Lợi ích cá nhân là gì

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự xứng đáng là cán bộ, đảng viên của Đảng, để nhân dân quý trọng, tin yêu, phải "kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng"; phải "bồi dưỡng tư tưởng tập thể", phải "mình vì mọi người". Xưa nay, biết bao số phận đã từng trăn trở tìm kiếm đâu là hạnh phúc chân chính, biết bao trái tim thổn thức vì lẽ riêng chung, biết bao người day dứt làm sao để sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ... Những trăn trở, thổn thức, day dứt vì lẽ riêng chung đó đều có thể tìm thấy những chỉ dẫn xử thế trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, "lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể"; như thể sự gắn kết tự nhiên, hợp lẽ vốn có từ lâu trong tâm thức dân gian Việt Nam - dân giàu, nước mạnh. Với Người, mỗi khi kêu gọi, phát động toàn dân thực hiện một phong trào đồng nghĩa với đem lại quyền lợi cho từng người "đồng bào ta ai cũng", "toàn quốc... ai cũng", "nhân dân ai nấy". Làm theo Hồ Chí Minh là làm vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì cách mạng trong đó có mình. Theo Người, "lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn". Theo Người, chủ nghĩa xã hội là tất cả những gì liên quan mật thiết với lợi ích của mỗi người, nơi kết hợp đẹp đẽ giữa cá nhân và tập thể, nơi giải quyết thỏa đáng giữa cống hiến và hưởng thụ, nơi bảo đảm hài hòa lợi ích của xã hội và lợi ích mỗi cá nhân. Bởi vậy, Người coi chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa lợi mình, hại người [biểu hiện trong một loạt các thói tật: làm gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, ngại gian khổ, khó khăn, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành; tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền; quan liêu, mệnh lệnh...] là "kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội".

Người cho rằng: "Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân". Người khuyến khích cán bộ, đảng viên, đoàn viên "biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng". Người nói: "Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là "giày xéo lên lợi ích cá nhân". Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu... Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng. Trái lại, chúng ta phấn đấu hy sinh, vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng no ấm, sung sướng".

Nhìn thấu mối quan hệ giữa các lợi ích trong quá trình xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhìn thấu thực trạng "mọi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội cũ hoặc nhiều, hoặc ít. Cho nên trong người chúng ta hoặc nhiều, hoặc ít không tránh khỏi có cái ác, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi", Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng: "Muốn xây dựng xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng một chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người của đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân". Từ Đại hội VI, khi khởi xướng sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã cảnh báo: "Vấn đề đạo đức xã hội đang đặt ra một cách cấp bách". Đến Đại hội VII, Đảng ta không chỉ đánh giá thực trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội nói chung mà còn chỉ rõ: "Sự sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rất nghiêm trọng". Đến Đại hội VIII, Đảng nhận định không chỉ có một bộ phận mà chỉ ra rằng: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về phẩm chất đạo đức và lối sống". Sau một thời gian thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 [lần 2], Hội nghị Trung ương 4 [khóa IX] trong khi ghi nhận thực hiện cuộc vận động này đã "góp phần củng cố và nâng cao một bước đáng kể nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp tục được cảnh tỉnh, răn đe..." đã chỉ ra: "Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa tạo ra được những chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng Đảng, trong việc nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là chưa ngăn chặn, đẩy lùi được nạn tham nhũng, tiêu cực"... và nhấn mạnh: "Đây thực sự đang là những vấn đề bức xúc trong xã hội ta hiện nay. Nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, thậm chí còn là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta". Đại hội X nhận định: "Tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng".

Theo một số liệu thống kê, từ sau Đại hội IX đến năm 2005, Đảng ta đã phải thi hành kỷ luật 45.000 đảng viên vi phạm, trong đó khai trừ 13,9%, cách chức 5,4%, phạt giam hơn 900 trường hợp. Trong đó không ít là cán bộ do cấp ủy tỉnh và tương đương trở lên quản lý và mức độ vi phạm là nghiêm trọng, đều là biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác của chủ nghĩa cá nhân. Điều đó cho thấy vấn đề quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập hơn 40 năm trước luôn có tính thời sự. Ngay cả trước lúc đi xa, trong những điều dặn lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Điều đó cho thấy, để các tổ chức Đảng lãnh đạo quần chúng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra đòi hỏi Đảng phải bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung với lý tưởng của Đảng, thật sự thực hành đạo đức cách mạng. Phải tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên trong rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, thường xuyên lấy ý kiến nhận xét của quần chúng về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; kỷ luật nghiêm minh những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức.

Đạo đức, dù muốn hay không đều gắn với hệ tư tưởng của một giai cấp, nhất là giai cấp cầm quyền. Vì vậy, trong khi nhấn mạnh vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, cần đặc biệt chú ý vấn đề thực hành đạo đức cách mạng. Kinh nghiệm lịch sử của Đảng ta luôn chỉ rõ, tổ chức Đảng không những phải chăm lo bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, mà còn phải bằng mọi hoạt động của mình nâng cao văn hóa - đạo đức cho cán bộ, đảng viên; để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng "thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", thực sự tiêu biểu cho những giá trị văn hóa - đạo đức để có thể cảm hóa, thuyết phục được quần chúng tin Đảng, luôn đi theo Đảng.

Chủ Đề