Dấu hiệu đặc trưng của bệnh lao là gì năm 2024

Lao là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua ho và hít phải những giọt bắn trong không khí có chứa vi khuẩn. Lao chủ yếu gây bệnh phổi, nhưng nó cũng có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Lao được biết đến là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, bệnh lao vẫn là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia và trong các nhóm dân số có nguy cơ cao.

Nguyên nhân gây bệnh lao?

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn phát triển chậm có tên Mycobacterium tuberculosis. Khi những vi khuẩn này xâm nhập vào phổi, chúng thường được bao bọc thành những nang vô hại (u hạt) trong phổi, gây nhiễm trùng nhưng không gây bệnh. Những nang lao này sau đó có thể “thức dậy” sau hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng thập kỷ rồi gây ra bệnh lao hoạt động.

Ai bị nhiễm lao và mắc bệnh lao?

Những người có nhiều khả năng bị nhiễm lao như sau: (1) Những người gần đây tiếp xúc với người mắc bệnh lao có triệu chứng; (2) Những người sống trong môi trường tập thể với những người có nguy cơ cao; (3) Những người sống hoặc đã sống ở những quốc gia phổ biến bệnh lao; hoặc (4) Những người là nhân viên chăm sóc sức khỏe tiếp xúc với bệnh nhân lao khi không tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp. Nhiều người nhiễm lao không có triệu chứng và có thể không bao giờ mắc bệnh lao được gọi là lao tiềm ẩn (LTBI - latent TB infections). Tuy nhiên, những người bị nhiễm lao có hệ thống miễn dịch yếu hơn do bệnh đái tháo đường, HIV, suy thận hoặc dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch như thuốc ức chế yếu tố TNF-alpha, có thể có nhiều khả năng phát triển bệnh lao thể hoạt động với các triệu chứng của bệnh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao là gì?

Các triệu chứng thường nhẹ và có xu hướng xuất hiện trong một vài tuần, vài tháng hoặc đôi khi nhiều năm. Các triệu chứng bệnh lao ban đầu thường bị nhầm lẫn với triệu chứng ho khan do hút thuốc (smoker’s cough), dị ứng hoặc viêm phế quản mạn tính do nhiễm lạnh hoặc cúm kéo dài. Nhiễm lao thường gây bệnh ở phổi nhưng cũng có thể gây ra vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng kinh điển của bệnh lao phổi bao gồm:

  • Ho kéo dài hơn ba tuần
  • Gầy sút cân không giải thích được
  • Sốt nhẹ
  • Đổ mồ hôi đêm

Nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên kiểm tra với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn.

Chẩn đoán lao như thế nào?

Nhiễm lao tiềm ẩn thường không có triệu chứng, nhiễm trùng phải được chẩn đoán bằng xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm lao bằng test thử trong da (TST - tuberculin skin test) hoặc xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm giải phóng interferon gamma (IGRA). Xét nghiệm lao bằng test thử trong da còn được gọi là xét nghiệm Mantoux hoặc xét nghiệm da PPD vì nguyên liệu được sử dụng trong xét nghiệm tiêm trong da là dẫn xuất protein tinh khiết của vi khuẩn lao (PPD - purified protein derivative). Những xét nghiệm này giúp phát hiện phản ứng miễn dịch của cơ thể chúng ta gắn kết với các thành phần của vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Kết quả dương tính cho thấy một người đã bị nhiễm vi khuẩn lao tại một số thời điểm trong cuộc đời của mình.

Nghi ngờ Bệnh lao trên lâm sàng khi một người có các triệu chứng nêu trên thường cùng với các bất thường trên phim chụp X quang ngực. Nếu nghi ngờ mắc bệnh lao, người bệnh cần được cách ly khỏi cộng đồng cho đến khi chẩn đoán xác định và bắt đầu điều trị vì người đó có thể lây và truyền Mycobacterium tuberculosis cho người khác.

Bệnh lao thường được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp bằng kính hiển vi ba mẫu đờm riêng biệt thường được thu thập vào các ngày khác nhau. Đờm đầu tiên được nhìn dưới kính hiển vi bằng cách sử dụng thuốc nhuộm đặc biệt (AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang) để xem có thể tìm thấy bất kỳ vi khuẩn lao nào không. Xét nghiệm này không phải lúc nào cũng dương tính vì có thể chỉ có một số lượng nhỏ vi khuẩn trong đờm, nên luôn cần phải nuôi cấy đờm. Kỹ thuật nuôi cấy đờm được thực hiện nhằm giúp phát triển vi khuẩn để xác định chẩn đoán và xác định sự kết hợp tốt nhất của các loại thuốc điều trị. Nội soi phế quản đôi khi cần thiết để lấy mẫu bệnh phẩm ở phổi nếu bệnh nhân không có đờm. Ngoài các xét nghiệm này, chụp X-quang ngực và CT ngực được thực hiện để đánh giá bất kỳ tổn thương nào về phổi. Nếu nghi ngờ bệnh lao ở một bộ phận khác của cơ thể, có thể cần một mẫu bệnh phẩm khác hoặc sinh thiết mô tại vị trí tổn thương.

Lao được điều trị như thế nào?

Điều trị nhiễm trùng lao tiềm ẩn bao gồm 1 hoặc 2 loại thuốc uống nhằm tiêu diệt vi khuẩn và giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng tiến triển thành bệnh lao ngay hoặc sau này. Có một số lựa chọn điều trị bao gồm isoniazid uống hàng ngày trong sáu đến chín tháng, rifampin uống hàng ngày trong 3 đến 4 tháng hoặc isoniazid cộng với rifapentine uống mỗi tuần một lần trong 12 tuần. Nếu bạn mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh gan, bác sĩ có thể cần theo dõi các xét nghiệm máu về chức năng gan của bạn để đảm bảo các loại thuốc này không gây ra bất kỳ tác hại nào.

Bệnh lao thường được điều trị bằng 4 loại thuốc chống lao trong ít nhất sáu tháng. Nếu vi khuẩn lao nằm trong xương, não hoặc các khu vực khó tiếp cận khác, việc điều trị sẽ lâu hơn. Điều này có nghĩa là uống 6-12 viên thuốc mỗi ngày! Nhiều bệnh nhân cảm thấy khó khăn khi không có sự hỗ trợ của điều trị dưới sự giám sát trực tiếp (Directly Observed Treatment - DOT) của nhân viên y tế. DOT là tiêu chuẩn chung để điều trị bệnh lao trên toàn thế giới. DOT giúp phát hiện sớm các tác dụng phụ, ngăn ngừa bỏ liều và phá vỡ trong điều trị làm giảm lợi ích của việc điều trị và có thể dẫn đến các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Làm thế nào tôi có thể phòng ngừa bệnh lao?

Lao được lan truyền bởi những giọt nhỏ trong không khí được tạo ra bằng cách ho. Nó không lây lan bằng cách chia sẻ thực phẩm, đồ dùng, đồ uống, tiếp xúc hoặc quan hệ tình dục. Che miệng và mũi khi ho là một cách quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao và các bệnh khác trong không khí. Nếu bạn bị bệnh lao và có ho, điều quan trọng là phải đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi nhân viên chăm sóc sức khỏe nói rằng bạn không còn khả năng lây bệnh. Tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức và phát hiện bệnh lao là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, vì việc điều trị bệnh giúp bạn không lây bệnh và giảm lây truyền.

Tác giả: Monica Campo, MD, MPH, L. Masae Kawamura MD

Nhà phê bình: Jeffrey Starke, MD, Marianna Sockrider MD, DrPH, Charles Dela Cruz, MD, PhD, Hrishkesh Kulkarni, MD

Các bước hành động:

  • Các triệu chứng của bệnh lao sẽ thúc đẩy bạn tìm gặp nhân viên y tế không trì hoãn.
  • Bạn nên hỏi cụ thể về khả năng mắc bệnh lao vì chẩn đoán bệnh lao có thể không nằm trong suy nghĩ ban đầu của nhân viên y tế.
  • Liên lạc với nhân viên y tế của bạn nếu bạn đã tiếp xúc với người mắc bệnh lao. Bạn cũng nên liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn có các triệu chứng của bệnh lao và nếu bạn đã sống, làm việc hoặc đã đi du lịch dài ngày ở một quốc gia hoặc khu vực nơi bệnh lao phổ biến. Ví dụ, Châu Á, Châu Phi, Đông Âu, Trung và Nam Mỹ là vùng lưu hành của bệnh lao, cũng như một số thành phố nội địa nơi người nghèo và người vô gia cư tụ tập.
  • Bệnh lao thường phòng ngừa được! Biết được “tình trạng bệnh lao” của bạn rất quan trọng bởi vì, nếu cần, điều trị nhiễm lao tiềm ẩn sẽ tiêu diệt một số ít vi khuẩn lao trong cơ thể bạn trước khi nó tiến triển thành bệnh lao thể hoạt động.

Nguồn:

World Health Organization http://www.who.int/tb/en/

U.S. Centers for Disease Control https://www.cdc.gov/tb/

U.S. National Library of Medicine–Medline Plus https://medlineplus.gov/tuberculosis.html

Thông tin này là một dịch vụ công cộng của Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ.

Nội dung chỉ dành cho mục đích giáo dục. Không nên sử dụng như sự thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế.