Dengue fever là gì

Muỗi Aedes aegypti và cách thức lây truyền bệnh SD và SXHD
Sốt dengue [SD] và sốt xuất huyết dengue [SXHD] là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus dengue gây nên.

Virus dengue có 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.

Virus dengue truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Mặc dù có cùng căn nguyên gây bệnh, cùng con đường truyền bệnh, nhưng SXHD có đặc điểm lâm sàng nổi bật là xuất huyết, trụy mạch và dễ tử vong nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời. Trong khi đó SD là bệnh diễn biến lành tính, không có hiện tượng thẩm thấu mao mạch quan trọng.

Chính vì vậy, việc phân biệt giữa SD và SXHD là rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh, từ đó có thể tránh những rủi ro về sức khỏe có thể xảy ra.

Các biểu hiệu và phương pháp xử trí SD:

Người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục và kéo dài từ 2 ngày đến 1 tuần. Kèm theo là các biểu hiện nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, da sung huyết, phát ban, thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Có thể thấy các biểu hiện của xuất huyết như chấm xuất huyết ở dưới da hoặc chảy máu cam.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội.

Xét nghiệm máu thường thấy tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, bạch cầu giảm; không thấy có biểu hiện cô đặc máu [chỉ số Haematocrit bình thường].

Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ [chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi]. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Như vậy biểu hiện xuất huyết không chỉ sốt xuất huyết dengue mới có.

Do đây là bệnh diễn biến lành tính nên phần lớn người bị SD chỉ cần điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế.

Với SD chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu có sốt cao, đặc biệt là trẻ em có thể nguy cơ co giật, vì vậy cần phải dùng thuốc hạ nhiệt kết hợp với lau mát.

Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng paracetamol đơn chất với liều lượng thích hợp cho từng lứa tuổi theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Cấm dùng aspirin, anagil, ibuprofen, acetyl salicylic acid để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Khuyến khích người bệnh bù dịch sớm bằng đường uống, tốt nhất là dùng oresol hoặc nước trái cây như nước dừa, nước chanh, nước cam... Có thể dùng nước cháo loãng pha với muối.

Nếu người bệnh không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước thì cần truyền dịch.

Các biểu hiệu và phương pháp xử trí SXHD

Vệ sinh môi trường và dụng cụ chứa nước sạch sẽ, nằm màn tẩm hóa chất... để phòng chống bệnh SD và SXHD

Người bệnh đột ngột sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Giai đoạn sớm của bệnh không thể phân biệt được với sốt dengue.  

Tuy nhiên, biểu hiện xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi của bệnh dưới nhiều hình thái: Dấu hiệu dây thắt dương tính, xuất huyết tự nhiên ở da, niêm mạc hoặc vết bầm tím ở quanh nơi tiêm chích, các chấm xuất huyết ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn, có thể thấy các mảng bầm tím.

Bệnh nhân có thể thấy chảy máu mũi, máu lợi, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Trường hợp nặng có thể thấy nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Gan của người bệnh SXHD thường to. Do huyết tương thoát qua thành mạch nên có thể thấy hiện tượng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng.

Nếu thấy các dấu hiệu vật vã, lạnh đầu chi, xuất huyết nhiều, nước tiểu ít là các dấu hiệu của tiền sốc. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để điều trị kịp thời.

Trường hợp SXHD có sốc bao gồm tất cả các triệu chứng của SXHD kèm theo nhiệt độ hạ đột ngột, da ở các chi lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ hoặc kẹt, nước tiểu ít.

Triệu chứng sốc thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh.

Biện pháp xử trí với SXHD cần uyển chuyển và tùy vào mức độ của bệnh.

Trường hợp SXHD nhẹ, chưa có dấu hiệu của tiền sốc và sốc, người bệnh được điều trị và theo dõi như đối với SD.

Trong trường hợp đã có dấu hiệu nặng là dấu hiệu chỉ điểm của những diễn biến nhanh, khó lường và phức tạp, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế, bù dịch tích cực kết hợp với các biện pháp điều trị đặc biệt khác nhằm hạn chế các biến chứng và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Nên truyền dịch khi có biểu hiện cô đặc máu mặc dù huyết áp và mạch ổn định. Dịch truyền bao gồm Ringer Lactat hoặc huyết thanh mặn, ngọt đẳng trương.

Vì sao lại phải truyền nước cho bệnh nhân SXHD? Thực tế, SXHD không gây mất nước [hầu hết bệnh nhân SXHD là đủ và thừa nước]. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn máu [20-30% ] nên bắt buộc phải truyền dịch cấp cứu.

ThS. BS Lê Hưng


Hiện nay sốt xuất huyết Dengue đang vào mùa. Triệu chứng của bệnh dễ nhầm với một số sốt virus thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt xuất huyết Dengue [SXHD] là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.

1- Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Nguyên nhân gây bệnh SXHD là do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người, do muỗi mang virus Dengue đốt người. Virus Dengue có 4 type huyết thanh [DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4]. 

Ở Việt Nam có cả 4 type huyết thành này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD type 1 [DEN-1] vẫn có thể mắc các type huyết thanh khác.

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt

Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh SXH. Có hai loại muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti [muỗi vằn] hoặc muỗi Aedes albopictus [muỗi hổ châu Á]. Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.

2- Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết Dengue

Trước đây, phần lớn chúng ta đều cho rằng SXHD là bệnh của trẻ nhỏ bởi hơn 90% các trường hợp mắc sốt xuất huyết xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở Việt Nam, tình hình SXHD đang diễn biến ngày một phức tạp ở cả trẻ nhỏ lẫn người lớn.

Ở lứa tuổi nào cũng vậy, SXHD thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên [giai đoạn 1], các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 – 40 o C trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da [ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi], chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng [đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ]. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục [người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường]. Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

3- Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue

Biến chứng chảy máu mũi khi mắc SXHD.

Sốc

Trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nguyên nhân là do virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Hạ huyết áp

Tiếp đến là biến chứng gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ vong. 

Suy tim, suy thận

Cũng từ các biến chứng trên có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn. Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp. 

Biến chứng mắt

SXHD có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt [dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật]. Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

Biến chứng ở phụ nữ mang thai

Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị SXHD trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai.

4- Nên làm gì để hạn chế biến chứng khi mắc SXHD?

Khi nghi ngờ bị SXHD, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị SXHD cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong trường hợp được bác sỹ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh [nếu có] cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Điều trị và theo dõi SXHD tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sỹ.

Nguồn Báo SKĐS

Admin

Video liên quan

Chủ Đề