Bản thảo viết tay trang kim là gì năm 2024

Mình là tác giả của 5 cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc“, “Định vị bản thân“, Freelancer – muốn tự do phải tự lo, Một ngày của tôi có 48 giờ và Tìm việc – đừng để bị loại từ vòng gửi xe. Thi thoảng lại có một bạn nhắn tin hỏi mình về chuyện làm sao để xuất bản được một cuốn sách cho riêng mình – nên hôm nay mình dành thời gian viết một bài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bản thân trong chuyện xuất bản sách ở đây, để các bạn đọc lấy động lực có riêng cho mình một cuốn sách sau này về già kể lại cho con cháu nghe nhé.

1/ Nội Dung Gì Thì Có Thể Xuất Bản Được?

Thành thật mà nói: không có giới hạn gì cho nội dung sách có thể xuất bản được hết. Bất kỳ nội dung gì, chủ đề nào cũng có thể thành một cuốn sách được hết. Ví dụ: cách nuôi chó, cách chơi cầu lông, học tiếng Anh, chuyện tình yêu, chuyện trẻ con – bất kỳ cái gì mà bạn có thể viết ra được, và có người khác thích và tìm đọc, thì đều thành sách được hết thôi. Bí kíp số một: Chủ đề mà càng có nhiều độc giả quan tâm thì càng dễ thu hút nhà xuất bản hơn, đấy là lý do chuyện tình yêu và chuyện phát triển bản thân có rất nhiều đầu sách trên thị trường, có cung thì có cầu mà. Tuy nhiên, nhiều người quan tâm không có nghĩa là chủ đề đó hay nhé. Ví dụ mình vẫn đọc những sách về lịch sử, triết học có thể chỉ có vài người biết đến thôi – nhưng bản thân mình vẫn thấy rất hay.

Chốt lại, hãy viết về cái gì mà bạn thích, thực sự quan tâm và đam mê sống chết bỏ bớt thời gian ngủ với nó. Mình quan điểm rằng, khi bạn thật sự thích và quan tâm chủ đề đó, có thể giọng văn của bạn lủng củng (như mình chẳng hạn), nhưng với kiến thức và sự tâm huyết của bạn đặt trong đấy – vẫn có một lượng độc giả nhất định thích.

2/ Cần Chuẩn Bị Gì?

Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, có 2 con đường có thể chuẩn bị như thế này:

Con đường đầu tiên, viết một bản thảo về cuốn sách bạn muốn. Một bản thảo nên có độ dài khoảng 50,000 – 70,000 từ (hoặc 100 – 150 trang A4). Trong bản thảo cũng nên có một phần đề cương các nội dung, sách gồm bao nhiêu phần, mỗi phần nói về cái gì, sách này nhắm đến đối tượng độc giả nào, sách này có điểm gì khác biệt so với các dòng sách tương tự trên thị trường. Khi có bản thảo rồi, bạn có thể gửi bản thảo đến các nhà xuất bản để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ví dụ cụ thể, cuốn “Định vị bản thân” mình viết một lèo trong những ngày Tết 2017, từ đầu tới đít, kể cả lời cảm ơn luôn – được hơn 120 trang. Sau đó mình gửi bản thảo này đến một số nhà xuất bản lớn có nhỏ có, sau khi hơn chục bên từ chối và mình đã hết hi vọng rồi thì lại được một nhà xuất bản to bự nhận lời hợp tác. Sau một thời gian chỉnh qua chỉnh lại vì vài lý do liên quan đến nhân sự, sách của mình được chuyển qua một đơn vị xuất bản khác – may sao cuối cùng cũng ra đời và nhận được sự quan tâm của một bộ phận độc giả nhất định.

Con đường số hai, các bạn xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội trước (quảng cáo tí, xây như thế nào thì tìm đọc sách của mình nè). Đùa vui vậy thôi, nhờ có Facebook, TikTok, YouTube và nhiều kênh mạng xã hội mà bây giờ xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân – trở thành “một người nổi tiếng” không có khó. Bạn chăm làm nội dung (mình gọi là làm nội dung chứ không phải viết, vì nội dung có thể bao gồm viết, video, hình ảnh, vân vân), tập trung vào một chủ đề mà bạn giỏi, học thêm một số cách thức sử dụng công cụ mạng xã hội – dần dần bạn sẽ được một nhóm người, vài nghìn, vài chục nghìn, vài trăm nghìn người biết đến. Như vậy, rất có khả năng một số nhà xuất bản sẽ liên hệ với bạn để đặt hàng một số đầu sách liên quan đến chủ đề mà bạn giỏi.

Lại ví dụ, cuốn “Nhắm mắt bắt được việc” của mình được ra đời như vậy. Ban đầu, mình chỉ chia sẻ trên blog này như các bạn đang đọc thôi. Dần dần nhiều người biết đến mình hơn, nhà xuất bản cũng biết đến mình và thấy rằng kiến thức của mình có thể mang lại thêm giá trị cho nhiều bạn đọc (và thực tiễn là mang lại lợi nhuận cho nhà xuất bản nữa), nên đã liên hệ mình để đặt hàng một cuốn sách về chủ đề tìm việc. Từ đặt hàng mình mới soạn ra đề cương, viết nội dung và cho ra đời cuốn sách như trên đó.

3/ Các Khâu Tiếp Theo Như Thế Nào

Khi bạn đã có bản thảo hoặc được đặt hàng để viết, khâu tiếp theo là làm việc với các nhà xuất bản. Nhà xuất bản ở Việt Nam thì vô cùng nhiều, các bạn có thể đọc bài viết này để biết được danh sách Top 11 Nhà Xuất Bản nổi tiếng nè (cá nhân mình thấy cái danh sách này chưa có đủ và chưa có tên nhiều nhà xuất bản đang làm sách cho giới trẻ).

Các bạn phải hiểu rằng, xuất bản cũng là một lĩnh vực kinh doanh, mà để kinh doanh được thì mỗi đơn vị xuất bản phải định vị cho họ một dòng sách hoặc một hướng đi khác biệt trên thị trường. Ví dụ nếu tinh ý mọi người sẽ thấy sách Nhã Nam khác với sách First News, sách Bloombook khác với sách Skybooks – khác như thế nào thì tự mỗi bạn cảm nhận nhen. Chính vì vậy, khi bạn gửi bản thảo đến một đơn vị và bị từ chối, chưa chắc đã vì bản thảo của bạn không hay – mà là vì bản thảo của bạn chưa phù hợp với định hướng xuất bản của đơn vị đó mà thôi, vậy nên – cứ kiên trì để tiếp tục tìm những cơ hội khác nhé.

Thường sau khi gửi bản thảo, bạn sẽ chờ phản hồi từ ban biên tập của nhà xuất bản. Nếu ban biên tập đồng ý hợp tác, bạn sẽ nhận được hợp đồng để ký rẹt rẹt mỗi bên giữ hai bản và bắt đầu chỉnh sửa lại sách. Việc chỉnh sửa này mất bao lâu và sửa bao nhiêu lần thì – hên xui, tùy chất lượng của nội dung bạn viết, tùy vào tiến độ làm việc của nhà xuất bản. Kinh nghiệm cá nhân của mình là, nhanh nhanh thì cỡ 2 tháng, chậm chậm thì 6 tháng – 1 năm đến vô tận.

4/ Tác Giả Sách Nhận Được Bao Nhiêu Tiền?

Mọi người hay nghĩ rằng tiền là vấn đề nhạy cảm, nhưng với mình thì nó hoàn toàn có thể công khai minh bạch được. Mình từng viết một bài về việc làm blogger kiếm được bao nhiêu tiền ở đây (https://anhtuanle.com/2018/10/05/blogger-kiem-tien-tu-dau/).

Viết sách cũng có thể là một nguồn thu nhập khá, nhưng phải chia sẻ thành thật là để sống hoàn toàn dựa trên thu nhập viết sách thì khó – trừ khi bạn đạt đến trình độ của bác Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn nè.

Thông thường một tác giả mới sẽ được in sách trong khoảng 1000 đến 3000 hoặc 5000 cuốn (tùy thỏa thuận và độ hay cuốn sách của bạn). Tác giả nhận được đâu đó khoảng 10-15% giá bìa của mỗi cuốn (tăng hay giảm sau lần tái bản tùy theo hợp đồng). Vậy nên để áng chừng một tác giả kiếm được bao nhiêu tiền từ cuốn sách đó, bạn có thể tính theo công thức:

Tiền = Số lần tái bản x 10% Giá Bìa x Số Lượng In

Ví dụ, một cuốn sách mình in 3000 bản, bán 70,000 một cuốn – mình sẽ nhận được 21 triệu cho cuốn sách này. Tiền này có thể được trả 100% sau khi sách được in hoặc 50% khi ký hợp đồng, 50% khi in (lại tùy hợp đồng). Bạn chỉ cần viết và nhận tiền thôi, không mất chi phí gì hết cả.

5/ Tự Xuất Bản

Thì như các bạn đã thấy ở trên, một cuốn sách có thể mang lại cỡ 20-30 triệu cho bạn, nghe thì to nhưng cũng chả to lắm. Một năm giỏi lắm viết được 2-3 cuốn là cùng, với số tiền này chưa đủ mua nhà hay ô tô. Vậy muốn giàu hơn từ chuyện viết sách, có một phương án khác – đấy là tự xuất bản.

Tự xuất bản hiểu nôm na là bạn có một bản thảo, bạn mang đến đơn vị xuất bản để làm các thủ tục như xin giấy pháp, hiệu đính, giấy tờ thủ tục này kia – sau khi hoàn tất thì mang đi in. Toàn bộ chỗ này có thể rơi vào khoảng 15-25 triệu cho 1000 cuốn, và bạn tự bỏ tiền ra (con số có thể khác tùy theo sách nhé).

Sau đấy có 1000 cuốn rồi thì…, bạn làm sao thì làm, bán được sách là được. Bạn được ít thì lỗ, bán nhiều thì lãi. Vì bạn toàn quyền sở hữu nên không phải chia chác phần trăm cho ai hết.

Hết rồi, chúc các bạn xuất bản sách của mình nhanh hen.

Nếu bạn cần được tư vấn để xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc hướng nghiệp, có thể đăng ký với Tuấn Anh tại: https://anhtuanle.com/tuvan/