Tại sao hitle giết người do thái

Kể từ sau chiến tranh Lạnh, một loạt vấn đề tưởng như đã chìm vào quá khứ hoặc ngủ vùi trong các sách giáo khoa lịch sử nay bỗng bùng nổ trở lại.

Hiện tượng xem xét, đánh giá lại hàng loạt sự kiện lịch sử của thế kỷ 20 đã và đang diễn ra ở khắp các châu lục, kéo theo các vụ kiện tụng tốn kém và phức tạp.

Thiện ác, anh hùng và kẻ xấu

Câu hỏi nay là trách nhiệm cá nhân hay tập thể cho hành vi trong quá khứ, về điều đúng sai khi đánh giá một nhân vật chính trị.

Người ta nói đến thời Saddam Hussein cầm quyền nhưng cũng nói đến vai trò của Mỹ khi giúp Saddam Hussein đánh lại Iran.

Lúc ông Slobodan Milosevic bị đưa ra tòa án quốc tế, người ta không thể quên rằng với một không ít người Nam Tư hay Serbia, ông ta là anh hùng sa cơ lỡ vận chứ không phải tội phạm.

Rồi vụ xử Pinochet cho thấy hai nhóm người Chile biểu tình chống lại nhau, một nhóm ủng hộ ông Pinochet, nhóm kia lên án ông là kẻ sát nhân.

Trong không khí đó, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị cuốn sách của Jacek Zakowski, một nhà báo nổi tiếng ở Balan về đề tài này.

Ông Slobodan Milosevic trước tòa quốc tế


Cuốn sách ‘Rewanz pamieci’, tạm dịch là ‘Ký ức đòi lên tiếng’ đặt ra những câu hỏi sâu sắc về trào lưu nhìn lại lịch sử từ Đông sang Tây những năm qua.

Bắt đầu từ Holocaust

Theo ông Jacek Zakowski, tất cả bắt đầu từ quá trình nhìn lại vụ Holocaust tức cuộc Diệt chủng người Do Thái ở châu Âu thời Thế Chiến Hai.

Nay nó không chỉ còn được nói đến ở Đức và Israel, mà cả ở Hoa Kỳ, Thụy Sỹ qua vụ đòi bồi thường cho con cháu các nạn nhân Do Thái từng ký gửi tiền và vàng ở các nhà băng Thụy Sỹ.

Khoản tiền bồi thường nay lên tới hàng triệu đôla. Đó là chưa kể uy tín nước Thụy Sỹ bị sứt mẻ vì các ngân hàng nước này, dựa theo những điều luật của chính họ, đã ỉm đi hàng chục năm liền chuyện trả lại tiền cho gia đình những người bị Đức Quốc Xã giết chết trong các lò thiêu người.

Từ đó, các vụ như người Do Thái bị thảm sát ở Jedwabne, Balan thời Thế Chiến Hai đột nhiên bùng lên với các cáo buộc và câu hỏi:-Ai là thủ phạm?

Tại CH Czech cũng có vấn đề với những vụ trục xuất người Đức vùng Sudet. Đa số họ ủng hộ Hitler nhập vùng này vào Đế Chế Đức, đó là ‘tội’ của họ trong con mắt người Czech.

Nhưng ngược lại, con cháu những người Đức này nay đòi bồi thường cho của cải, nhà đất bị nước Tiệp Khắc chiếm sau khi tống cổ họ ra khỏi nhà lúc Thế Chiến kết thúc và nước Đức thua trận.

Quân Đức thời Thế Chiến Hai


Vào thời điểm đó, trong không khí trả thù, nhiều thường dân Đức vùng này cũng như ở miền Tây Balan bị giết chết không có toà án.

Tại Balan nay nổi lên vụ Jedwabne. Những thủ phạm trực tiếp đánh giết và thiêu sống hàng chục gia đình Do Thái ở Jedwabne là người Balan sống tại đó. Nhưng cũng có ý kiến nói đó là thời Balan bị phát-xít Đức chiếm đóng, và không thể có vụ thảm sát nếu chính quyền Đức không khuyến khích.

Hàng loạt sử gia Balan, Mỹ, Israel đã vào cuộc, và cho đến nay vấn đề tuy đã tạm lắng nhưng vẫn chưa ngã ngũ về trách nhiệm của vụ này dù tổng thống Aleksander Kwasniewski đã nhân danh nước Balan chính thức xin lỗi người Do Thái.

Giữa Đen và Trắng

Tại Hoa Kỳ, quá trình xem xét lại nạn buôn bán và sử dụng nô lệ da đen từ thế kỷ 17 đến 19 ở Mỹ cũng bị đánh giá lại với các tên tuồ̉i như Randall Robinson. Cuốn sách của tác giả này mang tên ‘The Debt:What America Owes to Blacks’ [Món nợ của nước Mỹ đối với người da đen], đặt vấn đề rằng không chỉ các chủ nô có tội mà mọi người Mỹ da trắng, kể cả những người bây giờ, đều phải chịu trách nhiệm về các tội ác đối với nô lệ da đen.

Tại Pháp những năm qua bùng lên vụ như vai trò của quân Pháp ở Algeria trong thập niên 60 sau khi tướng Paul Aussaresses thú nhận với báo chí rằng đặc vụ Pháp đã tra tấn và giết dã man nhiều người Algeria. Đặc biệt hơn, vị tướng này nói ông làm việc đó với sự đồng ý của bộ trưởng Francois Mitterand, người sau này làm tổng thống Pháp.

Theo tác giả Zakowski, khỏi phải nói đến những nhân vật như Stalin, Mao và Polpot vì mọi sự đã quá rõ, nhưng cũng cần nói đến trách nhiệm của nữ hoàng Anh Victoria, rồi tổng thống Mỹ Kennedy trong các cuộc chiến.

Về châu Á, tác giả Zakowski cũng nhắc đến vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Việt Nam, tranh luận về tội ác của quân đội Nhật Hoàng ở Trung Quốc và Triều Tiên và đặt các câu hỏi xung quanh vấn đề này.

Phe hữu ở Nhật với lá cờ thời quân phiệt trước đền Yasukuni


Ông trích lời Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain khi nói về vụ Mỹ Lai:”Có lẽ những người chưa từng ra trận thì sẽ không bao giờ hiểu được vì sao”.

Một trào lưu nhìn lại

Zakowski công nhận rằng hàng loạt vấn đề nhìn lại lịch sử đều thuộc loại vô cùng khó khăn. Nhưng ông cho rằng đây là một trào lưu, khi mà dòng sử chính thống ở mọi quốc gia đang gặp khủng hoảng.

Người ta cần xét lại quá khứ để biết mình đang ở đâu trước khi có thể chọn hướng cho tương lai.

Sử viết theo kiểu sách giáo khoa bị các sử liệu riêng tư như hồi ký, nhật ký, phóng sự báo chí, phim tài liệu v.v đẩy sang một bên. Những tiếng nói dù đơn lẻ, vốn bị dìm sau nhiều năm, nay dội lại và có sức hấp dẫn hơn sử chính thống.

Ông trích lời các nhà nghiên cứu để nói rằng quá trình tìm lại bộ dạng thật của mình diễn ra tại các xã hội Âu, Mỹ, Á là hệ quả của việc những sợi dây truyền thống nối kết các khối người lại với nhau nay có vẻ lỏng ra.

Theo Zakowski, sự vận động của lịch sử suốt mấy thế kỷ qua đã để lại vô số câu hỏi đạo đức. Ông điểm ra rằng:

+Sự vươn lên của các dân tộc trong thế kỷ 18-19 đã đưa đến chủ nghĩa sô-vanh và dân tộc cực đoan. Một biến dạng khủng khiếp của nó là chủ nghĩa phát-xít và phân biệt chủng tộc.

+Sự vươn lên của các giai cấp bị trị trong thế kỷ 19-20 đã đưa đến chủ nghĩa bôn-sê-vích và chủ nghĩa cộng sản. Nay mô hình này đã phá sản, để lại một khoảng trống về tư duy lịch sử.

Cũng theo đà lý luận này, ông cho rằng việc xét lại lịch sử là hệ quả của cuộc vận động, sự vươn lên của các nhóm thiểu số từ sắc tộc, nữ quyền đến người đồng tính v.v. trong thế kỷ 20.

Lấy ví dụ căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc quanh vụ người Nhật không chịu thừa nhận các tội ác chiến tranh trong sách giáo khoa lịch sử, ông Zakowski kết luận rằng những vấn đề như vậy nếu không được giải quyết sẽ gây hại không thể lường trước cho cả một khu vực.

An ninh của cả vùng Đông Á có thể sẽ suy giảm nếu thái độ cứng rắn, thiên hữu của Nhật Bản trong vụ sách giáo khoa làm phe quân sự tại Trung Quốc đẩy thái độ dân tộc chủ nghĩa bài ngoại tăng lên.

Chính trị và lịch sử

Theo ông, các chính trị gia luôn lợi dụng lịch sử và sẵn sàng dùng lá bài lịch sử trong cuộc chơi của họ. Vì thế, nhiệm vụ của các sử gia, các nhà nghiên cứu là phải luôn sẵn sàng nhắc đến sự thật, kể cả sự thật xấu hổ cho dân tộc mình. Nếu không, cả một dân tộc sẽ bị các bóng đen quá khứ đè nặng.

Ông ca ngợi thái độ dũng cảm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Taner Akcam, người đã lên truyền hình nói nhiều tiếng liền về vụ người Thổ thảm sát 1,5 triệu người Armenia năm 1915. Quân đội và thường dân Thổ đã bắn giết và triệt hạ nhiều làng mạc của dân Armenia. Lính Thổ dùng lưỡi lê để đâm chết các phụ nữ, còn các dân thường Thổ thì cầm chân và đập đầu trẻ em Armenia vào vách đá cho tới lúc nát óc.

Trong thời gian diễn ra cuộc phỏng vấn trực tiếp, rất nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi điện vào đài truyền hình chửi mắng ông Akcam. Nhưng sau đó, số người ủng hộ ông trên báo chí đã lên tiếng cũng rất mạnh mẽ.

Thực ra, người dân Thổ Nhĩ Kỳ nào cũng đã biết ít nhiều về vụ thảm sát năm 1915 nhưng cả một dân tộc, và nhất là nhà nước, đã có thái độ cố ý quên một cách tập thể, coi đó là một 'tai nạn' trong chiến trận, cho đến ngày ông Akcam can đảm nói to lên.

Tội ác diệt chủng thời Đế Quốc Ottoman do người Thổ làm chủ


Taner Akcam cũng nói đến những gương tốt như thống đốc Thổ Tashin Beyu, người đã không chịu thi hành lệnh trên mà còn ra tay cứu nhiều ngàn người Armenia. Như vậy, người tốt, người xấu ở đâu cũng có.

Thế hệ nào cũng có trách nhiệm riêng

Nhưng một người Thổ bây giờ có phải chịu trách nhiệm gì về vụ thảm sát 1915, hay một thanh niên Đức bây giờ phải có thái độ thế nào về các tội ác người Đức thời Hitler gây ra ở châu Âu?

Cuốn sách của Zakowski trong phần phỏng vấn với sử gia Do Thái Yehuda Bauer từ viện Yad Vashem ở Jerusalem đã chỉ ra một cách sống.

Theo Yehuda Bauer thì các thế hệ sau không có tội lỗi gì, không phải chịu trách nhiệm gì về những điều xấu xa cha ông họ gây ra. Nhưng họ có trách nhiệm làm sao để những điều đó không tái diễn ra trong tương lai ở đất nước họ. Họ không được quyền giả vờ không biết hoặc cố ý quên.

 Một người hãy chỉ nên tự hào về những điều chính mình đạt được

Tổng thống Đức Johannes Rau


Theo tác giả Jacek Zakowski, không ai có thể trốn chạy được quá khứ và ông trích lời triết gia Balan Leszek Kolakowski rằng: “Trước món nợ quá khứ ta không thể đòi người khác làm gì được mà chỉ có thể đòi chính mình hãy làm gì để tâm hồn được trong sạch”.

Ngược với sự xấu hổ về quá khứ thì có vấn đề tự hào lịch sử. Ta nên có thái độ thế nào?

Tác giả Zakowski đã trích lời tổng thống Đức Johannes Rau rằng “Một người hãy chỉ nên tự hào về những điều chính mình đạt được”, hàm ý thế hệ trẻ không bám vào những chiến công hay thành tích các thế hệ trước tạo nên.

Nói theo kiểu một nhà văn Việt Nam là không nên ‘ăn mày dĩ vãng’.

Nhưng tác giả Zakowski cũng không quên trích lời dân biểu Đức Guido Westewelle đáp lại tổng thống Rau rằng “Tôi cứ tự hào về bố mẹ tôi dù tôi không tạo ra họ”.

Như thế, tự hào hóa ra cũng là một đề tài khó có chung một kết luận.

Video liên quan

Chủ Đề