Tại sao khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng

Trên chuyến bay của Pacific Airlines khởi hành từ Phú Quốc [Kiên Giang] đến TP.HCM chiều 2.5, gần 1/3 lượng khách là người nước ngoài, đa phần là khách châu Á và một số lượng nhỏ khách Tây Âu. Ngồi kế chúng tôi là chị Thanh Liên [quê Thái Bình] cùng ông xã người Singapore. Chị Liên kể, hai anh chị sống và làm việc ở Singapore đã gần 4 năm, gần như năm nào cũng về Việt Nam 2 - 3 lần để thăm gia đình. Dịch bệnh khiến gia đình chị hơn 2 năm chưa được gặp nhau. Do đó, ngay sau khi nghe thông tin Việt Nam mở lại các chuyến bay quốc tế, anh chị đã thu xếp công việc để trở về Việt Nam.

Du khách quốc tế đến Phú Quốc dịp Tết 2022

“Chúng tôi ở đây đã gần 1 tháng rồi. Mọi lần về chỉ khoảng 1 tuần, nhanh chóng thăm họ hàng rồi lại đi nên chồng tôi cũng chưa biết nhiều về Việt Nam. Lần này xin nghỉ dài để đi chơi khắp nơi. Chồng tôi mê biển Việt Nam. Sau khi đi dọc từ Đà Nẵng tới Phú Quốc, vào TP.HCM chúng tôi sẽ nhập với một hội bạn cũng mới từ Singapore sang để đăng ký đi Sơn Đoòng. Suốt 2 năm chưa đi du lịch, giờ sang Việt Nam được đi chơi thoải mái thế này, họ thích lắm”, chị Liên nói.

Hai năm đóng cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế vì dịch Covid-19, những vị khách người nước ngoài hiếm hoi xuất hiện đã đem đến nguồn năng lượng lớn cho các khu du lịch. Cận lễ, ngày 29.4, Đà Nẵng đón đoàn 220 khách Hàn Quốc đầu tiên trở lại sau dịch. Trước đó, Hội An, TP.HCM cũng lần lượt đón hàng trăm khách Mỹ. Phú Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn sàng từ hạ tầng du lịch tới nguồn nhân lực để đón dòng khách quốc tế đông đảo trở lại từ tháng 5 này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 là gần 70.000 lượt, tăng 466,7% so với tháng 3. Bốn tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 92.000 lượt khách, tăng gần 90% so với cùng kỳ, trong đó tính từ thời điểm mở cửa 15.3 đến nay là hơn 80.000 lượt.

Số liệu từ Cảng vụ miền Nam cũng chỉ ra sân bay Tân Sơn Nhất - hiện đảm nhận 40% tổng công suất bay của cả nước - sau khi mở lại hoàn toàn mạng bay quốc tế từ ngày 15.3 ghi nhận lượng khách quốc tế tăng rất nhiều. Từ 2.000 khách quốc tế đến sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 15.3, tới ngày 27 - 28.4, lượng khách đã tăng gấp 3 lần, lên 6.000 khách/ngày.

Những tín hiệu vui nhanh chóng trở lại là nhờ sức hút của điểm đến Việt Nam vẫn luôn được duy trì, “hâm nóng” trong suốt quãng thời gian ngành du lịch thế giới đóng băng vì dịch bệnh. Ngay trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam vẫn không ngừng được xướng tên trong các cuộc trao giải, bình chọn giải thưởng, danh hiệu danh giá trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam được giải thưởng World Travel Awards thế giới xướng danh ở 2 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á và Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á. Chỉ riêng Sun Group đã đạt 24 giải cho các hạng mục điểm đến, công trình khắp cả nước như: Cầu Vàng tại Đà Nẵng giành danh hiệu “Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”; Sun World Ba Na Hills với danh hiệu “Khu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới”; JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Phú Quốc - Khu nghỉ dưỡng sang trọng dành cho đám cưới hàng đầu thế giới… Đặc biệt hiện nay, mọi hạn chế đối với khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã được gỡ bỏ đã khiến nhiều người gốc Việt và khách quốc tế quan tâm hơn.

Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy: Ở khu vực Đông Nam Á, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Singapore có sự tăng bắt đầu từ đầu tháng 3.2022, tăng đến 400%. Khách đến từ Úc tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ở mức cao trong khoảng 3 tháng đầu năm nay, với mức tăng 760% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng tìm kiếm của khách quốc tế đến từ Mỹ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 2 với khoảng 480%, Pháp tăng 376% so với cùng kỳ năm 2021 và Đức tăng khoảng 350% vào đầu tháng 2. Kết quả đạt được từ đầu năm 2022 đến nay đã giúp du lịch Việt Nam ghi tên trong top có chỉ số tìm kiếm tăng cao nhất trên thế giới, đạt hơn 75%. Tương tự, lượng tìm kiếm về hàng không đến Việt Nam từ đầu tháng 3.2022 đã tăng vọt. Nếu ngày 1.3 tăng 283% so với cùng kỳ năm 2021 thì đến thời điểm ngày 15.3 tăng lên 386%; đến đầu tháng 4 tăng vọt lên 600% và tới trung tuần tháng 4 đạt mức tăng 800% so với cùng kỳ năm trước…

Lan tỏa nhiều lĩnh vực kinh tế

Ông Phạm Quốc Quân, Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam, cho biết để thu hút nhiều hơn nguồn khách du lịch quốc tế, Sun Group cũng liên tục phối hợp các đối tác, tổ chức các famtrip và presstrip để đưa đoàn báo chí, TikToker... từ Thái Lan đến Bà Nà [Đà Nẵng], Hòn Thơm [Phú Quốc], Hạ Long [Quảng Ninh]. Đặc biệt, tập đoàn này cũng đang có kế hoạch tổ chức roadshow tại các thị trường quốc tế trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. “Chúng tôi tin rằng với các chính sách mở cửa linh hoạt mà Chính phủ và ngành du lịch đang nỗ lực thực hiện cùng sự năng động của các doanh nghiệp [DN], sớm thôi, từ nay đến cuối năm 2022, khi có thêm nhiều đường bay quốc tế được nối lại, lượng khách quốc tế tới Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Quân chia sẻ.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo [Trường ĐH Kinh tế TP.HCM], đánh giá ngành du lịch có liên quan, đóng góp với hơn 20 lĩnh vực khác nhau như lưu trú, ẩm thực, tiêu dùng, bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng, condotel… Trong đó, chi tiêu của du khách cũng là một phần khá quan trọng để góp phần kích thích tiêu dùng nội địa. Hơn 2 năm qua, do thiếu du khách nên không chỉ khách sạn, khu vui chơi bị “ế” mà ngành dịch vụ ăn uống [F&B] cũng bị ảnh hưởng nặng. Vận tải từ hàng không đến đường sắt, đường bộ… cũng gặp muôn vàn khó khăn. Những tín hiệu lạc quan của ngành du lịch sau đợt lễ 30.4 - 1.5 sẽ góp phần đưa kinh tế hồi phục và tăng trưởng như mục tiêu đặt ra. Ngoài lượng khách nội địa, cơ hội đón khách quốc tế quay trở lại đối với Việt Nam cũng rất lớn do Việt Nam đã chủ động mở cửa hoàn toàn cho du khách, mở lại đường bay quốc tế, bỏ khai báo y tế đối với người nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam hầu như đã kiểm soát được dịch Covid-19 khá tốt để người dân trong nước lẫn du khách yên tâm đi lại nhiều nơi.

Để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa, ông Nghĩa nhấn mạnh các DN lẫn địa phương vẫn cần tiếp tục chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng, đào tạo nhân sự để đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bởi sau đại dịch có thể thiếu mất một số nhân sự quen việc; thói quen của du khách cũng thay đổi; hay thị trường khách quốc tế tiềm năng cũng khác. Chẳng hạn như khách từ Nga, Ukraine sẽ chưa thể quay trở lại thì DN phải tìm kiếm nguồn khách khác…

“Việt Nam có lợi thế là đã kiểm soát tương đối tốt dịch Covid-19 và chủ động mở cửa du lịch. Tuy nhiên, khách quốc tế vẫn còn phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia. Nhưng hơn hết, bản thân các DN, từng địa phương đều làm tốt từ sản phẩm đến dịch vụ của mình, đảm bảo chất lượng thì cả khách trong nước lẫn quốc tế sẽ tăng nhanh khi các quốc gia đã mở cửa hoàn toàn trở lại”, ông Huỳnh Phước Nghĩa chia sẻ thêm.

Tin liên quan

Tại sao khách quốc tế đến Việt Nam không đạt như kỳ vọng?

[NLĐO]- Thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

  • Bay quốc tế không như kỳ vọng, hàng không đối mặt khó khăn tài chính

  • Khách bay quốc tế tăng 502%

  • Cục Hàng không đề xuất tăng trần giá vé máy bay

  • Giá vé máy bay nhấp nhổm tăng theo giá xăng dầu

Thị trường trọng yếu vẫn gặp khó

Tại hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới" do Tạp chí Cộng sản phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 24-5, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá sang năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch [năm 2019].

Ảnh: Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Nội Bài

"Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch, nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan [Trung Quốc] vẫn chưa được kích hoạt do các quốc gia, vùng lãnh thổ này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Thị trường khách Nga thì bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại do xung đột Nga - Ukraine" - ông Thắng cho hay.

Mặt khác, do ảnh hưởng của Covid-19, trên bình diện quốc tế, thu nhập của người dân bị tác động lớn nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

"Giá nhiên liệu tăng cao liên tục vừa qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề. Chưa kể, xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến các đường bay Châu Âu của các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí"- ông Thắng nêu hàng loạt thách thức.

Theo GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện tại có một số dự báo về quy mô phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022 nhưng kịch bản trung bình với tính khả thi cao là năm 2022 thị trường hàng không đón 4.243 triệu lượt hành khách, trong đó dự báo sẽ có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, lượng khách nội địa sẽ gần như phục hồi hoàn toàn, đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch. Nhưng thị trường quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019 và sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế [IATA], thị trường hàng không quốc tế thế giới sẽ hồi phục ở mức năm 2019 vào năm 2025 song không phải tất cả các thị trường đều phục hồi với tốc độ như nhau. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tụt hậu trong quá trình phục hồi và theo dự báo, phải đến năm 2024 thì khu vực này mới đạt mức 97% so năm 2019..

Cần chính sách hỗ trợ

Nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp hàng không nhằm có thể sớm phục hồi và phát triển; Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không...

Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, để các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển thì việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là điểu hết sức quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng cần được xem xét: Đề nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng.

Theo Nghị quyết số 11/NQCP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các doanh nghiệp hàng không có thể được hỗ trợ lãi suất 2% trong 02 năm 2022-2023 thông qua các ngân hàng thương mại cho các khoản vay thương mại và tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2022. "Đây thực sự là nguồn hỗ trợ quý giá, kịp thời của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hàng không"- ông Thắng nói và cho biết Cục sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành hàng không.

Trong tham luận tại hội thảo, GS, Nawal Taneja cho rằng trên toàn thế giới, nhu cầu đi lại đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ 3 yếu tố thuận lợi: các quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới, ngành hàng không tăng cường cải cách trên nhiều mặt và các Chính phủ triển khai hỗ trợ tài chính. Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp cơ sở hạ tầng để gia tăng năng suất và thứ bậc trong chuỗi cung ứng giá trị của Việt Nam; phát triển hãng hàng không quốc gia, hướng tới mở rộng mạng đường bay, tần suất bay, thúc đẩy giao thương với các đối tác chiến lược trên thế giới như Mỹ.

Hàng không dẫn sóng phục hồi sau đại dịch

Nhiều đại biểu tại hội thảo bày tỏ kỳ vọng hàng không sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP.

Dương Ngọc

Video liên quan

Chủ Đề