Truyện kiều ra đời vào thế kỉ nào năm 2024

Truyện Kiều là tác phẩm văn học nổi tiếng ai cũng biết. Tuy nhiên cho đến nay, Truyện Kiều được thi hào Nguyễn Du sáng tác vào thời điểm nào vẫn còn gây tranh cãi.

Việc xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều (tên nguyên thủy là Đoạn trường Tân Thanh) có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu tác giả cũng như giá trị tác phẩm.

Tuy nhiên cho đến nay Truyện Kiều được viết vào thời gian nào vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.

Theo nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện, cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoàng thời gian 1814-1820.

Học giả Đào Duy Anh cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào lúc ông giữ chức Quan Đông Các, tức là từ năm 1805-1809.

Rất nhiều ý kiến tranh luận về thời gian sáng tác Truyện Kiều được đưa ra. Tựu trung lại đều thống nhất có ba thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều: Sau khi đi sứ Trung Quốc về (sau 1813); Những năm làm quan cho nhà Nguyễn (từ 1802-1809); Những năm về sống ẩn dật tại quê nhà (1796-1802).

Ngoài ra, một ý kiến cho rằng: Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong thời gian sống ở quê vợ tại Thái Bình (1786-1796).

Các ý kiến này cho đến nay vẫn chưa tìm được sự thống nhất. Nguyên nhân là do chủ yếu dựa vào dấu vết văn bản và suy luận từ cuộc đời tác giả và tác phẩm.

Tuy nhiên, bản gốc không còn. Bản gốc của truyện Kiều có tên Đoạn trường tân thanh mà Nguyễn Du đã gửi gắm bạn thân là tiến sĩ Phạm Quý Thích, nhờ đem khắc in (khi biết mình bệnh nặng không qua khỏi), đã mất. Bản Kiều đầu tiên do Phạm Quý Thích đặt khắc in là Kim Vân Kiều tân truyện cũng không còn.

Truyện Kiều có quá nhiều bản in, sao chép và có nhiều chỗ khác nhau. Ngoài ra, cuộc đời của tác giả và tác phẩm thì quá phong phú và phức tạp mà mỗi người đều có thể suy luận theo cách nghĩ riêng của mình.

Vì thế bài toán về thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyền Kiều đã đi suốt nửa cuối thế kỷ XX đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt - Nguyễn sơ, xuất thân từ thế gia vọng tộc. Truyện Kiều nguyên tên Đoạn trường tân thanh là kiệt tác văn chương của Việt Nam. Đây là truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, gồm 3.254 câu.

Có thuyết cho là truyện được viết sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh về (1814-1820); có thuyết được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận hơn là truyện được viết vào thời gian Nguyễn Du làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809).

Truyện Kiều đã nâng vị trí tác giả lên hàng đại thi hào dân tộc, đã và đang đặt ra, gợi mở bao vấn đề về nội dung, nghệ thuật trong đông đảo độc giả, giới nghiên cứu hàng trăm năm nay.

Nội dung tác phẩm đã đề cập một cách khái quát, sâu sắc những vấn đề lớn, rất bức xúc của xã hội, vận mệnh con người suốt thời Lê mạt - Nguyễn sơ, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của chế độ phong kiến.

Theo sách Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Văn học, 2018), câu chuyện Thuý Kiều - Từ Hải vốn có thật trong đời sống lịch sử ở Trung Quốc. Bản chép sớm nhất có thể là Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn (1512-1601) người thời Minh.

Tích này sau đó được tiểu thuyết hóa thành nhiều tác phẩm dưới thời Minh, sang đầu triều Thanh. Nổi bật trong đó là Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài được viết bằng văn ngôn, ngắn gọn, mô tả Thúy Kiều là người đẹp đa tài, trang nhã, đáng yêu nhưng bạc mệnh. Mức độ tiểu thuyết hóa còn tăng thêm nữa trong Vương Thúy Kiều truyện của Hồ Khoáng, sau đó là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, xuất hiện dưới thời Khang Hy (1662-1729).

Kim Vân Kiều truyện thuộc thể loại tiểu thuyết tài tử - giai nhân, thư sinh - kỹ nữ, vốn đã thành truyền thống từ truyền kỳ đời Đường và phát triển mạnh dưới thời Minh - Thanh. Truyện này được nhiều tác giả của nền văn học phương Đông khai thác trở thành những tác phẩm khác.

Nhà thơ Nguyễn Du đã dựa vào tác phẩm này để viết truyện Nôm Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều. Tuy nhiên, chính Truyện Kiều chứ không phải bất cứ tác phẩm nào khác có cùng tích truyện như đã thúc đẩy giới nghiên cứu tìm lại một loạt sáng tác từ lâu đã bị quên lãng.

Thái Kim Đỉnh ở bài “Nguyễn Du với làng quê Tiên Điền” in trong Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du, Truyện Kiều (Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, 1983) viết: “Đầu năm Bính Thìn (1796) Nguyễn Du về Tiên Điền, kết thúc mùi năm gió bụi ở Thái Bình và ở lại đây cho đến năm 1802… có khả năng trong khoảng thời gian 6 năm ngắn ngủi ở Tiên Điền, Nguyễn Du đã viết phần lớn các tác phẩm của mình. Trong đó có hai cuốn văn Nôm nổi tiếng đưa ông lên hàng thi bá: Văn chiêu hồn và Truyện Kiều”. Ở mục “Về Truyện Kiều”, tại Điểm 3: “Một số bản Nôm nay còn được biết”, Thái Kim Đỉnh viết: “Bản in đầu tiên do Hoa Đường Phạm Quý Thích khắc ván in ở phố Hàng Gai, Hà Nội (khoảng 1796-1825), thường gọi là bản Hoa Đường, bản phường đầu tiên”. 1796 có lẽ là quá sớm nhưng vào những năm cuối của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Truyện Kiều được khắc in, thì đấy là điều chắc chắn. Việc đó phù hợp với sự phát hiện của học giả Trần Trọng Kim.

Vũ Ngọc Khánh (quê ở Nghi Xuân) cũng thống nhất ý kiến với Thái Kim Đỉnh về nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, tuy theo ông, khoảng thời gian của Tố Như ở lại Tiên Điền thì có khác. Ông viết trong sách Ba trăm năm lẻ: “Từ ngày Quang Trung mất (1792), Viện Sùng Chính không tuyên bố mà tự giải tán, ai về nhà nấy. Nguyễn Thiện về làng vui với ruộng vườn, sách vở, có chú Tố Như về làng, những người này mừng rỡ…”. Theo đó thì khoảng ấy, Nguyễn Du có độ mươi năm về ở làng quê, tại Nghi Xuân.

Nguyễn Tài Cẩn lâu nay vẫn cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du viết ra vào cuối thế kỷ XVIII. Gần đây, trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 61, tháng 6/2005, ông căn cứ vào cách viết tránh kỵ húy ở các bản Kiều Nôm cổ do các nhà xuất bản: Duy Minh Thị, Liễu Văn Đường, Quan Văn Đường, Thịnh Mỹ Đường cùng hai bản Kiều gốc ở Huế của hai cụ Lâm Nọa Phu và Kiều Oánh Mậu để đi đến ý kiến: “Truyện Kiều đã được sáng tác cuối thế kỷ XVIII, trước đời Gia Long. Một số nhà nghiên cứu trước đây cũng đã đi đến giả thuyết ấy”. Báo Lao Động số 92, ra ngày 3/4/2005 cũng đã đăng một bài viết của Nguyễn Tài Cẩn và Ngô Đức Thọ có nội dung tương tự.

Nay, Nguyễn Tài Cẩn chú thích ở cuối bài in trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An rằng: “Các học giả như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trương Chính cũng đã đưa ra một số cứ liệu để chứng minh cho một luận điểm như vậy”. Và ông cũng có phỏng đoán thêm, theo sự đề xuất của Nguyễn Thạch Giang: “Phác thảo Truyện Kiều có lẽ đã được biết đến hồi cụ (Nguyễn Du) còn ở Thái Bình nhưng chắc nó bắt đầu nổi tiếng, được sao chép nhiều là từ sau khi cụ đã về ở hẳn trong quê (Tiên Điền)… Còn chứng cớ cho việc cụ hoàn thành tác phẩm ở Tiên Điền là việc các bản Kiều Nôm cổ, không bản nào là không có một số vết tích tiếng Nghệ, hoặc ít, hoặc nhiều. Những vết tích đó đều phải lan ra từ những bản sao đầu tiên được phát đi từ Nghệ Tĩnh. Bài thơ của Nguyễn Hành khóc chú (1820 ) nói: “Chú đã nổi tiếng “nhất thế tài hoa” 19 năm về trước” càng khẳng định thêm điều đó”. Trong Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm (Nxb Văn hóa - Thông tin 2001, Tr. 37), Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính viết: “Truyện Kiều được chỉnh lý thêm trong thời gian ở quê” (trước 1802).

Nguyễn Khắc Bảo, trong bài viết Liệu có phải Truyện Kiều được sáng tác vào thời vua Lê chúa Trịnh in trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 62, tháng 7/2005, sau khi đưa ra nhiều cứ liệu đã đi đến kết luận: “Thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều phải là trước đời Gia Long nhưng không thể thuộc đời vua Lê - chúa Trịnh...Thời điểm đó chính là khoảng từ sau khi Nguyễn Du bị quân Tây Sơn bắt rồi thả về an trí tại quê cha…”. Trên Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 172, tháng 11/2012, bài Vài ý kiến về việc phục hồi nguyên tác Truyện Kiều, Nguyễn Khắc Bảo viết tiếp: “Cần nắm vững vốn từ cổ thời Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều (từ 1796 - 1801…) mới chọn, phiên được từ Quốc ngữ đúng”.

Vương Trọng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2005) ở bài Góp thêm về thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều viết rằng: “Tôi xin trích câu đúc kết câu Nguyễn Hoàng Sơn trong cuốn Văn đàn, thời sự và bình luận để tóm tắt:… Từ năm 1943 đến nay, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn và Trương Chính đã gặp gỡ nhau trong việc cho rằng, Truyện Kiều được sáng tác trước khi Nguyễn Du đi sứ, thậm chí, trước khi ra làm quan dưới thời Gia Long”. Sau đó, Vương Trọng viết tiếp: “Nguyễn Hoàng Sơn cũng đồng tình với Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn… cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước thời Gia Long, cụ thể là vào những năm 1776 - 1802”.

Những sự đoán định đó phần nào phù hợp với nhiều ý của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán khi phàn nàn về cảnh mười năm nhà Lê mất nghiệp đế cũng như mười năm bị bệnh sống dưới chân núi Hồng.

Như vậy, tuy còn nhiều ý kiến khác nhau cần được tiếp tục trao đổi nhưng đông đảo các nhà nghiên cứu trong giới Kiều học Việt Nam thống nhất là Nguyễn Du viết tiếp và hoàn tất Truyện Kiều trong khoảng thời gian từ 1792 đến 1801 tại Tiên Điền, một điểm sáng và cũng là giàu trầm tích về văn hóa của xứ Nghệ.