So sánh thông tư 22 và thông tư 30 năm 2024

Thông tin Mô tả Người gửi Bạn đọc Email [email protected] Ngày đăng 30/03/2018

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai trên cả nước trong 2 năm học, bên cạnh những đổi mới thì Thông tư 30 không thể tránh khỏi những hạn chế. Chính vì vậy mà ngày 22/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 06/11/2016. Sau đây là những điểm mới của Thông tư 22 ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học.

1. Về đánh giá thường xuyên

Đánh giá thường xuyên là đánh giá trong quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, kĩ năng, thái độ và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh, được thực hiện theo tiến trình nội dung của các môn học và các hoạt động giáo dục. Đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học sinh nhằm hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.

– Đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất: Giáo viên căn cứ các biểu hiện về nhận thức, kĩ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét; cho học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn; khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.

So sánh thông tư 22 và thông tư 30 năm 2024

– Đánh giá thường xuyên về học tập: Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời, điều này giảm việc giáo viên phải ghi nhận xét nhiều trong sổ theo dõi chất lượng như những năm trước.

2. Về đánh giá định kì

2.1. Đánh giá định kì về năng lực, phẩm chất

Thông tư 22 quy định vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào các biểu hiện liên quan đến nhận thức, kĩ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh, được lượng hóa bằng ba mức: “Tốt”, “Đạt”, “Cần cố gắng” (theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức “Đạt” và “Chưa đạt”). Việc lượng hóa này, giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh nhìn nhận, xác định được rõ ràng hơn về mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện; cách đánh giá này cũng giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp tiếp cận kiến thức. Căn cứ vào kết quả đánh giá này, giáo viên, nhà trường có cơ sở để đưa ra các giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn

2.2. Đánh giá định kì về học tập

Đánh giá chất lượng học tập của học sinh, Thông tư 22 đã quy định 3 mức đánh giá vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức:

– Hoàn thành tốt: Thực hiện Tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

– Hoàn thành: Thực hiện Được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

– Chưa hoàn thành: Chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Với kết quả đánh giá như vậy sẽ khuyến khích được sự nỗ lực phấn đấu của học sinh, các bậc phụ huynh cũng nắm rõ được năng lực học tập thực sự của con mình để giúp các em ngày một tiến bộ.

Riêng đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II. Đây là điểm hoàn toàn mới so với Thông tư 30, là điểm thay đổi quan trọng trong Thông tư 22, nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo. Các bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh.

Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kì I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập.

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Với việc điều chỉnh này, giáo viên đánh giá học sinh chính xác hơn, phụ huynh nhìn vào kết quả đánh giá của nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Giáo viên chủ nhiệm thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh.

3. Về sổ sách, hồ sơ, ghi học bạ

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền chủ động theo dõi sự tiến bộ của học sinh, thầy cô giáo có thể ghi chép những lưu ý của mình với những học sinh có tiến bộ nổi trội hoặc có nội dung chưa hoàn thành để tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Đây là điểm thay đổi tiến bộ sẽ giúp giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan tâm, dạy dỗ học sinh, ngoài việc góp phần nâng cao chất lượng dạy và học còn giúp thầy cô thuận lợi hơn trong việc đánh giá và nhận xét. Cụ thể, giữa học kì và cuối học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của các lớp được lưu giữ tại nhà trường theo quy định.

Cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Học bạ. Học bạ được nhà trường lưu giữ trong suốt thời gian học sinh học tại trường, được giao cho học sinh khi hoàn thành chương trình tiểu học hoặc đi học trường khác.

4. Xét hoàn thành chương trình lớp học

Thông tư 22 quy định, học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt các điều kiện sau:

– Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục: Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành.

– Đánh giá định kì về từng năng lực và phẩm chất cuối năm học: Tốt hoặc Đạt.

– Bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt điểm 5 trở lên.

5. Về khen thưởng

Thông tư 22 quy định việc khen thưởng rõ hơn, cụ thể:

– Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: Là những học sinh có kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

– Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất 1 môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

– Khen thưởng đột xuất cho những em có thành tích đột xuất trong năm học. Riêng học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng.

Những điểm mới này đã giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

6. Về trách nhiệm của Hiệu trưởng

Thông tư 22 đã điều chỉnh và cũng nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng: “Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sinh”. Tránh việc áp đặt nội dung, hình thức vì chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy nên hiểu rõ về các em.

Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kì cho hiệu trưởng, khắc phục bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.

Như vậy, Thông tư 22 đã phát huy, kế thừa và cụ thể hóa tinh thần nhân văn của Thông tư 30. Mong rằng Thông tư 22 sẽ giúp các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương và đặc biệt góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục./.