Bài học cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nước Việt Nam trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những bài học còn nguyên giá trị

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng luôn vững mạnh về tư tưởng, xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp; Đảng đã xây dựng tổ chức đảng trong sạch, ăn sâu bám rễ trong quần chúng nhân dân. Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền. Đảng ta đã chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài. Đảng ta biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đảng đã xác định việc giành chính quyền về tay nhân dân trên cơ sở tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức.

Nhờ những quyết sách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, Việt Nam thuộc địa đã giành được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước độc lập, dân chủ đầu tiên tại Đông Nam Á. 

Vận dụng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

Sau bao nhiêu năm, những bài học nêu trên vẫn được Đảng ta ghi nhớ, vận dụng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông có nhiều biến đổi khôn lường khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển ở Việt Nam trở thành nhiệm vụ khó khăn với nhiều thách thức. Cụ thể, Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Khởi đầu là tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc là muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm Biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Hành động này của Trung quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng biển của Việt Nam. Đây chỉ là một vụ việc trong một chuỗi các vụ việc mà Trung Quốc đã và sẽ làm.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…Tại Điều 1, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 thể hiện: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Như vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân; là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Đảng, Nhà nước và dân tộc ta phát triển bền vững. Vận dụng những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương hợp lý.

Đảng và Nhà nước ta xác định giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối cách mạng với phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hiểu một cách tổng quát là, lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi. Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc phương pháp luận biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại. Chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia trên biển - là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái bất biến; để đấu tranh bảo vệ lợi ích thiêng liêng đó, phải linh hoạt - phải ứng vạn biến. Điều đó có nghĩa là giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia là “dĩ bất biến”, còn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thậm chí bằng biện pháp quân sự là “ứng vạn biến”. Đảng và Nhà nước ta thể hiện cho nhân dân thế giới thấy chúng ta chỉ muốn hòa bình, lên án mạnh mẽ hành động phi pháp của phía Trung Quốc dùng xâm lược, vẽ lại bản đồ để khẳng định chủ quyền là việc làm trái đạo lý, trái luật pháp quốc tế, không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay.

 Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải duy trì hòa bình, ổn định thì mới phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm, chúng ta trang bị vũ khí để phòng thủ, tự vệ; xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh thì chúng ta mới có thể tự mình bảo vệ chủ quyền được. Cụ thể, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chính phủ đã tăng cường xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại để vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản…là những việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đã huy động lực lượng toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vào cuộc đấu tranh chung. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã cùng lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã tố cáo hành vi ngang ngược của nhà nước Trung Quốc trên trường quốc tế để tranh thủ dư luận tiến bộ trên toàn thế giới; đồng thời chúng ta kiên trì dùng ngoại giao để các nước có chung quyền lợi trên biển Đông hợp sức với Việt Nam ngăn chặn âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông của Trung Quốc như cách mà Hồ Chủ tịch đã làm trong việc tranh thủ các lực lượng tiến bộ bên ngoài, phát huy nội lực bên trong tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ta kiên trì các giải pháp hòa bình trên cơ sở phát huy nội lực và tuân thủ luật pháp quốc tế; linh hoạt, khôn khéo sử dụng các phương sách từ ngoại giao, pháp lý, đến ứng xử trên thực địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh nội lực là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nội lực là sức mạnh bên trong gồm sức mạnh của nền kinh tế độc lập tự chủ, nền chính trị độc lập tự chủ, sức mạnh quân sự và văn hóa, xã hội của đất nước; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của sự đồng thuận - đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia, là thực lực quốc gia. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tuân thủ pháp luật quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã nhiều lần chủ động gửi công hàm, giao thiệp ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam - hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã nhiều lần gửi thư đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

 Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì, vận dụng đúng đắn những bài học rút ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử nhằm đạt mục đích cuối cùng là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quỳnh Nghi - Tạp chí Cộng sản

1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta cần có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với nhiều kẻ thù, với mọi âm mưu, thủ đoạn hòng tiêu diệt nhà nước công nông non trẻ, cướp đi thành quả cách mạng của nhân dân ta. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhân nhượng nhất định khi ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, nhưng thực dân Pháp vẫn cố tình cướp nước ta lần nữa.
 

Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh tư liệu

Do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do và thành quả của cách mạng. Ngày 19-12-1946, cuộc Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống quân thù. Đảng ta phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, thực hiện kháng chiến đi đôi với kiến quốc. Bước vào kháng chiến, so sánh lực lượng giữa ta và địch hết sức chênh lệch, đặc biệt về kinh tế và quân sự. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ điều đó; đồng thời thấy rõ nguồn sức mạnh tiềm tàng và to lớn của dân tộc, của quần chúng nhân dân một khi quyết tâm đứng lên bảo vệ độc lập, tự do và cuộc sống của mình. Vì thế, “về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”. Đó là cơ sở sức mạnh to lớn để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm đánh giặc, kháng chiến đến cùng. Đồng thời, khẳng định niềm tin và ý chí quyết tâm: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khắp nơi nhân dân ta hăng hái tổ chức đánh chặn địch, thực hiện “mỗi công dân là một chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài”, tạo nên “bức thành đồng” vững chắc của cuộc kháng chiến toàn dân. Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp nhanh chóng bị phá sản. Trong khi đó, quân dân ta giữ gìn và phát triển lực lượng ngày càng lớn mạnh, để cuối cùng có đủ sức mạnh ra đòn quyết định Điện Biên Phủ, đập tan quân xâm lược Pháp.

2. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong tình hình mới có nhiều thuận lợi cơ bản, song gặp không ít khó khăn, thách thức. Phát huy bài học trong Toàn quốc kháng chiến, phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”.

Trước hết là, kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn ngừa, loại trừ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Yêu cầu chính yếu và thượng sách bảo vệ Tổ quốc là, không để đất nước xảy ra chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải thực hiện tốt những biện pháp đối nội và đối ngoại theo phương châm thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đồng thời, giải quyết và xử lý tốt các vấn đề đối tác và đối tượng, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột; tránh bị đối đầu, lệ thuộc, tạo ra “trong ấm” và củng cố “ngoài êm”, bảo đảm đất nước không bị cô lập. Từ đó, tạo thuận lợi cho đất nước khi buộc phải tiến hành chống chiến tranh xâm lược, nếu xảy ra. Tiếp đó là, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Muốn vậy, phải thực hiện cho bằng được: Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Ra sức củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu để lực lượng vũ trang thực sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt chú trọng phát huy bài học về sức dân, xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Bảo đảm cho toàn dân tộc đồng thuận về tư tưởng, cùng một chí hướng, cùng một mục tiêu, cùng một quyết tâm: Trong thời bình thì hăng hái thi đua lao động, sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khi chiến tranh xảy ra, thì cả nước một lòng, triệu người như một, quân với dân một ý chí, tạo nên “bức thành đồng” vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Bài học từ kháng chiến toàn quốc chỉ ra rằng, các thế lực thù địch không khi nào từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng nước ta, chúng ta “càng nhân nhượng”, thì chúng “càng lấn tới”. Mọi sự lơ là, mất cảnh giác đều dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây tổn thất cho cách mạng. Môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi, định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước chỉ có thể có được và giữ vững được, nếu chúng ta kiên quyết đấu tranh và biết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch ra sức thực hiện “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống phá cách mạng nước ta. Điều đó, đòi hỏi chúng ta luôn phải tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.

Video liên quan

Chủ Đề