Khó khăn xây dựng trường chuẩn quốc gia

Là huyện miền núi, vùng cao, biên giới đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, điều kiện giao thông đến một số cơ sở trường chưa thuận lợi, cơ sở vật chất trường lớp đầu tư chưa nhiều, nguồn lực hạn chế, nhưng thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu đã khắc phục mọi khó khăn để thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Để xây dựng mô hình trường học chuẩn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 1059/KH-UBND ngày 15/7/2011 về xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND huyện về xây dựng trường chuẩn quốc gia, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa bằng nhiệm vụ năm học và tích cực tham mưu với UBND huyện quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với ngành giáo dục thực hiện có hiệu quả các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia đối với các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn qua các năm học. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và cha mẹ học sinh, phối hợp tích cực giữa gia đình và nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng  trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn.

1. Thực trạng về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện

Xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu nằm trong kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đến năm 2015, toàn huyện có 70% trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là mục tiêu quan trọng mang tính đột phá đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện.

Trên cơ sở 5 tiêu chí của trường chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu với huyện hoàn thiện các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và kết quả đạt được như sau:

Huyện đã đầu tư, chăm lo và tạo mọi điều kiện cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; củng cố, nâng cao năng lực quản lý trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và các hoạt động dạy và học; tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện nhằm thực hiện tốt mục đích thúc đẩy, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hoạt động của nhà trường.

Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ đạt kết quả khả quan, huyện đã hoàn thành việc chuẩn hóa, nâng chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên và thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn 58,40% [Mầm non: 60,4%; Tiểu học: 65,3%; THCS: 38,6%]. Tổ chức bộ máy hợp lý, ổn định, xây dựng biên chế đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động chung của ngành.

Toàn huyện có 27 trường [08 trường Mầm non; có 09 trường Tiểu học;  7trường Trung học cơ sở; 01 trường Trung học phổ thông; 01 trường THCS&THPT; 01 trường phổ thông DTNT. Hiện nay, có 11/27 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chưa có trường nào đạt chuẩn về cơ sở vật chất.

Một số trường, điểm trường được xây dựng đã lâu nên kích thước, thiết kế không đủ tiêu chuẩn so với quy định của trường chuẩn quốc gia. Phần lớn các điểm  trường lẻ chưa có tường rào; sân chơi, bãi tập không đủ diện tích; Các phòng chức năng thiếu rất nhiều, khó khăn trong việc tổ chức thực hành thí nghiệm;  Đồ dùng, thiết bị dạy học ở các trường phổ thông được trang bị đã lâu, nhiều thiết bị đã hư hỏng, không còn sử dụng được.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực chủ động triển khai và tổ chức thực hiện việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học theo hướng tích cực và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức các chuyên đề ở các cấp học để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, đồng thời chỉ đạo và quán triệt đến tất cả cán bộ quản lý các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh; Chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học ngày càng được nâng lên, kết quả các mặt giáo dục được nâng cao; kết quả tốt nghiệp cuối cấp đạt tốt; số học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng.

Các xã, thị trấn tham gia phối hợp trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt quan tâm dành quỹ đất mở rộng diện tích, để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Việc phối hợp với cha mẹ học sinh chăm lo cho công tác giáo dục được thực hiện tốt. Đặc biệt là sự chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và lãnh đạo địa phương thể hiện qua việc quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…Vì vậy hoạt động giáo dục có những chuyển biến tích cực;

Tuy nhiên, trong qua trình triển khai thực hiện việc xây dựng trường chuẩn quốc gia huyện Bình Liêu còn gặp không ít khó khăn nên tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện còn ở mức thấp so với các huyện thị khác trong tỉnh, có 11/27 trường, tỉ lệ 40,74% [trong đó có: 06 trường MN, 03 trường Tiểu học, 02 trường THCS]. Đáng lưu ý là tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn quốc gia của huyện mới đạt 28,57%.    

2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là:  

Công tác tham mưu chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao; Công tác tuyên truyền chưa mang tính chiều sâu; một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và một bộ phận nhân dân chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia;

Nguồn vốn hạn hẹp, đầu tư thiếu tập trung; chưa huy động được nguồn lực đầu tư;

Phần lớn các trường THCS trong huyện còn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thiếu các phòng bộ môn, thiết bị thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi, bãi tập;

Một bộ phận cán bộ quản lý các nhà trường chưa chủ động, sáng tạo, còn trông chờ vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Một số giáo viên chưa thật sự nhiệt tình trong công tác, chậm đổi mới phương pháp dạy học. Chất lượng học tập của học sinh không đồng đều, tỉ lệ học sinh giỏi thấp, học sinh yếu kém cao;

Công tác xã hội hoá giáo dục, sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương còn đối với công tác xây dựng trường chuẩn còn hạn chế, chưa phát huy được nguồn lực trong nhân dân.

Những nguyên nhân chủ yếu trên đã khiến cho công tác xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả thấp.

3. Giải pháp khắc phục khó khăn xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia

Từ thực trạng kết quả công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện trong thời gian qua, để thực hiện thành công chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch chung của huyện và để khắc phục những khó khăn trong việc xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định cần phải thực hiện tốt những giải pháp như sau:

Một là: Tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực quản lý của cán bộ quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ theo Điều lệ trường học; cử cán bộ quản lý theo học các lớp đào tạo trên chuẩn, lớp quản lý nhà nước, lớp bồi dưỡng chính trị; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể và hoạt động giáo dục trong nhà trường; nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Hai là: Tham mưu với huyện cử giáo viên theo học các lớp đào tạo trên chuẩn tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh để nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; Nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; Chỉ đạo các nhà trường tăng cường hoạt động chuyên môn, đổi mới nội dung sinh hoạt tổ, khối nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn; Thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng trong hè theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ba là: Tham mưu với huyện đầu tư kinh phí, quy hoạch diện tích mặt bằng đảm bảo các điều kiện chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị trường học. Có đủ diện tích khuôn viên, sân chơi, bãi tập; Có đủ phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng theo đúng tiêu chí của trường THCS chuẩn quốc gia. 

Bốn là:  Để nâng cao chất lượng giáo dục cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Quan tâm xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ; Tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; Thực hiện tốt kế hoạch, chương trình giáo dục; Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, nâng dần tỷ lệ học sinh khá giỏi về học lực, [hạn chế tỷ lệ yếu kém]; học sinh tốt khá về hạnh kiểm [hạn chế tối đa tỷ lệ yếu].

Năm là: Làm tốt công tác tuyên truyền về công tác xã hội giáo dục để huy động nguồn lực của toàn xã hội [các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các xã, thị trấn,để kha các nhà hảo tâm…] cùng chăm lo đến công tác giáo dục; Xây dựng cơ chế huy động xã hội hoá một cách cụ thể để các nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư CSVC trường học [các hạng mục công trình nhỏ, đồ dùng, thiết bị dạy học…]

Video liên quan

Chủ Đề