Giải pháp de phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới

Giải pháp de phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Việc của cơ quan quản lý là tạo ra sân chơi bình đẳng để thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch - Ảnh: VGPP/HT

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo chí về các giải pháp quản lý và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững.

Chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi lâu dài của nhà đầu tư 

TTCK thời gian gần đây có một số biến động, có những phiên giảm điểm sâu khiến không ít nhà đầu tư bất ổn tâm lý. Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân do các động thái mạnh tay của các cơ quan quản lý với các hành vi vi phạm trên thị trường vừa qua.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm việc với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để khẳng định: "Chúng tôi đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp (DN) đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để được khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động. Từ đó giúp công ty phát triển trở lại".

Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Về quan điểm trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định mục đích của các cơ quan Nhà nước là nhằm bảo đảm cho TTCK phát triển triển lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, DN, nhà phát hành hoạt động bình đẳng. 

Buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã bàn về các giải pháp nhằm ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và TTCK thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.

Bộ Tài chính nhìn nhận, những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định nhằm phát triển minh bạch, bảo đảm việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.

Tôn trọng quy luật, ngăn chặn mặt trái thị trường

Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Với mục tiêu là khiến TTCK lành mạnh, minh bạch, hiện Bộ Tài chính đang triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để hoàn thiện thể chế như đề xuất sửa Luật Chứng khoán, Luật DN, đang trình Chính phủ để ban hành sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, về Luật DN, Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan để các nhà đầu tư khi tham gia phải có sự lựa chọn cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình. Đồng thời các nhà phát hành phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về vấn đề phát hành, tránh thao túng giá trên thị trường.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các công ty kiểm toán phải thực hiện công tác kiểm toán chính xác, đúng đắn, bảo đảm báo cáo kiểm toán đúng và chính xác. 

"Như vậy, Bộ Tài chính áp dụng cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Các công ty kiểm toán trực tiếp kiểm tra công tác kiểm toán của các đơn vị phát hành, đồng thời cũng kiểm tra lại những công ty kiểm toán. Nếu phát hiện sai phạm sẽ rút giấy phép và xử lý các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót. Chúng tôi cho rằng việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ. Đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, DN phát hành", ông Hồ Đức Phớc nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ giám sát chặt quá trình phát hành cũng như quá trình giao dịch trên TTCK. Khi phát hiện bất cập, rủi ro, dấu hiệu sai phạm sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Về quan điểm phát triển TTCK, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng so với nhiều nước có TTCK phát triển hàng trăm năm, TTCK Việt Nam mới phải triển 28 năm nhưng tăng trưởng rất nhanh. Đây là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Hoạt động trên TTCK phải theo quy luật của thị trường nhưng cũng phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định quan điểm TTCK và các hoạt động kinh tế thì phải theo quy luật khách quan của thị trường. Tuy nhiên, phải có sự quản lý của Nhà nước chứ không thể để thị trường phát triển thả lỏng.

Cần có những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật phải được xử lý một cách nghiêm minh.

"Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa và xử lý sai phạm, đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, tức là "tiền phòng-hậu kiểm" để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường lành mạnh và có những giá trị đúng đắn nhất. Đây là một trong những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra để bảo đảm TTCK phát triển lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan trọng là không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Ý kiến của Thủ tướng được nhiều đại biểu, chuyên gia tại Hội nghị đồng tình.

Huy Thắng


Giải pháp de phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới

TTCK Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới

Đây là ý kiến được các chuyên gia trao đổi tại các buổi toạ đàm về thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa qua.

TTCK gặp lỗi nhưng nền tảng vĩ mô vẫn ổn định

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định TTCK Việt Nam đã phát triển "nóng" giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, điều này cũng không phải quá mới vì tình hình này đã diễn ra cả ở Việt Nam và thế giới gian đoạn trước đây.

Trước diễn biến thị trường hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa vẫn tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.

Một trong những căn cứ vị chuyên gia này nhận định như vậy là về kinh tế vĩ mô Việt Nam phục hồi nhanh, ổn định. Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với TTCK, bởi thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Hiện thị trường bức xúc khi các nhóm "thổi giá" hoạt động mạnh mẽ mà không có động thái giám sát, cảnh báo vì những động thái này sẽ giúp tránh được hiện tượng mất niềm tin thị trường.

"Điểm yếu lớn nhất thị trường hiện nay là chưa thực sự minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai, số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn", ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Về tiềm năng, vị chuyên gia này cho rằng, hiện mới chỉ có khoảng 3% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán. Trong khi con số này tại một số nước trong khu vực như Thái Lan hay trên thế giới như Mỹ… cao hơn hàng chục lần.

Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.

Xây dựng cơ chế cho "cá sạch"

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC phân tích: có câu nói "nước trong thì không có cá". Nhưng với riêng TTCK, làm xanh sạch thị trường là ưu tiên hàng đầu.

"Trong sạch không làm mất con cá nào mà có cá sạch, cá an toàn và cá ngon hơn, đây cũng là một bài toán không dễ", ông Trương Thanh Đức nói.

Để quản lý tốt hơn, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không nên để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Vì TTCK dù sao cũng có tính rủi ro cao hơn không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất.

"Trong tương lai, nếu UBCKNN được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng TTCK minh bạch", ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Về thị trường TPDN, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách, nhất là Nghị định 153 sửa đổi, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở ta hầu hết là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

Rồi quá trình DN thành lập bao nhiêu năm hay các vấn đề liên quan như DN có lãi hay không có lãi… Ngoài ra, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn DN phát hành.

Trước mắt, cần quy định các DN phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển các DN xếp hạng tín nhiệm.

Cần phải chú trọng phát triển TTCK chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các DN niêm yết. Đây là những vấn đề rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc DN phát hành trái phiếu phải có đánh giá tín dụng, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cho rằng thị trường TPDN là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng.

"Tôi cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hay quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu. Ở điều kiện tối thiểu nhất của phát hành TPDN thì cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những DN phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này", ông Lê Anh Tuấn bày tỏ ý kiến.

Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đông Á cho rằng thời gian qua, DN phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành. Điều này cho thấy hình thức phát hành này quá dễ dàng. Còn khi phát hành đại chúng phải thông qua UBCKNN, phải được phê duyệt phương án phát hành thì sẽ khó khăn hơn nhiều.

Đó là nguyên nhân hầu hết DN bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, chất lượng hậu kiểm là DN phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỷ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể dễ dàng lách luật giúp chuyển thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Thực tế, dù có mác "chuyên nghiệp" nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về DN mà chỉ thông qua kênh môi giới. Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành TPDN thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro... Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật", ông Huỳnh Anh Tuấn góp ý.

Anh Minh