Người được xem là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch nổi tiếng thời cận đại là ai

Văn học cận đại Việt Nam tuy có thời gian ngắn ngủi [1900-1945], nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới Văn Học Việt Nam. Giúp Văn Học Việt Nam thoát khỏi lối văn chương Đường luật, biền ngẫu, niêm luật chặt chẽ của Văn Học Trung Đại và là bước đệm quan trọng để tiến lên Văn Học Hiện Đại, hòa nhập cùng dòng chảy chung của văn học thế giới.

Dưới đây là danh sách 58 tác giả tiêu biểu trong nền văn học cận đại Việt Nam được phân thành 2 mục chính nhà thơ – nhà văn:

27 nhà thơ tiêu biểu:

  1. TẢN ĐÀ [19.5.1889 – 7.6.1939] tên thật Nguyễn Khắc Hiếu [阮克孝], là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông. Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.
  2. PHẠM HẦU [02.3.1920 – 03.01.1944]: Nhà thơ, hoạ sĩ, quê huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là nhà thơ tượng trưng, người khổ công đi tìm cái mới. Tác phẩm: chừng 20 bài thơ, trong đó nổi tiếng là Lý tưởng; Vọng Hải đài; Chiều buồn…
  3. SONG THU [1900 – 10.3.1970]: Tên thật là Phạm Thị Xuân Chi, nhà thơ nữ, quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà cộng tác với các báo Đông Pháp thời báo, Thần Chung, in thơ trên các báo Phổ thông, Sinh lực, Phụ nữ đẹp… là tác giả hàng trăm bài thơ bằng tiếng Hán và tiếng Việt nhưng chưa in thành tập riêng.
  4. THANH TỊNH [1911-1988], tên khai sinh là Trần Văn Ninh [6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh], là một nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút danh khác của ông là: Thinh Không, Pathé [trước 1945], Thanh Thanh, Trinh Thuần [sau 1945]. Năm 1936, Thanh Tịnh cho xuất bản tập thơ Hận chiến trường. Năm 1941, ông và hai bài thơ của ông [“Mòn mỏi” và “Tơ trời với tơ lòng”] được Hoài Thanh- Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam [1942].
  5. ĐINH HÙNG [03.7.1920 – 24.8.1967]: Nhà thơ, sinh tại Hà Nội, quê tỉnh Hà Đông [nay thuộc Hà Nội]. Ông để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực: thơ, kịch thơ, truyện dã sử, tuỳ bút, nghiên cứu phê bình văn học, hồi kí… Các tác phẩm: Kinh đô văn nghệ; Mê hồn ca; Đường vào tình sử; Ngày đó có em; Đốt lò hương cũ…
  6. THÂM TÂM [12.5.1917  – 18.8.1950]: Tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, nhà thơ, nhà báo, quê Thành phố Hải Dương. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tác phẩm chính: Tống biệt hành; Ngậm ngùi cố sự; Chào Hương Sơn; Lưu biệt; Vạn lý; Trường thành; Chiều mưa đường số 5.
  7. TỐ PHANG [16.11.1910 – 1983]: Tên thật là Ngô Văn Phát, nhà thơ, quê huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. 6 giải thưởng văn chương trong nước và nước ngoài. Tác phẩm: Cô gái thành; Sao Mai Sài Gòn; Những cuộc bể dâu; Bức tranh vân cầu; 10 bài hoạ lại Khuê phụ thán của Thượng Tân Thị.
  8. PHAN MẠNH DANH [12.12.1866 – 26.4.1942]: Nhà thơ, nhà giáo, dịch giả, hiệu Thế Vọng và Phù Giang, quê Đường Hào, phủ Ân Thi [nay là Ân Thi, Hưng Yên]. Ông nổi tiếng thơ văn, có tài hội họa, dạy học đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Tác phẩm chính: Phù Giang thi tập [gồm 5 quyển: Mấy bức tiêu hoa, Hà Giang nhật trình, Xuân mộng kí; Ðề Thanh tâm lục; Dật thảo]; Phù Giang văn tập, gồm Bút hoa – Kiều tập thơ cổ, Thơ cổ tập Kiều, Thơ chữ tập cổ, Cổ thi trích dịch. Thơ văn ông được tập hợp thành tập Bút hoa thi tập nổi tiếng.
  9. HÀN MẶC TỬ [22.9.1912 – 11.11.1940]: Tên thật là Nguyễn Trọng Trí, nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam; quê Đồng Hới, Quảng Bình, lớn lên ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Tác phẩm chính: Gái quê [1936], Thơ điên [gồm 3 tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên]; Xuân như ý; Lệ Thanh thi tập; Thượng thanh khí; Cẩm châu duyên; Duyên kì ngộ [kịch thơ, 1939]; Quần tiên hội [kịch thơ, viết dở, 1940]; Thơ Hàn Mặc Tử [1942]; Chơi giữa mùa trăng [tập thơ-văn xuôi];  …
  10. THIỀU CHỬU [1902 – 15.7.1954]: Nhà thơ, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu Phật học, tên thật là Nguyễn Hữu Kha, biệt hiệu Tịnh Liễu, Lạc Khổ; quê Đống Đa, Hà Nội. Ông tự học, biết nhiều ngoại ngữ: Hán, Anh, Pháp, Nhật, hiểu sâu về Phật giáo; Ông từng phụ trách tờ báo Đuốc tuệ, tham gia Hội truyền bá quốc ngữ, được Hồ Chủ tịch mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong chính phủ Lâm thời. Tác phẩm chính: Hán – Việt từ điển; Pháp hoa kinh [dịch]; Địa tạng; A Di Đà; Thuỷ sám; Phật học cương yếu; Khoá hư lục; Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính; Con đường Phật học thế kỉ XX;…
  11. JEAN LEIBA [1912 – 1941]: Thường viết tắt là J. Leiba, nhà thơ, tên thật là Lê Văn Bái; sinh ở Yên Bái, quê gốc Nam Trực, Nam Định. Ông đỗ Thành chung, làm thư kí toà sứ Bắc Kì; cộng tác với nhiều báo như Loa, Tin văn, Ngọ báo, Ích hữu, Tiểu thuyết thứ bảy… Tác phẩm chính: Năm qua; Mai rụng; Hoa bạc mệnh; Bến giác; …
  12. NGUYỄN VỸ [1912[*] – 1971]: Nhà thơ, nhà báo, có các bút danh: Tâm Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền; quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông thông thạo tiếng Pháp, viết nhiều báo công kích chính phủ bảo hộ và thực dân Pháp, bị Pháp, Nhật bắt đi tù. Ông chủ trương các báo Tổ quốc, Dân chủ, Dân ta, Bông lúa, tạp chí Phổ thông… Tác phẩm chính: Tập thơ đầu [thơ Việt và Pháp, 1934]; Đứa con hoang [tiểu thuyết, 1938]; Chiếc áo cưới màu hồng [tiểu thuyết, 1957]; Hoang vu [tập thơ, 1962]; Văn thi sĩ tiền chiến [biên khảo, 1970]; Thơ lên ruột [thơ trào phúng,1971]; …
  13. PHẠM HẦU [02.3.1920 – 03.01.1944]: Nhà thơ, hoạ sĩ, quê huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là nhà thơ tượng trưng, người khổ công đi tìm cái mới. Tác phẩm: chừng 20 bài thơ, trong đó nổi tiếng là Lý tưởng; Vọng Hải đài; Chiều buồn…
  14. VÂN ĐÀI [19.1.1903 – 31.12.1964]: Tên thật là Ðào Thị Nguyệt Minh, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến, sinh ra tại Hà Nội, nhưng tổ tiên quê ở xã Hà Mô, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Từng viết thơ đăng các báo như: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa, Đàn bà, Xông pha, Bắc Sơn, Quân du kích… Tác phẩm chính: Hương Xuân [tập thơ, in chung, 1943], Về quê Mẹ [tập thơ, 1960], Những người mẹ năm tốt [diễn ca, 1962], Mùa hái quả [thơ, 1964], …
  15. NGUYỄN NHƯỢC PHÁP [12.12.1914 – 19.11.1938]: Nhà thơ, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội, là con của nhà văn, nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Ông học tại trường Albert Sarraut và đỗ tú tài. Ông làm thơ từ sớm và đã từng viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí. Ông mất năm 24 tuổi tại Hà nội do bệnh thương hàn. Tác phẩm chính: Ngày xưa [tập thơ, 1935], Người học vẽ [kịch, 1936]. Trong đó có bài thơ Chùa Hương nổi tiếng, đã được ca sỹ Trung Đức và giáo sư Trần Văn Khê phổ nhạc.
  16. LAN SƠN [11.4.1912 – 1974]: Nhà thơ, tên thật Nguyễn Đức Phòng, quê Anh Sơn, Nghệ An. Ông làm báo từ rất sớm, là phóng viên và biên tập viên cho nhiều tờ báo như Hải Phòng tuần báo, Phong hoá, Ngày nay, Tinh hoa… Năm 1936, ông cùng Lê Đại Thanh thành lập Đoàn kịch Đại Thanh – Lan Sơn, mở Nhà hát Ca trù ở xóm Quần ngựa [Hải Phòng]. Thơ ông in trên các báo từ cuối những năm 1920, được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam. Tác phẩm chính: Anh với em [tập thơ, 1934].
  17. XUÂN DIỆU [2.2.1916 – 18.12.1985] là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 – 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình“. Ông từng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam [1942].
  18. HUY CẬN [1919 – 2005], bút danh hoạt động nghệ thuật là Huy Cận, là một chính khách, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới, từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hiệp hội Văn học Việt Nam giai đoạn 1984-1995.
  19. T.T.KH [?-?], T.T.Kh là bút danh của một nhà thơ ẩn danh trong phong trào Thơ mới [1930–1945], hiện vẫn chưa rõ lai lịch, giới tính cụ thể. Tác giả của “Hai sắc hoa Ti-gôn” nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
  20. VŨ ĐÌNH LIÊN [1913 – 1996] sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính [còn gọi là sở Đoan] Hà Nội. Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ “Ông đồ” đăng trên báo Tinh Hoa.
  21. TẾ HANH [1921 – 2009] tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn; nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1938, 17 tuổi, ông viết bài thơ đầu tiên: “Những ngày nghỉ học”. Sau đó, ông tiếp tục sáng tác, rồi tập hợp thành tập thơ Nghẹn ngào. Năm 1939, tập thơ này được giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Năm 1941, Tế Hanh và thơ của ông [“Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Vu vơ”, “Ao ước”] được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam [xuất bản năm 1942].
  22. CHẾ LAN VIÊN [1920 -1989], tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”. Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.
  23. THẾ LỮ [10.6.1907 – 3.6.1989]; tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu người Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu [1934]. Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập [1934], ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
  24. LƯU TRỌNG LƯ [1911-1991], là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế [đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế] và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống. Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ mới. Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế. Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.
  25. NGUYỄN BÍNH [1918–1966] tên thật là Nguyễn Trọng Bính; là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam cận-hiện đại.
  26. BÀNG BÁ LÂN [17.12.1912 – 20.10.1988]: Nhà thơ, nhà giáo và nhà nhiếp ảnh; quê thị xã Phủ Lạng Thương [nay là thành phố Bắc Giang]. Ông học trường Bưởi, đỗ Thành chung, về quê sinh sống và bắt đầu làm thơ, chụp ảnh. Tác phẩm chính: Tiếng thông  reo [thơ, 1934]; Tiếng sáo diều [thơ, 1939 – 1945]; Để hiểu thơ [khảo luận, 1956]; Thơ Bàng Bá Lân [thơ, 1957], Tiếng võng đưa [thơ, 1957]; Vài kỉ niệm về mấy thi sĩ hiện đại [hồi kí, 2 tập]; Người vợ câm [tập truyện, 1969]; Vực xoáy [tập truyện, 1969]; Vào thu [thơ, 1969]; Gàn bát sách [phiếm luận, 1969]; …
  27. THÁI CAN [22.10.1910 – 1996]: Nhà thơ, tốt nghiệp bác sĩ năm 1940, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông cộng tác với các báo Phong hoá, Hà Nội, Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm và Văn học tạp chí. Tác phẩm: tập thơ Những nét đan thanh. Từ năm 1941 ông làm thơ bằng tiếng Hán.

32 nhà văn tiêu biểu:

  1. NGUYỄN VĂN NGỌC [01.3.1890 – 26.4.1942]: Hiệu Ôn Như, tự là Đông Trạch, nhà văn, nhà sưu tầm, nghiên cứu văn học, quê Hà Nội. Tác phẩm chính: Cổ học tinh hoa; Đông Tây ngụ ngôn; Nam thi hợp tuyển; Tục ngữ phong dao;  Nhi đồng lạc viên; Câu đối; Đào nương ca; Truyện cổ nước Nam ; Ngụ ngôn…
  2. TAM LANG [26.3.1900 – 1983]: Tên thật là Vũ Đình Chí, nhà báo, nhà văn, quê Hà Nội, là cây bút mở đầu cho thể phóng sự trong văn học Việt Nam. Tác phẩm: tiểu thuyết Giọt lệ sông Hương; Đời Hoàng Oanh; tập truyện ngắn: Một đêm trước; tập phóng sự: Đêm sông Hương; Lọng cụt cán; Người ngợm.
  3. BÙI KỶ [5.1.1888 – 19.5.1960]: Tự Ưu Thiên, hiệu Tử Chương, là nhà giáo, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa có ảnh hưởng trong những năm đầu thế kỷ 20, quê ở Phủ Lý, Hà Nam. Tác phẩm: biên khảo: Quốc văn cụ thể, Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản [soạn chung], Việt Nam văn phạm bậc trung học [soạn chung], Tiểu học Việt Nam văn phạm [soạn chung]; hiệu khảo: Truyện Kiều, Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng..; dịch thuật: Bình Ngô đại cáo, thơ Bà Huyện Thanh Quan, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Tam Quốc chí… sáng tác: Ưu Thiên đồ mặc, Văn chương, Thơ văn Bùi Kỷ…
  4. NGUYỄN PHAN LONG [1889 – 16.7.1960]: Nhà báo, nhà văn, quê Hà Nội. Ông sáng lập và làm chủ nhiệm các báo La Tribune Indochinoise; L’Echo du Vietnam; Việt nam, Đuốc nhà Nam. Ông viết các tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: tập truyện ngắn Cannibale par persuasion [Kẻ ăn thịt người do bị thuyết phục]; Le roman de Mademoise Huê [Cuốn tiểu thuyết của cô Huệ]…
  5. TRƯƠNG MINH KÍ [23.10.1855 – 11.8.1900]: Tên thật là Trương Minh Ngôn, tự Thế Tài, hiệu Mai Nham, học giả, nhà văn, dịch giả, quê Chợ Lớn, Sài Gòn, naylà TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm: Như Tây nhật trình; Méthode pour appredre le français et l’annamite; Quốc ngữ sơ giải; Phú bần truyên diễn ca; Thi pháp nhập môn…; dịch: Chuyện Phang-sa dịch ra quốc ngữ.
  6. VŨ ĐÌNH LONG [19.12.1896 – 14.8.1960]: Nhà viết kịch, quê ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội. Ông chủ trương báo Tiểu thuyết thứ bảy [1934 – 1942]; Tạp chí Tao đàn [1937-1938]; Tuần báo Tuổi trẻ [1941-1943]… Tác phẩm kịch: Chén thuốc độc; Toà án lương tâm; Đàn bà mới; Tổ quốc trên hết.
  7. DƯƠNG LÂM [19.01.1851 – 17.10.1920]: Nhà văn, nhà thơ, em ruột Dương Khuê, quê huyện Sơn Minh, tỉnh Hà Đông [nay là huyện Ứng Hoà, Hà Nội]. Tác phẩm: tập thơ: Vân Đình thi văn tập; tập văn: Vân Đình văn tập; sách giáo khoa: Ấu học Hán tự tân thư, Trung học ngũ kinh toát yếu.
  8. PHAN BỘI CHÂU [26.12.1867 – 29.10.1940]: Tên khai sinh là Phan Văn San, nhà yêu nước, nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Văn chương của ông là kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ý chí của dân tộc, của thời đại. Các tác phẩm của ông được in trong Phan Bội Châu, Toàn tập [10 tập, GS. Chương Thâu chủ biên].
  9. HOÀI THANH [15.7.1909 – 14.3.1982]: Nhà nghiên cứu, lí luận phê bình văn học; tên thật Nguyễn Đức Nguyên; các bút danh: Văn Thiên, Le Nhà Quê, Thời Nhân; quê Nghi Lộc, Nghệ An. Làm báo, viết văn; sau Cách mạng giữ các chức vụ: Tổng thư kí Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam, Vụ trưởng Vụ văn học nghệ thuật Bộ Giáo dục, Viện phó Viện Văn học Việt Nam, Chủ nhiệm báo Văn nghệ… Tác phẩm chính: Văn chương và hành động [1936]; Thi nhân Việt Nam 1932-1941 [cùng viết với Hoài Chân, 1941]; Có một nền văn hoá Việt Nam [1946]; Nhân văn Việt Nam [1949]; Nói chuyện thơ kháng chiến [1951]; Phê bình và tiểu luận [3 tập, 1960, 1965, 1971]; Di bút và di cảo [1993].
  10. PHAN VĂN HÙM [09.4.1902 – 1946]: Nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn, quê Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một, nay thuộc tỉnh Bình Dương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, làm tham tá công chính ở Huế, bị đuổi việc vì tham gia đám tang Phan Châu Trinh; đỗ cử nhân và cao học triết ở Đại học Sorbonne [Pháp]; năm 1939 trúng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kì, bị Pháp đày đi Côn Đảo vì tuyên truyền cách mạng vô sản. Khi Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ, ông bị ám sát. Tác phẩm chính: Ngồi tù khám lớn [kí sự, 1929 – 1943]; Nỗi lòng Đồ Chiểu [gồm tiểu truyện Nguyễn Đình Chiểu và trích lục các tác phẩm, 1937], Biện chứng pháp phổ thông [1937]; Phật giáo triết học [nghiên cứu, 1942], Vương Dương Minh [1944]; …
  11. NGUYỄN VĂN NGỌC [01.3.1890 – 26.4.1942]: Hiệu Ôn Như, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, quê Hà Nội. Ông học trường Sư phạm, dạy học, làm thanh tra trường học, phụ trách Tu thư cục của Nha học chính, làm Đốc học Hà Đông, Hội trưởng Hội Ái hữu, chủ hiệu sách Vĩnh Hưng Long tại Hàng Đường, Hà Nội… Tác phẩm chính: Phổ thông độc bản [1922]; Cổ học tinh hoa [cùng Trần Lê Nhân, 1926]; Đông Tây ngụ ngôn [1927]; Tục ngữ phong dao [1928], Nam thi hợp tuyển [1928]; Đào nương ca [1932], Truyện cổ nước Nam [sưu tầm, nghiên cứu, 1934], Giáo khoa văn học An Nam [1936]; …
  12. PHẠM VĂN KÝ [10.7.1910 – 27.4.1992]: Nhà văn, quê An Nhơn, Bình Định. Ông sớm tham gia phong trào yêu nước của học sinh sinh viên, làm báo, viết văn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đỗ cử nhân và cao học văn khoa đại học Sorbonne; sau thế chiến II phụ trách chương trình giành cho Việt Nam của đài phát thanh và truyền hình Pháp. Ông viết thơ, văn bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Tác phẩm chính: Kiếm hoa [tiểu thuyết]; Huế éternelle [Huế vĩnh cửu, thơ]; Trên đường thiên lý số Một [tiểu thuyết]; Une voix sur la voie [Một tiếng trên đường, thơ]; Perdre la demeure [Đánh mất cội nguồn, tiểu thuyết, 1961]; Poèmes sur soie [Thơ trên lụa, thơ]; Le défi Vietnamien [Sự thách thức của Việt Nam]; Đường về nước [thơ]; …
  13. THẠCH LAM [07.7.1910 – 28.6.1942]: Nhà văn, sinh ở Hà Nội nhưng nguyên quán ở Quảng Nam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ. Ông thuộc nhóm Tự lực văn đoàn, sở trường về truyện ngắn. Tác phẩm chính: Gió đầu mùa [tập truyện ngắn, 1937]; Nắng trong vườn [tập truyện ngắn, 1938]; Ngày mới [truyện dài, 1939]; Theo giòng [bình luận văn học, 1941]; Sợi tóc [tập truyện ngắn, 1942]; Hà Nội băm sáu phố phường [bút kí, 1943]; …
  14. NGUYỄN VĂN VĨNH [15.6.1882 – 01.5.1936]: Nhà báo, nhà văn, dịch giả, có nhiều bút hiệu: Quan Thành, Tân Nam Tử, Lang Gia… Ông quê Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội; từ nhỏ học giỏi, biết nhiều ngoại ngữ; từng được bầu vào Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương; làm Chủ bút các tờ Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, An Nam Nouveau… Tác phẩm chính: Các luận thuyết và ký sự đăng tải trên báo chí: Phận làm dân; Chỉnh đốn cách cai trị dân xã; Nhời đàn bà, Hương Sơn hành trình… Các tác phẩm dịch: Truyện Kiều [sang tiếng Pháp]; Thơ ngụ ngôn La Fontaine [1928], Ba người ngự lâm pháo thủ; Những kẻ khốn nạn, Trưởng giả học làm sang; Người bệnh tưởng, Sử ký thanh hoa; …
  15. HOA BẰNG [30.8.1902 – 06.3.1977]: Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, sử học; tên thật là Hoàng Thúc Trâm, có các bút danh: Sơn Tùng, Song Cối; quê Từ Liêm, Hà Nội. Từ năm 1925 làm ở các tờ báo và tạp chí: Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Tri Tân, Thanh Nghị… Sau đó làm việc ở Viện Sử học [ban Hán nôm]. Tác phẩm chính: Quang Trung anh hùng dân tộc [nghiên cứu, 1944]; Văn chương quốc âm đời Tây Sơn [nghiên cứu, 1948]; Dương Hậu [tiểu thuyết lịch sử, 1949]; Hồ Xuân Hương [nghiên cứu, 1950]; Hán Việt tân từ điển [1951]; Lịch sử xã hội Việt Nam [nghiên cứu, 1959]; …
  16. VŨ TRỌNG PHỤNG [20.10.1912 – 13.10. 1939]: Nhà văn, nhà báo có bút danh Thiên Hư, một trong những cây bút tiêu biểu, quan trọng nhất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại; quê Mĩ Văn, Hưng Yên. Ông từng làm nhiều nghề kiếm sống, làm báo, viết văn. Tác phẩm chính: Không một tiếng vang [kịch, 1931]; Cạm bẫy người [phóng sự, 1933]; Kỹ nghệ lấy Tây [phóng sự, 1934]; Dứt tình [tiểu thuyết, 1934]; Giông tố [tiểu thuyết, 1936]; Vỡ đê [tiểu thuyết, 1936]; Làm đĩ [tiểu thuyết, 1936]; Trúng số độc đắc [tiểu thuyết, 1938]; …
  17. PHẠM QUỲNH [17.12.1892 – 20.8.1945]: Nhà báo, nhà văn, nhà chính trị, hiệu Thượng Chi, Hồng Nhân, Hoa Đường, quê Lương Ngọc, Bình Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp trường thông ngôn, làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, làm chủ bút tạp chí Nam Phong; giữ các chức vụ Ngự tiền văn phòng vua Bảo Đại, thượng thư bộ Học, bộ Lại. Tác phẩm chính: Pháp văn thi thoại [khảo cứu, 1917]; Văn học nước Pháp và khảo cứu về tiểu thuyết [khảo cứu, 1929]; Ôi thiếu niên [dịch, truyện ngắn của G.Courtelin]; Ái tình [dịch, truyện ngắn của Guy de Maupassant]; Ba tháng ở Paris [trước thuật], Bàn về quốc học [bình luận, 1931]; …
  18. LƯƠNG KHẮC LINH [1862 – 1942]: Nhà văn, nhà báo, bút hiệu Lương Dũ Thức, Dự Sử Thị; quê Điện Bàn, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp trường Le Myre de Villers [Mĩ Tho], làm ở Sở Thương chánh rồi toà án tỉnh Bến Tre, được cử vào Hội đồng tư vấn Nam Kì, làm chủ bút các báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn. Tác phẩm chính: Huấn nữ lưu [bài báo]; Thơ ngụ ngôn: Tham ăn mắc bẫy mắc dò; Thương người khác thể thương thân; Chuột hãy còn có nghĩa; Người há chẳng làm nhơn; Cứu vật thì vật trả ơn; …
  19. ĐẶNG TRẦN PHẤT [1902 – 1929]: Nhà văn, bút danh Như Hiền, được coi là người viết tiểu thuyết sớm nhất Việt Nam; quê Từ Liêm, Hà Nội. Ông học trường Albert Sarraut, đỗ Tú tài Tây; làm việc trong ngành bưu điện và mất ở Lào. Những tác phẩm chính: Cành hoa điểm tuyết [tiểu thuyết, 1921]; Một tấm cảm tình [thơ, ký sự, 1922]; Cuộc tang thương [tiểu thuyết, 1923].
  20. KHUÔNG VIỆT [1912 – 26.10.1978]: Nhà văn, nhà báo, tên thật là Lí Vĩnh Khuông, ông còn có các bút danh: Phong Vũ, Việt Hà, Trần Văn Hai; quê Mĩ Tú, Sóc Trăng. Ông đậu Thành chung, làm ở thư viện Sài Gòn, cộng tác viên các báo Tri tân, Mới, Nay… mai… Tác phẩm chính: Lãnh sự Việt Nam ở Sài Gòn [kí sự]; Tôn Thọ Tường [nghiên cứu lịch sử]; Người Nhật với Đông Dương.
  21. LÊ TRÀNG KIỀU [1912 – 1977]: Nhà báo, nhà phê bình văn học, tên thật là Lê Tài Phúng, có các bút danh Lê Tùng, Phan Hữu, Trường Phấn, Trường Thiên, Nàng Lê… ; quê Nam Định. Ông sớm bộc lộ năng khiếu làm phê bình văn học, những bài viết trong cuộc luận chiến thơ cũ thơ mới của ông có ảnh hưởng nhiều đến các nhà văn đương thời; ông lập ra các báo Hà Nội báo, Dân quyền, Ngày nay, Việt báo, Lẽ sống, Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm… Tác phẩm chính: Văn chương và hành động [đồng tác giả với Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư, 1936]; Thơ mới [1936]; nhiều bài về các nhà thơ mới đăng báo chí thời đó; …
  22. NGUYỄN HIẾN LÊ [08.01.1912 – 22.12.1984]: Nhà văn, nhà khảo cứu, quê Quảng Oai, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, sau Cách mạng tháng Tám ông đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo, luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn. Tác phẩm chính: Đại cương văn học sử Trung Quốc [3 quyển, 1955]; Hương sắc trong vườn văn [2 quyển, 1962]; Văn học Trung Quốc hiện đại; Sử kí Tư Mã Thiên [dịch, 1970]; Tô Đông Pha [1970]; …
  23. PHẠM DUY TỐN [1883 – 25.2.1924]: Nhà văn tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An, quê ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường thông ngôn, làm phiên dịch tại Tòa thống sứ Bắc Kì một thời gian rồi xin nghỉ, viết báo, viết văn. Tác phẩm: Bực mình hay Câu chuyện thương tâm [1914], Sống chết mặc bay! [1918], Con người Sở Khanh [1919], Nước đời lắm nỗi [1919], Tiếu lâm An Nam [hai tập, 1924].
  24. LÊ VĂN TRƯƠNG [1906 – 25.2.1964]: Nhà báo, nhà văn Việt Nam thời tiền chiến, còn có bút danh Cô Lý, quê ở làng Đồng Nhân, nay là khu phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp văn chương năm 1931, sau nhiều thăng trầm cuộc đời, được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất với 200 tác phẩm truyện, tiếu thuyết. Tác phẩm chính: Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích [1934], Đưa cháu đồng bạc [tiểu thuyết, 1939], Dưới bóng thần Vệ Nữ [1939], Cô Tư Thung [1942], Những thiên tình hận [1943], Những chợp mắt lịch sử [1958], Những người có sứ mạng [1959], …
  25. DƯƠNG BÁ TRẠC [22.4.1884 – 11.12.1944]: Nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc, quê ở Mễ Sở, Hưng Yên. Ông là con Dương Trọng Phổ [1862-1927], một nhà Nho có tư tưởng tiến bộ; là anh ruột Dương Quảng Hàm [1898-1946] và Dương Tụ Quán [1902-1969]; cả hai đều là nhà giáo tiến bộ thời cận đại. Ông đỗ cử nhân năm 16 tuổi [1900], ông không ra làm quan như những người khác mà ôm chí lớn đi theo các chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Tăng Bạt Hổ… mưu việc giải phóng đất nước. Song song với việc bí mật liên kết với đồng chí mua sắm súng đạn chờ thời cơ, ông còn là một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Do những hoạt động đó, ông bị thực dân Pháp bắt và xử án tù, đầy ra Côn Đảo, sau bị đưa về an trí tại Long Xuyên [Nam Bộ], mãi đến năm 1917 mới được trả tự do. Về sống tại Hà Nội, dù bị thực dân giám sát và mua chuộc, ông vẫn ngấm ngầm lo việc lớn, đồng thời viết báo, soạn sách nhằm bảo tồn, phát huy lịch sử và văn hóa truyền thống dân tộc. Khi quân đội Nhật vào Đông Dương, ngày 29-10-1943, ông bị chúng đưa sang Singapore, đến năm 1944 ông mất tại đó. Tác phẩm chính: Việt Nam tự điển, Việt Nam văn phạm [viết chung], Chữ Nho học lấy, Gia lễ giản yếu, Tiếng gọi đàn [1925], Bức thư ngỏ cùng quan Tổng trưởng thuộc địa, Trai lành gái tốt [truyện thơ, 1924], …
  26. LÊ THANH [1913 – 26.4.1944]: Tên thật là Nguyễn Văn Thanh, nhà văn, nhà phê bình văn học, quê ở làng Cam Đà, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây [nay thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội]. Theo Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm thì Lê Thanh bước chân vào làng văn làng báo từ 1935 với những bài điểm sách cho tuần báo Tin văn. Tác phẩm chính: Tiểu thuyết: Những nấm mộ của thanh niên, Li dị; Khảo cứu, phê bình, tiểu luận: Tú Mỡ [1942], Trương Vĩnh Ký [1943], Cuộc phỏng vấn các nhà văn [l943], Cuốn sổ văn học [l944],…
  27. HỒ BIỂU CHÁNH [1.10.1884/1885 – 4.9.1958]: Tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên, quê ở Kiến Hòa, Định Tường [nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang], là một nhà văn tiên phong của miền Nam Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Từ nhỏ học chữ Hán, lớn lên học chữ Quốc ngữ, từng giữ nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền miền Nam và làm giám đốc một số tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp -Việt. Ông sáng tác văn học từ năm 1909, để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm chính: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch. Tiểu thuyết: Ai làm được [1912], Ái tình miếu [1941], Bỏ chồng [1938], Bỏ vợ [1938], Bức thơ hối hận [1953], …; Thơ: U tình lục [1910], Vậy mới phải [1913], …; Truyện ngắn: Chị Hai tôi [1944], Thầy chùa trúng số [1944], Chuyện lạ trên rừng [1945], …
  28. DOÃN KẾ THIỆN [1894 – 1965]: Nhà báo, dịch giả, bút danh khác: Sở Bảo, Sơn Vân, Long Thành, Tú Sơn, quê ở Quốc Oai, Sơn Tây, nay là Hà Nội. Ông học chữ Hán từ nhỏ nhưng không thi cử, chuyên viết báo và gắn bó với công việc nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội. Ông viết cho nhiều báo trước cách mạng. Tác phẩm chính: Hà Nội cũ, Máu thịt xây thành, Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội, Danh nhân Việt Nam… Ông còn dịch nhiều thơ Đường, thơ Tống.
  29. NGÔ TẤT TỐ [1894 – 20.4.1954]: Nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh [nay thuộc Đông Anh, Hà Nội]. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Tác phẩm chính: Ngô Việt Xuân Thu [dịch, 1929], Hoàng Hoa Cương [dịch, 1929], Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ [truyện ký lịch sử, 1935], Đề Thám [truyện ký lịch sử, viết chung, 1935], Tắt đèn [tiểu thuyết, 1937], Lều chõng [phóng sự tiểu thuyết, 1939-1944], Tập án cái đình [Phóng sự,1939], Thơ và tình [dịch thơ Trung Quốc, 1940], Đường thi [sưu tầm, chọn và dịch, 1940], Việc làng [phóng sự, 1940-1941], Thi văn bình chú [tuyển chọn, giới thiệu, 1941], Văn học đời Lý [tập I], Văn học đời Trần [tập II] [nghiên cứu, giới thiệu, 1942], Lão Tử [biên soạn chung, 1942], Mặc Tử [biên soạn, 1942], Hoàng Lê nhất thống chí [dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942], Trước lửa chiến đấu [dịch, truyện vừa, 1946] …
  30. TRẦN TIÊU [1900 – 1954]: Nhà văn chuyên viết chuyện nông thôn, quê huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, là em trai nhà văn Khái Hưng, viết văn từ năm 1936. Tác phẩm: Con trâu [tiểu thuyết, 1938], Chồng con [tiểu thuyết, 1941], Năm hạn [tập truyện ngắn, 1942], Sau lũy tre [tập truyện ngắn, 1942], Truyện quê [đoản thiên tiểu thuyết, 1942].
  31. NGUYỄN ĐỨC QUỲNH [20.11.1909 – 1974]: Nhà văn, nhà nghiên cứu sử học, quê ở Phù Cừ, Hưng Yên, bút danh khác: Hà Việt Phương, Hoài Đồng Vọng, Vương Thương Thương, Hoài Nam Hoài. Viết báo từ năm 1931, tham gia hoạt động cách mạng và sáng tác, nghiên cứu. Tác phẩm chính: Phong trào Tân Kỳ [khảo cứu, 1920], Ta và Mọi [khảo cứu, 1929], Các dân tộc lạc hậu miền Thượng du [khảo cứu, 1930]… ; Tiểu thuyết: Thằng cu So [1941], Sắt đã vào lò [1943], …; Thơ: Mình với Ta [1930], …
  32. KIỀU THANH QUẾ [1914 – 1947]: Nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học, quê ở huyện Long Ðất [nay thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu], còn có các bút danh Mộc Khuê, Quế Lang, Tô Kiều Phương, Nguyễn Văn Hai. Được đánh giá là một trong số những nhà văn, dịch giả, nhà phê bình có uy tín của miền nam và cũng là người có công đầu xây dựng nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Tác phẩm chính: Hai mươi tuổi [tiểu thuyết, 1940], Ðứa con của tội ác [truyện ngắn], Ba mươi năm văn học [phê bình, 1941], Phê bình văn học [1942], Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam [1943], …

Xem thêm:

Video liên quan

Chủ Đề