Hồn Trương Ba, da hàng thịt truyện dân gian

Hãy so sánh văn bản truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt và  kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ dựa trên các vấn đề lí thuyết mà anh/chị đã học

BÀI LÀM:

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Văn học dân gian hay còn gọi là văn chương truyền miệng "là toàn bộ những sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân". Văn học dân gian có thể chia làm các loại hình chính như: loại hình nói (luận lí) như tục ngữ, câu đố; loại hình kể (tự sự) như các loại truyện dân gian (truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết...); loại hình hát (trữ tình) như ca dao, dân ca; loại hình diễn (kịch) như chèo, tuồng đồ. Trong đó, có một loại hình có khối lượng tác phẩm đồ sộ và mang ý nghĩa sâu sắc, đó là kho tàng truyện cổ tích, nằm trong khối các loại truyện cổ dân gian. Và một câu chuyện cổ tích rất đáng chú ý bàn về vấn đề cải tử hoàn sinh đối với con người, đó là truyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt - một truyện cổ tích độc đáo và hấp dẫn, không lẫn với bất kì một truyện nào khác. Truyện là sự kết hợp giữa cổ tích thần kì và cổ tích thế sự. giữa cái bi và cái hài, cái phi lí và cái có lí. Sau này truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ dựa vào để chuyển thể thành một tác phẩm kịch cùng tên được đem ra công chiếu và được giới phê bình nghiên cứu cũng như dư luận xem là một tác phẩm chuyển thể rất thành công của Lưu Quang Vũ.

2. Giới thiệu về Lưu Quang Vũ và kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh... nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo.

Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1984, công diễn lần đầu tiên năm 1987, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người.

3. Vấn đề chuyển thể.

"Có tích mới dịch nên tuồng", cái tích về Hồn Trương Ba, da hàng thịt trong truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt chính là cái tích để Lưu Quang Vũ dựa vào đó mà xây dựng nên vở kịch cùng tên rất thành công mà ta có ngày nay.

Chuyển thể là một hiện tượng phổ biến và chuyển thể sang kịch là một hiện tượng rất thường gặp. Một số tác phẩm được chuyển thể thành kịch như: Tấm Cám (chuyển thể từ truyện cổ tích), Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ (từ tiểu thuyết).

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm kịch được chuyển thể rất thành công của Lưu Quang Vũ. Có thể nói kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm hoàn thiện của truyện cổ tích cùng tên.

PHẦN NỘI DUNG

1. Khái niệm truyện cổ tích, kịch, chuyển thể

Truyện cổ tích: là "một thể loại truyện dân gian nảy sinh từ xã hội nguyên thuỷ nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp với chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải những vấn đề xã hội, những số phận khác nhau của con người tong cuộc sống muôn màu muôn vẻ khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng, có mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh xã hội quyết liệt.

Khái niệm truyện cổ tích có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều thể loại khác nhau về đề tài và đặc điểm nghệ thuật...có thể phân truyện cổ tích thành ba loại chính: truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cổ tích loài vật" (Từ điển thuật ngữ văn học - Lê Bá Hán, Trần Đỉnh Sử, Trần Đình Sử đồng chủ biên).

Trong đó Hồn Trương Ba, da hàng thịt sự kết hợp giữa truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích sinh hoạt (thế sự). Yếu tố thần kì được thể hiện ở đây là: nhân vật chính vẫn là con người thực tại, nhưng lực lượng thần kì, siêu nhiên có một vai trò rất quan trọng, Nếu không có tiên Đế Thích thì làm sao đặt ra vấn đề cải tử hoàn sinh ở đây được. Còn yếu tố thế sự ở đây là: các mâu thuẫn, các xung đột giữa người với người này được giải quyết một cách hiện thực (sự xuất hiện của ông quan huyện để phán xử) mà không cần đến những yếu tố siêu nhiên.

Kịch: "Ở cấp độ loại hình, kịch là một trong ba phương thức cơ bản của văn học (kịch, tự sự, trữ tình). kịch vừa thuộc sân khấu, vừa thuộc văn học. Nó vừa là để diễn là chủ yếu lại vừa để đọc vì kịch bản chính là phương diện văn học của kịch. Song nói đến kịch là nói đến sự biểu diễn trên sân khấu của các diễn viên bằng hành động, cử chỉ, điệu bộ và bằng lời nói" (Từ điển thuật ngữ văn học - Lê Bá Hán, Trần Đỉnh Sử, Trần Đình Sử đồng chủ biên).

Chuyển thể: "Là chuyển một tác phẩm nghệ thuật từ thể loại này sang thể loại khác" (Bài giảng Chuyển thể kịch bản trong sân khấu - Giảng viên Hoàng Cẩm Giang).

2. Tóm tắt truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt và tác phẩm kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ

Truyện cổ tích: Một người tên là Trương Ba ở nước Nam, tuổi còn trẻ nhưng rất cao cờ; Kỵ Như nghe tiếng vậy, muốn tỉ thí  bèn từ Trung Quốc sang nước Nam, đến nhà Trương Ba để đấu cờ, trong lúc đấu cờ Trương Ba tự cao "Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng hòng gỡ nổi". Vì câu nói của Trương Ba, Đế Thích xuất hiện, Trương Ba thua cờ rồi nhận ra Đế Thích, hai người kết bạn. Trước khi về trời Đế Thích đưa cho Trương Ba mấy nén hương nói khi cần thì thắp hương, ông sẽ xuất hiện. Một hôm, Trương Ba chết đột ngột, người vợ thấy hương giắt trên mái nhà bèn mang ra thắp, Đế Thích xuất hiện, biết Trương Ba đã chết, ông vì tiếc tài cờ và yêu mến Trương Ba, muốn Trương Ba sống lại nên cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt. Anh hàng thịt khi sống lại, đi thẳng về nhà Trương Ba, vợ Trương Ba và vợ anh hàng thịt tranh giành chồng với nhau cuối cùng đem việc đến quan. vợ anh hàng thịt thì căn cứ vào phần xác còn vợ Trương Ba thì căn cứ vào phần hồn để chứng minh, cuối cùng  quan phán xử cho "hồn Trương Ba, da hàng thịt" về nhà Trương Ba.

Kịch: có bảy cảnh và một đoạn kết.

Cảnh 1: Cảnh trên thiên đình (Bắc Đẩu, Nam Tào, Đế Thích)

Cảnh 2: Cảnh dưới hạ giới, nhà Trương Ba (Trương Ba, vợ Trương Ba, chị con dâu, anh con trai, cái Gái, cu Tỵ, Trưởng Hoạt, Đế Thích,

Cảnh 3: Trở lại cảnh thiên đình (Bắc Đẩu, Nam Tào, Đế Thích, vợ Trương Ba)

Cảnh 4: Nhà người hàng thịt (lái lợn 1, vợ người hàng thịt, lái lợn 2, hồn Trương Ba, vợ Trương Ba, Trưởng Hoạt.

Cảnh 5: Hồn Trương Ba và bà vợ (Hồn Trương Ba, vợ Trương Ba, chị con dâu, anh con trai, cái Gái, Lí Trưởng, Trương tuần)

Cảnh 6: Nhà người hàng thịt (Hồn Trương Ba, vợ người hàng thịt)

Cảnh 7: Nhà Trương Ba (Trưởng Hoạt, Hồn Trương Ba, Lí Trưởng, anh con trai, xác hàng thịt, vợ Trương Ba, Đế Thích, Bắc Đẩu, Nam Tào)

Đoạn kết (Vợ Trương Ba, Trương Ba nhập vào cây trong vườn, cái gái, cu Tỵ)

3. So sánh truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt và tác phẩm kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ.

Vì là một tác phẩm truyện cổ tích được chuyển thể sang kịch nên khi tiến hành phân tích, so sánh sẽ thấy rõ được sự khác nhau giữa hai tác phẩm, từ đó thấy rõ được yếu tố chuyển thể ở đây dùng như thế nào, cái gì được kế thừa và cái gì được phát triển, bổ sung thêm, những giá trị cũ được bảo vệ và những giá trị mới được tạo dựng như thế nào, theo phương thức nào.

Ngoài các yếu tố cụ thể cần xem xét khi chuyển thể như: cốt truyện, kết cấu; thời gian, không gian; nhân vật; ngôn ngữ bài viết còn tiến hành so sánh về một số giá trị khác như: xung đột, hành động, nội dung và một số nghệ thuật khác.

3.1. Cốt truyện, kết cấu

Cốt truyện là "Hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản và quan  trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các thể loại kịch và tự sự

Kết cấu là "Toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm"

(Từ điển thuật ngữ văn học - Lê Bá Hán, Trần Đỉnh Sử, Trần Đình Sử đồng chủ biên).

Về cơ bản, cốt truyện của truyện cổ tích và kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là giống nhau, đều là những câu chuyện, mâu thuẫn, xung đột xoay quanh cái chết và sự sống lại của Trương Ba; cốt truyện mang tính xung đột xã hội. Đều là cốt truyện đơn tuyến, chỉ tập trung xoay quanh một vấn đề  cải tử hoàn sinh (trong truyện cổ tích), triết lí nhân sinh (trong kịch).


Truyện cổ tích

Kịch

Cốt truyện

- Mang tính xung đột xã hội

- Mang tính xung đột xã hội, phương diện bộc lộ nhân vật

Kết cấu

- Kết cấu tự sự (kể chuyện), vì thế nên người kể chuyện đóng vai trò kể chuyện, từ đầu đến cuối là lời của người kể chuyện dẫn dắt câu chuyện, những lời thoại của nhân vật, dù có cũng chỉ là do người kể chuyện thuật lại và được đặt trong dấu ngoặc kép. Những cử chỉ, hành động của nhân vật đều được biểu hiện qua lăng kính của người kể chuyện.

- Kết cấu chương hồi,bao gồm hồi, cảnh (nhằm tạo ra sự trùng khớp giữa thời gian, địa điểm và hành động kịch, đồng thời làm cho cái được trình diễn mang màu sắc xác thực của đời sống). Mỗi cảnh có một chủ đề, địa điểm riêng (nhưng vẫn bám sát cốt truyện và phục vụ cho cốt truyện. Ở đây nhân vật tự bộc lộ mình bằng ngôn ngữ, động tác... lời của người dẫn chuyện ở đây rất ít.

- Có kết cấu: phát triển, cao trào, thắt nút, mở nút


3.2. Thời gian, không gian

Thời gian và không gian là hai yếu tố không thể thiếu được trong một tác phẩm văn học, cả tự sự, trữ tình và kịch, không có một tác phẩm nào là không tồn tại yếu tố thời gian và không gian, vì nhân vật đi theo dòng chảy của thời gian và tồn tại trong không gian, là hai yếu tố bám sát nhân vật cũng như câu chuyện. Sự biểu hiện thời gian và không gian trong từng thể loại văn học là khác nhau (vì đặc trưng thể loại), có thể là thời gian tuyến tính có thể không, không gian có thể rộng lớn, nhiều địa điểm hay chỉ xảy ra trong một không gian nhỏ hẹp, nhất quán. Nhưng dù thời gian hay không gian được biểu hiện như thế nào thì đây vẫn luôn là hai yếu tố không thể thiếu được trong một tác phẩm văn học.


Truyện cổ tích

Kịch

Thời gian

- Thời gian tuyến tính

- Với phương thức tự sự tác giả kể lại chuyện xảy ra trong quá khứ, vì thế câu mở đầu của hầu hết các tác giả dân gian đều nói đến tính chất xa xưa của truyện, như "thuở ấy cách đây lâu lắm", "ngày xửa, ngày xưa". Ở tác phẩm này truyện được mở đầu bằng mốc thời gian không rõ ràng: "Ngày xưa".

- Thời gian mang tính phiếm chỉ (chỉ chung, không xác định cụ thể), rất phù hợp cho việc đặt truyện và chuyện kể tự do của tác giả dân gian. Đồng thời cũng dễ nhớ và dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với người nghe truyện. Thời gian được biểu hiện trong truyện này là: "Ngày xưa", Trương Ba - "nhân vật còn trẻ tuổi", "buổi ấy", "bấy giờ", "từ đó", "nhưng một hôm".

- Thời gian không phải là tuyến tính

- Vì được chia thành nhiều hồi, cảnh nên thời gian trong kịch được thể hiện song song, lồng ghép. Trong cùng một thời gian nhưng ở hai địa điểm diễn ra hai sự việc khác nhau (có liên quan đến nhau và bám sát cốt truyện). Ví dụ như trong khi Vợ Trương Ba lên trời thì ở nhà anh hàng thịt, vợ anh hàng thịt đang làm đám tang cho anh hàng thịt với sự tham gia của ai nhân vật: lái lợn 1 và lái lợn 2.

- Trong vở kịch này không đề cập đến thời gian cụ thể diễn ra vở kịch này nhưng những mốc thời gian gắn với nhân vật lại khá rõ: lúc Trương Ba "trạc hơn 50 tuổi".

Không gian

- Không gian trong truyện cổ tích thường mang tính chất phiếm chỉ, ước lệ, nhưng ở tác phẩm này không gian, địa đỉểm lại khá rõ ràng: Trương Ba "ở nước Nam", "Kỵ Như "ở Trung Quốc", đánh cờ tại nhà Trương Ba, đám tang ở nhà anh hàng thịt...

- Không gian cụ thể gắn với từng cảnh:

Cảnh 1: Ở trên thiên đình

Cảnh 2: Ở dưới hạ giới, nhà Trương Ba

Cảnh 3: Trở lại cảnh thiên đình

Cảnh 4:Ở nhà người hàng thịt

Cảnh 5: Hồn Trương Ba và bà vợ ở nhà Trương Ba

Cảnh 6: Ở nhà người hàng thịt

Cảnh 7: Ở nhà Trương Ba

và những không gian, địa điểm nhỏ hơn như: trong vườn, trong nhà, ngoài sân...


3.3 Nhân vật

Nhân vật trong cả hai tác phẩm truyện cổ tích và kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt đều là những nhân vật có tên rõ ràng. Hệ thống nhân vật trong hai tác phẩm này có sự khác nhau:


Truyện cổ tích

Kịch

Nhân vật

- Truyện có số nhân vật không đông đảo, chỉ có sáu nhân vật: hai vợ chồng Trương Ba, hai vợ chồng anh hàng thịt, Tiên Đế Thích, ông quan huyện.

- Nhân vật ở đây không được chú trọng lắm về địa vị xã hội, tuy địa vị xã hội của từng nhân vật như Đế Thích (tiên trên trời), quan huyện, người hàng thịt rõ ràng nhưng về nhân vật Trương ba được giới thiệu ngay ở đầu truyện và xuyên suốt câu chuyện lại không rõ về địa vị xã hội mà chỉ biết là một người chơi cờ cao tay. Điều này cho thấy địa vị nhân vật không được chú trong lắm. Đồng thời không nổi lên rõ ràng về tính cách, thái độ. Điều này là do tính chất của câu chuyện chỉ nhằm phục vụ cho việc nói đến vấn đề cải tử hoàn sinh, cho nên nhân vật đặt ra mang tính chất đại diện cho câu chuyện hơn là để bộc lộ mình. Nhân vật như là phương tiện để truyền tải tư tưởng của truyện là vấn đề cải tử hoàn sinh - chủ đề chính, mọi nhân vật và chi tiết lớn nhỏ trong truyện đều có quan hệ  trực tiếp hoặc gián tiếp với vấn dề này.

- Nhân vật đông đảo (16): Bắc Đẩu, Nam Tào, Đế Thích, Trương Ba, Vợ Trương Ba, anh con trai, chị con dâu, cái Gái, cu Tỵ, Trưởng Hoạt, anh hàng thịt, vợ anh hàng thịt, lái lợn 1, lái lợn 2, Lý trưởng, Trương Tuần.

- Nhân vật ở đây nổi bật với từng tính cách riêng, Số lượng nhân vật đông đảo với nhiều tình tiết nhưng màn kịch không hề bị rối, mỗi nhân vật có tên gọi và địa vị xã hội rõ ràng (Trương Ba - một người làm vườn chất phác hồn hậu, vợ ông và chị con dâu cũng là những người làm nông hiền lành, anh con trai - một tay buôn biết lừa gạt, tráo trở, Nam Tào và Bắc Đẩu là những vị tiên trên trời nhưng quan liêu và vô trách nhiệm, Lý Trưởng cũng đại diện cho quyền lực nhưng gian xảo, vì tiền mà đổi trắng thay đen.

Nhân vật trong tác phẩm kịch hiện lên rõ mồn một, từng nhân vật tạo được ấn tượng đối với khán giả, từng động tác, hành vi, lời nói và cả tính cách. Những yếu tố này hoàn toàn là do nhân vật tự bộc lộ ra, chính nhân vật dùng ngôn ngữ, hành động mà nói ra.

Mặc dù số lượng nhân vật đông đảo, nhiều tuyến nhân vật (vợ chồng Trương Ba làm ăn lương thiện - chính diện; Lý Trưởng gian xảo, Nam Tào, Bắc Đẩu quan liêu, vô trách nhiệm phản diện- phản diện...) nhưng vở kịch không hề bị rối. Chính là do kết cấu hồi, cảnh đã phân chia rõ ràng gianh giới giữa các sự việc (vẫn bám sát với cốt truyện, phục vụ cho cốt truyện.


3.4. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ là một công cụ không thể thiếu để làm nên một tác phẩm văn học, vì ngôn từ dệt nên văn chương, là hình thức tồn tại của văn học.


Truyện cổ tích

Kịch

Ngôn ngữ

- Với kết cấu tự sự, giọng điệu được thể hiện ở đây chủ yếu là giọng kể của tác giả dân gian. Vì vậy, ngôn ngữ thể hiện ở đây chủ yếu là ngôn ngữ kể với giọng điệu trầm, đều.

- Ngôn ngữ ở đây hết sức bình dị, vì là tác phẩm này là do dân gian sáng tác, sáng tác cho đối tượng là dân gian, vì thế ngôn ngữ ở đây bình dân, dễ hiểu.

- Kịch là những màn đối thoại, độc thoại cho nên nổi bật lên là ngôn ngữ đối thoại mang tính khẩu ngữ, cũng gần gũi và quen thuộc với đời sống hàng ngày nhưng một điểm khác là: do kịch là một chuỗi hành động và xung đột mà ngôn ngữ là công cụ của chúng, ngôn ngữ của chính nhân vật, để làm nổi bật nhân vật lên, vì thế ngôn ngữ hết sức sắc sảo, có tính tạo hình, biểu cảm cao, có khi lên đến mức gay gắt, quyết liệt.

- Ngôn ngữ làm nổi bật nhân vật, đối lập với cái nhẹ nhàng, từ tốn của Trương Ba là cái thô thiển, gay gắt của anh hàng thịt, như đoạn: Lúc hồn Trương Ba tỉnh dậy thì Trương Ba có một biểu hiện: "Bức quá! Ngột quá! Tôi ở đâu thế này? Mấy người kia là ai? Quái, tôi ở đâu thế này? Bà nó ơi!", "Quái lạ thật. Mình đang ngồi, bỗng thấy tất cả tối sầm, rồi thấy mình bỗng nhẹ bỗng, như có cái gì kéo mình bay vút lên, rồi tất cả cứ nhoè đi, chập chờn mông lung, mình không cong nhớ gì hết, tỉnh ra thấy ở đâu..." còn anh hàng thịt thì "Mụ vợ tôi đâu? Sao tôi lại ở đây? Mẹ kiếp! Mình đang đau bụng nằm trên giường, mụ vợ đang đi lấy cái hoả lò cho mình! Mụ ấy đâu? Mà hết hẳn đau bụng rồi! Mẹ kiếp, quái thật! Hay là giống như mấy lần trước, mình say rượu rồi lăn cha nó ra đấy ngủ? - Sắp tối rồi! Chết thật, hai con lợn mới xẻ, thịt thà còn vứt bừa ở nhà, khéo ôi ra thì chó nó mua!".

- Sức mạnh tạo hình của ngôn ngữ biểu hiện: "Không! Không phải tôi. Không phải! Không phải tôi! Cái mặt của tôi đâu rồi? Chân tay của tôi đâu rồi?... Ai làm cho mặt mũi người ngợm của tôi thành ra thế này? Đoạn này cho thấy rõ hành động hoảng hốt của Trương Ba.

- Ngôn ngữ hội thoại vừa gần gũi với đời sống, vừa giàu tính nghệ thuật: Lời lẽ của các nhân vật thường ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và ít nhiều mang tính chất khẩu ngữ. họ đối đáp với nhau một cách tự nhiên, giản dị theo cách đối thoại và lời ăn tiếng nói trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên sự giản dị ấy không hề mâu thuẫn với những cách nói giàu ý nghĩa hình tượng và triết lí xâu xa vốn được coi là những phẩm chất ưu việt  của ngôn ngữ nghệ thuật kịch. Xét đoạn đối thoại:

" Bắc Đẩu: quả là... Chúng tôi người cõi giời... Người cõi giời không ai phải chết...

Vợ Trương Ba: - Cho nên các ông làm sao hiểu được chết là thế nào? Một người đang sống, đang làm lụng, cười nói, vui buông, hít thở khí trời, nhìn ngắm cây cối, đang ấm cúng giữa vợ con, nhà cửa, bạn bè thân thích, bỗng đùng một cá, không còn biết gì nữa, không nghe được bất kì lời nói của ai, không làm thêm được bất cứ việc gì, không còn là gì hết, câm lặng, trống không, thân thể tan rữa trong đất lạnh tối tăm... Chao ôi, chồng tôi..."

Lời thoại này của vợ Trương Ba nghe rất giản dị, là những tâm sự từ đáy lòng bột phát ra nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thấm thía.


3.5. Một số phương diện khác


Truyện cổ tích

Kịch

Xung đột

- Xung đột ít, chỉ thể hiện qua đoạn Vợ Trương Ba và Vợ anh hàng thịt tranh giành chồng với nhau.

- Hai người vợ tranh giành chồng với nhau và được quan huyện giải quyết và Hồn Trương Ba về nhà Trương Ba và kết thúc câu chuyện.

- Xung đột là đặc tính của kịch vì thế, xung đột ở đây xảy ra thường trực ngay sự vận động nội tại của những hành động, ngay trong lòng của vở kịch. Xung đột gay gắt nhất là ở cảnh 7, là cảnh có vai trò thắt nút và mở nút.

- Cuộc tranh giành không được giải quyết đơn giản như truyện cổ tích, mà từ đây mọi xung đột mới thực sự bước vào giai đoạn cao trào (cảnh 7).

Hành động

(phụ thuộc vào đặc trưng thể loại)

- Ít hành động

-  Cả vở kịch là một chuỗi hành động, hành động nối tiếp hành động.

Nghệ thuật hư cấu, yếu tố thần kì

- Biểu hiện qua nhân vật Đế Thích (tiên), là nhân vật thần kì duy nhất,  đóng vai trò quan trọng là nhân vật tạo nên yếu tố cải tử hoàn sinh (tuy nhân vật giải quyết vấn đề này là quan huyện).

- Nhiều nhân vật thần kì như: Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích. những nhân vật này đều đóng một vai trò rất quan trọng trong vở kịch. Nam Tào, Bắc Đẩu - quan liêu, vô trách nhiệm, là hậu quả của mọi vấn đề nảy sinh trong truyện mà cần phải giải quyết; Đế Thích là người sửa sai nhưng sửa sai chắp vá nên cũng tạo ra xung đột càng nặng nề hơn. Cuối cùng nhân vật là người tự giải thoát cho mình bằng cái chết (có sự tham gia giúp sức của lực lượng thần kì)

Nội dung

- Vấn đề cải tử hoàn sinh

Cái chết của Trương Ba trong truyện cổ dân gian là một cái chết tự nhiên nhưng vì Ðế Thích tiếc cái tài đánh cờ của ông mà cho ông sống lại trong xác người bán thịt.

chỉ nêu bật hiện tượng hồn của ông Trương Ba nhập vào xác của anh Hàng Thịt

- Triết lí nhân sinh.

Còn cái chết của Trương Ba trong kịch Lưu Quang Vũ thì lại là hậu quả của một hành động ”quan liêu“ của các vị quan chức trên trời là Nam Tào, Bắc Ðẩu

chuyện cổ tích kia đã được kịch tác gia Lưu Quang Vũ kéo dài với hai diễn tả chi tiết: xác -  hồn

Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người

ànghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người,


PHẦN KẾT LUẬN

Những vấn đề của tác phẩm văn học là vô vàn, bài viết chỉ đề cập đến những cái tiêu biểu mà không thể so sánh tất cả các phương diện được. Tuy vậy, với những đặc điểm trên đã cho thấy rõ một tác phẩm đã chuyển thể còn giữ lại được gì so với tác phẩm mà đã được chuyển thể. Kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt thực sự là một kịch bản văn học thành công của Lưu Quang Vũ, nó giữ được những yếu tố cơ bản của cốt truyện và bổ sung, mở ra trước mắt người tiếp nhận bao nhiêu vấn đề mới mẻ của cuộc sống. Do được chuyển thể từ chuyện cổ tích nên nó vừa có tính dân gian truyền thống lại vừa có tính thời sự hiện đại thể hiện tầm hiểu biết của nhà văn. Có thể nói, sự kết hợp giữa nghệ thuật dân gian truyền thống và tính thời sự hiện đại là một sự nổi bật của kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ và Có thể nói kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm hoàn thiện của truyện cổ tích cùng tên.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngọc Ánh sưu tầm và biên soạn, 100 truyện cổ tích Việt Nam, NXB Lao Động

2. Lưu Quang Vũ, Tuyển tập kịch của Lưu Quang Vũ, NXB Sân Khấu

3. Lê Bá Hán, Trần Đỉnh Sử, Trần Đình Sử đồng chủ biên, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo Dục Việt Nam.

CẤU TRÚC BÀI LÀM

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt

2. Giới thiệu về Lưu Quang Vũ và kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

3. Vấn đề chuyển thể.

PHẦN NỘI DUNG

1. Khái niệm truyện cổ tích, kịch, chuyển thể

2. Tóm tắt truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt và tác phẩm kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ

3. So sánh truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt và tác phẩm kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ.

3.1. Cốt truyện, kết cấu

3.2. Thời gian, không gian

3.3 Nhân vật

3.4. Ngôn ngữ

3.5. Một số phương diện khác

PHẦN KẾT LUẬN