Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022

{{news.Source}} - {{news.Date | date:'dd/MM/yyyy hh:mm:ss'}}

Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến việc lựa chọn cổ phiếu trở nên khó khăn hơn với nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, mặc dù chưa kết thúc quý 2/2022 nhưng bức tranh kinh doanh đã phần nào hiện rõ và có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Nhóm hàng hóa thiết yếu cơ bản đang có sự phục hồi mạnh hơn so với các nhóm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…


Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022

Nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm 2022.Hình minh họa

Lựa chọn cổ phiếu phòng thủ

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Chứng khoán MB (MBS) tại chương trình Talkshow Phố Tài chính, sau khi thị trường có tín hiệu đầu tiên của sự phục hồi, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh ấn tượng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ, trong đó có những cổ phiếu vượt đỉnh. Hai nhóm cổ phiếu được ưu thích thời gian gần đây là ngành điện, đặc biệt các nhóm thủy điện, nhiệt điện. Nhóm thứ hai là nhóm liên quan đến ngành bán lẻ.

Ông Tuấn cho rằng để tìm ra được những doanh nghiệp phòng thủ, cần tìm kiếm các lĩnh vực được cho rằng, sẽ tăng trưởng trong vòng 2 – 3 năm tới. Nhà đầu tư không nên có tầm nhìn theo quý mà chọn những doanh nghiệp đầu ngành, hướng tới việc chiếm lĩnh thị phần trong ngành nghề đó. Khi nắm giữ các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Chuyên gia MBS cho biết, những nhóm ngành liên quan đến hàng hóa cơ bản tăng trưởng mạnh như phân bón kinh doanh tốt trong nửa đầu năm, các lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu như cá tra đã lên đỉnh, nhóm điện, dầu khí và bán lẻ tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Tuấn đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư là không nên nhìn quá nhiều vào kết quả kinh doanh ấn tượng 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp này, thay vào đó cần có tư duy rằng 6 tháng cuối năm hoặc đến năm sau các doanh nghiệp này sẽ ra sao.

Còn bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho biết 3 nhóm ngành có sự tăng trưởng vượt trội. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm). Nhóm thứ hai là được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch (bán lẻ, vận tải). Nhóm thứ ba là dầu khí khi giá dầu đang có sự tăng trưởng tích cực.


Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect

Về công thức tìm ra cổ phiếu phòng thủ trong lúc thị trường biến động, theo quan điểm của bà Hiền có hai loại đó là cổ phiếu phòng thủ và chiến lược đầu tư phòng thủ. Trong đó, cổ phiếu phòng thủ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dù bất kỳ chu kỳ kinh tế lên hay xuống chịu ít biến động nhất.

Một số đặc điểm nhận diện các cổ phiếu này đó là sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp do có dòng tiền dồi dào ổn định, có lịch sử chi trả cổ tức ổn định. Cùng với đó, beta của các cổ phiếu này thấp hơn so với trung bình toàn thị trường. Trong khi đó, chiến lược đầu tư phòng thủ nghĩa là có thể chọn những nhóm ngành khác nhóm phòng thủ nhưng có định giá thấp.

Về chiến lược đầu tư phòng thủ, nhà đầu tư có thể chọn những doanh nghiệp trong nhóm ngành phòng thủ nhưng cũng có thể chọn những doanh nghiệp trong các nhóm ngành khác mà họ đang ở mức định giá thấp. Việc chúng ta mua được doanh nghiệp tốt và có định giá thấp cũng là phòng thủ hiệu quả.

Định giá thị trường và nhóm cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong thời gian tới

Hiện tại, những rủi ro trên thị trường chứng khoán còn tiềm ẩn như lạm phát, lãi suất tăng… Đánh giá về thị trường thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, sau nhịp sụt giảm vừa qua, nhà đầu tư đã có sự thận trọng hơn do đó ông không kỳ vọng thị trường trở lại mức giao dịch như trước đây. Ông Tuấn đánh giá mức P/E ở thời điểm hiện tại khoảng dưới 14 thì thị trường có thể quay trở lại trạng thái bình thường với mức P/E khoảng 15 lần. Đây là mức phù hợp với tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm nay. Vì vậy, thị trường có thể tăng trưởng khoảng 10% và đạt mức 1.400 điểm.

Theo ông Tuấn, dòng tiền rẻ và dễ dãi của năm 2020 và 2021 sẽ bị phai nhạt dần. Trong năm nay, nhà đầu tư cần chuẩn bị cho môi trường đầu tư với mức độ lãi suất cao hơn. Nhà đầu tư hiện nên tìm kiếm các doanh nghiệp vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay và có trả cổ tức tiền mặt. Từ cổ tức tiền mặt, nhà đầu tư có thể tái đầu tư cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh triển vọng.

Cổ phiếu được định giá thấp theo quan điểm của ông Tuấn đó là mức P/E thấp hơn đáng kể so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cộng thêm lợi nhuận cổ tức tiền mặt.

Ngược lại, bà Hiền có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng, những câu chuyện tích cực của TTCK Việt Nam vẫn còn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng và phục hồi thuộc diện ấn tượng nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số. VNDirect ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khoảng 20%. Cùng với đó là câu chuyện về nâng hạng, dòng vốn nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ.

Động thái của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua đã làm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và cũng làm tăng cường sự minh bạch của thị trường. Bà Trần Khánh Hiền dự báo đến đầu năm 2023, chứng khoán Việt Nam có khả năng quay lại mức đỉnh cũ của của năm 2022 vừa qua.

Đánh giá về nhóm ngành, cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm, bà Hiền cho rằng, một số nhóm ngành dịch vụ như bán lẻ, vận tải, vận tải hàng không và du lịch có tăng trưởng mạnh và kỳ vọng duy trì đến cuối năm. Trong môi trường lãi suất đang có xu hướng nhích lên thì ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi.

Thị trường sẽ có sự phân hóa vào 6 tháng cuối năm. Trong đó, ngành dầu khí được đánh giá vẫn neo ở mức cao trong khi các mã ngành như phân bón, thép, các loại nguyên vật liệu… sẽ có xu hướng chững lại. Ngoài ra, kỳ vọng quý 3 và quý 4 đầu tư công sẽ được kích thích và đẩy mạnh trở lại.

Bất ổn địa chính trị, rủi ro lạm phát và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu cân bằng thế nào với đà phục hồi hậu COVID-19? Đây là câu hỏi đang đặt ra với các nhà giao dịch chứng khoán - kênh đầu tư gắn liền với các dịch chuyển trong và ngoài nước. Để đánh giá các yếu tố tác động này, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố một báo cáo chi tiết.

Báo cáo phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy được đà phục hồi tích cực trong bối cảnh lạm phát gia tăng, siết chặt chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn. Các biến động trên thị trường thế giới gần đây cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thu hút đầu tư trong xu thế toàn cầu hóa kiểu mới hậu COVID-19.

Với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là tâm điểm dành được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Hàng loạt giải pháp liên quan đến thanh kiểm tra và bình ổn thị trường của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được nhà đầu tư đón nhận một cách tích cực nhờ tính thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dự báo diễn biến thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm

Đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, VN-Index đã điều chỉnh giảm khá sâu trong 5 tháng đầu năm. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm và có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5.

Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2022

Thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2022 cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%.

Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của thị trường.

Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng và tích cực. Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 theo đánh giá của Nikkei Asia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất được ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's, S&P đánh giá tích cực trong bối cảnh lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế thu hút dịch chuyển đầu tư sản xuất khi là cầu nối kinh tế giữa 2 khu vực đông dân và năng động Trung Quốc và Đông Nam Á, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của Dragon Capital, nếu duy trì được lợi thế này, mức tăng trưởng GDP đều đặn hàng năm từ 6,5-7%/năm là kịch bản khả quan trong vài năm tới.

Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối dồi dào (110 tỷ USD) giúp NHNN có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế hồi phục là động lực trọng yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.

Thanh Tùng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam