Trình bày suy nghĩ của mình về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa ngày tết cổ truyền của việt nam.

SoanBai123 » Văn Mẫu » Văn mẫu lớp 10 » Trình bày quan điểm về nét đẹp văn hóa Tết Nguyên Đán [Cổ truyền] ở Việt Nam

Đề bài:

Theo anh [chị], nét đẹp văn hóa gây ấn tượng nhất trong dịp Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là gì? Trình bày hiểu biết và quan điểm của anh [chị] về vấn đề này.

Bài làm:
Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của năm mới tính theo Âm lịch, là cái Tết cổ truyền xuất hiện từ lâu đời trên đất nước ta. Tết Nguyên Đán là điểm dừng của năm cũ, là điểm khởi đầu năm mới, từ mùa đông giá rét chuyển sang mùa xuân ấm áp. Đối với một nước nông nghiệp như nước ta thì các mùa gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người. Mùa đông người dân thu hoạch lúa, khoai, chuẩn bị cày bừa để vào xuân cấy hái cho cây lúa sinh sôi nảy nở. Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ ngơi, mọi người hoan hỉ đón mừng năm mới, dân gian gọi là ăn Tết, chơi xuân.

Ăn Tết vì quanh năm làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, chỉ có đến Tết mới mổ lợn, gói bánh… Câu đối : Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh nói lên sự hòa quyện của đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong dịp Tết cổ truyền. Trong một câu đối vẻn vẹn có mười bốn chữ mà ông cha ta đã nói đến bao điều về phong tục tập quán, về ẩm thực, về tín ngưỡng… của người Việt xưa.

Trong dịp Tết Nguyên Đán thường diễn ra nhiều hình thức hoạt động văn hóa gắn liền,với phong tục tập quán chung của dân tộc và của từng vùng miền, từng địa phương khác nhau, phản ánh sự phong phú và đa dạng cùng bề dày văn hóa của đời sống tinh thần dân tộc Việt.

Giờ khắc thiêng liêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi trời đất giao hòa. Từng gia đình quây quần sum họp đón năm mới. Mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn.

Trên bàn thờ gia tiên bày biện bánh chưng, bánh tét, trái cây, hoa tươi, nhang, đèn… Gia chủ thắp nhang khấn vái trời đất, tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Trong phòng khách mỗi nhà đều có một cành đào hoặc cành mai, chậu cúc… để trưng trong ba ngày Tết cho thêm phần vui tươi.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Sáng mùng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn, phát tài cả năm.

Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Tình cảm con người làm cho buổi sáng mồng một Tết rực rỡ, sáng sủa hơn mọi ngày. Dân gian có câu : Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới. Mọi điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền lễ chùa trong dịp Tết. Dân tộc Việt xưa nay phần lớn theo nghề nông, quanh năm vất vả, sống phụ thuộc vào thời tiết, thiên nhiên. Trong những ngày Tết, nhân dịp nông nhàn mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân. Các lễ hội gắn với những đền chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.

Người Việt Nam xưa ăn Tết vui xuân bằng các hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa… Các trò chơi dân gian sinh động đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, gắn bó của cộng đồng và cũng từ các lễ hội đó, ca dao hò vè, văn học dân gian được sáng tác truyền miệng lưu truyền đến ngày nay. Văn hóa làng xã được vun đắp, giữ gìn từ đời này qua đời khác.

Theo quy luật của Tạo hóa, mỗi lần Tết đến xuân về, đất trời lại đem đến cho con người và vạn vật luồng sinh khí mới. Không khí thiêng liêng của Tết Nguyên Đán, của mùa xuân khiến lòng người rạo rực, háo hức một niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.

Tết Nguyên Đán đối với người phương Đông chúng ta rất thiêng liêng. Những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, nhất là trong thời buổi giao lưu, hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Tết cổ truyền là một dịp lễ lớn của dân tộc. Trong chương trình Ngữ văn lớp 7, học sinh sẽ viết bài cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền quê em, vô cùng hữu ích.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền quê em

Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền quê em, mời bạn đọc tham khảo sau đây.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền quê em

Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau thật hạnh phúc.

Mỗi khi Tết đến, mỗi người trong gia đình đều có những công việc riêng. Tuy ai cũng bận rộn, nhưng tất cả đều cảm thấy vui vẻ. Thích nhất vẫn là lúc cả nhà ngồi gói bánh chưng. Những chiếc lá rong xanh, hạt đỗ vàng, thịt mỡ và gạo trắng thơm. Tất cả được bàn tay khéo léo của bà, của mẹ gói thành những chiếc bánh chưng vuông vức.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà cùng ăn bữa cơm đoàn viên ấm áp. Để chuẩn bị đón giao thừa mà khoảnh khắc ai cũng mong đợi. Khoảnh khắc giao thừa với nhau thì mọi người chúc nhau sức khỏe với công việc tốt. Tất cả ai cũng vui vẻ ăn uống cười nói. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sáng mùng một, tôi thức dậy, khi bước ra cửa cảm giác khác với những ngày bình thường. Trời trong lành thời tiết ấm áp khác lạ.

Thế là một năm cũ đã qua, một năm mới đã đến, mọi người đều chúc nhau những điều may mắn cho một năm mới đã đến. Những ngày tết trôi qua thật nhanh khiến tôi cảm thấy có chút tiếc nuối. Yêu biết bao ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 2

Những ngày tết, khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam xinh tươi như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Tết đến đem theo những hy vọng về một năm mới may mắn, tốt đẹp hơn.

Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ em háo hức mong chờ Tết đến. Người lớn lại bận rộn chuẩn bị cho Tết. Thời tiết ngày xuân trở nên ấm áp hơn, những cành đào đang chớm nở. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Ngoài đường người đi mua sắm tấp nập. Tiếng cười nói, bán mua cho một cái tết đủ đầy vang lên đầy ắp những đường ngõ. Mấy đứa trẻ con nô đùa quanh những hàng bán pháo bông. Em cảm thấy không khí ngày tết thật tuyệt vời biết bao.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà quây quần bên bữa cơm tất niên. Vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người đều hân hoan trong niềm vui, hạnh phúc cho một khởi đầu “An khang thịnh phượng” hay “Vạn sự như ý”. Những ngày tết thật hạnh phúc khi cả gia đình được quây quần bên nhau.

Sáng mùng một, em theo bố mẹ sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Em được ông bà mừng tuổi cho những phong bao lì xì đỏ thắm với lời chúc học giỏi. Ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình được gần gũi nhau hơn.

Không khí ấm áp của ngày tết cổ truyền khiến em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Em tin chắc rằng sau này dù đất nước có phát triển đến đâu thì người dân Việt Nam vẫn sẽ giữ gìn được những nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 3

Những ngày Tết đến, xuân về, có lẽ là những ngày mà nhiều đứa trẻ vùng quê nghèo như em luôn chờ đón. Bởi khi Tết đến, chúng em sẽ được diện quần áo mới đi chơi, được mọi người mừng tuổi lì xì cho nhiều tiền tiêu vặt. Được ăn rất nhiều món ngon mà chỉ dịp Tết có.

Khi Tết đến, mỗi nhà đều trang trí cho gia đình mình thật đẹp. Nhà nào cũng sắm sửa, hoa đào, hoa mai, cây quất…Trên bàn thờ xuất hiện mâm ngũ quả với đủ loại xanh, đỏ, vàng… rồi bánh kẹo, mứt Tết, rượu vang, rượu sâm banh… Các con đường được trang hoàng lộng lẫy bởi những lá cờ đỏ thắm. Nhà nào cũng có một chậu quất hoặc hoa đào, hoa mai. Mọi người rủ nhau đi sắm Tết làm nhộn nhịp khắp các khu chợ. Gần Tết, gia đình nào cũng gói một nồi bánh chưng.

Năm nào cũng thế, mẹ hay nấu thật nhiều món ngon như bánh chưng, nem, giò, chả, canh măng… để cúng ông bà tổ tiên. Đêm ba mươi Tết luôn khiến cho mỗi người cảm thấy thật xúc động. Khi tiếng chuông điểm mười hai giờ thì những màn pháo hoa sẽ nổ ra những bông pháo hoa bay vút lên cao rồi tỏa sáng trong bóng đêm, tạo ra những màu sắc rực rỡ.

Sáng mùng một, em theo bố mẹ sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Mọi người ai cũng đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi chúc Tết. Em được ông bà mừng tuổi cho những phong bao lì xì đỏ thắm với lời chúc học giỏi.

Tết thật sự là những ngày đặc biệt thiêng liêng nhất trong năm. Nó là cơ hội để cả gia đình có điều kiện sum vầy, vui vẻ bên nhau, là dịp cho mọi người diện những bộ quần áo mới, là khi khép lại mọi buồn phiền không may mắn ở năm cũ, để chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp hơn.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 4

Cái rét se lạnh của mùa đông đã qua đi, những tia nắng ấm áp bắt đầu ló dạng trên bầu trời vốn chỉ có một màu xám xịt. Và đây cũng là thời điểm người dân ở xóm em náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Tuy mùa đông đã qua đi nhưng Tết năm nào cũng vẫn hơi lành lạnh. Không khí buổi sáng đầu năm gợi cho tất cả mọi người một cảm giác quen quen. Dù trời lạnh nhưng hình như bầu trời lúc nào cũng quang và sáng. Trên khuôn mặt của từng người sáng bừng một niềm vui, háo hức đón xuân. Ai ai cũng tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho cái Tết riêng của mình.

Con đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên bởi mọi người nghỉ hết việc đồng áng đổ ra đường đi sắm Tết. Ngoài chợ, những dãy hàng hoa tươi, cây đào, cây quất hứa hẹn một cái Tết tưng bừng. Những tiếng chào mời mua hàng, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ làm cho âm thanh của buổi chợ Tết thêm nổi bật.

Tâm điểm của chợ Tết là những hàng đào đang ra hoa hồng thắm. Bố em cũng chọn một cành đào. Bọn trẻ vui sướng hơn ai hết bởi chúng được nghỉ học trước Tết mấy ngày rủ nhau đi chơi khắp làng ngắm nghía những chiếc đèn lồng đỏ treo suốt từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Mắt đứa nào cũng xuýt xoa, lấp lánh niềm vui. Những cành cây bên đường bắt đầu đâm những chồi non đang hãnh diện khoe cùng gió xuân.

Thỉnh thoảng lại có một vài con chim én lướt qua giữa khoảng trời. Con sông chảy quanh làng vẫn thầm lặng hy sinh như người mẹ nuôi nấng những đứa con của mình, cần mẫn chở nước về dự trữ cho cánh đồng để bà con nông dân yên tâm ăn Tết. Em cũng được cùng mẹ cho đi sắm Tết.

Mẹ mua cho hai anh em nhiều quần áo mới để đi chơi Tết. Thích thú nhất là tự tay trang trí nhà cửa để đón xuân. Em giúp bố trang trí cho cành đào nhà mình. Sau khi xong, em say sưa ngắm không biết chán cây đào có dàn đèn nhấp nháy lộng lẫy sắc xuân. Bàn thờ nhà ai cũng được bày biện đẹp mắt và mang ý nghĩa hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Vậy là đã đến ngày cuối cùng trong năm, đã chuẩn bị xong hết mọi thứ. Mọi gia đình lại cùng nhau ăn bữa cơm thịnh soạn ấm cúng cuối năm. Cuối năm có người được bố mẹ cho đi chơi, nhiều người lại cùng bố mẹ mình xem kịch tại nhà. Mọi người đều chờ đợi khoảnh khắc giao thừa sắp đến. Những ngày sau đó, cả nhà em cùng nhau đi chúc Tết họ hàng. Em thích nhất là được nhận những bao lì xì đỏ thắm.

Những ngày tết thật tuyệt vời biết bao. Em cảm thấy rất yêu ngày tết cổ truyền của dân tộc mình.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 5

Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét lạnh lẽo của mùa đông dần dần tan biến, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống, tươi vui đang tràn về. Tất cả lại cùng đưa tiễn năm cũ và hân hoan, phấn khởi đón chào một năm mới đang đến với mong muốn cho mọi người, mọi nhà đều được sống trong an lành, hạnh phúc. Năm mới đến gắn liền với Tết - cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.

Những ngày đầu năm, khắp làng bản Việt Nam rộn ràng trong tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. Vào dịp này, bên cạnh các hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng, những hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Có lẽ, có một lễ hội mà không ai là không biết đến, đó là lễ hội chơi hoa. Từ đời xưa, phong tục chơi hoa là một thú vui tao nhã, tạo được không khí tưng bừng nhưng yên bình. Cứ mỗi độ xuân về là muôn hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm. Từ 25 đến 30 tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trẩy hội, nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược… muôn loài hoa đã về đây, trong thời khắc này để cùng nhau hội tụ. Gần tết, trên mỗi cành đào, những bông hoa mảnh mai nở nụ cười hồng tươi sắc thắm. Mùa xuân, những rừng đào ngút ngàn, nặng trĩu trái đào thơm. Từ xưa, hoa đào đã đi vào thơ ca làm say đắm, rung động lòng người. Khi những cành đào ở Hà Nội bắt đầu chớm nở, báo hiệu một ngày xuân ấm áp đã đến, thì ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn… xứ sở của mai vàng, những cánh mai dịu dàng nở hoa. Mùa xuân là mùa của năm mới với những điều tốt đẹp, an lành. Mùa xuân còn là dịp để những con người xa xứ có thể hướng về cội nguồn, về những giá trị thanh khiết và cao quý. Cuộc đời của mỗi con người được ví với mùa xuân, mùa của những bông hoa tươi thắm trên bầu trời trong xanh.

Có thể nói, Tết cổ truyền đã trở thành một lễ hội rất ý nghĩa và quan trọng của dân tộc Việt Nam. Khi bóng thời gian chạm cửa tháng 12 âm lịch cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị đón tết. Đặc biệt, với những người xa xứ, đây chính là những giây phút họ được đoàn tụ, đoàn viên với gia đình, được quay trở về với nơi mà mình sinh ra và lớn lên. Tết cũng là lúc, những thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm với nhau. Đó là sự tôn kính của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên qua những nén hương trầm gợi nhớ về cội nguồn quá khứ. Là những món quà đậm tình nghĩa của những đứa con dành cho cha mẹ. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ con là người vui sướng nhất bởi chúng nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm. Trong phong bao lì xì ấy là cả tình cảm yêu thương, nâng niu của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, những phong bao lì xì ấy không chỉ là để người lớn tặng cho trẻ em mà là để con cháu thể hiện sự hiếu kính đối với ông bà. Mọi người trao nhau những phong bì đỏ in trên đó là những họa tiết, những cụm chữ màu vàng thể hiện sự chân tình dành cho nhau. Và vòng một thứ nữa không thể thiếu được trong những ngày tết, đó là những câu đối đỏ cầu kì và trang trọng. Sở dĩ nói là cầu kỳ vì cần phải đặt cái Tâm vào đó, có thế người xem mới hiểu được ý nghĩa của nó. Những câu đối thường được viết bằng cọ lông, mực Tàu, trên những tấm vải đỏ được trang trí cẩn thận. Những câu đối thật giản dị, quen thuộc: An Khang Thịnh Vượng, Cung Chúc Tân Xuân, … nhưng thật trang trọng và có ý nghĩa. Những cụ ông, cụ bà có thể cùng nhau ngồi uống trà lại vừa ngắm những câu đối đỏ, như thế mới thật thú vị làm sao!

Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành ngày lễ chung của dân tộc Việt Nam. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi mà dịp để đoàn viên. Những đặc trưng của ngày Tết thật giản dị và gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Đó là mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp trong chiếc bánh chưng xanh, đó là hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, là những phong bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ thắm. Riêng đối với tôi, lúc nào cũng vậy, trong tôi lúc nào cũng là cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc khi xuân sang tết đến. Mọi người cùng thức, đếm từng phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng quây quần bên nhau bên vị ngọt cay của mứt gừng. Còn điều gì thú vị hơn thế, được tận hưởng những cảm giác ấm áp và cùng nguyện cầu một năm mới an lành.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 6

Mỗi khi Tết đến là thời điểm gia đình cùng nhau quây quần bên nhau. Và gia đình em cũng vậy, em cảm thấy vô cùng háo hức và sung sướng.

Những ngày giáp Tết, đường phố những ngày tết lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Những khu chợ rộn nhịp tiếng nói của người mua người bán. Chợ hoa Tết rực rỡ sắc màu của trăm loài hoa khoe sắc. Những cây đào, cây mai, cây quất đã trở thành biểu tượng của dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Cả gia đình cùng nhau chuẩn bị để đón Tết. Người lớn chuẩn bị mua sắm đồ Tết. Trẻ con háo hức mong từng ngày được nghỉ học. Khắp các khu chợ bỗng tấp nập hẳn lên. Tiếng người mua bán thật nhộn nhịp. Chợ Tết rất nhiều các mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đến quần áo, giày dép… Ngày Tết chuộng nhất là màu đỏ, bởi vậy cả khu chợ như được sắc đỏ thắm bao bọc, tượng trưng cho may mắn. Vào ba mươi Tết, cả nhà em lại sum vầy bên mâm cơm giao thừa. Cả gia đình vừa ăn uống, vừa trò chuyện với nhau về những điều đã xảy ra trong một năm vừa qua. Đêm giao thừa cả nhà ngồi xem chương trình “Táo Quân”. Đến đúng mười hai giờ, em cùng với chị gái lên tầng để xem pháo hoa. Màn pháo hoa rực rỡ khiến cho người xem cảm thấy xao xuyến. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đem đến cho con người những cảm xúc thật đẹp đẽ.

Đến sáng mùng một một Tết, cả nhà em cùng nhau đi chúc Tết họ hàng. Mọi người đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Những lời chúc mừng năm mới mong cho một năm may mắn, an khang và thịnh phượng. Em cũng giống như những đứa trẻ khác đều rất thích nhận được những bao lì xì đỏ thắm.

Em rất yêu ngày Tết quê em. Bởi Tết đã đem đến cho con người thật nhiều khoảng thời gian ý nghĩa bên gia đình thân yêu của mình. Mỗi người con trên đất nước Việt Nam này hãy biết trân trọng ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 7

Đã bao đời nay, Tết đã trở thành một dịp lễ lớn của dân tộc. Đây là khoảng thời gian để mỗi gia đình sum họp bên nhau. Bởi vậy, em vô cùng hứng khởi, hào hứng chờ đón Tết.

Tết đến xuân về, thời tiết trở nên ấm áp hơn. Ngoài đường, không khí thật nhộn nhịp, vui tươi. Làng xóm, khu phố được trang trí thật đẹp đẽ. Các chợ, siêu thị đều tấp nập người mua kẻ bán. Mọi công việc chuẩn bị cho ngày tết đều rất khẩn trương.

Gia đình em cùng hòa chung không khí đó. Mỗi người một công việc. Tuy ai cũng bận rộn, nhưng tất cả đều cảm thấy vui vẻ. Đặc biệt nhất là khi mọi người cùng nhau gói bánh chưng. Em cũng đề nghị được gói thử. Sản phẩm đầu tay tuy không được đẹp mắt nhưng cũng đạt tiêu chuẩn - đó là theo lời đánh giá của ông nội. Gần Tết, bố em tất bật dọn dẹp nhà cửa. Mẹ thì đi chợ mua đồ chuẩn bị cho những ngày tết. Anh trai ra chợ hoa mua cây quất, cây đào về trang trí nhà cửa. Em cũng phụ giúp mọi người hoàn thành công việc của mình. Tuy công việc thật vất vả, nhưng em lại thấy rất vui vẻ. Bởi lâu lắm rồi cả gia đình mới có những giây phút tuyệt vời bên nhau. Những ngày tháng vất vả học tập, làm việc của mọi người trong gia đình đã qua đi.

Vào chiều ba mươi Tết, cả nhà em cùng quây quần bên mâm cơm. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Ông nội thay mặt cả gia đình tổng kết lại những việc đã xảy ra trong năm cũ, và chúc các thành viên trong gia đình một năm mới may mắn, thành công. Sau đó, mọi người cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới đang cận kề. Em cảm thấy vô cùng hạnh phúc, ấm áp. Tối hôm đó, em cùng với anh trai ngồi xem chương trình Táo Quân. Đây là một món ăn tinh thần của hai anh em trong mỗi dịp Tết. Tiếng cười nói của hai anh em làm cho không khí gia đình thêm sôi động hơn. Em thích nhất là vào lúc giao thừa, được xem pháo hoa ở sân vận động huyện. Mọi người tập trung rất đông. Ai cũng nín thở chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới. Khi tiếng pháo hoa vang lên, em háo hức chắp tay cầu nguyện cho một năm mới bình an, may mắn.

Sáng mùng một Tết, mọi người mặc quần áo thật đẹp để đi chúc Tết họ hàng. Khuôn mặt ai cũng đều vui tươi, rực rỡ. Em cũng chúc Tết ông bà, bố mẹ và nhận được phong bao lì xì đỏ thắm. Những ngày này, em được ăn rất nhiều món ăn ngon mà ngày thường không có. Đặc biệt là bánh chưng - món ăn truyền thống phải có vào dịp Tết cổ truyền. Thật thích thú biết bao trước bàn ăn vô cùng hấp dẫn.

Em rất thích mỗi dịp Tết đến, xuân về. Em mong rằng vào mỗi dịp này, sẽ có thêm nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên gia đình.

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 8

Tết Nguyên Đán là một dịp vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy mà tôi vô cùng háo hức mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Vậy là một mùa xuân nữa lại về. Dịp Tết cổ truyền cũng đã đến. Trong lòng mỗi người đều cảm thấy hân hoan. Còn quê hương của tôi giống như được khoác lên mình một chiếc áo mới vậy. Các con đường đều được quét dọn sạch sẽ. Làng xóm rực rỡ trong sắc đỏ của cờ hoa. Hai bên đường, nhà cửa đều được trang hoàng hơn. Các phương tiện giao thông đi lại tấp nập. Ở các khu chợ, người mua bán rất đông đúc, sôi nổi.

Gia đình của tôi đã chuẩn bị đón Tết từ sớm. Hai mươi bảy Tết, công việc dọn dẹp nhà cửa chính thức bắt đầu. Tuy bận rộn, nhưng mọi người đều cảm thấy vui vẻ. Hôm sau, tôi được đi chợ hoa cùng bố mẹ. Bố đã chọn được một chậu hoa đào, và một chậu quất rất to.

Đặc biệt nhất là vào chiều ba mươi Tết, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm Tất niên. Trước khi nhập tiệc, ông nội còn thay mặt các thành viên trong gia đình nói lời tổng kết cho một năm đã qua. Sau đó, mọi người cùng nâng ly nói: “Chúc mừng năm mới”. Đến mười hai giờ đêm, tôi và chị gái sẽ thức để xem pháo hoa. Sáng mùng một Tết, mọi người sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi chúc Tết. Khuôn mặt ai cũng vui vẻ, rạng rỡ. Không khí vui tươi đang tràn ngập khắp mọi người.

Ngày Tết cổ truyền đã đem đến cho con người nhiều điều thú vị. Các gia đình lại có cơ hội được quây quần bên nhau, ôn lại một năm cũ đã qua và chờ đón những điều tốt đẹp sắp đến. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu!

Cảm nghĩ về ngày tết cổ truyền - Mẫu 9

Một trong những dịp lễ quan trọng của người dân Việt Nam chính là Tết Nguyên Đán. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng em lại cảm thấy vô cùng hân hoan và háo hức.

Những ngày gần Tết, khắp nơi đều được trang trí cờ hoa rực rỡ. Mọi con đường được quét dọn sạch sẽ, các phương tiện giao thông đi lại tấp nập. Không khí vui tươi, rộn ràng tràn ngập trên từng thôn xóm, khu phố. Đặc biệt là những khu chợ lúc nào cũng đông đúc người mua, người bán. Các mặt hàng Tết được bày bán rất nhiều như bánh kẹo, mứt Tết, hoa quả…

Trước Tết, nhà nào cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón chào một năm mới sắp đến. Gia đình của em cũng vậy. Mỗi người một công việc khác nhau. Tuy bận rộn, nhưng lại rất vui vẻ. Em cũng phụ giúp bố mẹ quét sân, lau nhà hay tưới cây trong vườn… Sau đó, mọi người cùng nhau đi chợ hoa. Bố của em mua được một chậu đào và một chậu quất rất đẹp. Còn mẹ em mua rất nhiều loại hoa về để chơi mấy ngày tết. Thích nhất là em đã được ngồi xem ông bà, bố mẹ gói bánh chưng. Em còn tự tay gói một chiếc bánh theo sự hướng dẫn của ông nội. Những chiếc bánh chưng vuông tượng trưng cho trời, là một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền từ xưa cho đến nay.

Chiều ba mươi Tết, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên, vừa ăn uống, vừa trò chuyện với nhau về những điều đã xảy ra trong một năm vừa qua. Đến tối, mọi người lại ngồi trước màn hình vô tuyến để xem chương trình “Táo Quân”. Đúng mười hai giờ, em cùng với chị gái lên tầng thượng để xem pháo hoa. Còn ông nội sẽ thắp hương cúng Giao thừa.

Sáng mùng một một Tết, em cùng với chị gái cũng thức dậy, mặc quần áo thật đẹp và xuống nhà để chúc Tết ông bà, bố mẹ. Hai chị em đã được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm cùng với lời chúc thật ý nghĩa. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết họ hàng.

Những ngày tết, em đã có thật nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên gia đình. Em cảm thấy trân trọng dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Video liên quan

Chủ Đề