cứ đơn giản thôi: đọc những thứ khiến bạn cảm thấy dễ chịu nhất, hoặc thậm chí chỉ là đọc lại một cuốn tiểu thuyết mà bạn đã từng rất yêu thích cũng sẽ khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Việc bắt đầu từ những điều quen thuộc sẽ tạo cảm giác gần gũi và gây được hứng thú giúp bạn không bị nhanh chán.

Bạn có thể tìm hiểu dạng sách truyền cảm hứng du lịch nếu thứ bạn yêu thích là trải nghiệm đi đây đi đó. Ví dụ Ta balo trên đất á là 1 quyển sách như thế.

2. Đừng gấp, đọc thong thả thôi!

Có rất nhiều quyển sách viết về phương pháp đọc nhanh, nhưng thật ra chúng ta chỉ nên áp dụng những phương pháp này trong trường hợp cần tra cứu nhiều loại sách khác nhau, hay những trường hợp đặc biệt nào đó mà thời gian không cho phép nên buộc bạn phải đọc nhanh. Đọc sách chúng ta nên đầu tư thời gian và vận dụng trí nhớ dài hạn đối với những thông tin hữu ích có thể hỗ trợ cuộc sống, học tập và công việc hiện tại.

Hãy thưởng thức và thấu hiểu mỗi trang sách mà bạn đọc. Khả năng đọc của một người được tính bằng khả năng lĩnh hội những tri thức trong sách chứ không chỉ là số lượng sách mà người đó đã đọc. Việc đọc chậm rãi, từ từ sẽ giúp bạn hiểu hơn thông điệp được truyền tải và nhờ đó, câu chuyện sẽ trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Nếu bạn không hiểu hết nội dung của trang trước thì cũng sẽ không hiểu được hoàn toàn nội dung trang sau, khi đó có thể có 2 kết quả xảy ra:

  • Một, bạn tiếp tục đọc và thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
  • Hai, bạn giở trang trước để đọc lại và thế là mạch chuyện bị bạn làm cho đứt quãng.

Vậy nên, bình tĩnh nhé, đừng đọc lướt, đừng đọc đua với ai cả và cũng đừng vì câu chuyện quá kịch tính mà nôn nóng đọc trước diễn biến sắp xảy ra. Đọc sách cũng chính là một sự hưởng thụ nên hãy cứ thong thả mà tận hưởng từng câu chữ trong sách bạn nhé.

3. Đọc đa dạng các thể loại sách

Nếu bạn đã hơi hơi thích đọc sách rồi thì hãy thử đọc nhiều thể loại sách khác nhau. Có thể bạn chỉ quen đọc tiểu thuyết tình cảm thôi nhưng hãy thử đọc thêm các sách kỹ năng, sách kiến thức khoa học Việc đọc nhiều loại sách khác nhau sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích, phát triển khả năng đọc, đa dạng câu từ và bạn sẽ ngạc nhiên về những quyển sách sau này bạn đọc đó là có thể bạn sẽ lĩnh hội nhanh hơn. Khi bạn đọc những quyển sách khác biệt với sở thích của mình, bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn, buồn chán nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều hay ho: những tri thức mới ở nhiều lĩnh vực, cách hành văn mới mẻ, có thêm đề tài khi nói chuyện với bạn bè, và biết đâu bạn sẽ khám phá ra thêm một sở thích mới chẳng hạn như nghiên cứu vũ trụ hay ngâm thơ chẳng hạn.

Hãy nhớ, đừng hạn chế mình trong một giới hạn nào cả, rộng mở đón nhận điều mới lạ bởi vì mọi tri thức đều có ý nghĩa của riêng nó và rồi sẽ có lúc bạn cần tới chúng.

Ah khoan, nếu bạn thường xuyên mua sách online thì đừng quên tham khảo và sử dụng các loại mã giảm giá, mã freeship tuỳ từng đơn vị bạn đặt sách nha: Amazon, Fahasa, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Vinabook


Đọcnhiều thể loại sách khác nhau sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức của mình

4. Thường xuyên vận dụng và chiêm nghiệm

Bạn có chắc quyển sách bạn vừa đọc là không thực tế, câu chuyện tình yêu đó là vô nghĩa, hay thật ra là do chính bạn không hiểu được hết nội dung được truyền tải? Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng có những điều mình đọc 10 năm trước đây trong vài quyển sách mà mình mập mờ, vô nghĩa thì 10 năm sau nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với mình. Mình chắc chắn bạn sẽ có trải nghiệm tương tự mình.

Nếu chỉ đọc một quyển sách một lần rồi thôi thì chắc chắn bạn sẽ quên rất nhanh.

Vì vậy:

Thứ nhất, hãy đọc lại nó nếu bạn cảm thấy nó thật sự hay, bổ ích và ý nghĩa [dĩ nhiên là không nhất thiết phải đọc lại hết từ đầu nhé]. Ví dụ tiểu thuyết Nhà Giả Kim của Paulo Coelho là một quyển sách bạn sẽ có trải nghiệm và cảm nhận hoàn toàn khác nhau ở mỗi lần đọc lại. Ở độ tuổi 30-35 những thông điệp trong đó bạn sẽ thấy khác so với độ tuổi đôi mươi.

Thứ hai, vận dụng và chiêm nghiệm bất cứ khi nào có thể. Một quyển sách dạy kỹ năng sống, dạy nấu ăn hay truyền đạt kinh nghiệm của những người thành công sẽ trở nên vô nghĩa nếu sau khi đọc, bạn không vận dụng chúng vào thực tế. Và cũng đừng quên suy ngẫm về nó, đọc một lần bạn vẫn có thể hiểu toàn bộ nội dung tác phẩm những nếu đọc thêm lần 2, lần 3, bạn sẽ còn hiểu nhiều hơn bạn nghĩ. Dụng ý của người viết, ý nghĩa của từng câu chữ, thông điệp được truyền tải  những điều này cần bạn phải chiêm nghiệm, suy ngẫm mới có thể hiểu được. Không chỉ vậy, quá trình phân tích một quyển sách còn là cách để bạn tự rèn luyện chính mình: rèn luyện óc phán đoán, óc logic, tư duy sáng tạo

Bạn bỏ ra 100.000 đồng để mua sách và mất khoảng 1 ngày, 2 ngày, thậm chí là vài tháng để đọc xong quyển sách đó, vậy thì đừng để số tiền và quãng thời gian bạn đã bỏ ra trở nên vô nghĩa. Hãy tận dụng những khoảng thời gian trống như khi đi xe buýt, khi làm việc nhà, khi chờ thang máy, sau giờ làm việc căng thẳng để suy nghĩ thêm về nội dung của cuốn sách mà bạn vừa đọc vào tối hôm qua. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì nó thú vị và sâu sắc hơn bạn tưởng nhiều đấy.

5. Đọc sách có kế hoạch

Hãy để việc đọc sách trở thành một thói quen hàng ngày và bạn cần có kế hoạch đọc sách cụ thể. Bạn không cần đọc quá nhiều mỗi ngày mà nên chia nhỏ ra để đọc nếu chưa có thói quen đọc sách. Mỗi ngày bạn hãy tự định cho mình một mục tiêu cần hoàn thành, chẳng hạn sẽ đọc 30 trang sách vào buổi tối trước khi đi ngủ. Như vậy, chỉ trong khoảng 1 tuần là bạn có thể đọc xong một quyển sách có độ dày khoảng hơn 150 trang. Sau đó sẽ là mục tiêu tuần, tháng, năm cần phải hoàn thành, bạn sẽ phải ngạc nhiên về số lượng sách mà mình đọc đấy.

Kế hoạch đọc sách

Bạn có thể tạo một bảng Google Sheet ghi chú hoặc blog, group facbook cá nhân ghi lại những đầu sách đã đọc, thời gian đọc và cảm nhận về chúng, đây sẽ là thông tin sau này bạn sẽ thấy khá thú vị khi chiêm nghiệm lại đó. Làm việc có kế hoạch sẽ tốt hơn ngẫu hứng và đọc sách cũng vậy, lên kế hoạch đọc sách  viết ra sổ tay, blog  thực hiện kế hoạch đọc một cách kiên trì. Thử hành động ngay kế hoạch chia sẻ dưới đây nhé bạn sẽ cảm thấy dễ dàng và thú vị hơn bạn nghĩ.

Đọc sách giấy hay các thiết bị đọc sách, máy đọc sách, laptop, điện thoại?

Đây cũng là một trong nhưng vấn đề gây tranh cãi trước đây. Tuy nhiên, mình thấy bạn đọc bằng bất cứ hình thức nào đều được miễn nó phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của bạn. Như mình thì:

  • Máy đọc sách, điện thoại, máy tính bảng: lúc nào cũng có sẵn những đầu sách mình đang đọc chuẩn bị trong đó. Khi đi xa, đi chơi hay lúc nảo rảnh thì mình cũng có thể đọc được nếu muốn.
  • Đọc sách giấy: mình thường đọc khi ở nhà vì dù sao mình vẫn thích cảm giác cầm quyển sách giấy để đọc hơn. Thêm nữa qua đó cũng có thể ủng hộ tác giả, dịch giả các đầu sách mình quan tâm.
  • Laptop, máy tính thường thì mình ít đọc sách trên đây nhưng hay dùng để tham khảo những đầu sách cũng như chuyển đổi các tập tin sách cho phù hợp với các thiết bị đọc của mình: máy đọc sách, máy tính bảng, điện thoại.

Thời gian đọc sách

Bất cứ khi nào bạn có thời gian rảnh rỗi bạn đều có thể đọc sách, dù chỉ đọc vài trang. Đối với trường hợp bạn là người bận rộn thì có thể phân bổ quỹ thời gian vào những ngày nghỉ, cuối tuần đưa vào sao cho phù hợp với kế hoạch đọc của bạn.

Mình thường sử dụng khoảng thời gian sáng sớm mỗi khi thức dậy tầm 15-45 phút để đọc sách sau đó tập thể dục vào ngày thường. Thứ 7, Chủ Nhật thì có thể lâu hơn vì quỹ thời gian rảnh rỗi nhiều. Bạn cũng có thể áp dụng vào buổi chập tối để đọc sách. Tuy nhiên, hạn chế đọc sách quá khuya vì thông tin đã đọc sẽ khiến bạn khó ngủ hơn, đặc biệt khi đó là thể loại tiểu thuyết, trinh thám. Khi bạn hình thành một số khung giờ đọc sách nhất định và kiên trì duy trì được thì sẽ giúp bạn dần dần hình thành được thói quen đọc sách.

Tóm lại, bất cứ thời điểm nào bạn có thể đọc sách thì bạn nên tận dụng đưa chúng vào kế hoạch đọc và thay đổi tuỳ vào quỹ thời gian, công việc, học tập của bạn hàng ngày sao cho linh động nhất.

Thói quen đọc sách

Việc khó khăn nhất khi tập thói quen đọc sách đó chính là tính kỷ luật bản thân phải tương đối tốt để có quỹ thời gian đọc sách nhất định mỗi ngày. Bạn phải tập hạn chế, tập từ chối bớt những cuộc hẹn đi chơi, xem phim, đi ăn với mọi người, dĩ nhiên những cuộc hẹn quan trọng hay cần thiết thì bạn không nên từ chối nhé!

Trước khi quyết định đặt mua một quyển sách cụ thể nào đó? Bạn cần có thói quen đọc phần giới thiệu, mục lục của sách, tổng kết một vài chương. Sau đó, tìm kiếm và tham khảo những bài đánh giá sách đó từ những người đã đọc xem có phù hợp với thông tin mình đang muốn tìm không? Văn phong của tác giả có dễ tiếp cận với bạn không? Vì có thể cùng một chủ đề sách nhưng cách viết của tác giả này sẽ hợp và dễ tiếp thu với bạn hơn so với tác giả khác. Qua thói quen này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian trước khi đặt mua sách và đọc bất cứ quyển sách nào.

Để dễ hấp thu thông tin, tránh tình trạng cứ cầm sách đọc chút là ngủ và tạo thói quen thì ban đầu bạn nên tìm những đầu sách phù hợp với sở thích cá nhân, sách dạng tản văn, truyện ngắn, hài hước, truyện cười cho dễ đọc. Khi bạn thấy cảm giác đọc trở nên bình thường mỗi khi cầm sách thì chúc mừng bạn, bạn đã có thói quen đọc sách rồi đó. Dĩ nhiên, bây giờ bạn sẽ có thể tìm hiểu và đọc bất cứ đầu sách nào mà bạn muốn một cách dễ tiếp cận hơn trước.

Mục đích đọc sách

Đọc sách để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn đặt ra mục tiêu để hướng tới. Vì mỗi người mỗi sở thích và năng lực đọc riêng nên blog gợi ý một số mục tiêu bạn tham khảo nhé!

  • Mỗi tháng phải đọc xong bao nhiêu quyển sách chẳng hạn? nếu có thể bạn hãy viết rõ ra trong kế hoạch đọc sách của bạn.
  • Lên danh sách những quyển sách phải đọc? nếu đọc sách học thuật hoặc phục vụ công việc thì tiêu chí này khá quan trọng, nó giúp bạn tập trung đọc và học hỏi những kiến thức cần thiết hơn.
  • Đối với những đầu sách dài, nhiều chương, nhiều phần bạn nên sắp xếp kế hoạch dài hạn để đọc chúng thay vì cố hấp thu trong khoảng thời gian ngắn.
  • Đọc sách, đọc truyện để giải trí hay nâng cao kỹ năng bản thân, học thuật

Dừng đọc sách ngay khi bạn muốn

Nghe có vẻ kỳ kỳ nhưng đây là điều bạn nên lưu ý và cân nhắc. Ngay khi cảm thấy thông tin quyển sách không phù hợp hoặc đơn giản bạn không muốn đọc chúng nữa? Bạn có thể ngừng đọc luôn hoặc đọc lướt và loại bỏ những nội dung bạn không quan tâm. Điển hình là những đầu sách dạng tản văn, nhiều tình huống, mô típ lặp đi lặp lại hoặc nội dung không phù hợp hãy bỏ qua nó nhé!

Đọc sách bạn nên tham khảo thói quen: nhận định và chỉ tiếp nhận những thông tin hữu ích và cần thiết với mình.

Thực tế mỗi chúng ta không có nhiều quỹ thời gian như chúng ta nghĩ. Do đó, bạn cần phải cân nhắc và phân bổ càng chi tiết càng tốt quỹ thời gian của mình trong việc đọc sách, công việc và cuộc sống cũng như lựa chọn những đầu sách thực sự cần thiết cho mình thôi nhé!Những quyển sách nên đọc trong cuộc đời bạn?

5 bí kíp đọc sách hiệu quả? Kế hoạch đọc sách?

Chủ Đề